Trong trái tim mỗi con người, ai cũng
có “một phần” thuộc về mẹ cha, con cái, anh em, bạn bè, dòng họ, quê nhà của
mình. Trong tình cảm chung, ai cũng có một phần tình cảm dành riêng cho những
người có quan hệ thân thiết với mình. Đã là tình cảm thì khó để phân chia chi li, tách bạch rạch ròi
theo kiểu “cân đong đo đếm” chính xác như tính toán trọng lượng, nhưng một khi
đã dấn thân vào con đường cách mạng và theo đuổi sự nghiệp chính trị thì mỗi
cán bộ, đảng viên rất nên giữ được sự tỉnh táo, minh mẫn cần thiết để không bị
tình cảm cá nhân chi phối, thiên vị trong giải quyết, xử lý các mối quan hệ với
đồng chí, đồng đội và với tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước
của dân tộc Việt Nam, truyền thống văn hóa “trọng tình” có cái hay là giúp con
người hướng về tổ tiên, gia đình, dòng họ, quê hương xứ sở, sống có trách nhiệm
với những người có quan hệ huyết thống, thân thích với mình theo quan niệm:
"Một giọt máu đào hơn ao nước lã". Tuy vậy, nếu quan niệm này phát
triển lệch lạc, chi phối vào nếp nghĩ, nếp sống và ứng xử dễ làm cho người ta
chỉ thiên về lợi ích riêng, cục bộ, trước mắt mà chưa gắn kết với lợi ích
chung, toàn bộ, lâu dài. Đây cũng là cơ sở nảy sinh tâm lý cục bộ, bè phái-một
thói ứng xử trái ngược với truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, thủy chung của
cộng đồng dân tộc ta; đồng thời cũng là nguy cơ làm xói mòn nhân cách đạo đức,
lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và không phù hợp với mục tiêu xây
dựng những hệ giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân cách con người Việt Nam trong
thời đại Hồ Chí Minh, đồng thời là mảnh
đất màu mỡ cho chủ nghĩa cá nhân phát triển, chủ nghĩa cơ hội lộng hành.
Quyền lực chính trị,
quyền lực nhà nước thực chất là quyền lực của nhân dân, nhưng thời gian qua, dư
luận không khỏi bức xúc khi nhiều nơi xuất hiện tình trạng “một người làm quan
cả họ được nhờ”, “cấp ủy nội tộc”, “chi bộ dòng họ”, “hội đồng nhân dân thôn
ta”… Ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, thói cục bộ, bè phái dễ có cơ hội
xuất hiện vào những thời điểm nhạy cảm, như: Quyết định về công tác nhân sự
(lấy phiếu quy hoạch, lấy phiếu tín nhiệm…), bầu cử trong đại hội hay trong hội
nghị biểu quyết đầu tư các dự án quan trọng. Nếu những người nắm giữ trọng
trách trong các cơ quan, đơn vị mà không quang minh chính đại, không vì lợi ích
chung, không biết "cầm cân nảy mực" thì rất dễ để cho các “nhóm lợi
ích” lèo lái, thậm chí tranh giành, “xâu xé” lẫn nhau khiến nội bộ thêm lục
đục, rối ren. Đây là “mảnh đất màu mỡ” cho chủ nghĩa cá nhân phát triển.
Do vậy phòng, chống, đấu tranh với mọi biểu hiện cục bộ, bè phái
là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách nhằm làm trong sạch bộ máy
công quyền hiện nay. Để đẩy lùi biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống này, một
mặt cần đề cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc
“giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; mặt
khác luôn quan tâm chăm lo xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng thực sự trong sạch,
vững mạnh, giữ vững và phát huy truyền thống dân chủ, thương yêu đồng chí lẫn
nhau trong Đảng; tôn trọng những đảng viên có ý kiến khác biệt nhưng không làm
phương hại đến mục tiêu, lợi ích chung của tập thể, cộng đồng và đất nước.
Muốn vun đắp tinh thần đoàn kết thật sự, cần chú trọng giáo dục
nâng cao bản lĩnh chín chắn, thái độ trung thực, đức tính khiêm nhường, tinh
thần cao thượng cho mỗi cán bộ, đảng viên. Bản lĩnh để không bị người khác lèo
lái vào “cánh hẩu” vì những động cơ, mục đích thiếu lành mạnh. Trung thực để
thể hiện tính khảng khái, công tâm của bản thân và nói “không” với các biểu
hiện theo đuôi, a dua sai trái. Khiêm nhường để lắng nghe, học hỏi, tiếp thu
cái hay, cái tốt của đồng chí, đồng đội và cũng là để tránh xa thái độ hẹp hòi
khi nhìn nhận, đánh giá người khác. Cao thượng để ứng xử thân thiện, nhân nghĩa
với anh em trong cơ quan, đơn vị, không để “cái tôi” cá nhân lấn át “cái ta”
tập thể dễ dẫn đến những rạn nứt, sứt mẻ không đáng có trong nội bộ.
Một điều không kém phần quan trọng là mỗi cán bộ, đảng viên,
nhất là cán bộ chủ chốt cần chú trọng giải quyết hài hòa, xử lý đúng đắn các
mối quan hệ chung-riêng, tập thể-cá nhân, xã hội-gia đình; không để tư duy,
quan niệm, lối sống duy tình, thân hữu chi phối vào việc công, lợi ích công và
ảnh hưởng đến các mối quan hệ, đoàn kết thống nhất trong tổ chức, cơ quan, đơn
vị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét