Ngày thương binh liệt sĩ ( 27/7) là ngày lễ kỉ niệm được tổ
chức hàng năm nhằm ghi nhớ công lao to lớn của những người thương binh, liệt sĩ
đã hi sinh xương, máu của mình vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Tuy
nhiên trong chúng ta, không phải ai cũng biết bối cảnh sự ra đời của ngày
Thương binh liệt sĩ.
Sau Cách mạng
tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời nhưng thực dân Pháp đã
quay lại Đông Dương. Khi vào thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ, quân
đội Pháp đã gây ra những cuộc đụng độ với lực lượng vũ trang của Chính quyền Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa, gây ra nhiều thiệt hại về tính mạng cho những người lính,
đặc biệt là về phía Việt Nam. Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình
của những người đã chết, Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã vận động
thành lập một tổ chức có tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn.
Đầu năm 1946,
Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đó đổi tên Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành
lập ở Thuận Hoá (Bình Trị Thiên), ở Hà Nội và một số nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí
Minh được mời làm hội trưởng danh dự của hội này. Chiều ngày 28 tháng 5 năm
1946, Hội Giúp binh sĩ bị nạn tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà
hát lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh đã tới tham dự. Chiều ngày 11 tháng 7 năm 1946,
cũng tại Nhà hát này đã có một buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho binh lính ở
ngoài chiến trường, mở đầu cuộc vận động Mùa đông chiến sĩ. Tại đây, Hồ Chí
Minh đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ.
Ngày 19 tháng
12 năm 1946, Hà Nội chính thức phát động chiến tranh với Pháp, chiến tranh lan
rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương và hi sinh tăng lên nhanh chóng. Đời sống
của lực lượng vũ trang ta lúc đó, nhất là những binh sĩ bị thương gặp nhiều khó
khăn, thiếu thốn do tình cảnh khó khắn của nước ta lúc bấy giờ. Trước yêu cầu
đó, cùng với việc kêu gọi giúp đỡ thương binh gia đình tử sĩ, vào năm 1947 Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ngày 16 tháng 8 năm 1947 Quy định chế
độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng
định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với cuộc chiến
tranh của Việt Nam.
Để chỉ đạo
công tác thương binh tử sĩ trong cả nước, ngày 26 tháng 2 năm 1947, Phòng
thương binh thuộc Chính trị Cục, quân đội quốc gia Việt Nam được thành lập. Đầu
tháng 7 năm 1947 Ban Vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc cũng được
thành lập. Cùng thời gian này, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh
Thái Nguyên, các đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc,
Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam,
Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã dự một cuộc họp do cục Chính
trị Quân đội quốc gia Việt Nam tổ chức.
Nội dung cuộc
họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chí Minh chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ
và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Tại cuộc họp này, theo đề nghị của đại
diện Chính trị Cục quân đội Quốc gia Việt Nam, sau khi cân nhắc nhiều mặt, hội
nghị nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27 tháng 7 năm 1947 làm ngày thương
binh liệt sĩ - ngày toàn dân cùng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và các đại
biểu đã nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 hàng năm là ngày Thương binh toàn quốc là
dịp để dân chúng tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh.
Từ đó, đến nay
ngày 27 tháng 7 hàng năm, đã trở thành ngày tri ân những người thương binh, các
anh hùng liệt sĩ thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng
cây" của dân tộc Việt Nam.
(LVK Sưu tầm và biên soạn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét