Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019

Cả nước chung tay tri ân các Anh hùng, liệt sỹ.


       Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược giành độc lập tự do, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, biết bao người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống, hoặc hy sinh một phần xương máu.
       Một đất nước trải qua mấy chục năm chiến tranh ác liệt, chịu nhiều đau thương mất mát, có số lượng lớn liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công (NCC) với cách mạng… thì tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành đạo lý, truyền thống của dân tộc và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
        Tri ân, chăm lo các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, NCC được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta hết sức quan tâm. 72 năm trước, ngày 17-7-1947, trong thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức Ngày thương binh toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh” và Người gương mẫu: “Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng...”.
        72 năm đã trôi qua, những lời căn dặn, tình cảm, ý nguyện và tấm lòng của Bác đối với thương binh, bệnh binh, NCC vẫn còn nguyên giá trị, có sức truyền cảm lớn lao. Những năm tháng trong và sau chiến tranh, dù đất nước còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn rất quan tâm chăm lo thực hiện “đền ơn đáp nghĩa”; xây dựng, ban hành các chế độ chính sách tri ân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, NCC... Tuy nhiên, những gì chúng ta đã làm được chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công việc tình nghĩa, tri ân cao cả đó.
        Để thực hiện hiệu quả, lâu dài, bền vững phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, cùng với thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với NCC, một yêu cầu hết sức quan trọng là phải xã hội hóa rộng rãi phần việc này. Trước hết, cần tuyên truyền sâu rộng để mọi người thấy rằng, việc tri ân, chăm lo NCC là tình cảm, đạo lý, trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức. Không kể tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị xã hội, ai cũng có thể tham gia và góp phần mình vào công việc nhân văn này. Đó là việc tham gia chăm lo hương khói cho các liệt sĩ; coi sóc, làm sạch đẹp nghĩa trang liệt sĩ; đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Nghĩa tình đồng đội”. Các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh… ưu tiên tạo công ăn việc làm cho con em liệt sĩ, thương binh, NCC; xây nhà tình nghĩa tặng NCC; chăm sóc, động viên thân nhân các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, NCC già yếu, bệnh tật... Từ thôn bản ở làng quê, tổ dân phố ở thành thị; từ chính quyền đến các tổ chức xã hội; từ cơ quan, doanh nghiệp, tập thể… đến gia đình, cá nhân; từ các cháu thiếu nhi đến các bậc cao niên... đều có thể tham gia phong trào “đền ơn đáp nghĩa”. Việc lớn, việc nhỏ đều mang ý nghĩa cao cả “uống nước nhớ nguồn”.
      Khi phong trào “đền ơn đáp nghĩa” được nhân rộng, có chiều sâu, hiệu quả thiết thực, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, thì không những đời sống vật chất, tinh thần của NCC được cải thiện, nâng cao, mà niềm tin của nhân dân, của các đối tượng chính sách, NCC với Đảng, Nhà nước thêm được củng cố, bồi đắp; tạo đồng thuận trong nhân dân và làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Cái được lớn nhất là đạo lý, truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc luôn được giữ gìn và phát huy khi trở thành công việc thường ngày của mỗi người, mỗi tổ chức, của toàn xã hội; tri ân NCC trở thành phong trào sâu rộng. Đó cũng là tâm nguyện, mong muốn của mỗi chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét