Cứ đến dịp 19 tháng 5, mỗi người dân Việt Nam lại nhớ đến Chủ tịch
Hồ Chí Minh – Lãnh tụ kính yêu, vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Dù Bác đã đi xa,
nhưng đạo đức, phong cách, tư tưởng của Người vẫn luôn gần gũi với mỗi người
dân Việt Nam; định hướng, soi đường cho mỗi cán bộ đảng viên. Đức và Tài,
“Hồng” và “Chuyên” là một trong những tư tưởng như vậy.
Sinh thời, trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viện, Chủ
tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo bồi dưỡng, giáo dục rèn luyện về mọi mặt cả phẩm
chất chính trị, đạo đức, lối sống, cả trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Những
phẩm chất nhân cách đó của người cán bộ, đảng viên đã được Hồ Chí Minh khái
quát ngắn gọn trong hai chữ Đức và Tài. Từ đó đức và tài đã trở thành tiêu
chuẩn, giá trị cơ bản cho mỗi người cán bộ, đảng viên phấn đấu, rèn luyện và
cũng là tiêu chuẩn cơ bản để xem xét, đánh giá, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, đảng
viên.
Trước lúc đi xa, Người còn căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo
dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ
nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Ở đây, Người đã đi đến một sự khái quát
mới về những phẩm chất, nhân cách của người đoàn viên thanh niên và rộng hơn
của tất cả những người xã hội chủ nghĩa, trong đó có đội ngũ cán bộ, đảng viên là
vừa “hồng” lại phải vừa “chuyên”.
“Hồng” ở đây có thể được hiểu bao gồm cả phẩm chất chính trị, tư
tưởng, đạo đức, lối sống, là lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc,
với nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa; là trình độ giác ngộ mục tiêu; lý
tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng chiến đấu hy
sinh cho mục tiêu, lý tưởng cao đẹp đó. “Hồng” còn thể hiện ở đạo đức cách mạng
cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thể hiện ở lối sống giản dị, trong
sạch, lành mạnh.
“Chuyên” ở đây bao gồm trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
“Chuyên” không chỉ là làm chủ được tri thức khoa học, có sự hiểu biết thấu đáo
về lĩnh vực chuyên môn mà mình hoạt động, mà “chuyên” còn bao gồm cả kỹ năng
thực hành. Dù hoạt động trên bất cứ lĩnh vực chuyên môn nào, thì người có
“chuyên” phải là người có sự hiểu biết thấu đáo và thực hành thành thạo các
công việc mà mình đảm nhiệm. Người chỉ rõ: Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên
chẳng những thạo về chính trị mà còn giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo
chung chung.
Trong khi yêu cầu phải đào tạo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh
niên – những con người xã hội chủ nghĩa phải vừa “hồng”, vừa “chuyên” không
phải ngẫu nhiên mà người đặt chữ “hồng” lên trước. Cũng như khi nói đến đức và
tài, bao giờ người cũng coi “đức” là gốc, và người cách mạng phải có đạo đức
cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang.
Mặt khác, giữa “hồng” và “chuyên” Hồ Chí Minh không xem nhẹ mặt
nào, mà Người yêu cầu cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên vừa “hồng” vừa
“chuyên” không phải chỉ có “hồng” mà không có “chuyên” càng không phải chỉ có
“chuyên” mà không có “hồng” cũng như vừa có đạo đức, lại phải vừa có tài. Có
tài mà không có đức, ví như một anh làm kinh tế, tài chính rất giỏi, nhưng lại đi
đến thụt két, thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có
hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài, ví như ông bụt không làm hại
gì, nhưng cũng không mang lợi ích gì cho loài người.
Là người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân, trong
quá trình giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng rèn luyện cả đức và tài, cả “hồng” và
“chuyên” để không ngừng hoàn thiện nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”. Trong thư gửi Trường
Lục quân Trần Quốc Tuấn, người căn dặn phải ra sức thi đua: luyện tập thân thể
cho mạnh mẽ, nghiên cứu kỹ thụât cho thông thạo, trau dồi tinh thần cho vững
chắc, hun đúc đạo đức người quân nhân cách mạng cho vững vàng. Bởi vì, theo
Người, nếu anh em tư tưởng, chính trị vững vàng, thân thể khoẻ mạnh thì ta nhất
định thắng.
Nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên,
cán bộ, chiến sĩ quân đội, cùng toàn thể nhân dân Việt Nam luôn khắc ghi lời
căn dặn của Bác Hồ; nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh; kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, bôi
nhọ thân thế, sự nghiệp và tư tưởng của Người./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét