Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

72 NĂM NGHĨA NẶNG TÌNH SÂU - HỌC VIỆN QUỐC PHÒNG NÊU CAO ĐẠO LÝ UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN


Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, trải qua những cuộc kháng chiến trường kỳ dựng và giữ nước đã có biết bao lớp người làm nên những chiến công vĩ đại, cống hiến hy sinh, xây dựng, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Trong đó, có những người con dũng cảm của Quân đội nói chung, Học viện Quốc phòng nói riêng.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng máu đào của các anh hùng liệt sĩ vẫn luôn thắm đỏ, sự mất mát của các thương binh, bệnh binh, sự đau thương của thân nhân liệt sĩ, những người ảnh hưởng di chứng chiến tranh vẫn chưa thể nguôi ngoai, vẫn còn biết bao vết thương chưa lành trên dải đất hình chữ S. Bằng sự tri ân, tình cảm và trách nhiệm, dù trong chiến tranh hay trong xây dựng và phát triển, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Quốc phòng luôn thực hiện tốt các chính sách chăm sóc người có công với cách mạng, nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” để góp phần chia sẻ, giảm bớt những mất mát, đau thương... Theo đó Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên, nhân viên thuộc Học viện về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc. Qua đó, nâng cao lòng tự hào về truyền thống anh hùng, cách mạng của dân tộc Việt Nam; giáo dục ý thức trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và những người có công với cách mạng, bồi đắp nét đẹp truyền thống trong đời sống xã hội, trong lối sống và ứng xử của thế hệ trẻ. Ngày thương binh - Liệt sĩ, ngày 27/7 hằng năm là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc: Gần 72 năm trôi qua, ngày 27 tháng 7 hằng năm trở thành ngày lễ của toàn dân dành cho thương binh, liệt sĩ. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã có hàng vạn người con ưu tú ngã xuống vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc và hàng triệu người vẫn mang trên mình những thương tích bởi một phần máu thịt để lại nơi chiến trường; Để đền đáp một phần những cống hiến, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, Chính Phủ đã chọn ngày 27/7/1947 là ngày Thương binh, Liệt sĩ để đồng bào cả nước tỏ lòng biết ơn và tri ân đến họ. Trước lúc đi xa, trong bản “Di Chúc” Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…) Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời  phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.  Chính vì thế, 72 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn làm tốt công tác đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, cũng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, làm cơ sở giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.
Công tác thương binh, liệt sĩ của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua: Kể từ sắc lệnh số 20/SL đến nay, Đảng, Quốc hội, Chính phủ ta đã ban hành hàng nghìn văn bản, hàng trăm sắc lệnh, pháp lệnh, chỉ thị, nghị quyết, thông tư về thương binh, liệt sĩ, người có công với nước. Sau 44 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đặc biệt là sau 33 năm thực hiện công cuộc đổi mới, “chính sách ưu đãi người có công với cách mạng” được đặc biệt quan tâm... Bảo đảm mức sống người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú”. Song song đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền đài liệt sĩ cũng được Nhà nước và toàn xã hội chăm lo. Cả nước hiện có gần 7.000 công trình ghi công liệt sĩ trong đó có 237 đài tưởng niệm liệt sĩ. Cả nước hiện có 90.000 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước - Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay gần 6.000 mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời; Ðạo nghĩa của dân tộc đòi hỏi Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác "Ðền ơn đáp nghĩa" đối với những người, những gia đình có công với nước. Mục tiêu và nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 là: “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về chính sách xã hội. Làm tốt chính sách ưu đãi người có công”. Đại hội XII của Đảng cũng đã đề ra chủ trương:“Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; thực hiện tốt chính sách người có công”.
Học viện Quốc phòng, trung tâm giáo dục đào tạo hàng đầu của quốc gia và Quân đội trong những năm qua hoạt đồng đền ơn đáp nghĩa thường xuyên được cụ thể hóa bằng nhiều việc làm thiết thực, huy động được nhiều nguồn lực tham gia. Các đối tượng thuộc diện chính sách như con Liệt sĩ, các đồng chí thương binh đều có mức sống trung bình trở lên; kịp thời động viên thân nhân gia đình liệt sỹ, đối tượng thương binh khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tổ chức nhiều đoàn đi thăm, tặng quà cho gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ người có công với cách mạng nhân các ngày kỷ niệm như: ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; Tết nguyên đán, ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7…Quỹ đền ơn đáp nghĩa của Học viện được quan tâm xây dựng và kiện toàn, qua đó đã thực hiện được nhiều hoạt động ý nghĩa đối với người có công như: xây dựng nhà tình nghĩa, trợ cấp Tết, lễ, chăm lo, thăm viếng, điều dưỡng, khám, chữa bệnh…
Bằng những việc làm thiết thực, qua các phong trào tình nghĩa, trách nhiệm, tình cảm của Đảng ủy, Ban Giám đốc đối với người có công đã góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; đồng thời tạo thêm nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ các hộ người có công, thân nhân vươn lên trong cuộc sống. Học viện có có nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ tiêu biểu đã khắc phục khó khăn, vượt lên thương tật, bệnh tật, tích cực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, có nhiều thành tích đóng góp vào nâng cao chất lượng huấn luyện - đào tạo, tạo nên những thành công chung Học viện, xứng đáng đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ đổi mới./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét