Có một câu nói rất bình dị mà nghe như danh ngôn: "Phụ nữ đẹp làm vui mắt. Phụ nữ đức hạnh làm vui lòng người. Người đẹp là vật báu. Người đức hạnh là kho báu".
Chừng như câu nói đó là của một triết gia, một văn nhân hay nghệ sĩ. Nhưng không. Đó là câu nói của một nhà quân sự, một danh tướng lẫy lừng, từng là hoàng đế nước Pháp vào những thập niên đầu thế kỷ XIX, tướng Napoléon, người đã từng cầm quân tung hoành khắp châu Âu và Bắc Phi, ngay trên đất Nga của Sa hoàng.
Ngợi ca cái đẹp của phụ nữ đâu phải là chuyện của riêng ai, mà
là chuyện của Á-Âu, Đông Tây kim cổ.
Nhưng quan niệm về cái đẹp là gì và ứng xử với cái đẹp như thế
nào thì không phải ai cũng giống ai, nước nào, thời nào cũng vậy.
Đẹp không chỉ là nhan sắc mà còn là phẩm chất. Đẹp, theo từ điển
Tiếng Việt, là có hình thức, phẩm chất làm cho người ta thích nhìn ngắm, ưa
chuộng, kính nể, như phong cảnh đẹp; đẹp người đẹp nết. Đẹp cũng là sự hài hòa
cân xứng: đẹp lòng, đẹp mắt, đẹp mặt, đẹp như Hằng Nga, Tây Thi... Lại có những
ngạn ngữ như: đẹp nết hơn đẹp người, cái nết đánh chết cái đẹp, đẹp phô ra xấu
xa đậy lại... Ngạn ngữ Mỹ có câu: Sắc đẹp là hoa còn đạo đức là quả của cuộc
đời. Phật Thích Ca Mâu Ni dạy: Gươm trần có thể làm cho người ta sợ, nhưng tình
thương (cái đẹp về phẩm chất, đạo đức) mới chiếm được lòng người.
Cái đẹp toàn vẹn là cái đẹp gắn liền với tài hoa.
Với Nguyễn Du, Thúy Kiều không chỉ đẹp vì "Làn thu thủy nét xuân sơn,/ Hoa ghen thua thắm
liễu hờn kém xanh" mà còn tài hoa nữa: "Một hai nghiêng nước nghiêng
thành,/ Sắc đành đòi một tài đành họa hai".
Trong lịch sử nước ta, những người phụ nữ tài sắc vẹn toàn thời
nào cũng có.
Thuở ban đầu dựng nước, Tổ Âu Cơ vốn giống Tiên, mà đã là tiên
thì bao giờ cũng đẹp-đẹp như tiên giáng trần-lấy Lạc Long Quân, người giống
Rồng, đẻ ra một bọc trăm trứng sinh trăm trai. Một bên Tiên một bên Rồng, thủy
hỏa khắc nhau, hai vị thủy tổ đã chia con làm đôi, nửa xuống biển, nửa lên non.
Trong 50 con theo mẹ lên Phong Sơn, người con trưởng được tôn làm Vua gọi là
Hùng Vương. Nước Văn Lang là quốc gia đầu tiên của dòng giống Lạc Hồng.
Đến thời Bắc thuộc, những người phụ nữ tiêu biểu nhất được vinh
danh là Bà Trưng và Bà Triệu. Sử sách không ghi lại nhan sắc nhưng khắc sâu vẻ
đẹp tinh thần, khí phách hiên ngang, uy phong lẫm liệt. Hai Bà Trưng phất cờ
khởi nghĩa (năm 40) với Tuyên ngôn: "Một
xin rửa sạch nước thù,/ Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng". Bà
Triệu có lời thề: "Tôi muốn cưỡi
cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô,
giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp
người ta". Quân Ngô bạt vía kinh hồn phải thốt lên: Hoành qua đương hổ dị/ Đối diện Bà Vương nan.
Nghĩa là: Vung giáo chống hổ dễ/ Giáp
mặt Vua Bà khó.
Thời nước nhà độc lập, tự chủ, nếu kể từ các vương triều Đinh,
Lê (Tiền Lê), Lý đến Trần, Lê (Hậu Lê), Nguyễn, ta cũng bắt gặp rất nhiều gương
mặt phụ nữ với vẻ đẹp vẹn toàn. Tiêu biểu như Thái hậu Dương Vân Nga (thời
Đinh-Lê), Lý Chiêu Hoàng và Ỷ Lan nguyên phi (thời Lý). Như công chúa Huyền
Trân (thời Trần) và công chúa Ngọc Hân (thời Hậu Lê)...
Thái hậu Dương Vân Nga là vợ của Đinh Tiên Hoàng, nhưng sau khi
vua Đinh bị bọn phản nghịch giết chết, thì bà giữ quyền nhiếp chính thay con,
đến khi giặc Tống đưa đại quân xâm phạm bờ cõi nước ta, vì nghĩa lớn, bà đã tự
nguyện khoác áo long bào cho Thập đại tướng quân Lê Hoàn để phá Tống.
Ỷ Lan nguyên phi là vợ vua Lý Thánh Tông vốn là một nữ nông dân
thông minh và nhân hậu, được vua Lý chọn làm phi, và sau khi vua băng hà,
truyền ngôi cho con là vua Lý Nhân Tông lúc mới 7 tuổi, bà đã nhiếp chính. Khi
Tống triều phái đại quân sang xâm lược, Thái hậu Ỷ Lan đã cùng Phụ quốc Thái úy
Lý Thường Kiệt huy động cả dân tộc vào trận, tạo cho thế nước ở đỉnh cao muôn
trượng đè bẹp quân thù.
Huyền Trân công chúa là con gái vua Trần Anh Tông, một mỹ nhân
sắc nước hương trời. Nhưng việc hôn nhân của công chúa lại rất lạ thường.
Chuyện kể rằng tháng 3 năm Tân Sửu (1301) vua Trần Anh Tông làm cuộc viễn du
sang kinh đô Chiêm Thành. Để tăng thêm quan hệ hòa hiếu giữa hai nước
Việt-Chiêm Thành, vua hứa gả con gái cho vua Chiêm. Năm Bính Ngọ (1306), sau
khi nhận lễ vật cầu hôn, vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua
Chiêm là Chế Mân. Chế Mân đem đất Châu Ô, Châu Lý làm vật dẫn cưới và phong
Huyền Trân công chúa làm hoàng hậu...
Cái kết có phần bi lụy. Huyền Trân về đến Chiêm Thành được 11
tháng thì vua Chế Mân chết. Theo tục lệ Chiêm Thành, Hoàng hậu phải lên dàn hỏa
thiêu chết theo. Vua Trần tìm cách giải cứu, cử sứ giả sang Chiêm Thành, đề
nghị tổ chức lễ chiêu hồn của công chúa ở ven bờ biển trước khi đưa lên giàn
hỏa thiêu. Theo kế đó, Thượng thư Trần Khắc Chung đã cho thuyền nhẹ đỗ vào bờ,
cướp công chúa và đưa về Thăng Long.
Ngọc Hân công chúa là con gái vua Lê Hiển Tông, được vua gả cho
vị Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Vua Quang Trung yêu quý Ngọc Hân không chỉ vì
sắc đẹp, nết na mà còn ở tài năng văn chương, nhạc họa. Họ chỉ sống hạnh phúc
được trọn 5 năm, vua băng hà ở tuổi 40, tuổi còn nhiều hứa hẹn. Ngọc Hân đau xé
lòng, khóc chồng bằng bài Ai tư vãn:
... Buồn thay nhẽ, sương
rơi gió lọt,
Cảnh đìu hiu thánh thót châu sa!
Tưởng lời di chúc thiết tha,
Khóc nào nên tiếng thức mà cũng mê
Nói đến triều Tây Sơn, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến tên
một nữ tướng tài danh là Bùi Thị Xuân. Bà ngồi trên bành voi, oai nghiêm cầm
một cánh quân của Tây Sơn ra đánh quân Trịnh ở Bắc Hà.
Cái đẹp của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử là thế. Cái đẹp ấy còn
được kế thừa và phát huy nhiều hơn ở thời cách mạng. Trong tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa
cá nhân" đăng báo Nhân Dân ngày
3/2/1969, Bác Hồ viết: "Trải qua 39 năm đấu tranh oanh liệt... Đảng ta đã
đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng
cảm trong mọi công tác. Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng
cách mạng. Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như
thế".
Trong những con người xứng đáng ấy, số phụ nữ là bao nhiêu? Tôi
không có số liệu cụ thể. Nhưng chắc chẳng thua kém gì nam giới. Chỉ biết rằng
trong những gương mặt tiêu biểu của phụ nữ, có những tên tuổi rất lẫy lừng: các
liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai và Võ Thị Sáu; các anh hùng quân đội và lao động:
Nguyễn Thị Chiên, Mạc Thị Bưởi, Đinh Thị Vân; các chiễn sĩ bất khuất trước đòn
roi của kẻ thù như Trần Thị Lý, Võ Thị Thắng, chủ nhân của nụ cười chiến thắng...
Nổi bật lên trong hàng ngũ lãnh đạo là bà Nguyễn Thị Định, Thiếu tướng, Phó Tư
lệnh Quân giải phóng miền nam thời kỳ chống Mỹ; bà Nguyễn Thị Bình, bà hoàng
của Việt Cộng tại cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, cũng là Bộ trưởng Ngoại giao
của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam; bà Nguyễn Thị
Thập, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... Còn có những trí thức nổi tiếng
như bà Ngô Bá Thành, GS, TS Hoàng Xuân Sính. Và biết bao nhà lãnh đạo cao cấp
ưu tú của Đảng, chính quyền và các đoàn thể qua các thời kỳ.
Chẳng phải đó là những bằng chứng sống động về cái đẹp của phụ
nữ Việt Nam sao?
HÀ ĐĂNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét