Hoàn thành các dự án là cơ sở giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy thành phố phát triển và hình thành những công trình tiêu biểu trong giai đoạn đổi mới.
Hàng loạt dự án được khơi thông, khởi động

Những tháng đầu năm 2023, TP Hồ Chí Minh đồng loạt khởi công, triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn-Cộng Hòa, Nhà ga hành khách T3 của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nút giao An Phú, vành đai 3, tuyến metro số 1, 2... Trong tháng 2-2023, UBND thành phố cũng phê duyệt danh mục 33 dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn để tập trung thực hiện trong năm 2023 với tổng mức đầu tư hơn 245.000 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách, ODA, phương thức đối tác công tư-PPP), trong đó có 20 dự án đã có quyết định đầu tư. Với ý nghĩa vô cùng lớn của các dự án, từ cuối năm 2022, công tác chuẩn bị, triển khai các dự án được chính quyền thành phố tập trung, huy động nhiều nguồn lực với quyết tâm cao nhất.
Đồng chí Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (TCIP) cho biết: 2023 cũng là năm mở đầu của giai đoạn mới với những dự án trọng điểm chiến lược vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4 cùng nhiều công trình cầu đường dân sinh được chờ đợi khác, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tạo động lực phát triển, khi hoàn thành sẽ là những công trình thiết thực khẳng định thành quả đổi mới của thành phố dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-2025).

 Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đạt 94% khối lượng thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Ảnh: Thanh Toàn

Dự án được triển khai nhiều, nguồn vốn lớn cũng đang đặt ra nhiều thách thức, khó khăn, đặc biệt là về thủ tục đầu tư, thi công, giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư, nguồn nguyên liệu đáp ứng... Chẳng hạn như dự án vành đai 3, chiều dài hơn 76km, ngoài chạy đua với tiến độ khởi công vào tháng 6-2023, đơn vị triển khai dự án đang phải gấp rút kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương lân cận giải quyết nguồn cát san lấp cho dự án. Dự án đường sắt đô thị metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) có chiều dài gần 20km từ Bến Thành đến Depot Long Bình (TP Thủ Đức), với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao đến nay đạt 94% khối lượng, nhưng hiện nay còn vướng mắc về điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, cơ chế tài chính...

Giao trách nhiệm, giám sát tiến độ 

Các dự án trọng điểm được TP Hồ Chí Minh triển khai trong năm 2023 phần lớn nằm ở khu vực cửa ngõ, giải quyết vấn đề cấp bách ùn tắc giao thông, nhu cầu đi lại; mang tính kết nối vùng... Để triển khai các dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, UBND TP Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp quyết liệt, bám sát từng dự án, thúc đẩy tiến độ. Khi chỉ đạo hoạt động khởi công dự án nút giao An Phú (TP Thủ Đức) với tổng vốn đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng, đồng chí Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, dự án là công trình tiêu biểu, sáng tạo trong các dự án giao thông của thành phố, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hoạt động khởi công dự án là cột mốc khởi đầu, yêu cầu các đơn vị tập trung cao độ các nguồn lực, ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để triển khai các gói thầu xây lắp,  bảo đảm an toàn, chất lượng, phát động thi đua hoàn thành toàn bộ công trình, phục vụ người dân thành phố trước ngày 30-4-2025.

Theo đồng chí Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2023, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao cho Sở làm cơ quan thường trực, chủ trì theo dõi, đôn đốc sở, ngành, đơn vị liên quan trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Tình hình các dự án, những vướng mắc ở các dự án trọng điểm sẽ được Sở Giao thông vận tải báo cáo, tham mưu, đề xuất giải pháp định kỳ hằng tháng. Sở cũng phối hợp với các đơn vị triển khai chặt chẽ các bước quản lý, giám sát đối với từng dự án, các đơn vị triển khai phải lập kế hoạch thi công chi tiết, dự phòng thời gian cùng các giải pháp bảo đảm tiến độ về thi công, giải ngân vốn, cũng như quản lý chất lượng công trình.

Một giải pháp được UBND TP Hồ Chí Minh đang áp dụng sáng tạo, mang nhiều ý nghĩa và được hưởng ứng cao là biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những đổi mới, sáng tạo ở từng dự án. UBND thành phố vừa có văn bản yêu cầu thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất áp dụng các giải pháp, sáng kiến trong việc giải quyết nhanh hồ sơ, thủ tục hành chính, mang lại hiệu quả cho dự án... Điểm nổi bật là, đối với cán bộ có sáng kiến thành công đẩy nhanh tiến độ dự án sẽ được khen thưởng vượt cấp, bậc, xem xét đưa vào quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý... đã tạo sự nỗ lực, quyết tâm cao ở các đơn vị triển khai dự án.  

Quyết tâm tạo đột phá chuyển biến về hạ tầng trong năm 2023, tạo nên điểm nhấn trong quá trình thực hiện, mô hình quản lý, huy động nguồn lực cho dự án hạ tầng trọng điểm ở TP Hồ Chí Minh đang tạo những kỳ vọng, động lực phát triển mới, sớm đưa thành phố trở thành đô thị hiện đại, nhiều công trình tiêu biểu hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào tháng 4-2025.

BẢO MINH

nguồn báo QĐND