Thứ Tư, 1 tháng 11, 2023

 

Phong trào thi đua "hai giỏi" ở Quảng Bình: biểu tượng sức mạnh đoàn kết toàn dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

(LLCT) - Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Bình (cùng với huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) làđịa bàn nằm ở tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, tích cực, chủ động xây dựng hậu phương vững mạnh, đối phó, đánh thắng mọi hoạt động đánh phá của đế quốc Mỹ.


1. Quảng Bình - Quê hương của phong trào “Hai giỏi”

Quảng Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có vị trí địa - chính trị đặc biệt, tiếp giáp với tỉnh Quảng Trị, là địa bàn đầu cầu, điểm trung chuyển, tiếp nối giữa hậu phương miền Bắc và tiền tuyến miền Nam. Mọi hoạt động kinh tế, xã hội trên đất Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đối với  chiến tranh cách mạng ở miền Nam.

Sau 10 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, cuối năm 1964, đầu năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”[1]. Tiến hành chiến tranh phá hoại, mục đích của Mỹ nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng và công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, ngăn cản sự chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, cô lập cách mạng miền Nam, hòng đánh bại quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.

 Trong điều kiện chiến tranh lan rộng ra cả nước[2], vấn đề lớn đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thời điểm thử thách này là: phải tiếp tục công cuộc xây dựng miền Bắc như thế nào.

Tháng 3-1965, Hội nghị của BCHTƯ Đảng lần thứ 11 quyết định tiếp tục sự nghiệp xây dựng CNXH trong điều kiện có chiến tranh, đảm bảo cho miền Bắc có đủ sức mạnh đánh bại cuộc CTPH của không quân, hải quân Mỹ và làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Tháng 12-1965, vào thời điểm Mỹ đang đưa quân ồ ạt vào miền Nam và mở rộng CTPH miền Bắc, Hội nghị lần thứ 12 BCHTƯ Đảng khẳng định chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc ta, nêu bật quyết tâm của nhân dân Việt Nam và đề ra nhiệm vụ cụ thể đối với miền Bắc: vừa sản xuất, vừa chiến đấu để bảo vệ miền Bắc, đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, động viên sức người, sức của, tăng cường chi viện miền Nam.

Bộ Chính trị chỉ rõ nhiệm vụ của Quảng Bình, Vĩnh Linh là “khẩn trương chuẩn bị đối phó với chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ. Địch sẽ mở rộng đánh phá miền Bắc và Quảng Bình, Vĩnh Linh là nơi chúng sẽ đánh phá trước hết”[3]. Trung ương Đảng khẳng định: Nếu Mỹ đánh ra miền Bắc, Quảng Bình sẽ là nơi “đầu sóng ngọn gió”.

Thực hiện lời kêu gọi của  Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, phong trào thi đua mỗi người làm việc bằng hai”[4] phát triển mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Quân và dân Quảng Bình dũng cảm đánh trả quyết liệt và giành được thắng lợi trong những ngày đầu chống cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ quê hương và làm nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến lớn miền Nam.

Nhân sự kiện Quảng Bình bắn rơi 100 máy bay Mỹ ngày 14-7-1965, cùng với thành tích thu hoạch vụ sản xuất Đông Xuân 1964-1965 thắng lợi toàn diện, ngày 17-7-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen[5] đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình bắn rơi 100 máy bay Mỹ: “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ, vừa qua lại thu hoạch vụ chiêm rất tốt.

Như vậy là tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi.

Các tỉnh khác hãy ra sức thi đua với Quảng Bình.

Các chú bộ đội, cán bộ và đồng bào tỉnh nhà hãy phát huy thắng lợi, nêu cao truyền thống anh hùng của quân và dân ta, đoàn kết chặt chẽ, luôn luôn cảnh giác, quyết giành nhiều thành tích to lớn hơn nữa, cùng đồng bào cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược cho đến thắng lợi hoàn toàn!”[6].

Phấn khởi, vinh dự và tự hào, học tập thư khen của Người, nhân dân trong tỉnh sáng tạo nhiều hình thức thi đua. Mỗi hợp tác xã có “Cánh đồng thắng Mỹ”, đội sản xuất có “Thửa ruộng thâm canh thắng Mỹ”, cơ quan xí nghiệp có “Trận địa thắng Mỹ”.

Tháng 11-1965, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã tổ chức “Đại hội tổng kết thi đua”, nhân dịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBHC, Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động phong trào thi đua “Hai giỏi’”(chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi) nhằm động viên toàn quân, toàn dân trong tỉnh giương cao ngọn cờ thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. “Hai giỏi” trở thành phong trào quần chúng thi đua lập công trên mặt trận chiến đấu và lao động sản xuất của quân và dân Quảng Bình trong suốt 10 năm kháng chiến chống Mỹ (1965-1975).

Mỗi đơn vị trong lực lượng vũ trang, hợp tác xã, từng gia đình, mỗi cá nhân đều có chỉ tiêu phấn đấu “Đơn vị hai giỏi’’, “Chiến sĩ hai giỏi’’. Phong trào thi đua “Hai giỏi’’ đã thành động lực cho 40 vạn người dân Quảng Bình vượt lên những đau thương mất mát, lập nên những chiến công hiển hách, trở thành phong trào cách mạng của quần chúng, là biểu tượng cao đẹp trong cuộc kháng chiến cứu nước.

2. Quân và dân Quảng Bình phấn đấu xứng đáng là địa phương dẫn đầu miền Bắc trong phong trào thi đua “Hai giỏi”

Thanh niên Quảng Bình có phong trào tình nguyện “ba sẵn sàng”[7]Hội phụ nữ có phong trào “ba đảm đang”[8] ; trên mặt trận sản xuất nông nghiệp có phong trào « cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ » , phong trào phấn đấu đạt 5 tấn thóc / héc ta trở thành hành động cụ thể của hàng vạn nông dân Quảng Bình; trong công nhân có phong trào “tay búa , tay súng”; khoa học kỹ thuật có  phong trào «ba quyết tâm »,  trong ngành giáo dục có phong trào “hai tốt”…

Trong giai đoạn chiến tranh vô cùng ác liệt, Quảng Bình lại càng phát huy truyền thống quê hương cách mạng, biết bao những tấm gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm, những anh hùng từ trong tuyến lửa ác liệt của chiến tranh. Nhiều địa danh của “đất lửa” Quảng Bình gắn liền với những tập thể và cá nhân anh hùng luôn khắc sâu in đậm trong ký ức của hàng triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Trong chiến đấu, nhiều tấm gương dũng cảm xuất hiện: gương Võ Xuân Nở - Bí thư chi bộ thôn Phú Xá (Lộc Ninh) ôm bom nổ chậm; Lê Ngọc Lễ lấy thân mình làm giá súng; mẹ Nguyễn Thị Suốt vượt qua bom đạn chèo đò chở bộ đội qua sông. Tấm gương mẹ Suốt được Bác Hồ khen ngợi tại Lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày  thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 19-10-1966: “Bà mẹ Suốt ở Quảng Bình đã xông pha bom đạn, không sợ sóng to gió lớn, suốt ngày đêm chèo thuyền đưa bộ đội và cán bộ qua sông để chiến đấu”[9].

Ở mặt trận miền Tây Quảng Bình, không quân Mỹ ném bom đánh phá ác liệt, Đinh Thị Thu Ngà nhảy lên mâm pháo thay pháo thủ bị thương tiếp tục chiến đấu. Trong trận không quân Mỹ ném bom bắn phá cầu Dài và vùng quanh  thị xã Đồng Hới (4-4-1965), nữ dân quân Trần Thị Lý, cô dân quân gan góc của thị xã Đồng Hới, tuổi còn trẻ nhưng lập được chiến công dùng súng trường bắn máy bay Mỹ, được Quốc hội, Chính phủ tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước tháng 1-1967. Nguyễn Thị Kim Huế Trung đội trưởng Trung đội quyết tử 759 (thành lập năm 1965) - đội 75 - công trường 12 phụ trách cung đường từ Nam cầu La Trọng đến Bãi Dinh. Với tinh thần quyết tử cho tuyến đường luôn thông suốt, chị và đồng đội mỗi lần vào trận đánh đều được làm lễ truy điệu sống. Ngày 1-2-1967, chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Chị vinh dự có năm lần được gặp Bác Hồ. Lắng nghe những chiến công của chị và đồng đội, Bác khen ngợi: “Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, làm gì cũng giỏi”[10].

Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy[11], thi đua với lực lượng phòng không, trong 8 năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, đạt thành tích đánh 8 trận, trong đó có 5 trận được công nhận bắn cháy và bắn chìm tàu khu trục Mỹ trên bờ biển Nam Quảng Bình[12]. Ngày 25 tháng 8 năm 1970, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy vinh dự được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương danh hiệu “Đơn vị anh hùng LLVTND”.

Mỗi lần Quảng Bình bắn hạ máy bay Mỹ thứ 200 (6-1966), thứ 300 (6-1967), thứ 400 (4-1968), thứ 500 (8-1968), Bác Hồ đã gửi thư biểu dương, khích lệ. 

Quảng Bình là địa phương lập chiến công bắn rơi chiếc máy bay thứ 3000 trên miền Bắc[13]. Trong Thư khen quân và dân miền Bắcngày 27-6-1968[14], Chủ tịch Hồ Chí Minh “đặc biệt khen ngợi quân và dân Quảng Bình đã đánh giỏi, hạ chiếc máy bay thứ 3.000 và gửi tặng đơn vị X. một lá cờ vinh dự. Đó là thành tích chung của quân và dân miền Bắc ta”[15]. Ngày 3 tháng 8 năm 1968 quân dân tỉnh bắn rơi chiếc máy bay thứ 500 trên đất Quảng Bình, được Bác Hồ gửi thư khen[16]và Quốc hội tặng thêm một Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Dù cuộc sống của nhân dân còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân Quảng Bình vẫn sẵn sàng “nhường cơm, xẻ áo” cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ. Với tinh thần “chia lửa” cho tiền tuyến, nhân dân Quảng Bình bằng nhiều hình thức đã đóng góp sức mình cho cuộc kháng chiến. Các mẹ Nguyễn Thị Luyến (ở Mai Thuỷ - Lệ Thuỷ) có 5 người con, trong đó 3 con là liệt sĩ khi làm nhiệm vụ ở tiền tuyến, một con là liệt sĩ khi đi dân công hoả tuyến, mẹ vẫn tình nguyện để một con sau cùng đi bộ đội. Mẹ Nguyễn Thị Leo (Xuân Dục), có 5 con đã tòng quân giết giặc, một người đi TNXPmẹ vẫn đến xã đội xin cho người con thứ 7 đi bộ đội....

Trên mặt trận đảm bảo giao thông vận tải

Quân và dân Quảng Bình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận bảo đảm giao thông, giữ cho mạch máu giao thông thông suốt. Gần 10 năm đương đầu với đế quốc Mỹ, tuyến lửa Quảng Bình trở thành trọng điểm bị đánh phá ác liệt, là nơi đối đầu quyết liệt với không lực và hải quân Hoa Kỳ. Quảng Bình kiên cường chiến đấu bảo vệ các tuyến giao thông vận tải chi viện miền Nam. Khẩu hiệu "Xe chưa qua nhà không tiếc" xuất hiện đầu tiên ở Võ Ninh tháng 7-1966, 37 ngôi nhà đã dỡ xuống lát đường cho 100 xe qua.  Đức Trạch, Hải Trạch có trên 150 gia đình tình nguyện dỡ nhà lót đường cầu Lý Hòa. Thực hiện khẩu hiệu “Xe chưa qua nhà không tiếc/ Đường chưa thông không tiếc máu xương”, nhân dân các địa phương Quảng Bình đã kiên cường giữ vững những con đường huyết mạch cho xe ra tiền tuyến.

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, các hợp tác xã vẫn “bám làng mà chiến đấu, bám đồng ruộng mà sản xuất, bám hố bom mà thâm canh”. Từ một vùng đất quảng canh, trong lửa đạn Quảng Bình đã có những cánh đồng 5 tấn, những trại chăn nuôi bò, lợn năng suất cao, những vùng đất được tưới tiêu hợp lý, những đồi sắn bãi khoai sản lượng cao. Nạn đói không còn. Nhiều hợp tác xã có phong trào thâm canh, chăn nuôi, thủy lợi, cải tiến nông cụ hiệu quả như Lộc Long, Hợp Hòa, Tiên Lang, Thiết Sơn. Hợp tác xã Đại Phong tiếp tục giữ danh hiệu lá cờ đầu nông nghiệp trên miền Bắc. Vụ Chiêm năm 1968, Hợp tác xã Đại Phong đạt năng suất 24,78 tạ/ha, Hợp tác xã Cự Nẫm đạt 25 tạ/ha[17]. Đội nữ đánh cá Minh Khai đạt danh hiệu “Hai giỏi” trong 4 năm 1965-1968. Hợp tác xã sản xuất muối Bảo Ninh được tặng thưởng hai huân chương lao động, liên tục được công nhận là hợp tác xã “Hai giỏi”.

Tổng kết 4 năm phong trào thi đua “Hai giỏi” trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965-1968), hàng vạn người đạt danh hiệu “Hai giỏi” trong đó có 18.000 người đạt danh hiệu “Hai giỏi” 4 năm liền; hơn 14.000 gia đình và hàng nghìn tập thể “Hai giỏi”, 12.000 chiến sĩ thi đua, 450 chiến sĩ quyết thắng, 160 tổ đội lao động XHCN, 220 đơn vị quyết thắng; có 22 đơn vị và 174 dũng sĩ diệt Mỹ và dũng sĩ diệt cơ giới địch. Đặc biệt, tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc Quảng Bình có 7 đơn vị, 11 cá nhân được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương Anh hùng lao động và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân[18].

Trong hai lần tiến hành chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã sử dụng các loại máy bay, tàu chiến đánh phá Quảng Bình, với hơn 1 triệu tấn bom; bình quân mỗi người dân Quảng Bình phải hứng chịu hơn 2 tấn bom đạn[19]. Trong tám năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân tỉnh Quảng Bình đã bắn hạ 704 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 84 tàu chiến Mỹ. Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, nhân dân đã đóng góp gần 2.960 nghìn ngày công phục vụ chiến đấu và bảo đảm giao thông vận tải; khoảng 11% dân số (39.500 người) đã tham gia chiến đấu trong quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến...(20). Trên quê hương Quảng Bình “hai giỏi”, 160 đơn vị, 35 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, 186 Đơn vị Quyết thắng; Bác Hồ đã 7 lần gửi thư khen LLVT và nhân dân Quảng Bình, tặng 4 cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”(21).

 Phong trào hai giỏi  trở thành “phong trào đặc trưng” của Quảng Bình, lan tỏa  khắp thôn xóm, từ vùng đồng bằng đến vùng núi xa xôi hẻo lánh, từ nông thôn đến thành thị. Quân và dân Quảng Bình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh thắng hai cuộc CTPHcủa Mỹ, xây dựng hậu phương vững mạnh và chi viện cao nhất cho chiến trường miền Nam. Thắng lợi mà quân và dân Quảng Bình giành được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với phong trào thi đua hai giỏi, là thắng lợi của hàng triệu khối óc không ngừng tìm tòi sáng tạo trong sản xuất và chiến đấu. Nhiều chiến sĩ “Hai giỏi” xuất hiện, những tấm gương có sức lan tỏa, rộng khắp đối với nhân dân  mọi miền Tổ quốc. Quảng Bình được cả nước tôn vinh là “tỉnh anh hùng”. Mỗi tên làng, tên xóm của Quảng Bình gắn liền với những chiến công hiển hách. Lịch sử mãi mãi ghi công các chiến công gắn liền với những tập thể và cá nhân anh hùng, liệt sĩ cùng với các địa danh nổi tiếng: Cha Lo - Cổng Trời, đường 12A, đường 20 Quyết Thắng, sông Gianh, Nhật Lệ, bến phà Quán Hàu, Long Đại, Xuân Sơn, trận địa nữ pháo binh Ngư Thuỷ, lão dân quân Đức Ninh,  Đại đội 759 Thanh niên xung phong, Mẹ Suốt...

Tinh thần “Quảng Bình quật khởi” trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã tái hiện tỏa sáng và phát huy trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tiếp nối với phong trào “Hai giỏi”. Thực tiễn phong trào Hai giỏi của Quảng Bình để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

_______________________

[1] Đưa quân chiến đấu Mỹ và quân đồng minh Mỹ vào miền Nam trực tiếp tham chiến, đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc.

[2]Ngày 5-8-1964, Mỹ sử dụng hơn 60 máy bay bất ngờ tấn công hầu hết các căn cứ, khu trú đậu và lực lượng tàu thuyền của hải quân trên tuyến ven biển miền Bắc từ Quảng Bình đến Quảng Ninh.  Ngày 7-2-1965, Tổng thống Mỹ Johnson ra lệnh cho không quân Mỹ mở chiến dịch “Mũi lao lửa I” đánh vào thị xã Đồng Hới (Quảng Bình), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), chính thức mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất đối với miền Bắc.

[3] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, Báo cáo tổng kết tình hình 4 năm chống Mỹ cứu nước (1965-1968),  Phòng Lưu trữ tỉnh uỷ Quảng Bình.

[4] Tháng 4-1964, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua mỗi người làm việc bằng hai, ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam”  Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 25 (1964), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003,  tr.117.

[5] Đăng báo Nhân dân số 4124 ngày 19-7-1965.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14 1963-1965, Nxb CTQG – Sự thật, H. 2011, tr.571.

[7] Tháng 2-1965, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn phát động phong trào “Ba sẵn sàng” trong đoàn viên, thanh niên toàn miền Bắc, lôi cuốn đông đảo thanh niên sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng nhập ngũ; sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì màTổ quốc cần đến.

[8] Ngày 19-3-1965, Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào “Ba đảm đang” trong giới phụ nữ miền Bắc:đảm đang sản xuất và công tác, thay thế chồng, con, anh em đi chiến đấu; đảm đang việc gia đình cho chồng, con, anh em yên tâm chiến đấu; đảm đang phục vụ chiến đấu,tham gia dân quân tự vệ, tập luyện quân sự để sẵn sàng chiến đấu.

[9] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15 1966-1969, Nxb CTQG – Sự thật, H. 2011, tr.172-173.

[10]Nữ anh hùng năm  lần gặp Bác Hồ. http://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Nu-anh-hung-5-lan-gap-Bac-Ho-42097/.

[11] Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy thành lập 11-1967, khi thành lậpcó 37 đồng chí với tuổi đời còn rất trẻ, từ khoảng 16 đến 22 tuổi.

[12]Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy – Những người nữ anh hùng của thế kỷ XX. http://lethuy.edu.vn/?u=nws&su=d&cid=362&id=199775

[13] Ngày 25-6-1968,Đại đội 367, dân quân Minh Hóa và đơn vị 280 bắn rơi l chiếc F4H. Đây là chiếc máy bay Mỹ thứ 3.000 bị bắn rơi trên miền Bắc.

[14] Đăng báo Nhân dân số 5190 ngày 28-6-1968

[15] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15 1966-1969, Nxb CTQG – Sự thật, H. 2011, tr.466.

[16] Đăng báo Nhân dân số 5232 ngày 9-8-1968.

[17] Phan Thị Trà Giang: 45 năm nghĩ về phong trào “Hai giỏi” ở Quảng Bình, Tạp chí Thông tin Khoa học – Công nghệ - Quảng Bình, số 4-2010.

[18] Phan Viết Dũng: Quảng Bình "Hai giỏi" ,http://www.baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/201504/quang-binh-hai-gioi-2124626/.

[20]Quảng Bình ra sức phát huy truyền thống quê hương "Hai giỏi" trong thời kỳ mới. http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/17672202-.html

[21]Quảng Bình “hai giỏi”.  http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/40-nam-chien-thang-vi-dai-30-4/quang-binh-hai-gioi-259956

 

Nguồn: PGS, TS Trịnh Thị Hồng Hạnh

                                                    Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Những quyết sách quan trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (13-15/8/1945)

(LLCT)- Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945 tại Tân Trào (Tuyên Quang), theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị quyết định nhiều vấn đề quan trọng chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.


Tham dự Hội nghị gồm có đại biểu các đảng bộ địa phương trong nước, một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài, đại biểu của khu giải phóng và các chiến khu. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước chuyển biến hết sức nhanh chóng. Trên thế giới, phátxít Đức đã thất bại (5-1945), phátxít Nhật đang bị quân đội Đồng minh dồn vào bước đường cùng, buộc phải tuyên bố đầu hàng. Các nước Đồng minh thoả thuận sau khi Nhật đầu hàng, quân đội Anh và Tưởng sẽ vào Đông Dương để tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật. Thực dân Pháp dựa vào Đồng minh ráo riết chuẩn bị lực lượng trở lại khôi phục địa vị thống trị ở Đông Dương. Các lực lượng phản động, tay sai của Nhật ra sức tìm chủ mới, bọn phản động người Việt lưu vong dựa thế quân đội nước ngoài trở về nước hòng nắm chính quyền.

Trước tình hình đó, Hội nghị quyết định nhiều vấn đề quan trọng chỉ đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, như: về các chủ trương, biện pháp chỉ đạo tổng khởi nghĩa; chính sách đối nội và đối ngoại; công tác cán bộ, công tác dân vận, công tác xây dựng Đảng…

Chủ trương, biện pháp tổng khởi  nghĩa

Hội nghị nhận định: “Nhật đổ, hàng ngũ chỉ huy của chúng ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm; quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần; bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ”. “Toàn dân tộc đang sôi nổi đợi giờ khởi nghĩa, giành quyền độc lập”. “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương như đã chín muồi”. “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”(1). Trên cơ sở phân tích chính xác tình hình, Hội nghị quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền từ phátxít Nhật và tay sai, trước khi quân Anh và quân Tưởng vào Đông Dương tước khí giới quân Nhật.

Hội nghị đề ra ba nguyên tắc nhằm bảo đảm sự thắng lợi của tổng khởi nghĩa do Đảng lãnh đạo:

“a) Tập trung - tập trung lực lượng vào những việc chính.

  b) Thống nhất - thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy.

 c) Kịp thời - kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”(2).

Hội nghị đã chủ trương: “Đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê. Thành lập những ủy ban nhân dân ở những nơi ta làm chủ”(3); “quân sự và chính trị phối hợp”, “làm tan rã tinh thần quân địch và dụ chúng hàng trước khi đánh”; “chớp lấy những căn cứ chính (cả đô thị) trước khi quân đồng minh vào”(4)

Đây là những chủ trương kịp thời, kế hoạch đúng đắn; biểu thị sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân trong giờ phút quyết định và là cơ sở quan trọng để tổng khởi nghĩa giành thắng lợi.

Chính sách đối nội

Hội nghị đã quyết định những vấn đề quan trọng về chính sách đối nội, trong đó chủ trương tiếp tục thi hành 10 chính sách của Việt Minh đã được ban hành từ Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941). Mười chính sách được nhân dân đồng tình ủng hộ, là cơ sở để thực hiện đoàn kết dân tộc, huy động mọi tiềm năng, sức mạnh của nhân dân tiến tới tổng khởi nghĩa.

Những chính sách đó tuy được nêu một cách ngắn gọn, cô đọng nhưng đã quyết định toàn diện các vấn đề về: chế độ chính trị, các chính sách về quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội, chính sách đối với các giai cấp, tầng lớp nhân dân.

Về mô hình chế độ chính trịđược nêu rõ trong chính sách đầu tiên: “a) Phản đối xâm lược; tiễu trừ Việt gian. Lập nên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hoàn toàn độc lập”(5)

Nhóm chính sách kinh tế giải quyết các vấn đề kinh tế trước mắt và lâu dài, cấp bách nhất là làm cho dân nghèo có ruộng đất: “c) Tịch thu tài sản của lũ giặc nước và của Việt gian, tùy trường hợp dùng làm của chung hay chia cho dân nghèo. d) Bỏ hết thuế khóa, phu dịch do đế quốc đặt ra. e) Chia lại ruộng đất công, làm cho dân nghèo có ruộng cày cấy; giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ. h) Thành lập và mở rộng nền kinh tế quốc dân. Khuyến khích và giúp đỡ công nghiệp, nông nghiệp và thương nghiệp. Lập quốc gia ngân hàng”(6).

Nhóm chính sách về văn hóa - xã hộigồm: “g)Thi hành kỷ luật ngày làm tám giờ; đặt luật xã hội bảo hiểm, cứu tế nạn dân. i) Chống nạn mù chữ, cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ học. Đào tạo các hạng nhân tài. k) Thân thiện với các nước coi trọng nền độc lập của Việt Nam”(7).

Chính sách đối ngoại

Hội nghị chủ trương triệt để lợi dụng mâu thuẫn giữa hai phe Đồng minh Anh, Pháp và Mỹ, Tàu về vấn đề Đông Dương, tránh trường hợp một mình phải đối phó cùng một lúc với nhiều đối tượng, đồng thời cũng cần chuẩn bị ứng phó với việc Anh - Mỹ - Tưởng nhân nhượng Pháp, cho Pháp trở lại Đông Dương. Hội nghị nhận định rõ vai trò quan trọng của thực lực cách mạng nước ta trong việc giải quyết mối quan hệ giữa ta và Đồng minh: “Dù sao chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi giữa ta và Đồng minh”(8).

Những chính sách về đối ngoại có vai trò chỉ đạo cách mạng Việt Nam sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Sau tháng 8- 1945, vận dụng chính sách đối ngoại được đề ra tại Hội nghị, Đảng ta đã thực hiện phân hóa mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, tránh việc phải đối phó với nhiều lực lượng cùng lúc. Nhờ thực hiện những chính sách đối ngoại đúng đắn mà cách mạng nước ta vượt qua tình thế hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”.

Công tác cán bộ

Về công tác cán bộ, Hội nghị quyết định nhiều vấn đề quan trọng như: đào tạo, sử dụng, phân phối, kiểm tra cán bộ. Hội nghị chủ trương thành lập các ban chuyên môn ở Trung ương, xứ ủy để đào tạo cán bộ. Mỗi tỉnh có ít nhất một huấn luyện viên chuyên môn và nhấn mạnh vấn đề tạo tạo cán bộ địa phương và cán bộ dân tộc thiểu số. Về vấn đề sử dụng cán bộ, Hội nghị nêu rõ các quan điểm: “Phải quý cán bộ và giữ gìn cán bộ. Phân phối cán bộ cho hợp lý; dùng cán bộ cho đúng. Hết sức nâng đỡ cán bộ quần chúng (cán bộ Việt Minh)”(9). Bên cạnh đó, Hội nghị yêu cầu thực hiện kiểm tra cán bộ nhằm phát huy ưu điểm, đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương bổ sung một số uỷ viên, gồm các đồng chí: Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Hoan, Chu Văn Tấn, Vũ Anh và Võ Nguyên Giáp.

Công tác dân vận

Hội nghị chủ trương vận động các giới, các đảng phái; biện pháp tuyên truyền vận động; các khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động. Đảng nhấn mạnh phương hướng tuyên truyền cổ động: “nêu khẩu hiệu chính động viên tinh thần cứu quốc; nêu cao nguyện vọng của dân tộc; quốc gia hoàn toàn độc lập…”(10).

Hội nghị đề ra các nhiệm vụ cần kíp nhằm thực hiện tuyên truyền, cổ động, trong đó chỉ rõ các hình thức, phương pháp: phát truyền đơn, dán áp phích, truyền tin, họp mít tinh, báo chí… Hình thức vũ trang tuyên truyền ra đời cùng với việc thiết lập lực lượng vũ trang cách mạng; đảm đương chức năng chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến. Hình thức thị uy tuyên truyền thông qua các cuộc mít tinh, biểu tình…

Hội nghị đề ra chủ trương vận động các giới và các đảng phái, đề ra chính sách vận động phù hợp với từng đối tượng. Hội nghị đề xuất thực hiện công tác vận động các giới gắn kết với việc xây dựng tổ chức cứu quốc. Đối với các đảng phái, Hội nghị chủ trương ủng hộ việc gây dựng lại “Việt Nam Quốc dân Đảng”, hết sức giúp đỡ “Việt Nam dân chủ Đảng”. Tính chất dân chủ nhân dân của cuộc cách mạng đặt ra đối tượng cần tập hợp, vận động không chỉ giới hạn ở công - nông, mà là tất cả các tầng lớp, các giai cấp, các đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo có tinh thần chống Pháp, chống Nhật, thành thật muốn giành độc lập cho đất nước.

Công tác dân vận đã trực tiếp góp phần xây dựng lực lượng chính trị đông đảo - lực lượng đóng vai trò quyết định thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Công tác xây dựng nội bộ Đảng

Hội nghị coi trọng vấn đề thống nhất Đảng, đặc biệt về tổ chức, về chính trị, chống tả khuynh, hữu khuynh. Đảng nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc thống nhất Đảng trong mọi giai đoạn cách mạng, nhất là vào thời điểm xuất hiện thời cơ cách mạng ngàn năm có một. Do đó, thống nhất, đoàn kết trong Đảng tạo nên sức mạnh của Đảng, làm cho Đảng đủ năng lực lãnh đạo cách mạng thành công.

Về vấn đề phát triển và củng cố Đảng, Hội nghị nêu một số chủ trương như: kết nạp đảng viên mới; xây dựng tổ chức đảng trong quân giải phóng Việt Nam; thi hành kỷ luật đối với đảng viên phạm lỗi nặng; khai trừ những phần tử hủ hóa, thoái lui; thực hiện tự chỉ trích… Bên cạnh đó, Hội nghị chủ trương xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình mở lớp huấn luyện cán bộ, đảng viên.

Về mối quan hệ giữa Đảng và Việt Minh, Hội nghị nêu yêu cầu: Phân định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò tập hợp, đoàn kết quần chúng của Việt Minh; phân minh về tổ chức đảng với tổ chức của Việt Minh. Với tư cách là thành viên, Đảng tỏ rõ vị thế bình đẳng như các thành viên khác trong Mặt trận, không đứng trên mà đứng trong Mặt trận. Với tư cách là thành tố lãnh đạo, Đảng tỏ rõ là bộ phận tiên phong chính trị, gương mẫu nhân cách, mà biểu hiện cụ thể nhất là trong hoạt động thực tiễn hành ngày gắn với nhân dân. Chính thông qua với tư cách là thành viên, lại là thành viên hăng hái nhất, tinh hoa nhất mà tính chính đáng về quyền lãnh đạo của Đảng được thừa nhận. Vai trò của Đảng trong cấu trúc Mặt trận Việt Minh là một mẫu mực thực hiện chức năng “kép” nêu trên, như sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”(11).

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng tháng 8-1945 có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử cách mạng nước ta; quyết định vấn đề chiến lược và sách lược chỉ đạo cách mạng Đông Dương, góp phần làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Chủ trương khởi nghĩa của Hội nghị đã được Đại hội Quốc dân (họp ngày 16 và ngày 17-8-1945) tán thành. Bên cạnh đó, những tư tưởng của Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng còn có tác dụng chỉ đạo cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ và phát huy thành quả cách mạng. Với những quyết sách quan trọng, Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng thể hiện sự tiếp thu và phát triển truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc ta trong điều kiện lịch sử mới. Do đó, có thể khẳng định, Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (8-1945) không những có ý nghĩa trực tiếp đối với cuộc đấu tranh giành chính quyền, mà còn là di sản của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

____________________

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.7 (1940-1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.424, 425, 425, 429, 427, 427-428, 427-428, 427, 432, 427.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, tr.138.

Nguồn: TS Lê Thị Minh Hà

Viện Xây dựng Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


 

Đồng chí Võ Chí Công- chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo sáng tạo trong cách mạng giải phóng dân tộc

(LLCT) - Đồng chí Võ Chí Công (1912-2017) là một “chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân và vì lý tưởng cộng sản”; “một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta”, “một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” mà cuộc đời “gắn liền với quá trình cách mạng và những sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng của Đảng và nhân dân ta”(1).


   

Sinh năm 1912 trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), đồng chí Võ Chí Công sớm tham gia các hoạt động yêu nước trong những năm 20thế kỷ XX, trở thành người cộng sản vào năm 1935. Đây là thời điểm cách mạng Việt Nam phải đối diện với các cuộc khủng bố dã man của thực dân Pháp nhằm sát hại những người cộng sản, xóa bỏ hệ thống tổ chức Đảng vừa mới hình thành sau khi Đảng mới ra đời, hòng dập tắt phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cả nước nói chung và ở Quảng Nam nói riêng, là một thử thách ý chí hết sức lớn lao.

Với vai trò là Bí thư chi bộ, đồng chí đã tổ chức đấu tranh chống lại sự đàn áp của địch, khôi phục tổ chức Đảng, giữ vững phong trào cách mạng ở địa phương vào thời điểm khó khăn đó. Trước hết là, bằng  những nỗ lực cao độ để giác ngộ những người yêu nước thành người cộng sản nhằm tăng cường đội ngũ của Đảng; Hai là, kiên trì đi vào nhân dân để vận động quần chúng cách mạng, giữ vững niềm tin để duy trì, mở rộng phong trào cách cách mạng ở địa phương. Những hoạt động tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ đó biểu thị ý chí kiên cường của người cộng sản Võ Chí Công ngay sau khi đồng chí mới bước vào hàng ngũ của Đảng.

Khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ (1939), thực dân Pháp thực thi chính sách phát xít ở Đông Dương, tiến hành đàn áp toàn diện đối với phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta. Đảng bộ Quảng Nam liên tục bị vỡ, nhiều cán bộ chủ chốt và đảng viên ở các địa phương bị địch bắt. Trước tình hình đó, đồng chí Võ Chí Công đã thoát ly gia đình để hoạt động và trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp. Mặc dù, bị mất liên lạc với hệ thống tổ chức của Đảng và bị kẻ thù truy sát, đồng chí đã tập hợp những cán bộ lãnh đạo còn lại trong tỉnh chủ động phân công nhau đi khắp các chi bộ củng cố tinh thần và tiếp tục hoạt động. Vượt qua những khó khăn trong hoạt động bí mật dưới sự truy sátcủa kẻ thù, vừa khôi phục lại hệ thống tổ chức của Đảng ở Quảng Nam, vừa tiến hành chắp nối liên lạc với cấp trên, đồng chí Võ Chí Công đã nhanh chóngtrưởng thành: là Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ (1-1940) và sau đó đảm trách vai trò của Bí thư lâm thời Tỉnh ủy Quảng Nam (3-1940).

Sau khởi nghĩa Nam Kỳ (11-1940), thực dân Phápđiên cuồng tiến hành hàng loạt các cuộc lùng sục, bắt bớ tràn lan trên cả nước và đã phá vỡ nhiều tổ chức, sát hại nhiều cán bộ lãnh đạo trọng yếu của Đảng ta. Là ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (10-1941) phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên, rồi trực tiếp làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (6-1942), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam mới (1-1943), đồng chí Võ Chí Công đã lặn lội đi khắp miền Trung, vừa làm nhiều việc để kiếm sống, vừa lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại các đợt khủng bố của địch. Trong điều kiện khó khăn khi Đảng bộ Quảng Nam nhiều lần bị địch phá vỡ về tổ chức và đứt liên lạc với cấp trên, nhưng đồng chí đã chủ động thay đổi phương thức hoạt động, thậm chí có lúc phải chuyển xuống các tỉnh cực Nam Trung Bộ rồi vòng lên Đà Lạt để tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng, phát triển đội ngũ và tìm cách trở về Quảng Nam hoạt động. Sự kiên trì và sáng tạo trong phương thức hoạt động của đồng chí đã góp phần giữ vững và gây dựng thêm nhiều cơ sở cách mạng, khôi phục lại hệ thống tổ chức của Đảng và phát triển rộng rãi mặt trận đoàn kết dân tộc ở Khu V.               

Tháng 10-1943, đồng chíbị địch bắt, trong lao tù đế quốc, đồng chí đã “lấy tinh thần cách mạng thắng đau đớn bản thân và thắng kẻ thù tàn ác, dã man”(2), kiên cường vượt qua những cực hình tra tấn ở nhà tù Hội An cũng như khi bị giam cấm cố trong nhà đầy của thực dân Pháp ở Ban Mê Thuột. Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), đồng chí Võ Chí Công đã thoát khỏi nhà tù đế quốc, ngay lập tức trở về và trực tiếp tham gia chuẩn bị cho cách mạng Tháng Tám trong Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh Quảng Nam.

Bám sát sự biến đổi của tình hình cách mạng, đồng chí Võ Chí Công đã đề xuất ý kiến với Ủy ban khởi nghĩa Quảng Nam nhanh chóng quyết định lãnh đạo nhân dân tiến hành khởi nghĩa trước ở Hội An. Với quyết định quan trọng đó, quần chúng cách mạng ở Hội An đã tiến hành khởi nghĩa thắng lợi vào ngày 17-8-1945 và sau đó là các địa bàn trọng yếu khác của tỉnh, đưa Quảng Nam trở thành một trong 4 tỉnh giành chính quyền sớm nhất nước.  

Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Võ Chí Công đã góp phần quan trọng trong các nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chế độ mới và tổ chức kháng chiến ở khu V. Được sự phân công của Trung ương, với vai trò Bí thư kiêm Chính ủy Ban cán sự khu Đông Bắc Campuchia, đồng chí cùngđoàn quân “tây chinh, nam chiến” vượt Trường sơn sang giúp phát triển cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Campuchia (8-1950 đến 8-1951). Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, đồng chí lại được Trung ương điều động về nước với trách nhiệm Khu ủy viên Liên khu V, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Đồng chí đã lãnh đạo nhân dân giành lại vùng du kích cũ, chống lại sự càn quét của địch ở Quảng Nam –Đà Nẵng, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Được điều động ra Bắc tham gia cải cách ruộng đất (3-1953 đến 7-1954), trước những diễn biến “tả khuynh” trong thực tiễn tiến hành cải cách ruộng đất ở miền Bắc, đồng chí đã sớm phát hiện thấy tình trạng cán bộ cải cách vừa không giữ vững tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta lại “thiếu thực tế, thiếu suy nghĩ, thiếu quan điểm độc lập tự chủ”(3)nên “phương pháp thực hiện cải cách rất giáo điều, cường điệu, đấu tố tràn lan rất ác liệt, mà tập quán xã hội Việt Nam không hề có những hành động như vậy”(4). Với trách nhiệm người tham gia thực hiện cải cách ruộng đất, đồng chí Võ Chí Công và một số đồng chí khác đã trung thực phản ánh tình hình đó với cấp trên. Tuy nhiên, trong không khí của cuộc cải cách ruộng đất lúc đó, những ý kiến thẳng thắn ấy không được phản ảnh đến cấp quyết định. Từ thực tiễn đó, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước,  khi tham gia giải quyết ruộng đất ở miền Nam, đồng chí đã đề xuất và được chấp nhận phương án “giải phóng đến đâu, giải quyết ruộng đất cho nông dân đến đó”.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí Võ Chí Công tình nguyện xin trở về miền Nam, để trực tiếp tham gia tổ chức, lãnh đạo cuộc đấu tranh mới chống đế quốc Mỹ.

Nhiệm vụ lúc này là đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, giữ vững hòa bình, tiến tới hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà (trong 2 năm), theo phương châm đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp và bất hợp pháp, hợp pháp và nửa hợp pháp là chính để bảo tồn lực lượng. Tuy nhiên, kẻ thù lại ra sức phá hoại Hiệp định, xóa bỏ thành quả cách mạng, tiến hành khủng bố cực kỳ tàn bạo. Chấp hành đúng chủ trương của Đảng về cách mạng miền Nam và nhanh chóng lãnh đạo tổ chức sắp xếp và thay đổi phương thức hoạt động phù hợp với tình hình mới, nhưng đồng chí Võ Chí Công và các đồng chí lãnh đạo trên chiến trường đã sớm nhìn thấy tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Trong khi địch điên cuồng tiến hành khủng bố trắng ở miền Nam, thìmột số đảng cộng sản trên thế giới lại cho rằng ngày nay có thể giành chính quyền bằng phương pháp hòa bình. Trước thực tiễn ở miền Nam, đồng chí Võ Chí Công xác định quan điểm đó là một “ảo tưởng” và khẳng định rằng “nếu không dùng bạo lực mà chỉ đấu tranh chính trị thì cách mạng miền Nam sẽ thất bại(5). Bởi vậy, cuối năm 1957, đồng chí đã đề nghị với Khu ủy Khu V được ra Hà Nội để trực tiếp báo cáo với Bác Hồ và Bộ Chính trị về quan điểm của mình. Những ý kiến của đồng chí đã góp phần vào sự ra đời của Nghị quyết 15, mở ra giai đoạn phát triển mới cho cách mạng miền Nam.

Trở lại miền Nam, đồng chí Võ Chí Công đã lăn lộn hầu khắp Nam Bộ để tổng kết kinh nghiệm đấu tranh với kẻ thù, và phổ biến kinh nghiệm đấu tranh chính trị và vũ trang trên các chiến trường, góp phần đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ (1960-1964). Đồng chí cũng là người lãnh đạo tham gia vạch kế hoạch đánh sụp từ đầu uy thế quân đội Mỹ khi chúng bắt đầu tiến hành chiến lược chiến tranh cục bộ. Chiến thắng ở Núi Thành và trận Vạn Tường đã mở ra phong trào đánh Mỹ với các vành đại diệt Mỹ rộng khắp, góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của địch ở miền Nam.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, theo phương án của Bộ Chính trị, sau khi giải phóng Ban Mê Thuột sẽ phối hợp với quân của Miền tiến đánh vào Sài Gòn rồi mới quay ra giải phóng Đà Nẵng, vì Đà Nẵng được xem là căn cứ phòng ngự từ xa và kiên cốnhất của địch ở miền Nam. Nhưng khi quân ngụy rút chạy khỏi Kon Tum, Plâyku và quân ta đang tiến vào Quảng Trị, Huế, nhận thấy tình thế mới, đồng chí Võ Chí Công đã đề nghị Bộ Chính trị thay đổi phương án và được chấp nhận cho dùng một lực lượng giải phóng ngay Đà Nẵng với việc bắt đầu bằng đánh chiếm Tam Kỳ. Với 10 vạn quân chưa kịp co cụm, việc tiến hành phương án mới mà đồng chí Võ Chí Công đề xuất đã làm cho quân địch ở Đà Nẵng bị cắt hai đầu,làm cho quân địch vô cùng bất ngờ và hoảng loạn, nhờ đó Đà Nẵng đã nhanh chóng được giải phóng, góp phần đẩy nhanh chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta.

Trên các cương vị Phó Bí thư Khu ủy Khu V (1954-1959), Bí thư Khu ủy khu V và Phó Bí thư Trung ương Cục Miền Nam (1960-1975), suốt 21 năm (1954-1975) kiên cường bám trụ, hoạt động, chiến đấu ở chiến trường ác liệt và khó khăn nhất, đồng chí đã góp phần lãnh đạo quân và dân miền Nam nói chung, Khu V nói riêng giữ vững ý chí, vượt qua mọi sự khủng bố dã man của kẻ thù, làm thất bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, từ chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, đến Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Phấn đấu dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Chí Công không chỉ biểu thị sự trung kiên với lý tưởng của Đảng mà còn khẳng định bản lĩnh của một nhà lãnh đạo cách mạng. Ở mỗi giai đoạn cách mạng, đồng chí đều thể hiện trách nhiệm trước Đảng, trước dân để thay đổi những quan niệm, những phương thức hoạt động, những phương án giáo điều, xa rời thực tiễn, thậm chí đi ngược lại với lợi ích của nhân dân,bằng sự sáng tạo cách mạng dựa trên trí tuệ khoa học và sự tin tưởng vô biên vào sức mạnh nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân. Với những cống hiến đặc biệt, góp phần thúc đẩy sự phát triển lịch sử dân tộc trong sự nghiệp giải phóng, đồng chí Võ Chí Công thật xứng đáng là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

_____________________

(1) Điếu văn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đọc tại lễ truy điệu đồng chí Võ Chí Công

(2), (3), (4), (5) Võ Chí Công: Trên những chặng đường cách mạng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.77, 143, 142, 178.

 

          Nguồn: PGS, TS Phạm Hồng Chương

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947: bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

(LLCT) - Sau quá trình từng bước “lấn tới”, thực dân Pháp đã quyết định mở cuộc tấn công diệt gọn cơ quan đầu não kháng chiến, giải quyết chiến tranh Việt Nam và Đông Dương. Thực hiện mục tiêu này, tướng Valuy (Valluy)- Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương đã giao cho tướng Xalăng (Salan) - Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Đông Dương chuẩn bị “Kế hoạch tiến công Việt Bắc”.Đầu tháng 7, Chính phủ Pháp đã thông qua kế hoạch này.


Kế hoạch tiến công gồm hai bước:Bước 1 mang mật danh Lêa (Léa), mục tiêu đánh chiếm là khu tam giác Bắc Cạn - Chợ Đồn - Chợ Mới. Bước 2 mang mật danh “Xanhtuya” (Ceinture)(1)tức “siết chặt vành đai”, tập trung càn quét khu tam giác: Bắc Cạn - Chợ Chu - Chợ Mới, vùng Chợ Chu là trọng điểm.

Để thực hiện kế hoạch trên, Pháp tập trung sức mạnh tối đa, tiến công chớp nhoáng với chiến thuật hợp đồng thuỷ - lục - không quân càn quét mạnh từng khu vực, lấn chiếm dần để dồn kẹp ta lại mà bao vây tiêu diệt, nhằm “4 mục tiêu chiến lược” của cuộc tiến công là: “Diệt và bắt cơ quan đầu não của Việt Minh, tìm diệt chủ lực, phá tan căn cứ địa Việt Bắc, bịt kín, khóa chặt biên giới Việt - Trung, ngăn chặn không cho Việt Minh tiếp xúc với Trung Quốc và loại trừ mọi chi viện từ bên ngoài vào. Truy lùng Việt Minh đến tận sào huyệt, đánh cho tan tác mọi tiềm lực kháng chiến của họ...”(2).

Bộ chỉ huy Pháp dự kiến cuộc hành quân trongba tháng và xem đây là một kế hoạch hoàn hảo, có khả năng đi đến kết thúc chiến tranh. Tướng Valuy khẳng định sẽ “chơi ván bài cuối cùng”. Tướng Xalăng, tác giả của “kế hoạch tiến công Việt Bắc” cam đoan “Chỉ cần ba tuần lễ để đập tan đầu não của Việt Minh”.

Với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tiên liệu âm mưu chiến lược của kẻ thù và những thách thức đối với cách mạng Việt Nam, tích cực chuẩn bị về mọi mặt, giành thế chủ động trong cuộc kháng chiến.

Tháng 4-1947, Hội nghị cán bộ Trung ương đã họp bàn về nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa và nhận định âm mưu của địch. Hội nghị nhận rõ nguy cơ: những căn cứ địa ở Việt Nam đều có thể bị đánh xuyên mũi dùi hoặc bị bao vây.

Mùa Hè 1947, Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 3 đã phán đoán mưu đồ chiến lược sắp tới của thực dân Pháp,cho rằng chúng sẽ mở rộng phạm vi chiếm đóng trên những địa bàn chiến lược quan trọng do ta kiểm soát và âm mưu mở cuộc đại tiến công vào Việt Bắc nhằm tiêu diệt chủ lực của ta. Hội nghị đề ra nhiệm vụ cụ thể về củng cố bộ đội chủ lực, củng cố cơ quan chỉ huy các cấp, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, củng cố căn cứ địa và nhiều biện pháp khác,với tinh thần tích cực, chủ động, khẩn trương, tạo thêm những yếu tố thuận lợi khi bước vào mùa khô.

Ngày 19-8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửithư chođồng bào Việt Bắc, Người nêu những cảnh báo về âm mưu chiến lược của thực dân Pháp: "Hiện bây giờ Khu 1 chưa phải mặt trận chính. Nhưng đối với bọn thực dân hung ác, nay mai rất có thể Khu 1 trởnên mặt trận chính. Vì vậy chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng"(3); tập trung vào xây dựng lực lượngvũ trang, phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng cán bộ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân...

Ngày12-9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ bàn công tác trước mắt trong đó có một nội dung quan trọng là kế hoạch đề phòng cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp. Tiếp đó, ngày 15-9-1947, Thường vụ Trung ương ra chỉ thị: "Bô- la nói gì? Ta phải làm gì?". Chỉ thị vạch trần âm mưu của Pháp đối với nền độc lập của ta, đồng thời khẳng định "không dùng bạo lực mà đè bẹp ý chí xâm lược của thực dân Pháp thì không thể có độc lập và thống nhất thật sự"(4). Thường vụ Trung ương yêu cầu phải động viên mọi lực lượng của dân tộc, "sửa soạn phá những cuộc tấn công sắp tới của địch", chuẩn bị cho cuộc đối đầu quy mô lớn giữa quân và dân ta với quân đội viễn chinh Pháp. Tổng Bí thư Trường Chinh đánh giá: "Bản chỉ thị lịch sử này đặt cơ sở cho chiến thắng của chiến dịch Việt Bắc, chuyển cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân ta sang giai đoạn mới"(5).

Sau khi thực dân Pháp mở cuộc hành quân lên Việt Bắc, ngày 15-10-1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phải phá cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp. Đảng nhận định: "Địch càng dàn quân ra càng mỏng lực lượng. Chúng đem quân lên mạn ngược là một dịp cho ta đế đánh chúng ở miền xuôi. Chúng đóng quân nơi xa càng dễ cho ta bao vây chúng và chặt đường tiếp tế, đánh chúng một cách rất có lợi trong khi chúng vận động"6. Từ đó Đảng đề ra nhiệm vụ: "Đánh mạnh dưới đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ, khiến cho địch không thế đánh Việt Bắc"; giam chân, chặt đứt giao thông, liên lạc giữa các cứ điểm của địch, không cho chúng tiếp ứng và tiếp tế; củng cốcăn cứ địa về mặt hành chính, dân vận, quân sự, kinh tế... quân sự hóa các cơ quan hành chính; củng cố bộ máy hành chính và kháng chiến ở vùng địch kiểm soát...

Quán triệt Chỉ thị của Thường vụ Trung ương, quân và dân trên các chiến trường ở Bắc Bộ, Khu 5, Khu 6 và Nam Bộ đã tiến hành nhiều hoạt động chiến đấu phối hợp với Việt Bắc. Các cuộc tấn công của Bộ đội Tây tiến ở Sơn La, cuộc tổng phá tề ở ngoại thành Hà Nội, ởNam phần Bắc Ninh, các cuộc tập kích ở Ninh Hòa, Cam Ranh... (Khu 5), các cuộc phục kích, tập kích ở Gia Định, vùng ven Sài Gòn, ở Biên Hòa, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ... (Nam Bộ) đã chia lửa cùng Việt Bắc, buộc địch phải căng sức đối phó trên khắp các chiến trường.

Đảng đã sớm nhận định khả năng địch có thể tấn công lên Việt Bắc. Tuy nhiên, cho đến cuối tháng 9-1947, tại Hội nghị quân sự lần thứ 4, đa số ý kiến đều nghiêng về nhận định địch sẽ đánh đồng bằng, nếu mạo hiểm thì chúng mới đánh Việt Bắc(7). Việc phòng thủ Việt Bắc cũng chủ yếu tập trung bốtrí lực lượng chặn địch từ hướng trung du đánh lên; ta cũng chủ quan cho rằng "địch không thể nhảy dù Bắc Kạn"(8). Tuy nhiên, do ta không đánh giá thật sát đúng âm mưu, cách đánh và hướng đánh của địch, nên công tác chuẩn bị đánh địch nhiều nơi ở Việt Bắc còn sơ sài, "hớ hênh, khinh địch (...) phá hoại chậm chạp"(9)...

Ngày 7-10-1947, khi địch nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn mở đầu cho cuộc tấn công ồ ạt lên Việt Bắc, quân Pháp đã giành được thế chủ động, "ở nhiều nơi địch nhảy xuống ta bị động, đối phó lúng túng"(10), chịu một số tổn thất.

Mặc dù bị bất ngờ về hành động liều lĩnh của địch, nhưng nhờ bản lĩnh và tài thao lược, khả năng ứng phó nhanh nhạy với tình huống chiến trường, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Tổng chỉ huy kịp thời chỉ đạo quân và dân Việt Bắc nhanh chóng khắc phục thiếu sót ban đầu, kịp thời tổ chức lại thếtrận phản công địch. Nhờxác định phương hướng chung đúng đắn, nhờ khả năng nắm bắt thực tiễn vàtinh thần sáng tạo, Bộ thống soái tối cao của ta đã có những quyết định và điều chỉnh chính xác,làm thay đổi cục diện, tạo thếtrận ngày càng có lợi cho ta.

Ngay sau khi địch nhảy dù xuống Bắc Kạn, Thường vụ Trung ương Đảng đã điện cho Tỉnh ủyBắc Kạn chỉ thị phải lãnh đạo lực lượng vũ trang tích cực đánh địch, bảo vệ cơ quan, sơ tán kho tàng, tổ chức nhân dân làm vườn không nhà trống. Thường vụ Trung ương cũng điện báo gấp các địa phương trên cả nước về cuộc tấn công của địch, yêu cầu các Khu ủy, Quân khu ủy phải chỉ huy bộ đội đánh mạnh để phân tán lực lượng địch và phá cuộc tấn công Việt Bắc của chúng. Tiếp đó, ngày 9-10-1947, Thường vụ Trung ương Đảng ra "Chỉthị cần kíp gửi các đồng chí Tỉnh ủy Bắc Kạn và các đồng chí phụ trách quân, chính, dân Bắc Kạn"yêu cầu thi hành những nhiệm vụ cần kíp về quân sự, về chính trị và kinh tế để đối phó với các mũi tấn công đang mở rộng của địch. Thường vụ Trung ương yêu cầu lãnh đạo địa phương phải dùng lực lượng bộ đội, dân quân du kích và toàn dân bao vây, giam chân địch trong tỉnh lỵ; ngăn chặn địch trên các đường giao thông trọng yếu; triệt để tiêu thổ, lập chướng ngại vật; tổ chức phục kích, đánh địa lôi, ngăn cản việc địch tiếp tế, vận chuyển, liên lạc; tiến hành phản công địch ngay trong thị xã và các điểm chúng mới chiếm đóng; thực hiện trừ gian, phòng phỉ, bảo mật, thực hiện nghiêm mật việc phòng không, bảo vệ nhân dân, cơ quan, kho tàng... Thường vụ Trung ương chỉ rõ: "Chúng ta có ba điều kiện để thắng: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Điều cần thiết là chúng ta biết lợi dụng triệt để những điều kiện ấy để giành thắng lợi"(11).

Trong những giờphút khó khăn đầu tiên của cuộc chiến đấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh bình tĩnh và sáng suốt trước tình thế vô cùng khẩn cấp. Ngày 11-10-1947, trong tiếng máy bay địch gầm rú, bắn phá, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ đểthảo luận kếhoạch đối phó cuộc tấn công của Pháp, biểu thị quyết tâm kháng chiến và niềm tin vào thắng lợi.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng chỉ huy đề ra nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ cơ quan đầu não bằng mọi giá, chủ trương điều chỉnh kế hoạch tác chiến, giành thếchủ động; chỉ đạo khắc phục những thiếu sót trong chuẩn bị và đánh địch, triệt để phá hoại đường sá, nhà cửa, sơ tán bệnh viện, công xưởng, kho tàng, di chuyển và bảo vệ các cơ quan, làm vườn không nhà trống... Đặc biệt, ngay sau khi nắm được kếhoạch tấn công của địch lên Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương họp khẩn cấp vào chiều ngày 14-10-1947 bàn và đề ra các quyết sách mới. Hội nghị nhận định cuộc tấn công lần này của Pháp không mạnh mà yếu nên phải mạo hiểm, địch sẽ gặp nhiều khó khăn to lớn vì rải quân trên một địa bàn quá rộng; mọi hoạt động của cuộc hành binh đều phụ thuộc vào khả năng tiếp tế, tăng viện bằng đường bộ và đường thủy, nêu ta biết lợi dụng triệt để những nhược điểm của địch, phát triển những ưu điểm của ta thì cuộc tấn công của chúng nhất định sẽ thất bại. Hội nghị thông qua các kiến nghị của Bộ Tổng chỉ huy: hình thành 3 mặt trận (mặt trận Sông Lô - đường số2; mặt trận Cao Bằng - đường số4;mặt trậnBắc Kạn - đường số3),thực hiện ngay phương châm "đại đội độc lập - tiểu đoàn tập trung" tại Việt Bắc đểlàm nòng cốt cho phong trào du kích, phân tán cơ quan lãnh đạo...

Theo tinh thần của Hội nghị, ngày 15-10-1947, Thường vụ Trung ương ban hành chỉ thị "Phải phá cuộc tiến công mùaĐông của giặc Pháp".Bản chỉ thị phân tích rõ tình hình quân Pháp tấn công Việt Bắc (mục đích, chiến lược chiến thuật tấn công) và khẳng định: "Cuộc tấn công này của địch không tỏ ra chúng mạnh (...) mà tỏ ra chúng yếu, phải mạo hiểm". Nắm vững mưu đồ và bản chất kẻ thù, Chỉ thị nhấn mạnh: "Chúng ta phải trấn tĩnh đối phó, vẫn phải giữ gìn chủ lực, nhưng đồng thời cũng phải nhè những chỗ yếu của địch mà đánh những trận vang dội, những trận tiêu diệt để nâng cao tinh thần bộ đội và củng cốlòng tin tưởng của nhân dân vào tiền đồ cuộc kháng chiến"(12). Cùng ngày 15-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi bộ đội, dân quân du kích Việt Bắc ra sức diệt địch. Người cho rằng địch mưu hội quân ở Bắc Kạn, tạo thành cái ô bọc lấy Việt Bắc, rồi chúng cụp ô lại, dưới đánh lên, trên đánh xuống đểtiêu diệt chủ lực ta và phá cho được cơ quan đầu não kháng chiến. Người chỉ rõ: Chúng chỉ mạnh về hai gọng kìm. Gọng kìm mà gãy thì cái ô cụp xuống sẽ thành cái ô rách, cuộc tấn công của địch sẽ thất bại"(13).

Quân và dân ta ở Việt Bắc đã thực hiện phương châm: Không đưa bộ đội chủ lực ra đối đầu với pháo binh cơ giới của địch mà lấy tác chiến quy mô nhỏ làm chính, dùng lực lượng nhỏ,chiến thuật phục kích là chủ yếu,đánh thẳng vào nhược điểm cơ bản của địch là phải tiếp tếtăng viện bằng đường bộ và đường sông trên một không gian rộng,đường núi hiểm trở, xa căn cứ ở đồng bằng. Phương châm "đại đội độc lập -tiểu đoàn tập trung" mang lại hiệu quả rõ rệt với sự phát triển mạnh của phong trào chiến tranh du kích. Các cơ sở sản xuất, kho tàng lui sâu vào rừng. Nhân dân làm vườn không nhà trống đẩy quân Pháp vào tình thế khốn đốn vì không thể khai thác được hậu cần tại chỗ. Cơ quan đầu não kháng chiến phân tán thành nhiều bộ phận song vẫn bảo đảm duy trì liên lạc chỉ đạo, chỉ huy giữa Trung ương với các địa phương Việt Bắc và với chiến trường toàn quốc.

Đúng như dự đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua hơn hai tháng đánh lên Việt Bắc, vấp phải sự chống trả kiên cường của quân và dân ta, bị đánh mạnh ở cả đường bộ, đường sông, chịu nhiều tổn thất, hàng nghìnquân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu, nhiều phương tiện chiến tranh bị phá hủy, quân Pháp buộc phải co cụm vào các thị xã, thị trấn rồi rút đại bộ phận quân khỏi Việt Bắc. Cuộc tiến công quy mô lớn mà tướng Xalăng, chỉ huy cuộc tấn công ngạo ngược tuyên bố "Chỉ cần ba tuần lễ để đập tan đầu não Việt Minh"(14) đã thất bại. Quân Pháp tuy có phá hoại một số cơ sở vật chất kháng chiến nhưng đã không thực hiện được bất cứ mục tiêu chiến lược nào đề ra cho cuộc tiến công. Thất bại của trận Việt Bắc cùng với khủng hoảng về chính trị, khó khăn về kinh tếlàm cho Pháp nhận ra rằng không thể giải quyết chiến tranh bằng một cuộc hành quân lớn và cũng không thể tiến hành chiến tranh bằng sức lực đã cạn kiệt của nước Pháp. Sau thất bại Việt Bắc, chúng phải chuyển sang chiến lược mới là đánh lâudài, chuyển trọng tâm sang bình định các vùng chiếm đóng hòng vơ vét sức người sức của, kết hợp cả quân sự, chính trị và kinh tế, hòng kéo dài chiến tranh. Thực tế lịch sử cho thấy thất bại của địch ởViệt Bắc Thu - Đông 1947 đánh dấu sự phá sản hoàn toàn của chủ trương chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh", buộc địch phải thay đối chiến lược sang “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.

Cuộc phản công Việt Bắc Thu - Đông 1947 mở ra một giai đoạn mới của cuộc kháng chiến với sự chuyển hóa lực lượng ngày càng có lợi cho ta. Căn cứ địa vững vàng và trưởng thành, bộ đội chủ lực và dân quân du kích được tôi luyện trong thực tế chiến đấu,được bổ sung khá nhiều trang bị, vũ khí. Cơ quan lãnh đạo kháng chiến được bảo vệ an toàn. Trong khi kẻ địch tìm mọi cách đểchụp bắt "cơ quan đầu não của Việt Minh" thì Chính phủ kháng chiến do Hồ Chí Minh đứng đầu đã vừa liên tục di chuyển trong các huyện Võ Nhai, Định Hóa (Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang)... vừa tiếp tục điều hành công việc kháng chiến trên toàn quốc.

Ngay sau thắng lợi có ý nghĩa chiến lược ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, sự điều khiển khôn khéo của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy, sự dũng cảm của tướng sĩ Vệ quốc quân và dân quân du kích, nhờ sự hăng hái của toàn thể đồng bào, mà ta đã đánh tan cuộc tấn công vào Việt Bắc của thực dân Pháp"(15).

Chiến thắngViệt Bắc đã củng cố và nâng cao uy tín của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước thêm phấnkhởi và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Một năm sau toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: "Lực lượng của ta ngày càng thêm mạnh, như suối mới chảy, như lửa mối nhóm, chỉ có tiến, không có thoái"; còn lực lượng địch như "mặt trời lúc hoàng hôn, hống hách lắm nhưng đã gần tắt nghỉ"(16).

Chiến thắng Việt Bắc có ý nghĩa chiến lược, đưa cuộc kháng chiến bước sangmột giai đoạn mới, đồng thời để lại những bài học quý về dự báonhững khả năng và chủ động đương đầu với kẻ địch có lực lượng mạnh; về sự nhạy bén trong đánh giá cục diện chiến trường; về xác địnhđường lối đúng đắn thể hiện tầm nhìn chiến lược, toàn diện, chủ động chuẩn bị đương đầu với những thách thức, kịp thòi phát hiện và kiên quyết sửa chữa thiếu sót, tạo dựng, rèn luyện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ lãnh đạo tài ba. Những bài học ấy, cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

_________________________

(1) “Kế hoạch tiến công Việt Bắc” do Xalăng soạn thảo gồm hai cuộc hành binh lớn mang mật danh Lêa và Cloclo. Nhưng khi tiến hành cuộc hành binh thứ nhất (bước 1) đã không thực hiện được đúng như kế hoạch, mà vừa chậm vừa bị nhiều tổn thất nên đến “bước 2”, Xa-lăng đã lờ đi, không đả động gì đến mật danh Cloclo nữa mà phải thay bằng Xanhtuya - Tức “siết chặt vành đai”, dồn sức vào đánh phá khu tứ giác: Tuyên Quang - Thái Nguyên -Phủ Lạng Thương-Việt Trì.

(2) Hồi ký Xa-lăng, Nxb Presses de la Cité Pari, 1971, t.2, tr. 58 và 74.

(3), (15), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 222, 449, 313-314.

(4), (6), (8), (9), (11), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr. 294, 294, 312, 314, 318.

(5) Cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, t.1, tr.235-241.

(7) Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh – Trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 109-110.

(10) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.150.

(13) Hồ Chí Minh:Biên niên tiểu sử,tập 4 (1946-1950), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 129.

(14) Y-vơ Gra: Lịch sử chiến tranh Đông Dương, lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

 

Nguồn: ThS Nguyễn Quang Hòa

ThS Đào Xuân Tùng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Đừng để lòng dân ta thán vì sự tha hóa của “chủ nghĩa hậu duệ” trong bộ máy công quyền

 

“Con hơn cha là nhà có phúc” là mong muốn chính đáng, là khát vọng tốt đẹp của mỗi gia đình, mỗi ông bố bà mẹ. Một khi “con hơn cha”, thế hệ sau tiến bộ hơn thế hệ trước không chỉ là hồng phúc của mọi gia đình mà còn là đại phúc của cả dân tộc và toàn xã hội.

Phát huy vai trò của Hội Cựu chiến binh trong đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

 

Qua các thời kỳ cách mạng Việt Nam đã cho thấy, các thế lực thù địch chưa khi nào ngừng chống phá Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mục tiêu của chúng là muốn gây mất ổn định và tạo những khoảng trống ý thức hệ trong cán bộ, đảng viên; kích động, thúc đẩy quá trình "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" hòng làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Phòng chống "Diễn biến hòa bình": Sao lại "chụp mũ” như thế?

 

Cuối tuần, tôi sang nhà chị gái ăn tối. Bữa cơm vừa xong thì Đức-con trai chị tôi-đi học thêm về. Cháu “nháy” tôi ra góc sân, nói nhỏ: “May có cậu sang chơi. Nhờ cậu nói với bố cháu cho cháu được đăng ký học ngành cảnh sát giao thông. Cháu rất thích mà bố cháu cứ phản đối”.

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ THEO TINH THẦN “7 DÁM” Ở ĐƠN VỊ LÀM NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ ĐẶC BIỆT TRONG TÌNH HÌNH MỚI!

     Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên sao cho thực sự là “công bộc” của nhân dân. Người đánh giá cao vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức trong sự nghiệp cách mạng và chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.Theo Người:“Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.

Người cũng khẳng định làm cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Người cán bộ có đạo đức cách mạng thì nghĩ, nói và làm phải thống nhất. Nhân dân thường đánh giá cán bộ thông qua những lời nói và việc làm cụ thể hàng ngày. “Nói một đằng, làm một nẻo” là điều tối kỵ đối với người cán bộ. “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”, người cán bộ một khi đã không được dân tin, dân phục, dân yêu thì chỉ là người “vô tích sự, không làm nên trò trống gì”, cho nên Người còn căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Chính vì vậy, để đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng, cần phải có một đội ngũ cán bộ cách mạng vững mạnh, kiên định về lập trường, quan điểm, đồng thời phải nắm được lý luận, tinh thông nghiệp vụ, hội tụ đủ cả tài và đức, “vừa hồng, vừa chuyên”.

Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, trong những năm qua, Đảng ta chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được đề cập qua nhiều kỳ Đại hội. Tại Nghị quyết Đại hội IV của Đảng đặt ra yêu cầu thực hiện triệt để nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong cấp ủy, trong đó nêu rõ, cần tránh tâm lý “ỷ lại vào tập thể, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán”. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm không chỉ là việc cán bộ quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao, mà còn thể hiện ở tinh thần dám đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực, dám đứng lên phê phán, nhìn thẳng vào những khuyết điểm của bản thân, của tập thể, của đồng nghiệp và của cấp trên.

Tới Đại hội V của Đảng, báo cáo về công tác xây dựng Đảng đã thẳng thắn nêu ra tình trạng mất dân chủ, dân chủ hình thức, thiếu phê bình từ dưới lên do hiện tượng gia trưởng, độc đoán, thành kiến, trù dập những cán bộ dám phê bình khuyết điểm, xem đó là biểu hiện “tiêu cực”, khiến cho cán bộ không dám thẳng thắn đấu tranh, phê phán những biểu hiện sai trái. Báo cáo cũng nhấn mạnh, cần phát hiện và kết nạp những người “trung thực đã dám vì sự nghiệp chung mà vạch trần khuyết điểm bảo vệ chân lý”; đồng thời, tập hợp những cán bộ có “tinh thần dám quyết định và dám chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ”. Những nội dung trên đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng trong việc bảo vệ những cán bộ có tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật, dám đấu tranh vì sự vững mạnh của Đảng.

Đặc biệt, Đại hội VI của Đảng đã mở ra một bước ngoặt lịch sử đối với đất nước ta khi quyết định xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, thay đổi trong phân phối, lưu thông, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, cách tiếp cận của Đảng ta về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Báo cáo chính trị trình Đại hội VI khẳng định, để công cuộc đổi mới thành công, cần phải “dám thừa nhận và thay đổi những quyết định sai lầm, dám xử lý kiên quyết những trường hợp phức tạp”. Báo cáo cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức khi dám thay đổi tư duy và cơ chế quản lý, đó là “cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu”, không những sẽ chịu lực cản từ những lề thói cũ, mà còn “vấp phải những đặc quyền, đặc lợi của một số người gắn bó với cơ chế cũ”.

Nghị quyết số 05-NQ/HNTW, ngày 20-6-1988, của Hội nghị Trung ương 5 khóa VI, về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng”, lần đầu tiên đưa “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trở thành một tiêu chuẩn đối với cán bộ lãnh đạo, là tuyên ngôn chính trị mạnh mẽ của Đảng ta về phẩm chất cần có của những con người cách mạng. Dám nghĩ, dám làm không chỉ là một phẩm chất cần được khuyến khích, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm cần phải có và nhiệt tình cách mạng của người cán bộ lãnh đạo.

Thực tiễn đã chỉ rõ, trước những khó khăn, thách thức, người cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” chính là người có quyết tâm, có tầm nhìn, có suy nghĩ táo bạo, dám đưa ra quyết định đột phá, để không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được giao mà hơn thế còn mang lại lợi ích to lớn cho dân tộc, cho nhân dân ta, như: Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc là một trong những người cán bộ lãnh đạo như thế. Ông là người tiên phong đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp ở Việt Nam khi thực hiện giao khoán ruộng đất cho từng hộ nông dân những năm 1966 - 1968. Đây là quyết định táo bạo và vượt ra phạm vi, khuôn khổ của tư duy, quan điểm, đường lối của Đảng lúc bấy giờ.

Và cũng chính thực tiễn đã là đáp án để chứng minh quyết định ấy là đúng đắn, có đột phá và mang lại hiệu quả thiết thực to lớn, khơi dậy sức lao động của người nông dân; hay như việc đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh; “xóa bỏ tem phiếu”, “cơ chế một giá theo thị trường” của đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) tại tỉnh Long An; “những việc cần làm ngay” và “cơ chế thị trường” của đồng chí Nguyễn Văn Linh; xóa bỏ tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, thực hiện dự án khai thác vùng Đồng Tháp Mười, xây dựng kênh thoát lũ ra biển Tây, “ngọt hóa” vùng Tứ giác Long Xuyên; xây dựng đường dây tải điện 500Kv của đồng chí Võ Văn Kiệt; chuyển đổi hệ thống ngân hàng, chính sách tỷ giá phù hợp với cơ chế thị trường của đồng chí Đỗ Mười,... Đó là những tấm gương mẫu mực về bản lĩnh, tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Lý do là vì sự đổi mới, dám nghĩ, dám làm của họ đều là vì phục vụ mục đích chung của đất nước, không phải vì tư lợi. Do đó, những người đi trước đổi mới, sáng tạo, thậm chí vượt rào đều được ghi nhận một cách xứng đáng.

Ngày 16-01-2012, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó chỉ ra nguy cơ của việc thiếu một cơ chế xác định trách nhiệm rõ ràng trong thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách dẫn đến tình trạng không khuyến khích được người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; đồng thời, đặt ra yêu cầu cần có cơ chế, chính sách để giải quyết mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, phát huy vai trò của người đứng đầu nhằm “khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng”.Tại Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh bảo vệ, khuyến khích cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm,dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” đi đôi với sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

Tuy nhiên, hiện nay tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai sót, làm việc cầm chừng trong thực thi công vụ là hiện tượng khá phổ biến trên thực tế, vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ có những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, làm việc tắc trách, trì trệ, dựa dẫm vào tập thể, nói không đi đôi với làm hoặc làm chiếu lệ; khi có sai sót, khuyết điểm không dám chịu trách nhiệm mà tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc cho người khác. Rõ nhất là việc tổ chức nhiều cuộc họp xin ý kiến nhiều lần trong cùng vụ việc hoặc cái gì cũng xin ý kiến cấp trên chỉ đạo làm đảo lộn trật tự hành chính về thẩm quyền, từ người có trách nhiệm tham mưu thành người tham mưu ngược lại theo hướng “dựa lưng cấp trên”. Hay như câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công luôn phải đối mặt với những lực cản của sự trì trệ và chậm trễ mà nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, gọi là “vi rút sợ trách nhiệm”. Khi trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp tháng 10-2019, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - khi đó là Thủ tướng đã nói: “Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế. Thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm”. Đây không phải là hiện tượng ngẫu nhiên mà được bắt nguồn từ việc “sợ trách nhiệm, sợ sai sót” thụ động trong công việc. Đặc biệt, công cuộc phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã củng cố niềm tin của người dân, song cũng làm nảy sinh thực trạng là không ít cán bộ, công chức “giữ mình”, ngại nói, ngại làm, ngại trách nhiệm…

Mới đây, tại Hội nghị Quân uỷ Trung ương lần thứ sáu, nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một lần nữa nhấn mạnh: Chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội theo tinh thần "7 dám": "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung". Sở dĩ, Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu cao hơn là bởi vì: Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài đưa đất nước vươn lên giàu mạnh, người dân ấm no, hạnh phúc. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần những cán bộ có tư duy, việc làm đột phá, càng trong khó khăn, thử thách thì càng cần những cán bộ có bản lĩnh, trình độ, dám nghĩ, dám làm. Mặt khác, đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội là những chủ thể được tiếp nối, thụ hưởng những giá trị truyền thống vẻ vang của Quân đội anh hùng; là đội quân tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; là công cụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, sự nghiệp cách mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Với sứ mệnh to lớn, lại hoạt động trong điều kiện, lĩnh vực đặc thù, thì càng đòi hỏi mỗi người phải có bản lĩnh vững vàng, nhãn quan chính trị sâu rộng; có tinh thần dấn thân, chấp nhận hy sinh vì lợi ích chung trong bất luận mọi tình huống. Chỉ có những cán bộ “7 dám” mới có thể góp phần hoàn thành sứ mệnh của một đội quân cách mạng, một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân./.
Yêu nước ST.

CẦN CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG CHIÊU TRÒ NÀY

"Địch vẫn chống phá âm thầm
Mượn danh, núp bóng để ngầm hại ta"!
Giờ tiếp nhận thông tin phải hết sức tỉnh táo, hãy cảnh giác và đặt dấu hỏi (?) đối với những bài viết như bài mà tôi chụp lại & gạch chéo bên dưới.
Bọn này lồng ghép rất tinh vi, nếu ai không để ý mà chia sẻ tức là đã gián tiếp tôn vinh tên Việt gian bán Nước Trần Trọng Kim..
Hết ca ngợi Gia Long, Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký rồi bây giờ ca ngợi Trần Trọng Kim nữa cơ đấy!
Chính phủ Trần Trọng Kim thành lập ngày 17-4-1945, danh sách nội các được trình vua Bảo Đại phê chuẩn.
- Tổng trưởng nội các Trần Trọng Kim
- Phó tổng trưởng nội các kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Chương.
Nội các Trần Trọng Kim có 9 Bộ gồm:
1, Nội vụ (Trần Đình Nam)
2, Tư pháp (Trịnh Đình Thảo)
3, Giáo dục và mỹ nghệ (Hoàng Xuân Hãn)
4, Tài chính (Vũ Văn Hiền)
5, Thanh niên (Phan Anh)
6, Công chính (Lê Văn Lang)
7, Y tế (Vũ Ngọc Ánh)
8, Kinh tế (Hồ Tá Khanh)
9, Tiếp tế (Nguyễn Hữu Thi).
Như vậy, nhìn vào danh sách nội các này không thấy có Bộ Quốc phòng - an ninh.
Một chính phủ không có quân đội, danh sách nội các phải trình xin ý kiến và được sự đồng ý của Đại sứ Nhật Bản tại Huế là Masayuki Yokoyama. Vậy nên nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định đó là chính phủ chuyển từ lệ thuộc thực dân Pháp sang phát xít Nhật.
Túm lại: Trần Trọng Kim làm bù nhìn (bán Nước) cho phát xít Nhật.
Hay ho gì?
Ca ngợi nỗi gì!
Khổ lắm!!!

P/s: Các vị ca ngợi Trần Trọng Kim đồng nghĩa lên án Việt Minh, xét lại Chủ tịch Hồ Chí Minh đấy! 


Tỉnh táo với luận điệu “thúc đẩy tự do học thuật” nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng

 Đổi mới giáo dục theo hướng phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong thời kỳ mới của Đảng ta. Tuy nhiên, những năm gần đây, lợi dụng việc đổi mới trong giáo dục của ta, các thế lực thù địch, phản động tung ra luận điệu “thúc đẩy tự do học thuật” nhằm tách giáo dục ra khỏi chính trị, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.

Cảnh giác trước luận điệu “tự do học thuật” phi giai cấp
Theo nhiều học giả phương Tây, “tự do học thuật” được hiểu là “tự do của một người trong việc giảng dạy và nghiên cứu nhằm tìm kiếm sự thật không giới hạn mà không gặp phải nỗi sợ hãi về hình phạt hay mất việc vì đã xâm phạm một quan điểm chính thống về chính trị, tôn giáo hay xã hội”; hay “Tự do học thuật là sự tự do của người dạy và người học trong việc dạy, học, tìm hiểu kiến thức và nghiên cứu mà không có sự can thiệp hay giới hạn vô lý của pháp luật, nội quy hay áp lực công cộng”.

CHIẾN TRANH CHỐNG GAZA - Ý định diệt chủng

 Đó là tên bài báo của tờ Thế Giới Trẻ (Junge Welt) thuộc lực lượng cánh tả ở thủ đô Berlin đăng ngày 23.10.2023.

Tác giả: Nhà báo Đức Lena Obermaier
Dưới đây là toàn bộ bài báo (do Hồ Ngọc Thắng chuyển ngữ).
Lời dẫn:
Học thuyết Dahiya và Chỉ thị Hannibal: Cái giá chiến tranh của Israel là vi phạm luật pháp quốc tế
Trong vòng chưa đầy ba tuần, Israel đã giết chết hơn 7.000 người Palestine ở Gaza và làm bị thương hơn 18.000 người. Cuộc tấn công quân sự vào Dải Gaza nhằm đáp trả tội ác ngày 7 tháng 10 của Hamas ở Israel, khiến hơn 1.400 người thiệt mạng, hầu hết là người Israel. Bất cứ ai thắc mắc về quy mô tuyệt đối của cuộc trả đũa sẽ tốt hơn khi lắng nghe chính phủ Israel, vốn thậm chí không cố gắng che giấu ý định diệt chủng của mình. Người phát ngôn quân đội Daniel Hagari nói về các vụ đánh bom: "Trọng tâm là sự hủy diệt chứ không phải độ chính xác." Những lời của Hagari phản ánh một trong những học thuyết quân sự trọng tâm của Israel: sự không cân xứng.

“Ukraine đang bị đẩy vào thế phòng thủ”

 Đó là tên bài báo của đài truyền hình tư nhân NTV có trụ sở ở Cologne (Tây Đức) đăng ngày 30.10.2023, lúc 17:25 giờ Berlin (giờ Hà Nội +6 h, giờ mùa Đông). Thực ra, đây là cuộc cuộc phỏng vấn của NTV với ông Markus Reisner, Đại tá quân đội Áo và là nhà phân tích tình hình chiến sự Ukraine.

Trong đó có đoạn:

Gần gũi với người Palestine hơn là với Israel

 Đó là tên bài báo của chương trình thời sự Tagesschau đài truyền hình ARD (kênh số 1 hệ thống đài truyền hình trung ương Đức) đăng ngày 31.10.2023, lúc 03:34 giờ Berlin (giờ Hà Nội + thêm 6 h).

Dưới đây là đoạn quan trọng nhất của bài báo (do Hồ Ngọc Thắng chuyển ngữ).