Theo Tiến sĩ Lê Thị Thúy, mức độ dân chủ và không dân chủ của chế độ chính trị một quốc gia không phụ thuộc vào số lượng đảng chính trị mà phụ thuộc vào bản chất của chính đảng cầm quyền.
Đổi mới nhưng không “đổi màu” là nguyên tắc bất di bất dịch đã được Đảng, Nhà nước ta nêu ra và kiên trì thực hiện trong suốt gần 40 năm đổi mới.
Nhờ công cuộc đổi mới, nhưng giữ vững những vấn đề có tính nguyên tắc, không chệch hướng mà “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” và đang tiếp tục trên đà phát triển, phấn đấu đến năm 2045 trở thành một nước phát triển thu nhập cao theo định hướng XHCN như mục tiêu của Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Thế nhưng, bất chấp những kết quả và thực tế khách quan, vẫn có những luận điệu lên án thể chế chính trị của Việt Nam, đòi Việt Nam phải đa đảng, đa nguyên và mỉa mai “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Phóng viên VOV trao đổi với Tiến sỹ Lê Thị Thúy, Thư ký khoa học, Hội đồng Lý luận Trung ương về việc giữ vững những vấn đề có tính nguyên tắc trong quá trình đổi mới và vạch trần những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
PV: Đảng ta đã kiên trì đi theo con đường đổi mới nhưng vẫn giữ vững những vấn đề có tính nguyên tắc với mục tiêu bất di bất dịch đó là độc lập dân tộc và CNXH. Theo quan điểm của bà, điều này ảnh hưởng thế nào đến quá trình đổi mới của đất nước trong gần 40 năm qua?
Tiến sỹ Lê Thị Thúy: Thành công lớn nhất theo tôi là đã đem lại được sự giàu mạnh cho đất nước, cho nhân dân. Tỷ lệ nghèo đã giảm xuống chỉ còn 3% theo chuẩn nghèo đa chiều; từ một nước có tới hơn một nửa dân số là người nghèo đói, giờ chỉ còn 3%, thì đây thực sự là con số ấn tượng.
Việt Nam đã trở thành tấm gương, hình mẫu ấn tượng cho những nước kém phát triển có thể vươn lên sánh vai với các quốc gia khác trên thế giới, đồng thời con người của chúng ta cũng luôn ở trung tâm quá trình phát triển.
Đảng luôn đặt yếu tố đấy là phát triển vì con người, vì mục tiêu con người. Đó chính là điểm mạnh mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
PV: Ở những thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước, chúng ta đã chứng kiến chế độ XHCN ở nhiều nước trên thế giới tan vỡ, Liên Xô sụp đổ, đó là thời điểm vô cùng khó khăn của các quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền. Trước tình thế khó khăn này, Đảng ta vẫn kiên định lập trường đi theo con đường CNXH đến hôm nay, theo bà là vì sao?
Tiến sỹ Lê Thị Thúy: Lý do để chúng ta có niềm tin đó, thứ nhất là ước mơ của một xã hội về phồn vinh, hạnh phúc, về không có bóc lột, áp bức, bất công xuất hiện rất sớm ngay từ buổi bình minh của lịch sử nhân loại, từ khi loài người đã phân chia thành giai cấp, kế thừa sự phát triển tinh hoa và lý luận của nhân loại.
Cùng với đó, ở thế kỷ XIX, Marx và Angel đã phát triển lý luận CNXH đem lại cho lý luận hàng trăm năm tuổi này bản chất khoa học bằng cách chỉ rõ con đường, lực lượng, phương pháp chiến lược của cách mạng vô sản và xây dựng CNXH.
Như vậy lý luận CNXH là tư tưởng của toàn nhân loại, nó đúc kết những ước mơ, những khát vọng cao đẹp của xã hội loài người và được Marx, Angel phát triển thành khoa học của sự nghiệp giải phóng. Vì thế, cho nên sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự sụp đổ một mô hình xây dựng CNXH chứ không phải là sự sụp đổ cả hệ thống XHCN nói chung với tư cách là một nấc thang phát triển của xã hội loài người.
Trong xây dựng CNXH, Việt Nam có học tập kinh nghiệm của Liên Xô cũng như các nước XHCN đi trước, nhưng chúng ta không học tập một cách khô cứng, mô hình XHCN của Việt Nam là mô hình đặc thù riêng có ở Việt Nam, không phải là mô hình Xô Viết của Liên Xô. Sự khác biệt cơ bản ở đây là một bên từ cơ sở của chế độ tư bản đi lên, một bên từ độc lập dân tộc đi lên.
Bác Hồ từng nói “tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. CNXH đối với Bác là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
PV: Vậy bà quan điểm thế nào khi các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị hay dân chủ giả hiệu nói là Việt Nam không thực hiện đa đảng vì ta mất dân chủ, ta bảo thủ?
Tiến sỹ Lê Thị Thúy: Chúng ta biết rằng, dân chủ là khái niệm được hình thành và bảo đảm bởi rất nhiều yếu tố, những điều kiện khác nhau. Dân chủ phụ thuộc vào sự phát triển KTXH, văn hóa của mỗi dân tộc trong những giai đoạn lịch sử nhất định, trong bất kỳ một xã hội nào, nhất nguyên hay đa nguyên, một đảng hay đa đảng, nhưng nếu đảng cầm quyền, nhà nước quan tâm đến thể chế, bảo đảm được quyền lực thực tế của người dân, chăm lo cho người dân, tôn trọng nhân dân thì xã hội đó thực sự là một xã hội có dân chủ.
Ở những nước phương Tây, chúng ta cũng thấy trong những hệ thống chính trị đa đảng của họ, tại những thời điểm nhất định, cũng chỉ có một Đảng thực chất cầm quyền, ngay cả trong những trường hợp liên minh một số đảng cầm quyền, thành lập chính phủ thì đảng nào chiếm nhiều số ghế hơn trong nghị viện, vẫn có quyền quyết định đưa ra những chính sách của chính phủ.
Vì thế, mức độ dân chủ và không dân chủ của chế độ chính trị một quốc gia không phụ thuộc vào số lượng đảng chính trị mà phụ thuộc vào bản chất của chính đảng cầm quyền. Nếu như đảng cầm quyền đó đại diện cho lợi ích, cho quyền lợi, cho đa số số đông trong quốc gia đó thì vẫn dân chủ hơn những quốc gia dù đa nguyên đa đảng mà các đảng đó không đại diện bảo vệ quyền lợi cho đông đảo người dân trong xã hội.
Trong chế độ chính trị một đảng của chúng ta, quyền làm chủ của nhân dân không chỉ thể hiện trong các văn bản hiến pháp, pháp luật, mà điều quan trọng là được thể hiện sinh động trong cuộc sống hàng ngày, trong đời sống hiện thực của người dân. Và mọi đường lối chính sách của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước, đều có sự tham gia ý kiến của nhân dân.
Chúng ta cũng biết rằng, Việt Nam là đất nước có vị trí địa chính trị cực kỳ thuận lợi, thường xuyên bị kẻ thù nhòm ngó. 4000 năm lịch sử dựng nước cũng là 4000 năm giữ nước, dân tộc ta đã đoàn kết để giữ nước trong suốt quá trình lịch sử đó. Vì thế, tinh thần đại đoàn kết trở thành truyền thống quý báu và Đảng Cộng sản Việt Nam là hiện thân cao nhất cho tinh thần đại đoàn kết đó.
Chúng ta đang làm tốt thực hành dân chủ
PV: Bà nhìn nhận thế nào về việc người dân Việt Nam được quyền tham gia vào xây dựng chính sách với Nhà nước. Cụ thể là việc lấy ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân về dự thảo Luật đất đai sửa đổi thời gian gần đây?
Tiến sỹ Lê Thị Thúy: Rõ ràng là mọi công dân Việt Nam đều có quyền tham gia vào những lĩnh vực có thể, như là hoạch định chính sách, gần đây nhất là Luật Đất đai, luật đã gắn bó với đại đa số người dân Việt Nam. Chúng ta nhận thấy rằng mỗi người Việt Nam đều có thể nêu quan điểm xem là họ cần gì, Nhà nước muốn biết người dân cần gì về chính sách của Đảng, Nhà nước để có thể xây dựng những chính sách mang lại lợi ích cao nhất cho người dân.
Tất cả những điều này đều chứng minh cho một luận điểm rằng chúng ta đang làm tốt thực hành dân chủ để xây dựng một nhà nước của dân do dân và vì dân. Và đó cũng chính là một bằng chứng sinh động để chúng ta có thể phản bác lại luận điệu cho rằng Việt Nam không thực hiện đa đảng vì chúng ta mất dân chủ.
PV: Lịch sử chính trị thế giới trong vài chục năm gần đây cho thấy đã có những đảng cầm quyền không giữ được lập trường chính trị, không giữ được đường lối của mình và để mâu thuẫn nội bộ kéo dài, gia tăng và bị các phần tử cơ hội chính trị lợi dụng để ra sức chống phá, tạo ra các cuộc bạo lực chính trị có tổ chức, chính biến phi vũ trang nhằm lật đổ nhà nước. Bà có điều gì cảnh tỉnh một bộ phận cán bộ đảng viên có tâm lý dao động, thiếu kiên định lập trường bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân?
Tiến sỹ Lê Thị Thúy: Cách mạng màu ở một số nước Đông Âu, Trung Đông và Bắc Phi là thuật ngữ dùng để chỉ những phong trào biểu tình quần chúng, là những cuộc chính biến do phương Tây và những lực lượng thân phương Tây ở chính những quốc gia đó can dự vào nội bộ quốc gia có chủ quyền, lấy con bài dân chủ nhân quyền và đặc biệt là dân tộc tôn giáo để đẩy những nước này rơi vào khủng hoảng chính trị trầm trọng, tạo điều kiện cho phe đối lập lật đổ chính quyền, đem lại lợi ích chủ yếu cho giới tài phiệt.
Sau những cuộc cách mạng màu này, đa số quần chúng đã không được hưởng bất cứ một thành quả gì từ những cuộc chính biến đó, điều mà những thủ lĩnh cuộc chính biến này từng hứa hẹn, mà họ lại còn phải chịu thêm cảnh thương vong đói nghèo, bệnh tật, mất quyền tự do dân chủ nhiều hơn so với trước khi nó xảy ra.
Việt Nam những năm vừa qua đã xuất hiện nhiều vụ việc cho thấy thế lực thù địch, phản động không ngừng nuôi âm mưu và chiêu thức phản ánh mạng để tấn công vào sự nghiệp cách mạng của nước ta. Chúng đã lợi dụng lòng yêu nước cũng như lợi dụng mạng xã hội, internet để xúi giục nhân dân biểu tình.
Để có thể triệt tiêu những nguy cơ của cách mạng màu chúng ta cũng phải đẩy lùi được tệ quan liêu tham nhũng tiêu cực, chống nguy cơ tụt hậu về kinh tế, chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giải quyết tốt những vấn đề xã hội.
Có thể khẳng định một điều rằng không có liều thuốc nào hữu hiệu bằng việc tự đề kháng và ngăn ngừa dịch bệnh từ xa. Loại bỏ tham nhũng tiêu cực, xử lý những cán bộ biến chất suy thoái tự diễn biến tự chuyển hóa mà trong thời gian qua chúng ta đã làm rất tốt với sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là điều mà chúng ta đã làm, đang làm và chúng ta sẽ làm tốt hơn những việc này trong tương lai. Làm tốt việc này không những giúp cho đất nước phát triển giàu mạnh, mà niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chính quyền sẽ tăng lên và khi nhân dân có niềm tin họ sẽ không bị lôi kéo kích động nữa.
Bài học ở nhiều những quốc gia trên thế giới cho thấy rằng phải cảnh giác với những thế lực thù địch nhưng đồng thời cũng cần phải nâng cao sự đề kháng của chính mình.
PV: Thực tế đã chứng minh kinh tế thị trường có sự điều tiết, can thiệp của Chính phủ, Nhà nước tùy theo mức độ hoàn cảnh, điều kiện của từng quốc gia là một mô hình phù hợp. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam đang theo đuổi được định nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, bảo đảm định hướng XHCN nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Theo bà, ưu điểm của mô hình này là gì và mang lại những kết quả nào mà bà ấn tượng.
Tiến sỹ Lê Thị Thúy: Sau 36 năm đổi mới, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng là một nước thu nhập thấp, cơ chế chính sách quản lý ngày càng được hoàn thiện, được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng trong 42 năm, không phải quốc gia nào cũng làm được điều này.
Đặc biệt là không chỉ có sự xếp hạng về tăng trưởng kinh tế, mà trong xếp hạng về những quốc gia hạnh phúc nhất trong năm thì Việt Nam cũng được đánh giá mức cao, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, chúng ta đang ở vị trí số 77.
Đồng thời quyền lực mềm cũng như sức ảnh hưởng của Việt Nam đã được công nhận rộng rãi và Việt Nam đang ở trong số khoảng 30 nước được coi là hùng mạnh nhất thế giới năm 2022, theo xếp hạng của New World Report, Mỹ.
PV: Xin cảm ơn bà.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét