Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt
coi trọng dân chủ, coi thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết
mọi khó khăn. Người khẳng định, bản chất của dân chủ tức là dân là chủ và dân
làm chủ. Trong Đảng, Người căn dặn: “Để làm cho Đảng mạnh, thì phải
mở rộng dân chủ”; “Để lãnh đạo tốt, các cấp ủy phải thật đoàn
kết, thật dân chủ, phải
thực hành chế độ “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” và phê bình và tự phê
bình để không ngừng tiến bộ”. Đối với Nhà nước, Người
cho rằng: “Nhà nước ta phát huy dân chủ đến cao độ, đó là do tính chất Nhà nước
ta là Nhà nước của nhân dân. Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên
được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”.
Người luôn coi trọng cán bộ,
khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc
thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Phong cách, tác phong công tác của cán
bộ rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả công việc.
Bởi vậy Người luôn căn dặn cán bộ “Tác phong phải
dân chủ, dựa vào lực lượng quần chúng, học hỏi sáng kiến của quần chúng để lãnh
đạo quần chúng”. Muốn có tác phong dân chủ, “cán bộ phải
đi sát sản xuất, đi sát quần chúng và phải dân chủ với dân”. Như vậy, vừa là
phát huy dân chủ nhân dân, vừa rèn luyện tác phong dân chủ của người cán bộ.
Trong cách thức, phương pháp
lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện phong
cách làm việc giản dị, gần gũi nhưng sâu sắc, quyết đoán, hòa mình vào quần
chúng nhân dân, coi nhân dân là cội nguồn của mọi thắng lợi. Người coi dân chủ
là “chìa khóa vạn năng” để khơi dậy tính sáng tạo của nhân dân, huy động và sử
dụng nguồn lực nhân dân vào các lĩnh vực, ngành, nghề hoạt động khác nhau, bảo
đảm thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng ở mọi lúc, mọi nơi. Người đã nhấn mạnh:
“Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới
làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen
ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Và
trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt
vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều”.
Bởi vậy, Người nhắc nhở cán bộ, trong phong
cách làm việc, phong cách công tác, phong cách lãnh đạo của cán bộ phải chống
bệnh hẹp hòi, nghĩa là phải tuyệt đối vì lợi ích của Đảng, của Nhân dân. Người
chỉ rõ: nguyên nhân của bệnh có nhiều, nhưng chủ yếu là do ham danh vọng và địa
vị, nên khi ở cương vị phụ trách thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì
kéo vào, không ưa thì đẩy ra. Hậu quả của bệnh hẹp hòi là gây chia rẽ, mất đoàn
kết giữa cán bộ cấp trên phái đến và cán bộ địa phương, cán bộ cũ và cán bộ
mới, giữa bộ phận và toàn cục, cán bộ cơ quan này và cán bộ cơ quan khác, địa
phương này và địa phương khác…
Phong cách làm việc dân chủ
theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là phải “nói đi đôi với làm”. Người yêu cầu cán bộ
phải thống nhất giữa nói và làm, tư tưởng phải chuyển hóa thành hành động cụ
thể, hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện lý tưởng cao cả của Đảng và dân tộc. Người
từng căn dặn “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Tức là để dân tin, dân
quý, dân ủng hộ, người đảng viên phải làm trước, đi trước, dù có gian khổ, hy
sinh cũng không kêu ca, phàn nàn. Nói đi đôi với làm còn là cách để cấp trên
gương mẫu với cấp dưới, là để cầm tay, chỉ việc giữa người có kinh nghiệm với
người mới, người chưa có kinh nghiệm. Ở bất kỳ đâu, làm bất cứ việc gì, ở cương
vị nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều tôn trọng, lắng nghe ý kiến của mọi người,
phát huy trí tuệ của tập thể, đề cao những kinh nghiệm, sáng kiến, cách làm
hay, sáng tạo đem lại hiệu quả cao trong công việc. Người chỉ rõ: “Gom góp mọi
ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt
nó thành những ý kiến có hệ thống… Cứ như thế mãi thì lần sau chắc đúng mực
hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn lần trước. Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh,
người cán bộ phải có ý thức tập thể cao, tạo được bầu không khí dân chủ, cởi mở
trong làm việc, cũng như trong cuộc sống; từ đó, tạo động lực, niềm tin cho mỗi
người có thể tham mưu, hiến kế, đề xuất những cách thức, biện pháp nâng cao
năng suất lao động, xây dựng đơn vị, địa phương vững mạnh về mọi mặt. Đồng
thời, đề cao phong cách làm việc dân chủ nhưng không đồng nghĩa với dân chủ quá
trớn, mạnh ai người nấy làm, mà phải tuân theo nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá
nhân phụ trách”; làm bất kỳ việc gì phải đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên
trên hết, trước hết; phải nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng
viên.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét