Ngoại giao “kiểu Trump”
Khi ông
Trump bắt tay nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un rồi bước qua ranh giới
giữa khu vực do Hàn Quốc kiểm soát trong làng đình chiến với Triều Tiên, ông
rất ý thức được rằng mình đang làm nên lịch sử: ông là vị Tổng thống Mỹ đương
nhiệm đầu tiên bước vào lãnh thổ CHDCND Triều Tiên, dẫu chỉ vài chục
bước.
Ý thức
được điều này, ông nói: “Tôi cảm thấy rất tự hào vì đã bước qua được ranh giới
vào Triều Tiên”. Đáp lại, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng tuyên bố: “Tôi không thể
ngờ được rằng sẽ gặp ông (Trump) tại đây. Sự kiện này sẽ đi vào lịch sử chính
trị thế giới!”.
Chưa một
ai biết được công tác ngầm chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này đã diễn ra như
thế nào và trong bao lâu nhưng không ai ngây thơ đến độ lại nghĩ rằng cuộc gặp
lịch sử này đã diễn ra chỉ do một phút ngẫu hứng của Tổng thống Mỹ, như cái vẻ
bề ngoài mà hai bên cố gắng phô ra cho thế giới thấy.
Chỉ ít giờ
trước khi rời Mỹ lên đường dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, trung
thành với cung cách ngoại giao khá dị biệt “kiểu Trump”, Tổng thống Mỹ đã gửi
lời mời tới đối tác qua một dòng tweet ngắn gọn trên mạng xã hội Tweeter, nói
rằng ông muốn mời nhà lãnh đạo Triều Tiên tới gặp ở khu phi quân sự giữa hai
miền Nam - Bắc Triều Tiên (DMZ) để “bắt tay ông ấy và nói câu “Hello!””.
Sau một
ngày thế giới bán tín bán nghi, ông Trump tiếp tục thông báo rằng nhà lãnh đạo
Triều Tiên, người mà ông mô tả “là một người bạn”, đã chính thức nhận lời gặp
ông ở DMZ, khu vực chỉ một thời gian ngắn trước đây còn được coi như là một
trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới, với các thiết bị vũ khí quân sự bố trí
dày đặc và thái độ cảnh giác luôn đặt tay trên cò súng của cả hai bên.
Kèm theo
thông báo này, ông Trump còn nói thêm: “Ông ấy (Kim Jong-un) muốn như vậy (gặp
nhau) ngay từ đầu và tôi cũng vậy”.
Ở DMZ, ông
Trump không chỉ nói mỗi câu “Hello” với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Hai người đã
có cuộc gặp riêng kéo dài tới hơn 40 phút mà kết quả là hai bên đã thống nhất
tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân đã đình trệ từ nhiều tháng qua.
Sau khi
cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra ở Hà Nội hồi tháng 2 kết thúc mà hai bên
không đạt được một thỏa thuận nào, ít người có thể hình dung ra hai nhà lãnh
đạo Mỹ-Triều lại có thể gặp lại nhau sớm như vậy, ở một địa điểm mang đầy tính
biểu tượng của chiến tranh và giờ đây, sau cuộc gặp, đang trở hành một biểu
tượng của hòa hoãn giữa hai bên Mỹ-Triều.
Có cả thêm
một bên thứ ba nữa: Hàn Quốc. Sự có mặt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in
cũng ở ngay DMZ và sau cuộc gặp giữa ông Kim và ông Trump, ông Moon cũng tham
dự một cuộc gặp tay ba, cho thấy Hàn Quốc vẫn luôn là một bên trong những diễn
biến khó lường đang diễn ra ở đây.
“Mối
tình” qua những bức thư
Cuộc gặp
thượng đỉnh ở Hà Nội hồi tháng 2, dẫu không đi tới một thỏa thuận cụ thể nào
nhưng ít nhất nó cũng đạt được một mục tiêu đáng giá: tiếp tục duy trì tình
trạng hòa bình lạnh trên Bán đảo Triều Tiên.
3 tháng
sau, Bình Nhưỡng đánh đi những tín hiệu khá gắt về sự không hài lòng của họ
trước tình trạng đóng băng về cải thiện quan hệ với Washington bằng cách tiến
hành thử những tên lửa tầm ngắn.
Trái với
dự đoán của nhiều người, Tổng thống Donald Trump không hề biểu lộ bất cứ sự tức
giận nào. Chẳng gì thì nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng vẫn giữ đúng cam kết của
mình: không tiến hành thử vũ khí hạt nhân cũng như tên lửa đạn đạo.
Các ông
còn muốn gì nữa? Hơn một lần, ông Trump ném câu hỏi vào những người chỉ trích
chính sách của ông đối với Bán đảo Triều Tiên. Từ chỗ là một trong những điểm
nhiệt nhất trên bản đồ chính trị thế giới với những vụ thử vũ khí hạt nhân song
hành cùng các cuộc tập trận hùng hổ hao tổn tài lực, bây giờ giữa hai miền
Triều Tiên là một bầu không khí hòa dịu, với những trạm gác được chuyển đi, hệ
thống loa phóng thanh cỡ đại được tháo dỡ. Thêm vào đó là những cuộc gặp gỡ
song phương ở cấp cao...
Quan trọng
hơn cả là phía Bắc vĩ tuyến 38 đã tạm dừng không còn những vụ thử vũ khí hạt
nhân trong lòng núi, không còn những quả tên lửa đạn đạo mà mỗi lần bay vòng
qua cả không phận Nhật Bản khiến cả Tokyo lẫn Seoul lên cơn sốt hầm hập.
Ông Trump
có thể tự hào khoe về một trong những điểm nhấn trong chính sách ngoại giao của
ông: chưa cần phải ký một hiệp ước hòa bình nào, chỉ cần qua những bức thư giữa
hai nhà lãnh đạo, giữa hai miền Triều Tiên (và cả với Mỹ nữa) đã tồn tại một
bầu không khí hòa dịu, trái với tình trạng căng thẳng lúc nào tay cũng đặt lên
cò súng như từng xảy ra trước đây.
Ngay việc
ông Trump mặc complet, đeo cà vạt thoải mái bước qua ranh giới giữa hai miền
Triều Tiên trong không khí hoan hỉ cũng đã khác hẳn bầu không khí hằm hằm luôn
hiện diện mỗi khi những người tiền nhiệm của ông tới đây trước kia.
Đến đầu
tháng 6, nhà lãnh đạo Triều Tiên có một cử chỉ mang tính “phá băng” bầu không
khí trì trệ kể từ hồi tháng 2. Ông Kim gửi một bức thư cho Tổng thống Mỹ nhân
dịp sinh nhật và được ông Trump đáp lễ bằng một bức thư mà tự ông mô tả là “vô
cùng thân thiết”.
Hãng thông
tấn chính thức của Triều Tiên đã bình luận rằng lời hồi đáp của Tổng thống Mỹ
chứa “nội dung tuyệt vời” và chứng tỏ Tổng thống Mỹ là một người “vô cùng can
đảm”.
Chỉ số
rating cao
Phương
cách ngoại giao mang đậm dấu ấn cá nhân của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên
này được duy trì trong một thời gian dài rõ ràng bởi ẩn phía dưới nó là những
động lực mang tính lợi ích của mỗi bên.
Có vẻ như
Bình Nhưỡng theo dõi khá sát sao lịch trình của những hoạt động trên chính
trường Mỹ, đặc biệt là khi mà cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần.
Sau những
gì đã diễn ra trong hơn 2 năm qua, điều mà phía Triều Tiên dễ dàng nhận thấy
rằng ông Trump có lẽ là vị Tổng thống Mỹ thích hợp nhất để có thể đạt được một
thỏa thuận, trong trường hợp tốt nhất là một hiệp định hòa bình chính thức chấm
dứt cuộc chiến tranh đã chấm dứt trên thực địa từ 66 năm trước. Nếu không thì
ít ra cũng sẽ giảm bớt được những lệnh trừng phạt gay gắt mà Mỹ đã áp đặt lên
Triều Tiên trong nhiều thập kỷ qua.
Về phía
Mỹ, ông Trump cũng biết rằng quá trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên
không phải sẽ dễ dàng xảy ra trong một sớm một chiều.
Tuy nhiên,
duy trì một mối quan hệ được cho là thân thiết với ông Kim sẽ giúp Mỹ tiếp tục
tạo được bầu không khí hòa dịu bằng việc thúc đẩy nhà lãnh đạo Triều Tiên tiếp
tục giữ cam kết không thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, điều mà không một
người tiền nhiệm nào của ông Trump từng làm được.
Đó chẳng
phải là một điểm cộng rất lớn cho ông Trump hay sao, khi mà ông đã chính thức
phát động chiến dịch tranh cử tổng thống cho nhiệm kỳ thứ hai ở Nhà
Trắng.
Vốn là
người từng điều hành các chương trình truyền hình thực tế, ông Trump hiểu rằng
sau những động thái hòa dịu đối với Triều Tiên, việc bất ngờ có một cuộc gặp
với ông Kim ở ngay bờ giới tuyến căng thẳng giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên
sẽ giúp ông có một chỉ số rating (đánh giá) cao vượt trội so với các đối thủ
trong cuộc đua vào Nhà Trắng, một “chương trình truyền hình thực tế” có quy mô
lớn đến mức mà không có bất kỳ chương trình nào ông từng điều hành trước kia có
thể sánh nổi!
Muốn
nhanh thì phải từ từ
Tuy nhiên,
vẫn còn đó những rủi ro đối với cả hai phía.
Nhà lãnh
đạo Triều Tiên Kim Jong-un hẳn chưa quên những gì đã diễn ra trong cuộc gặp
thượng đỉnh ở Hà Nội, nơi ông phải trải qua một hành trình tàu hỏa 70 tiếng
đồng hồ để tham dự cuộc gặp mà ông cho rằng phía Mỹ đã áp dụng cách tiếp cận
sai lầm khiến cuộc gặp kết thúc nhanh chóng mà không đạt được một thỏa thuận
nào.
Ông Kim đã
kêu gọi phía Mỹ “nên có những tính toán mới” nếu như muốn nối lại các cuộc đối
thoại bình thường.
Ông Trump
mặc dù tỏ ra khá hoan hỉ vì khi đăng lời mời nhà lãnh đạo Triều Tiên tới gặp ở
DMZ bằng vài dòng tweet, ít người nghĩ rằng ông Kim sẽ vượt chặng đường xấp xỉ
100 dặm từ thủ đô Bình Nhưỡng tới tận làng đình chiến Bàn Môn Điếm, vậy mà cuối
cùng điều đó đã xảy ra.
Nhưng ông
Trump cũng đang phải đối mặt với sức ép dần tăng lên đối với cá nhân ông để
không biến những cuộc gặp thượng đỉnh song phương giữa hai nhà lãnh đạo thành
buổi chụp ảnh và các chương trình truyền hình trực tiếp.
Trong đội
ngũ cố vấn của Tổng thống Hoa Kỳ có khá nhiều nhân vật diều hâu, những người
luôn mong muốn Triều Tiên phi hạt nhân hóa “theo cách hiểu của Mỹ”, điều mà từ
trước tới nay Bình Nhưỡng luôn từ chối.
Trong cuộc
gặp ở DMZ, ông Trump đã mời ông Kim “tới thăm Nhà Trắng” còn ngược lại, ông Kim
cũng bày tỏ sẽ rất vui mừng nếu được đón tiếp ông Trump ở Bình Nhưỡng. Nếu điều
đó xảy ra, có thể có những bước tiến triển tiếp theo trong quan hệ Mỹ-Triều.
Chưa bao
giờ phương châm “muốn nhanh thì phải từ từ” lại đúng đến thế trong tiến trình
cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét