Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong tư tưởng Hồ Chí Minh Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành một sự quan tâm đặc biệt cho công tác xây dựng Đảng. Với Người, xây dựng Đảng trước hết là nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu, năng lực và trí tuệ Đảng, là làm cho Đảng ta luôn xứng đáng với vai trò "một Đảng cầm quyền", luôn "xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân", "một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc". Với Người, xây dựng Đảng là làm cho Đảng ta ngày càng trở nên trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng lẫn tổ chức. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng về chính trị, thực chất là nâng cao trình độ lý luận cho mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, không thể đưa một Đảng cách mạng đến thành công. Thấu hiểu điều đó hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, bây giờ chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều, nhưng chủ nghĩa chắc chắn nhất, chân chính nhất là chủ nghĩa Mác - Lênin. Chỉ có trang bị chủ nghĩa Mác - Lênin thì sức sống của Đảng mới trường tồn. Và, cũng chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin mới là "cái cẩm nang thần kỳ" để đưa cách mạng đến thành công. Coi chủ nghĩa Mác - Lênin là vũ khí lý luận, là nền tảng tư tưởng chính trị, trung thành và vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin là nội dung then chốt trong công tác xây dựng Đảng, trong suốt những năm tháng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin. Học chủ nghĩa Mác - Lênin, theo Người, là học tinh thần biện chứng của nó. Nếu học mà không hiểu, hoặc hiểu mà không biết vận dụng sáng tạo vào điều kiện nước ta thì sẽ không đưa lại kết quả mong muốn. Người nói: "Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế... Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông... Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế... Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung cũng như không có tên"(1). Học lý luận là để nắm vững lý luận và điều cốt yếu là phải biết vận dụng lý luận vào tất cả các tình huống khác nhau của đời sống xã hội. Có như vậy, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin mới thực sự đóng vai trò là "hạt nhân chính trị", là "kim chỉ nam" cho mọi hoạt động thực tiễn của Đảng. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng về chính trị được biểu hiện ở mục đích và lập trường của một Đảng cách mạng. Người luôn căn dặn chúng ta không bao giờ được quên rằng, mục đích cuối cùng của Đảng là tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Lập trường kiên định của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu đó, lập trường đó của Đảng là mục tiêu, là lập trường của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc. Nếu rời bỏ mục tiêu đó, lập trường đó, Đảng sẽ rơi vào tả khuynh hoặc hữu khuynh, dao động và không sớm thì muộn, sẽ xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, xa rời lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Một vấn đề quan trọng trong công tác xây dựng Đảng về chính trị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh là đảm bảo tính đúng đắn của đường lối chiến lược, sách lược của cương lĩnh cách mạng trong từng thời kỳ khác nhau. Trong tư tưởng của Người, xây dựng cương lĩnh, đường lối chiến lược, sách lược là sự cụ thể hoá chủ nghĩa Mác - Lênin vào những điều kiện lịch sử cụ thể của cách mạng Việt Nam. Và, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải luôn đảm bảo tính đúng đắn đó của cương lĩnh, của đường lối chính trị, dù là trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân hay cách mạng xã hội chủ nghĩa. Với quan niệm này, Người luôn nhắc nhở chúng ta rằng, mỗi khi thực tiễn đất nước nảy sinh những vấn đề cần phải được giải đáp về lý luận, Đảng cần phải đứng trên "lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin" để tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn và trên cơ sở đó, định ra đường lối, phương châm, bước đi cụ thể thích hợp với thực tiễn cách mạng nước ta. Quán triệt tư tưởng này của Người, hơn 70 năm qua, trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ta chưa bao giờ mắc sai lầm về đường lối, mặc dù đã có sự sai lầm về phương pháp vận dụng, như bệnh giáo điều, chủ quan duy ý chí, bảo thủ, trì trệ. Cũng nhờ đó, trong hơn 70 năm qua, Đảng ta luôn là tấm gương mẫu mực trong xây dựng đường lối cách mạng, chưa khi nào rơi vào sai lầm tả khuynh hoặc hữu khuynh về mặt đường lối. Cùng với việc xây dựng Đảng về chính trị, việc xây dựng Đảng về tư tưởng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Xây dựng Đảng về tư tưởng, theo Hồ Chí Minh, trước hết là xác lập thế giới quan và hệ tư tưởng của giai cấp công nhân - giai cấp tiên tiến nhất của thời đại, giai cấp đứng ở vị trí trung tâm của lịch sử để lãnh đạo toàn thể dân tộc thực hiện mục tiêu mà cách mạng đặt ra. Với Người, trong nội bộ Đảng, công tác tư tưởng là hoạt động xây dựng Đảng về trí tuệ, tư tưởng - chính trị, góp phần bảo đảm cho Đảng luôn là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đủ năng lực lãnh đạo chính trị đối với toàn xã hội. Người cho rằng, cái đóng vai trò quyết định bản chất của giai cấp công nhân của Đảng không phải chỉ ở số lượng đảng viên xuất thân từ công nhân, mà cơ bản là ở nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, ở mục tiêu, đường lối của Đảng thực sự vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Người khẳng định: "Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong". Rằng, "Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin"(2). Khẳng định học thuyết Mác - Lênin là học thuyết về sự giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức và giải phóng con người, đồng thời là học thuyết về sự phát triển xã hội, là vũ khí tinh thần để Đảng làm tròn vai trò tiên phong, vai trò lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng phải đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, giáo dục, rèn luyện đảng viên không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin, nâng cao giác ngộ về giai cấp và dân tộc. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng về tư tưởng là phải làm cho toàn Đảng, mỗi đảng viên của Đảng luôn mang trong mình tư tưởng cách mạng triệt để, tư tưởng cách mạng tiến công, luôn đề phòng và kịp thời khắc phục những lệch lạc, sai lầm tả khuynh và hữu khuynh, chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại, chống giáo điều, bảo thủ và dự báo được xu hướng phát triển của dân tộc, của thời đại. Đó là tư tưởng cách mạng khoa học lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng, bởi chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin mới "là lực lượng tư tưởng hùng mạnh chỉ đạo Đảng..., làm cho Đảng... có thể trở thành hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc"(3). Tư tưởng cách mạng khoa học đó không chỉ lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng, mà còn lấy thực tiễn Việt Nam làm điểm xuất phát, lấy cải tạo hiện thực Việt Nam làm mục tiêu để trên cơ sở đó, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời làm giàu thêm trí tuệ Đảng bằng việc kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thụ những tinh hoa văn hoá nhân loại. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng về tư tưởng không chỉ là làm cho lý luận Mác - Lênin, thế giới quan và phương pháp luận Mác - Lênin thấm nhuần trong toàn Đảng và giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, mà còn phải làm cho toàn Đảng và mỗi đảng viên của Đảng không ngừng nâng cao ý chí phấn đấu, xây dựng niềm tin vững chắc vào con đường xã hội chủ nghĩa, đấu tranh không khoan nhượng với các luận điểm xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng. Với Người, xây dựng Đảng về tư tưởng còn phải chú trọng xây dựng phương pháp tư duy khoa học, cách thức và phương pháp làm việc, chống chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa cơ hội dưới mọi mầu sắc; đồng thời, khắc phục những biểu hiện bi quan, dao động, giảm sút ý chí phấn đấu, bảo thủ, trì trệ, chủ quan nóng vội và đặc biệt, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, đào tạo họ trở thành những người kế thừa sự nghiệp cách mạng của Đảng có "tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc"(4). Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng về tư tưởng phải được biểu hiện trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Phương pháp tư tưởng quan trọng trong công tác xây dựng Đảng là phải đi từ chủ thể bản thân đến khách thể xã hội, phải gắn lý luận với thực tiễn, kết hợp nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn. Người yêu cầu mỗi đảng viên của Đảng đều phải tự rèn luyện, trau đồi tư tưởng chính trị, đạo đức cho bản thân, nghiêm khắc tự phê bình và phê bình. Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải tự mình nêu gương người tốt, việc tốt để hướng dẫn mọi người cùng hành động, cùng noi theo, lời nói phải đi đôi với việc làm, lý luận gắn liền với thực tiễn và thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cá nhân. Để nâng cao lập trường chính trị, tư tưởng, Hồ Chí Minh còn đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải không ngừng học tập văn hoá, khoa học - kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu của công tác cách mạng. Học tập không phải chỉ chú trọng lý luận thuần tuý hoặc chuyên môn thuần tuý, mà phải vừa nâng cao trình độ lý luận chính trị, vừa phải nâng cao trình độ chuyên môn. Người coi đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định, bởi cán bộ, đảng viên có trình độ cao, có tri thức vững vàng mới có lập trường tư tưởng tốt, phương pháp công tác phù hợp và nhờ đó, mới có thể đạt hiệu quả cao trong công tác. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng về tổ chức là vấn đề có ý nghĩa then chốt. Bởi theo Người, sức mạnh của Đảng là sức mạnh của tổ chức, sức mạnh của hệ thống chính trị trong tổ chức từ Đảng, từ Trung ương đến cơ sở, từ các cơ quan nhà nước và các tổ chức đoàn thể, quần chúng. Với Người, trong sức mạnh tổ chức, vấn đề con người là nhân tố có ý nghĩa quyết định nhất. Có con người tốt, có đảng viên, cán bộ tốt thì sức mạnh của Đảng được nhân lên; con người không đáp ứng được yêu cầu của công tác cách mạng thì tổ chức suy yếu. Với quan điểm này, Người khẳng định: "Vì lợi ích mười năm, trồng cây; vì lợi ích trăm năm, trồng người". Đó là chân lý lớn lao mà Người căn dặn Đảng ta phải thực hiện cho kỳ được trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào để Đảng ta có được những cán bộ, đảng viên tốt, xứng đáng là "người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Chính vì vậy, Người luôn căn dặn Đảng ta phải hết sức quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, "bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau", nhất là phải coi đó là "một việc rất quan trọng và rất cần thiết"(5) trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức. Tuy nhiên, trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức, việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, theo Người, không phải là ở số lượng, mà là ở chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Với Người, phẩm chất đạo đức, tư cách của đội ngũ cán bộ, đảng viên mới là nhân tố đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng Đảng ta thành một Đảng vững mạnh về tổ chức. Với quan điểm này, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng "phải luôn luôn nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể của giai cấp vô sản, cần kiệm xây dựng nước nhà, liên hệ chặt chẽ với quần chúng lao động, một lòng một dạ phấn đấu vì lợi ích tối cao của cách mạng và Tổ quốc"(6). Để khỏi lạc hậu đối với cuộc sống, ngày càng tiến bộ không ngừng, Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng: "Thời đại chúng ta là thời đại văn minh, thời đại cách mạng... Làm cách mạng để tự giải phóng và để cải tạo xã hội cũ xấu xa thành xã hội mới tốt đẹp... là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ... Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang... Muốn gột sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ, thì tức là thoái bộ, là lạc hậu. Mà thoái bộ lạc hậu thì sẽ bị xã hội tiến bộ sa thải"(7). Theo Hồ Chí Minh, con người muốn tiến bộ thì phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, nhưng đó không phải là sự rèn luyện nhất thời, mà là một quá trình rèn luyện không ngừng, phấn đấu suốt đời. Càng học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức thì con người sẽ ngày càng mang đầy đủ tư cách, phẩm chất của một người cộng sản tiên phong. Người nói: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong"(8). Xây dựng Đảng về tổ chức, theo Hồ Chí Minh, phải có sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị. Nguyên tắc của toàn bộ hệ thống đó là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân lao động làm chủ. Nếu chỉ suy yếu một bộ phận nào trong toàn bộ hệ thống tổ chức này thì cũng dẫn đến làm yếu toàn bộ hệ thống. Người cũng yêu cầu Đảng không bao biện, làm thay Nhà nước, nhân dân lao động là chủ nhân chân chính của đất nước, vì vậy, phải không ngừng phát huy một cách tự giác và đầy đủ nhất vai trò của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị này. Trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Người không chỉ dành sự quan tâm cho công tác phát triển Đảng, mà còn luôn quan tâm đến sự phát triển của các tổ chức quần chúng, như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội phụ lão, cho đến các cháu thiếu niên, nhi đồng. Với Người, việc nâng cao chất lượng của các tổ chức trong hệ thống chính trị là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhất bậc nhất. Và, với quan điểm toàn diện, quan điểm phát triển, Người đã tạo ra một cách nhìn biện chứng, một tư duy biện chứng khi đặt toàn bộ hệ thống chính trị trong mối liên hệ gắn bó, không thể tách rời của công tác xây dựng Đảng về tổ chức. Trong xây dựng Đảng về tổ chức, một vấn đề đặt ra là, quy luật vận động của hệ thống tổ chức như thế nào để đảm bảo tính hệ thống, tính hiệu quả, và sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ các yếu tố cấu thành của hệ thống đó là gì? Theo Hồ Chí Minh, đó là nguyên tắc tạo thành một cơ chế thống nhất, đảm bảo sự vận hành của hệ thống tổ chức. Nguyên tắc đó là nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, phát huy cao nhất vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tập trung dân chủ trong mọi hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Chỉ có trên cơ sở thực hiện triệt để nguyên tắc này thì sức mạnh của công tác tổ chức trong quá trình xây dựng và phát triển Đảng mới được phát huy cao độ. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng về tổ chức là nhằm làm cho Đảng ta trở thành một tổ chức chính trị trong sạch, vững mạnh; một tổ chức có sức chiến đấu cao với một đội ngũ cán bộ, đảng viên thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, khả năng công tác, luôn gắn bó máu thịt với dân, dám xả thân hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Như vậy, có thể nói, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức là ba mặt có mối quan hệ mật thiết, gắn bó và có chung mục đích là làm cho Đảng trở thành bộ tham mưu sáng suốt lãnh đạo sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, đưa dân tộc ta đến thắng lợi ngày càng to lớn hơn trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức là nhằm làm cho "Đảng ta là đạo đức, là văn minh", trở thành Đảng của trí tuệ tiên phong ngang tầm thời đại, xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức là làm cho Đảng trở thành đội ngũ tiên tiến nhất, trở thành người lãnh đạo và được tổ chức chặt chẽ nhất của giai cấp công nhân, đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân để hết lòng, hết sức đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét