Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

Tính nguy hại “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ lý luận

 Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới” đã nhận định: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa được khắc phục có hiệu quả, làm giảm sức chiến đấu của Đảng và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, kể cả trong những lực lượng nòng cốt, gắn bó với Đảng, với chế độ, đã phát sinh một số vấn đề tư tưởng, tâm trạng bức xúc, đáng lo ngại, ảnh hưởng tới tính đồng thuận xã hội. Không phải “vơ đũa cả nắm”, nhưng trong số đó không thể không có cán bộ lý luận như đã luận chứng ở trên. Theo đó, tính nguy hại của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ lý luận là gấp bội phần so với đội ngũ cán bộ khác.

Thứ nhất, đối với cá nhân, “tự diễn biến” là sự chuyển biến nhận thức tư tưởng từ mặt đúng, mặt tốt, mặt vững vàng, trung kiên sang mặt xấu; nếu không phòng, ngừa, ngăn chặn, có thể dần trở thành chống đối và bị kẻ thù lợi dụng. “Tự diễn biến” là điều kiện cần và khi bị kẻ thù lợi dụng là điều kiện đủ để chuyển sang “tự chuyển hóa” - chuyển hóa cả về chính trị, tư tưởng và hành vi.  Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đánh giá: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng”(3). Mấu chốt để nói “tự diễn biến” về tư tưởng chính trị là ở hệ quan điểm, tư tưởng bị tha hóa, chuyển sang lập trường khác với lập trường tư tưởng, chính trị của Đảng, với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Khi đã “tự chuyển hóa” thì trở thành kẻ phản bội cách mạng, chạy sang hàng ngũ của kẻ thù. Nếu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rơi vào cán bộ lý luận vừa là cán bộ lãnh đạo, quản lý, vừa là cán bộ nghiên cứu, giảng dạy và đứng đầu cơ quan truyền thông thì tính nguy hại vô cùng lớn, thậm chí ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân gắn với âm mưu, thủ đoạn của kẻ phản bội Ya-cốp-lép - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên truyền của Ban Chấp hành Trung ương chuyên trách về công tác tư tưởng, thông tin và văn hóa, Trưởng Ban soạn thảo Cương lĩnh mới của Đảng Cộng sản Liên Xô vẫn là bài học đau đớn.

Thứ hai, đối với sự nghiệp cách mạng, nguy hiểm hơn là từ “tự chuyển hóa” con người, đội ngũ cán bộ lý luận có thể dẫn đến “tự chuyển hóa” của cả một tổ chức, nhất là tổ chức đảng và hệ thống chính trị nếu chúng ta không có những biện pháp phòng, chống hữu hiệu. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ lý luận không chỉ ảnh hưởng xấu đến chất lượng đội ngũ cán bộ lý luận của Đảng, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận của Đảng; không những không cung cấp được đầy đủ những luận cứ khoa học cho Đảng hoạch định Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo đúng, mà còn có thể tạo ra nguy cơ không nhỏ nếu trong đội ngũ cán bộ lý luận là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cấp chiến lược vướng vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội... Có người phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và con đường xã hội chủ nghĩa!”(4). Và Đảng ta cũng thẳng thắn nhận định: “Trong Đảng đã xuất hiện các ý kiến khác nhau về một số vấn đề cơ bản liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”(5).

Thứ ba, đối với toàn xã hội: Đội ngũ cán bộ lý luận vướng vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sẽ gây hoang mang, dao động, làm xói mòn, giảm sút lòng tin trong một bộ phận quần chúng với Đảng, Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, đồng thuận xã hội và làm vẩn đục tâm lý xã hội. Đây là hệ lụy đối với xã hội từ những “tấm gương xấu” đó. Về vấn đề này, 65 năm trước, trong bài Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc, ngày 7-9-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Khi học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc vì tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng”(6). Các thế lực thù địch đã và đang tập trung công kích chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mưu toan làm cho một bộ phận cán bộ, nhân dân suy giảm niềm tin đối với chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; làm nảy sinh tâm lý hoặc tư tưởng nghi ngờ những thành tựu trong lịch sử và tương lai của dân tộc, mất lòng tin đối với con đường phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự suy giảm đồng thuận xã hội đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội có thể xem là tác hại lớn nhất với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thậm chí, một số còn mong muốn và trông chờ sự thay đổi về chính trị. Đây là biểu hiện rất nguy hiểm và là nguyên nhân có thể dẫn đến những hành động manh động, những điểm nóng làm mất ổn định chính trị, thậm chí gây đảo lộn trật tự xã hội. Điều này đã từng diễn ra ở Đông Âu và Liên Xô trước đây theo kịch bản “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bạo loạn chính trị, Đảng Cộng sản mất vai trò lãnh đạo, xã hội chệch hướng con đường, mục tiêu phát triển. CST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét