Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

TÔI LÀM GÌ TRÊN CON TÀU KHÔNG SỐ

 Tôi là thủy Thủ mặt boong, tức là làm các công việc trên mặt boong tàu. Tàu Hải Quân tùy loại to, nhỏ, tùy tính năng như tàu chiến đấu mặt nước, tàu phá lôi, tàu vận tải, tàu đánh cá … sẽ có các ngành riêng. Tôi chỉ kể công việc của con tàu 649 thời tôi phục vụ ở đó.

16 thủy thủ được chia thành các ngành làm việc như sau:
Chỉ huy: 03 ( Thuyền trưởng, Thuyền phó, Chính trị viên)
Ngành mặt boong ( ngành của tôi 6 nguoi )
Ngành Máy: Vận hành máy.( 5 người)
Ngành Hàng hải ( Lái tàu 2 người).
Ngành thông tin. Là người sử sụng malip chuyển các mệnh lệnh đã được mã hóa về căn cứ và ngược lại ( 01 người)
Ngành cơ yếu là biến đổi ( Mã hóa ) các mệnh lệnh của thuyền trưởng thành các ký hiệu Mooc để chiến sỹ thông tin chuyển về căn cứ và ngược lại.
Là thủy thủ trên các con tàu biển ai cũng vất vả. Mỗi ngành, mỗi loại đều có đặc thù riêng và nỗi vất vả riêng.
Ví dụ Thợ máy thì suốt ngày ở dưới hầm tàu nóng bức, ngột ngạt vì mùi dầu mỡ sống hôi sì, và mùi dầu cháy khét lẹt. Chịu tiếng ồn ầm ầm phát ra từ dàn máy trong khoang máy và tiếng sóng đập ầm ầm vào thân tàu. Thợ máy cũng là những người dễ hy sinh nhất vì khi tàu chìm, tàu bị bom, tên lửa của địch đánh trúng, họ khó thoát ra nhất.
Thủy thủ boong, chỉ huy tàu và lính Hàng hải nguy hiểm thứ hai nhưng lại dễ hy sinh nhất vì trực tiếp và đầu tiên hứng bom, đạn từ máy bay, tàu chiến địch bắn xuống Theo tổng kết của đoàn, số thủy thủ mặt boong hy sinh chiếm tới 70%.
Công việc của thủy thủ khi đi biển và khi neo đậu ở bến khác nhau nhưng nói chung là bận biụ, đầu sai hay như các cụ nói” Đầu chày đít thớt”.
Khi tàu đi biển thì thủy thủ cũng là pháo thủ, cũng là hàng hải, tức là phải đi ca, phải lái tàu. Khi gặp địch thì chiến đấu. Phải bắn AK, bắn 12ly7. Bắn B40, B41, DKZ theo sự phân công của Thuyền trưởng. Thủy thủ còn phải đứng trên đài quan sát trên cao nhất của con tàu để quan sát bằng mắt thường, bằng ống nhòm xem có tàu, máy bay địch không? Ở trên đài quan sát gió thổi lạnh người, nói với người đứng cách 2 m đã không nghe rõ. Chẳng thế mà áo lính thủy có cái yếm sau lưng. Khi gió to phải dựng cái yếm lên để âm thanh không bị bay theo gió.
Tầu đi biển gặp bão mới khiếp mà đoàn tàu không số chúng tôi lại có trò: Cứ bão là đi vì khi đó tàu địch đi tránh bão hoặc chắc chúng nghĩ tầu đi lúc này chỉ có xuống trình hà bá, nên chuyến đi của chúng tôi lại xuôn sẻ. Địch thì bất ngờ mà ta thì hoàn thành nhiệm vụ.
Sách báo văn thơ thì nói đó là lòng dũng cảm. còn tôi thì cho rằng liều lĩnh, coi trời bằng vung, à ở biển thì phải nói coi biển, coi tử thần bằng vung.
Kệ! cấp trên bảo đi thì ta đi. Nói trộm câu này các bạn đừng nói cho ai nhé, Chính trị viên mà nghe thấy thì còn lâu tôi mới vào đảng được.
Sợ, muốn trốn cũng đeck trốn được. Ở trên bờ, trên đường Trường Sơn, lính bộ binh vào trận mà sợ, mà trốn còn có đường để trốn. Chúng tôi trốn đi đâu? Nhảy xuống biển ư? Đấy cũng là một phần lý do tạo chúng tôi thành anh hùng. Các bạn cứ tưởng tượng quả trứng luộc trong nồi nước sôi bồng bềnh, chao đảo thế nào thì con tàu gặp bão, đi trong gió bão cũng như thế.
Phải thán phục những kỹ sư thiết kế tầu. Con tầu quằn quại, chao đảo trong bão, mũi tầu chui xuống biển, cả một núi sóng đè lên. Những tưởng nó lao thẳng xuống đáy biển. Chân vịt quay xè xè như chong chóng trên mặt nước mà nó không chìm. Ấy thế mà khi đỉnh sóng lên cao nó lại vọt lên như con tàu ma trong phim cướp biển Caribe ấy. Eo ơi sợ lắm! Lúc đầu tôi nhắm mắt, bịt tai lại vì sợ, sau rồi cũng quen. Nếu lúc gặp bão mà phải ra boong thì buộc dây vào thắ lưng quần, đề phòng bị sóng lôi xuống biển.
Tôi chưa được vào đến miền Nam trừ chuyến đến gần quần đảo Hoàng Sa tháng 12/1972, phải quay về do con đường vận chuyển đã bị lộ. Chuyến cuối cùng thành công của tàu tôi là đầu năm 1972 khi tôi chưa nhập ngũ. Tôi nhập ngũ tháng 5/1972 nhưng cũng vinh dự được nếm đủ các vụ gặp sóng to bão lớn trên biển đông rồi. Những bài sau tôi sẽ kể về những điều hóng hớt được của các đàn anh trên tàu. Những người đã nhiều lần đưa hàng vào miền Nam thành công.
Xin kể tiếp! Khi tàu bốc hàng lên bờ, nhận hàng xuống tầu, thủy thủ chúng tôi phải mở hầm hàng, theo dõi, giao, nhận hàng …
Khi tầu cập bến thì phải quăng dây, khi tầu cập mạn, thì phải đệm va.
Khi tầu về bến thì rửa tàu, cạo hà, cạo gỉ sơn bảo dưỡng tàu. Tiếp tục nhận hàng, bơm nước, bơm dầu từ cảng xuống tàu.
Bây giờ kể chi tiết công việc của tôi trên con tàu không số 649.
Mồi dây, quăng dây cập cảng, cập mạn tàu bạn..
Khi tầu cập cảng hoặc cập mạn tầu khác. Chúng tôi ( thủy thủ ) đứng ở mũi, hoặc ở đuôi tầu. Theo lệnh thuyền trưởng hô :
- Quăng dây mũi! Thuỷ thủ đứng ở mũi quăng dây lên cầu cảng hoặc tàu cần cập. Thủy thủ hoặc người trực trên cầu cảng tóm đầu dây, buộc nhanh vào cọc bích là cột nhô lên trên cầu cảng. Thủy thủ trên tầu cong mình kéo cho con tầu áp sát cầu cảng. Một thủy thủ khác chạy dọc thân tàu đệm va cho tàu, thủy thủ khác nhanh chóng cột chặt con tầu lại.
Nếu khoảng cách gần thì dây cột tầu được quăng trực tiếp, nếu xa phải quăng dây mồi. Dây cột tàu có nhiều loại bằng cáp, lõi bằng dây kim loại hoặc bằng dây dứa có đường kính khoảng 2cm đến 5 cm ( cỡ cổ tay trẻ nhỏ). Thủy thủ cuộn cuộn dây, vòng vào tay trái. Tay phải quăng đầu dây lên cảng cho người trên cảng bắt, cột vào cọc bích. Nếu tầu xa cảng không ném dây trực tiếp được thì phải ném dây mồi trước. Dây mồi là một vòng dây dai bằng sợi nylon to hơn chiếc đũa. Đầu dây được tết ( Gọi là chầu ) thành một nắm to tròn hơn đấm tay, giống như quả còn của người dân tộc hay chơi vào dịp tết. Trong lõi quả dây mồi có cục chì nhỏ góp phần cho quả văng nặng hơn, để ném dễ trúng.
Quăng dây cập cảng hoặc cập tàu đòi hỏi phải khỏe, khéo léo nếu không, dây sẽ không ném tới nơi, dây rơi xuống nước, phải kéo lên, ném lại gây khó khăn cho tầu cập cảng, cập mạn. Tôi ban đầu ném dây đã bị mất thăng bằng nhào xuống nước. Anh em trên tầu phải quăng phao kéo lên còn ông thuyền trưởng nóng tính thì quắc mắt như thiêu đốt kèm tiếng quát:
- Đồ tiểu tư sản, đồ ăn hại!
Đệm va: Quả đệm va là một lốp ô tô hoặc một quả hình tang trống đan bằng cây song, mây trên rừng. Khi tầu chạm thành cầu cảng hoặc sườn tàu khác thủy thủ nhanh chóng đưa đệm va vào giữa để thành tầu không bị va chạm làm móp méo vỏ tầu. Lúc cập, quả đệm bằng mây phải có dây dài để nó có thể quay, di chuyển theo chiều tiến, lùi của con tàu. Khi đó nó xoay và kêu ken két, kèn kẹt. Đệm va không đúng kỹ thuật có thể bị nghiền nát cánh tay, cắt đứt bàn tay…
Đo sâu: Khi tàu vào luồng, lạch. Đề phòng bị mắc cạn thủy thủ phải đo sâu. Bên hai mạn tàu luôn gắn những sào tre dài 3m đến 4m sơn đỏ, trắng như Brie chắn tàu xe. Trên sào ghi sẵn các chỉ số 1,5m. 1,8m. 2.0m 2,5m… Khi vào luồng lạch. Thủy thủ đứng bên mạn tàu, sát mũi tàu cầm sào sẵn sàng. Thuyền trưởng hô:
- Do sâu!
Tôi chọc sào xuống mặt nước và kéo lên. Nhìn chỉ số tại vết nước in trên sào đo từ mũi đến chỗ sào còn khô rồi đọc to:
Một mét tám ( 1,8 ). Hai mét hai ( 2,2 )?... Thuyền trưởng căn cứ báo cáo kết quả đo của chúng tôi mà quyết định cho tàu chạy vào tiếp hay lùi lại. Đo sâu cũng rất nguy hiểm. Nước chảy xiết khi chọc sào xuống, nước làm lạng cây sào. Bùn mút ngọn sào có khi còn kéo cả người xuống nước.
Còn một loại đo sâu dùng quả cầu đo. Quả cầu bằng kim loại to cỡ nắm tay. Dây được thắt nút từng đoạn cách nhau 0,5m đến 1 m. Khi đo, thủy thủ thả cầu xuống. Quả cầu nặng chìm ngay xuống đáy. Thấy dây chùng thì đọc chỉ số sát mặt nước nhất. Đo và đọc sai chỉ số có thể dẫn tầu bị mắc cạn. Tàu bị mắc cạn chẳng khác nào con cá nằm trên bờ. Mắc cạn là nỗi kinh hoàng của các thuyền trưởng. Ngoài biển khơi, ở của sông cửa biển tầu có máy đo độ sâu nhưng khi vào lạch bé, nông vẫn phải đo trực tiếp bằng sào, bằng cầu đo như kể trên.
Bảo dưỡng, sơn vỏ tàu sàn tàu:
Tàu hải quân vỏ sắt dày nhưng nếu không kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên vỏ tầu sẽ bị ăn mòn đến thủng.
Sau những chuyến ra khơi chở hàng vào Nam, con tàu bị sóng vùi, sóng dập tươm tả. Về đến bến dù neo hay cập cảng cũng phải làm công việc bơm nước ngọt rửa tàu. Máy bơm công suất lớn bơm nước vọt lên tận đài quan sát. Thủy thủ cho mũi bơm sục khắp ngõ ngách con tàu để " tảy uế " nước mặn đọng ở tầu. Việc làm này tránh cho tầu bị han gỉ.
Tàu nào về cập cảng mà gỉ vàng ươm trên mớn nước là nó đã thành công. Có nghĩa là đã vào đến bến giao được vũ khí đạn dược cho đồng bào miền Nam. Con tàu thì xác sơ, thủy thủ thì nhàu nhĩ, gày guộc, đen thui nhưng ánh mắt họ sáng ngời vì đã TRỞ VỀ, đã HÒAN THÀNH NHIỆM VỤ.
Con tàu nào rời bến đi mà mãi không về, chúng tôi hiểu đã TOI có nghĩa là đã bị tàu Mỹ ngụy bắn chìm hoặc họ phải tự bấm nút tự hủy cho tầu tan thành ngàn mảnh, hoặc tầu bị bắt sống.
Trong 14 năm vận chuyển vũ khí vào miền Nam đoàn TKS chúng tôi đã có 03 con tàu bị địch bắt sống có nghĩa là tàu cùng toàn bộ hàng hóa bị kéo về cảng của địch. Chỉ một số bơi được vào bờ, móc nối cơ sở vượt Trường Sơn quay lại đơn vị, một số bị địch bắt, tù đầy.
Khi đi biển về, hôm sau cả tầu phải bắt tay vào kiểm sửa, bảo dưỡng tàu. Ngành nào kiểm tra, kiểm sửa máy móc, trang thiết bị của ngành đó.
Ngành boong chúng tôi phải làm những việc chính sau:
Sơn lại vỏ ngoài con tàu và mặt boong. Để sơn được mặt ngoài con tàu. Thủy thủ phải treo người bên ngoài bằng những sợi dây. Đu lơ lửng thực hiện chu trình GÕ – CẠO – NẠO – CHẢI – LAU – SƠN vỏ tàu. Có hai dụng cụ luôn có trong tay là BÚA GÕ CẠO GỈ như chiếc cuốc chim . Một đầu nhọn để gõ vào các mụn gỉ sùi trên vỏ tàu cho gỉ bong ra. Một đầu là lưỡi bẹt dùng để nạo, cạo lớp gỉ trên thành tầu. Cạo, nạo xong thì dùng bàn chải sắt trà đi trà lại cho sạch, lấy giẻ khô lau sạch rồi quyét sơn chống gỉ 3 lần. Sơn khô rất nhanh, cuối cùng sơn lại màu cũ của tàu. Cũng sơn hai đến ba lớp.
Treo người sơn vỏ ngoài tầu rất nguy hiểm. Tầu luôn dập dềnh do sóng các tầu khác chạy qua. Nếu treo người không chắc chắn, sẽ bị rơi người xuống nước và bị dòng chảy cuốn đi. Búa cạo gỉ, thùng sơn, chổi sơn bị rơi mất thường xuyên. Trời nắng, nắng chiếu vào người, đầu mặt làm bộ quần áo bảo hộ nóng dòn như chiếc bánh đa nướng. Mồ hôi chảy thành dòng trên lưng, đọng ướt đẫm thắt lương quần.
Sơn mặt Boong thì đỡ vất vả hơn vì không phải treo người. Nắng làm sàn boong bằng thép nóng bỏng như đáy chảo gang. Cái nóng truyền qua đế dày như luộc gan bàn chân. Tôi đã thử đập một quả trứng xúống boong tàu mùa hè. Trứng xèo xèo một lát là chín. Mùi hóa chất pha sơn cũng làm say, choáng váng. Khi tầu lên đốc. Đáy tầu phải sơn loại sơn diệt hà ( là con hà bám vào đáy tầu ) còn độc hại hơn nhiều.
Vá tàu, chống chìm: Vỏ tàu bằng thép dày nhưng việc vỡ vỏ tàu, thủng đáy tầu là những tình huống rất dể xảy ra. Khi vỏ tầu bị nứt, vỡ, thủng do bom đạn của máy bay tàu chiến bắn hoặc các nguyên nhân khách quan khác, Thuyền trưởng hô:
- Chống thủng hầm hàng 1, khoang máy v.v..! Thủy thủ mặt boong phải nhanh chóng mang dụng cụ có sẵn trong khoang mũi ra đến chỗ vỏ tầu bị thủng để vá, chặn chèn sao cho nước không vào được. Vết nứt, thủng ở dưới mớn nước là nguy hiểm nhất. Càng ở sâu dưới mặt nước, do áp suất, nước phun vào trong tàu rất mạnh, cột nước vọt vào người vào mặt rát bỏng. Yêu cầu thao tác chống nứt, chống thủng phải thật nhanh. Chúng tôi đã bị thủng vỏ tầu vài lần do tàu đâm vào cột sắt ngầm ở nơi bốc hàng. Rất vất vả mới bịt được vết nứt, thủng.
Khi phát hiện vết thủng, nứt ở khoang nào, Thủy thủ chúng tôi tìm vật chèn nút. Vật chèn nút thường bằng gỗ thông tròn, đầu vát nhọn, có các kích thước khác nhau. Tùy lỗ thủng, vế nứt mà chọn vật nút cho phù hợp. Đút vật chèn nút vào lỗ thủng, lấy búa tạ đánh vào đít nút cho nó ăn sâu vào lỗ thủng rồi dùng miếng cao su, miếng thép mỏng lót vào. Dùng cây tăng đơ lín cố định để vật nút không bị áp suất nước làm bật ra. Để gia cố cột chống, tăng do. Chân cột chống được hàn vào khung tàu. Như vậy dù sóng to gió lớn cũng không bật chỗ vá ra được.
Trên biển khơi, khi xuất hiện các vết nứt, thủng thì cả tàu phải tập trung chống, bít, chặn để nước không tràn vào làm chìm tàu. Sau khi tạm bịt các vết thủng, hoa tiêu, thuyền trưởng phải tìm một cảng gần nhất để đến sửa chữa, hàn, vá mới đi tiếp được.
Đây là những công việc chính tôi phải làm trên con tầu không số năm xưa. Ngoài ra còn vô vàn những việc không tên khác như nấu ăn, tuần tra, gác đêm, vệ sinh phòng ngủ, đánh rửa lau chùi WC, cầu tõm ngoài trời V.V.…
Xin hẹn các bạn ở các câu chyện sau về Thuyền trưởng, Chính trị viên, Thợ máy, Báo vụ, Cơ yếu… những người tôi đã hóng chuyện.
Hai năm sống với cái chết cập kề trên con tàu không số là những ký ức sục sôi ghi đậm trong ký ức tôi. Nó cũng là niềm vinh dự tự hào của tôi. Viết ra cho các bạn được biết.
Truyện của tôi cũng có thể cũng là truyện của thế hệ lính thủy trước 30/4/1975.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét