Đầu năm 1970, cấp trên điều động Sư đoàn 1 mà ông Trần Văn Trân (lúc bấy giờ mang quân hàm Đại tá) làm Tư lệnh rời Tây Nguyên vào chiến trường Nam Bộ.
Để chuẩn bị cho một trận đánh lớn, ông cùng tổ trinh sát đi điều nghiên trước. Khi đến khu vực kênh Vĩnh Tế (Châu Đốc, An Giang), mượn màn đêm che phủ, ông quyết định vượt kênh. Tại đây, địch bố trí các trạm gác của lính bảo an dày đặc và ca nô quần thảo trên sông suốt ngày đêm. Mặc dù đã khéo léo ngụy trang và lựa thời cơ để hành động nhưng không may đội hình bị lọt vào ổ phục kích của một đại đội biệt kích Mỹ. Mặc dù Tư lệnh Sư đoàn 1 Trần Văn Trân chỉ huy đơn vị đánh trả quyết liệt, song do lực lượng địch quá đông, bộ đội ta liên tục thương vong. Bản thân ông cũng bị thương nặng, biết có thể sẽ bị bắt, ông vội với lấy túi thuốc của người y tá đã hy sinh bên cạnh quàng lên người trước khi ngất lịm. Bọn địch đến gần kiểm tra, phát hiện ông còn thở liền đưa về Cần Thơ. Chúng thu được trên người ông một khẩu CKC, một túi cứu thương y tá, bên trong ngoài băng gạc còn có cao hổ, cao khỉ và giấy tờ mang tên Nguyễn Văn Thương, Thượng sĩ đông y.
Mặc cho kẻ thù liên tục dùng nhục hình tra hỏi và các thủ đoạn bức cung, ông một mực khẳng định mình chỉ làm y tá, chuyên đi hái lá thuốc Nam trên rừng và nấu cao hổ. Dù địch nghi ngờ và tiến hành thử thách, kiểm tra chuyên môn làm y tá nhưng ông đều vượt qua. Không thu hoạch được gì, chúng đưa ông về giam giữ, chuyển qua nhiều nhà tù, từ Cần Thơ đến Hố Nai, Biên Hòa. 3 năm bị bắt làm tù binh là hơn 1.000 ngày căng thẳng đấu tranh, lừa địch, ông đã thành công khiến kẻ địch không hề phát hiện ra ông là cán bộ cấp cao của Quân đội ta. Tại nhà tù, ông còn được đồng đội tin cậy giao trọng trách Bí thư Chi bộ nhà tù.
Về phía ta, sau khi Tư lệnh Trần Văn Trân bị bắt, ta đã cử người đi tìm quanh khu vực diễn ra trận đánh nhưng không thấy nên tưởng rằng ông đã hy sinh trên dòng kênh Vĩnh Tế. Nhưng sau đó, đồng chí Phạm Hùng, bấy giờ là Bí thư Trung ương Cục miền Nam nhận được mật báo từ cơ sở: “Hiện trong nhà tù Cần Thơ có một tù binh tên là Thương, khai có hai em tên là Viên, Uynh”. Sau nhiều ngày suy nghĩ, khớp nối, cuối cùng đồng chí Phạm Hùng cũng luận ra, người tù tên Thương ấy chính là Tư lệnh Sư đoàn 1 Trần Văn Trân, vì Viên là Chính ủy Sư đoàn 1 Nguyễn Viên, Uynh là Phó tư lệnh Sư đoàn. Không thể để cho địch biết thân thế của đồng chí Trần Văn Trân, trên quyết định nghi binh, cho Sư đoàn 1 tổ chức lễ truy điệu đồng chí Tư lệnh. Mùa hè năm 1970, trong “nỗi đau thương vô hạn”, phu nhân của Tư lệnh Trần Văn Trân là cô giáo Võ Thị Bích Hà nhận được giấy báo tử và di vật của chồng là một chiếc đài bán dẫn do Tổng cục Chính trị bàn giao. Chiếc đài sau này được gia đình trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Ngày 18-3-1973, theo Hiệp định Paris, đồng chí Trần Văn Trân được trao trả tại sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Khi ông lên bờ, đã có xe của Quân khu 4 đón sẵn. Đến tận lúc này, đối phương mới nhận ra mình bị hố vì đã để “lọt lưới” một cán bộ cao cấp của Quân đội ta mà đến phút cuối khi trao trả mới biết. Chỉ vài tháng sau khi được trở lại đội hình, cấp trên quyết định bổ nhiệm ông làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341. Đây là điều hy hữu đối với một cán bộ bị địch bắt vừa trở về đã được trao quyền cầm quân chỉ huy chiến đấu. Mùa xuân 1975, Sư đoàn 341 do ông chỉ huy trong đội hình Quân đoàn 4 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sau này, ông lần lượt giữ các chức vụ: Phó tư lệnh Quân đoàn 4, Phó giám đốc Học viện Lục quân Đà Lạt, Tham mưu phó, rồi Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia...
Ông Trần Văn Trân có gương mặt đẹp nam tính, dáng người cao to, tính cách khẳng khái, quyết liệt, mà lại hài hước, dí dỏm, rất dễ gần. Tôi nhớ, cuối năm 1989, mẹ vợ tôi ở TP Hồ Chí Minh bị hen phế quản. Ông Trân nhắn tôi lên nhà ông ở Làng Đại học (Thủ Đức), để ông lấy cho loại cây thuốc Nam sắc uống. Thoạt nhìn thấy tôi, ông cười nói: “Chứ mi mần chi mà đang con nít đã mang hàm Đại tá rồi hử?”... Khi dẫn tôi đi hái lá thuốc Nam, giữa trưa nắng, ông vừa hái lá vừa vui vẻ chuyện trò với tôi. Hình ảnh ấy đến giờ tôi vẫn nhớ mãi...
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét