Thứ Năm, 2 tháng 3, 2023

TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG CỦA CÁN BỘ ĐẢNG VIÊN

     Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục con người, sự nghiệp trồng người; trong giáo dục đạo đức, Người rất coi trọng phương thức “nêu gương”. Tác dụng nêu gương giữ vai trò rất quan trọng trong việc hình thành đạo đức xã hội, Bác Hồ đã từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người luôn luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi việc, đảng viên đi trước, làng nước theo sau.
    Từ đó, Bác Hồ chỉ rõ: Nêu gương là phương pháp dùng sự việc tốt, con người điển hình tiên tiến, để tác động mạnh mẽ đến người khác, khiến họ khâm phục, tán thành và noi theo. Bản chất của phương pháp nêu gương xét ở góc độ tâm lý chính là sự “bắt chước”, là hiện tượng tự nhiên của con người, họ bắt chước nhau một cách có ý thức, dựa trên những hiểu biết, sự phát triển trí tuệ, kinh nghiệm đạo đức và vốn sống của từng người. Vì thế, lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới. Và để nêu gương thì trước hết bản thân phải làm gương trong mọi công việc, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Phải quyết liệt chống căn bệnh: Nói nhiều làm ít, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo. Trong sự nêu gương không chỉ có nói đi đôi với làm, mà chú ý cả hai mặt “nêu gương nói”và “nêu gương làm”. “Nêu gương nói” là nói ít, nói trúng, nói những vấn đề thiết thực, nói đúng lòng mình, thật tâm, không dối trá. “Nêu gương nói”còn là nêu gương về sự nghiên cứu thấu đáo, nắm vững tình hình. Còn “nêu gương làm”được hiểu một cách đơn giản nhất là dám nghĩ, dám làm, trách nhiệm cao, hiệu quả công việc lớn.
    Trong tiến trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã đưa “nêu gương” trở thành một phương thức lãnh đạo của Đảng và thành phần cốt yếu của văn hóa Đảng. Trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, một trong số nhiều giải pháp quan trọng, nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ, Đảng ta luôn đề cao vai trò “nêu gương” của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp như: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII; Quy định số 101 ngày 07/6/2012 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, Quy định số 55 ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”, Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng”.
    Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng ta về trách nhiệm nêu gương, thiết nghĩ mỗicán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay, nhất là cán bộ chủ trì cần thực hiện tốt các yêu cầu sau:
    Một là, cán bộ chủ trì các cấp phải có tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng. Có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, hiệu quả, thực sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể. Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh, không đổ lỗi, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
    Hai là, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự giác, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII. Việc nêu gương phải theo phương châm “Trên làm gương tích cực, dưới mẫu mực làm theo”, cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới.
    Ba là, việc nêu gương của cán bộ chủ trì phải thể hiện toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với quần chúng; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ... Trong đó, nêu gương về trách nhiệm trong công tác: Cần nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm. Hiểu và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc.
    Thực hiện nêu gương là thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, là cam kết chính trị của cán bộ, đảng viên đối với chính mình và đối với toàn Đảng, toàn dân. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Nếu...từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị”, tích cực góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét