Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam đã và đang diễn ra mạnh mẽ,
quyết liệt; nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên, quần
chúng nhân dân và tạo dựng được niềm tin với nhân dân… Tuy nhiên, vẫn có những
người cố tình xuyên tạc làm sai lệch vấn đề này.
Bằng luận điệu thâm thù và hằn học, các thế lực thù địch đã cố tình quy chụp,
chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc sinh ra và nuôi dưỡng tham nhũng; để loại bỏ
tham nhũng phải thực hiện tam quyền phân lập; cuộc đấu tranh chống tham nhũng của
Đảng chỉ là sự “dàn cảnh chống một vài vụ
không quan trọng để tuyên truyền và lừa dối những người nhẹ dạ cả tin”. Đây
là những luận điệu hoàn toàn sai trái, cần phải kiên quyết đấu tranh, phản bác.
Thứ nhất, chủ nghĩa Mác -
Lênin không thể là nguồn gốc sinh ra và nuôi dưỡng tham nhũng. Tham nhũng là hiện tượng xã hội có tính lịch
sử, gắn liền với sự ra đời và tồn tại của nhà nước. Đây là căn bệnh đồng
hành và tồn tại ở mọi nhà nước, không phân biệt chế độ chính trị.
Khi còn nhà nước và quyền lực chính trị thì tất yếu còn tham
nhũng. Thực tiễn cho thấy, tham nhũng là hiện tượng phổ biến ở nhiều quốc gia,
kể cả những quốc gia thực hiện chế độ “đa
nguyên, đa đảng”. Trong các cuộc đàm phán về Công ước chống tham nhũng của
Liên hợp quốc đều khẳng định, nơi nào hệ thống pháp luật còn lỏng lẻo, các quy
trình ra quyết định và hoạch định chính sách còn thiếu minh bạch, thủ tục hành
chính còn rườm rà, lương công chức còn thấp,… thì ở đó tình trạng tham nhũng có
xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ; đồng thời, số vụ có tính chất
xuyên quốc gia cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Đặc biệt, trong điều kiện phát
triển kinh tế thị trường, các quan hệ chính trị - kinh tế tạo ra những tiền đề
khách quan cho tham nhũng phát triển.
Chế độ tư hữu là môi sinh lý tưởng cho tham
nhũng xuất hiện và tồn tại. C.Mác
đã chỉ ra rằng, chế độ tư hữu khiến cho con người bị tha hóa (tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844) và ở đó,
giai cấp tư sản với “lòng tham vô
đáy” công nhiên tư lợi,
biến mọi mối quan hệ giữa người với người trong xã hội tư bản thành
một mối quan hệ duy nhất là lợi ích trần trụi và lối “tiền trao
cháo múc”. Chế độ tư bản chủ nghĩa được xây dựng trên nền tảng của
chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Do đó,
từ trong bản chất của nó, chế độ chiếm hữu tư bản tư nhân về tư liệu sản xuất
là môi trường lý tưởng hơn hết để tham nhũng xuất hiện và phát
triển. Chủ nghĩa Mác - Lênin không
phải là môi sinh cho tham nhũng xuất hiện và tồn tại. Chủ nghĩa Mác - Lênin là
kim chỉ nam dẫn dắt nhân loại xóa bỏ chế độ tư hữu, xây dựng một xã hội không
còn sự tồn tại của nhà nước, không có sự áp bức, bóc lột, bất công. Đây là một
khoa học vị nhân sinh, cách mạng nhất, mang đầy tính nhân văn, nhận đạo cao cả,
hướng đến con người, vì con người, mà ở đây chính là đông đảo người dân lao động
bị áp bức, bóc lột và chịu nhiều bất công trong xã hội tư bản.
Như vậy, tham nhũng là hiện tượng xã hội có tính lịch
sử, gắn liền với sự ra đời và tồn tại của nhà nước, không phải là sản phẩm tất
yếu của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chỉ có những kẻ thâm thù, phản động mới cố tình
xuyên tạc, quy chụp rằng, nguyên nhân cơ bản của tham nhũng là do “những độc hại của chủ nghĩa Mác - Lênin; muốn
loại bỏ tham nhũng thì việc “cấp thiết là phải loại bỏ độc hại của chủ nghĩa
Mác - Lênin”. Cái đích hướng tới chính là muốn xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin
- nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng. Đây là luận điệu hết
sức phản động, cần phải kiên quyết đấu tranh, bác bỏ.
Thứ hai, không phải chỉ có
thực hiện “tam quyền phân lập” mới chống được tham nhũng. Thể chế “tam quyền
phân lập” không ngăn ngừa được sự nảy sinh nạn tham nhũng. Trên thế giới hiện
nay, các nước tư bản hầu hết vận dụng thuyết “tam quyền phân lập” trong xây dựng, tổ chức bộ máy quyền lực nhà
nước với nhiều biến thể khác nhau như cộng hòa tổng thống, cộng hòa nghị viện,
quân chủ lập hiến… Song, sự đối trọng đó chỉ là sự đối trọng của các nhóm lợi
ích về thực thi quyền lực nhà nước tư bản mà đại diện là các đảng chính trị tư
sản, chứ không phải đối trọng về lợi ích và quyền lực thống trị của giai cấp tư
sản. Vì vậy, dưới thể chế “tam quyền phân
lập”, lợi ích và quyền lực thống trị của giai cấp tư sản được che đậy rất
tinh vi thì không những không ngăn ngừa được sự nảy sinh nạn tham nhũng, mà còn
là môi sinh lý tưởng cho tham nhũng nảy sinh, tồn tại và phát triển hơn.
Thể chế “tam quyền phân lập” không
loại trừ được nguồn gốc, nguyên nhân xảy ra tham nhũng, dù nó có kiềm chế được
phần nào. Thể chế “tam quyền phân lập” không chỉ không có
khả năng ngăn chặn tham nhũng xảy ra, mà còn không thể là phương thức và giải
pháp duy nhất để đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Thể chế “tam quyền phân lập” tự thân nó không những
không xóa bỏ được cơ cấu quyền lực, chức vị, quyền lực của tổ chức, cá nhân
trong cơ cấu quyền lực, mà còn tăng thêm quyền lực cho tổ chức, cá nhân khi
trao cho họ quyền độc lập cao hơn. Điều này tác động tiêu cực đến đấu tranh chống
tham nhũng như trì hoãn, né tránh, phủ quyết các hoạt động đấu tranh chống tham
nhũng khi các hoạt động đó không phù hợp với lợi ích của nhóm mình. C.Mác đã chỉ
ra rằng: Tất cả cái gì mà con người đấu tranh để giành lấy, đều dính với lợi
ích của họ. V.I.Lênin nhấn mạnh: Lợi ích là cái kích thích hành vi của con người.
Lợi ích có cả lợi ích chân chính và có cả lợi ích bất chính.
Vì vậy, thể chế “tam
quyền phân lập” không thể là cẩm nang thần kỳ mà khi thực hiện thể chế đó sẽ
gắn liền với đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới chống được tham nhũng như
các thế lực thù địch đã trơ trẽn “quảng
bá” và tung hô.
Thứ ba, cuộc đấu tranh chống
tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam nhất định thành công. Với luận điệu thâm thù và phản động, các
thế lực thù địch tiếp tục cố tình quy chụp rằng, Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện
cuộc đấu tranh chống tham nhũng với những “biện
pháp gãi ngứa”, “dàn cảnh chống một vài vụ không quan trọng để tuyên truyền và
lừa dối những người nhẹ dạ cả tin” và không thể chống được tham nhũng; cuộc
đấu tranh chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đi đến thất bại. Đây
chỉ là ý kiến cá nhân của kẻ phản động với óc thâm thù, trên thực tế những gì
đang diễn ra đã chứng minh, bác bỏ hoàn toàn những nhận định, ví von viển vông,
xa rời thực tiễn về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước
và nhân dân ta.
Đảng, Nhà nước ta đã, đang và sẽ thực hiện đấu tranh chống tham nhũng với
những cố gắng và quyết tâm chính trị cao nhất. Có thể nói, chưa khi nào, công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng
được thực hiện ráo riết, quyết liệt như hiện
nay. Chống tham nhũng không có “vùng cấm”,
không có đặc quyền, không có ngoại lệ,
bất luận là ai, kể cả những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng
hay can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng. Chúng ta tiến hành chống tham
nhũng toàn diện, gắn liền với tăng cường chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đẩy
mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán và đã xử lý nhiều cán bộ
cao cấp, tổ chức đảng vi phạm, trong đó có cả các đồng chí là Ủy viên Trung
ương Đảng; kỷ luật cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả trong lực lượng vũ
trang; làm nghiêm từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài... Lần đầu trong lịch sử
tố tụng Việt Nam, một số người từng là Ủy viên Bộ Chính trị đã bị cơ quan tiến
hành tố tụng truy tố và đưa ra xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước
về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là việc chưa từng có trước
đây.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước
ta đã, đang và sẽ được nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ. Đấu tranh chống tham nhũng không chỉ là việc của Đảng, Nhà nước,
mà còn là việc của toàn dân và muốn thành công trong cuộc đấu tranh này, nhân
dân phải được Đảng lãnh đạo, Nhà nước tổ chức; có chiến lược, sách lược và
phương thức đấu tranh bài bản, đúng đắn, rõ ràng.
Vì vậy, dù còn gặp nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp,
thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi ích của một bộ phận không nhỏ các tầng
lớp nhân dân, song nhân dân ta vẫn kiên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng,
sự tổ chức, điều hành của Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Hầu hết
các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước về
phòng, chống tham nhũng đều được các tầng lớp nhân dân lắng nghe, tin tưởng và
tích cực hưởng ứng. Cùng với đó, hầu hết mọi tầng lớp nhân dân, đội ngũ cán bộ,
đảng viên còn phân biệt, nhận diện được đâu là những kẻ cơ hội, chỉ hô hào, động
viên đấu tranh chống tham nhũng chung chung, đâu là những quan điểm, hành vi
sai trái, thù địch, muốn lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng lãnh
đạo, Nhà nước tổ chức để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.
Những luận điệu xuyên tạc về cuộc đấu tranh chống
tham nhũng ở Việt Nam của các thế lực thù địch hoàn toàn là sai trái. Vì vậy, cần
phải nhận thức cho đúng rằng: chủ nghĩa Mác - Lênin không thể là nguồn gốc sinh
ra và nôi dưỡng tham nhũng; dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, Việt Nam có đủ
sức mạnh để loại bỏ tham nhũng; cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng Cộng sản
Việt Nam nhất định sẽ thành công để xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh, có uy tín và vị thế cao trong quan hệ quốc tế./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét