Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

NHẬN DIỆN ĐÚNG SỰ SUY THOÁI CỦA MỘT BỘ PHẬN CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY

 

Vấn đề đặt ra cấp bách hiện nay là cần nhận diện đúng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh"[1]. Một mặt, có thể nhận diện theo các mặt, các biểu hiện suy thoái; mặt khác, nhận diện theo đối tượng cán bộ, đảng viên suy thoái. Bài viết này tập trung nhận diện suy thoái theo nhóm đối tượng cán bộ, đảng viên.

Nhận diện suy thoái theo đối tượng cán bộ, đảng viên, có thể chia thành hai nhóm: nhóm cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý và nhóm đảng viên không giữ cương vị quản lý.

Nhóm đối tượng thứ nhất, suy thoái của bộ phận cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp. Đây là nhóm cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý có chức, có quyền, trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý cấp cao, kể cả cấp Trung ương. Nhóm cán bộ, đảng viên này có nguy cơ suy thoái cao và có tác hại lớn, vì nhóm này liên quan đến quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế.

Suy thoái về tư tưởng chính trị biểu hiện ở bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền này là tự cho mình đứng ngoài sự quản lý, giám sát của tổ chức, coi thường kỷ luật, nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, cũng như quy định của cơ quan, đơn vị; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng; có tư tưởng bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; coi thường nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Từ đó, dẫn tới độc đoán, chuyên quyền, đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, coi thường tập thể, trở thành "quan cách mạng". Trong số đó, có kẻ mất phương hướng chính trị, quay lại nói xấu Đảng, chống phá chế độ. Suy thoái về tưởng chính trị sẽ dẫn đến cơ hội về chính trị, làm phân hóa bộ phận lãnh đạo, làm tan rã Đảng, vô hiệu hóa sự quản lý của Nhà nước, làm chệch hướng đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Bài học xương máu về sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu cuối thế kỷ XX liên quan đến công tác xây dựng Đảng và tổ chức cán bộ vẫn còn đó.

Suy thoái về tư tưởng chính trị của bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền còn biểu hiện ở bệnh quan liêu, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của cán bộ cấp dưới và của nhân dân. Hiện nay, còn không ít cán bộ cấp cao còn xa dân, không sát cơ sở, không hiểu thực tiễn, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới, không nắm được công việc, cuộc sống của nhân dân, nên nhiều trường hợp đề ra chủ trương, chính sách không phù hợp với thực tế, người dân không đồng tình, ủng hộ, thậm chí nhiều trường hợp chống đối quyết liệt.

   Suy thoái về tư tưởng chính trị gắn liền với suy thoái về đạo đức, lối sống. Đặc trưng bản chất nhất của sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở nhóm đối tượng cán bộ, đảng viên có chức, có quyền là lợi dụng chức vụ, quyÒn hạn để tham nhũng. Bởi vì, tham nhũng chỉ xảy ra ở nơi có quyền lực, ở người nắm quyền lực. Xét về bản chất, khu vực công hữu, khu vực kinh tế nhà nước, ở đấy có một hệ thống cán bộ, đảng viên giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý, thậm chí được sự lãng đạo, chỉ đạo trực tiếp của hệ thống chính trị. Lẽ ra, khu vực công hữu, khu vực kinh tế nhà nước phải thực sự ngày càng vững mạnh, giữ vai trò chủ đạo, là "đòn xeo" của chủ nghĩa xã hội, ở đấy phải nhiều yếu tố chủ nghĩa xã hội nhất, phải ít tiêu cực, ít suy thoái nhất. Nhưng đến nay, khu vực kinh tế nhà nước lại nhiều yếu kém nhất, nhiều tham nhũng nhất, suy thoái nhiều nhất, xa rời nhiều nhất các tiêu chí của chủ nghĩa xã hội. Sự suy thoái chính là giặc "nội xâm", tạo cơ hội cho giặc "ngoại xâm" thôn tính nước ta, trong đó nạn tham nhũng đang là nguy cơ trực tiếp nhất, nguy hại nhất.

 Nhóm đối tượng thứ hai, sự suy thoái của bộ phận đảng viên không giữ chức vụ trong Đảng và chính quyền. Đây là những đảng viên chưa hoặc không được giao các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của bộ phận không nhỏ đảng viên không giữ chức vụ, quyền hạn có những điểm giống và điểm khác với đối tượng cán bộ, đảng viên có chức, có quyền.

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị của nhóm đối tượng này là thiếu niềm tin vào các cấp, hoài nghi vai trò lãnh đạo của Đảng, phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; không làm tròn nhiệm vụ người đảng viên. Nhiều người không còn là "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Trong sản xuất, kinh doanh, có đảng viên không chấp hành pháp luật, cố ý làm trái chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm giàu bất chính; không biết hoặc không dám đấu tranh, lại còn phụ họa theo những nhận thức sai trái, quan điểm lệch lạc; phát ngôn không đúng với đường lối, quan điểm của Đảng; thậm trí có người bị kẻ địch lợi dụng lôi kéo.

Sự suy thoái về đạo đức, lối sống của bộ phận đảng viên không giữ cương vị lãnh đạo, quản lý là tham ô, ăn cắp, lãng phí tài sản công, sống buông thả, ngại học tập, phấn đấu, rèn luyện. Có nhiều người sa vào tệ nạn xã hội liên quan đến ma túy, cờ bạc, rượu chè, số đề, buôn lậu...; tha hóa trong các qua hệ gia đình, vợ chồng, quan hệ xã hội.

Suy thoái về tư tưởng chính trị có mối liên hệ hữu cơ với suy thoái về đạo đức, lối sống. Thường thì suy thoái về đạo đức, lối sống xuất hiện trước và dễ nhận thấy, Sau đó kéo theo suy thoái về tư tưởng chính trị; ngược lại, có khi suy thoái về tư tưởng chính trị là nguyên nhân dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống. Những cán bộ, đảng viên khi được ngồi vào ghế "quyền lực", họ trở nên ngại rèn luyện phấn đấu, lười suy nghĩ, lười học tập, dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống. Khi “chất cộng sản” trong họ đã không còn thì những kiến thức, kinh nghiệm mà họ đã tích lũy được chỉ nhằm phục vụ cho chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là hệ quả tất yếu của sự suy thoái.

 Suy thoái của cán bộ, đảng viên giữ cương vị cao ảnh hưởng rất lớn đến cán bộ cấp dưới, đến đội ngũ đảng viên và toàn thể nhân dân, làm cho cấp dưới và toàn bộ hệ thống chính trị suy thoái theo. Ngược lại, sự suy thoái của cấp dưới sẽ làm cho chủ trương, chính sách của cấp trên không đưa được vào cuộc sống. Sự suy thoái của cán bộ, đảng viên, nếu trở thành "lỗi hệ thống" sẽ làm suy thoái Đảng và chế độ. Vì vậy, nhận diện được các mặt, các đối tượng, các góc cạnh suy thoái đang hiện hữu, thấy hậu quả khôn lường của nó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong phòng chống, khắc phục suy thoái hiện nay.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb CTQG - ST, HN, 2012, tr.27

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét