Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

Sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung mới.

Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều, sửa đổi, bổ sung 184 điều, bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Luật quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, việc quản lý đất đai và chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Việt Nam. Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Cơ quan Nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. Người sử dụng đất. Các đối tượng khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất. Dự luật quy đinh rõ về "Sở hữu đất đai" (điều 5) là: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Khẳng định dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế. Tuy nhiên, nhân việc dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân cũng xuất hiện một số ý kiến lợi dụng việc góp ý để xuyên tạc, gây rối, khuếch đại các vấn đề “nhạy cảm”, phức tạp liên quan đến đất đai nhằm thực hiện mưu đồ chống phá đen tối. Một số trang mạng như Việt Tân, RFA, VOA cố tình xuyên tạc mục đích tốt đẹp của việc sửa đổi Luật Ðất đai.

Họ cho rằng dự thảo Luật lần này là một sản phẩm “chắp vá”, là có tính “lợi ích nhóm”. Chúng bịa đặt việc sửa đổi Luật Ðất đai là “để thao túng thị trường đất đai, nhằm mang lại lợi ích cho những cá nhân hay nhóm lợi ích nhất định chứ không phải vì lợi ích của nhân dân”. Các đối tượng này đã viện dẫn, cắt gọt, xuyên tạc lời của một số lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, bộ, ngành, bịa đặt “trên thực tế hàng chục năm qua có sự cài cắm lợi ích cục bộ vào trong luật”, “do các nhóm lợi ích chi phối nên từ luật pháp đến thực thi có nhiều trở ngại và vướng mắc” dẫn đến “xây dựng luật chắp vá, phải sửa đổi, bổ sung thường xuyên…”. Mục đích cuối cùng là chúng cố tình xuyên tạc mục đích tốt đẹp của việc sửa đổi Luật Ðất đai nói riêng và các bộ luật khác nói chung.

Như chúng ta đã biết, Luật Đất đai 2013 đã qua 10 năm, trong quá trình thực hiện đến nay có nội dung còn bất cập nên việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới để kịp thời gỡ những “điểm nghẽn”, điểm bất cập. Hơn 2 tháng triển khai (3/1/2023 đến nay) đã thu được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, giá trị, thể hiện ý thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Việc lấy ý kiến hiện đang diễn ra rộng rãi trên cả nước, được tổ chức trên các kênh truyền thông, diễn đàn báo chí. Ðiều này không chỉ nhằm phát huy quy chế dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, mà còn là sự huy động trí tuệ nhiều người, tích hợp được nguyện vọng của số đông, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng với việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật.

Việc lấy ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai lần này tập trung vào những vấn đề mà thực tiễn đang đòi hỏi như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quy định về hộ gia đình quản lý sử dụng đất. Đó là những vấn đề cốt lõi, cho thấy những vấn đề thực tiễn đặt ra đã được các nhà soạn thảo luật đưa vào để lấy ý kiến tiếp tục hoàn thiện một cách hết sức nghiêm túc.

Trên thực tế, việc lấy ý kiến dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi Luật Ðất đai không chỉ là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống pháp luật về đất đai mà còn có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc phát triển kinh tế – xã hội, liên quan nhiều quy định pháp luật khác. Nên Luật càng có chất lượng nếu có sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, cũng chính là phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Để góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng xây dựng Luật Đất đai đáp ứng yêu cầu mới, một mặt cần tăng cường thông tin chính thống, kịp thời định hướng đúng đắn về những kết quả góp ý, giải đáp thắc mắc, phản hồi những bức xúc của người dân. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần phối hợp, thực hiện tốt việc quản lý thông tin, đề phòng những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng dân chủ hoặc lợi dụng việc góp ý để chống phá việc xây dựng Luật Đất đai.

NGỌC CƯỜNG - quankhu2.vn - 21.03.2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét