Những người duy ý chí thường có chung
đặc điểm là xem xét, nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng theo cảm tính chủ
quan của riêng mình, coi ý kiến của mình luôn đúng, thậm chí “duy nhất đúng”,
muốn nhanh chóng đạt kết quả, mục tiêu mà không xem xét, đánh giá khách quan,
toàn diện, thấu đáo mọi vấn đề, mọi khía cạnh, dễ ảo tưởng về sức mạnh chủ quan
mà không tiên lượng được hết những khó khăn, trở ngại do cả yếu tố khách quan
và chủ quan gây ra. Đánh giá tình hình thường chỉ dựa vào ban thường vụ, cấp
ủy, ban cán sự đảng… một nhóm người có quyền quyết định, mà không nghiên cứu kỹ
thực tế, nên đã ban hành quyết sách không phù hợp. Còn nữa “tân quan, tân chính
sách”, nhiều cán bộ thời gian đầu mới giữ cương vị lãnh đạo luôn tỏ ra sốt sắng,
lo lắng cho việc chung, muốn sớm tạo ra dấu ấn của riêng mình. Đáng lo hơn xuất
phát từ lợi ích nhóm rất tinh vi ban hành cơ chế, chính sách có lợi cho nhóm
thiểu số cá nhân người có chức có quyền, song lại gây ra bao hệ lụy, thậm chí
để lại hậu quả khôn lường về kinh tế-xã hội.
Tình trạng đầu tư tràn lan theo kiểu
phong trào diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, mà nổi cộm là nhà máy xi
măng lò đứng, nhà máy thép, cảng biển; hơn 10 dự án đầu tư cả nghìn tỷ đồng
chưa đưa vào hoạt động đã thất thoát, gây lãng phí rất lớn tài sản công; 10 vụ
đại án tham nhũng được đưa ra xét xử công khai năm 2018; hàng chục vụ bổ nhiệm
thần tốc, cả nhà làm cán bộ, cả họ làm quan… bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân,
nhưng có một nguyên nhân vừa sâu xa, vừa trực tiếp là do một số cán bộ lãnh đạo
đã lạm dụng quyền lực để áp đặt ý chí cá nhân lên tập thể, không tuân thủ các
nguyên tắc, bất chấp quy chế lãnh đạo, tự ý chi phối, can thiệp quá sâu vào
công việc chung nên để xảy ra biết bao phiền toái, hệ lụy tiêu cực.
Như một hậu quả tất yếu đã xảy ra, hầu
hết những cán bộ lãnh đạo mắc sai phạm, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp thuộc
diện Trung ương quản lý, lãnh đạo cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố bị bị kỷ
luật trong thời gian qua đều ít nhiều có tư tưởng, thái độ, tác phong làm việc
duy ý chí, áp đặt cá nhân, thiếu dân chủ trong chỉ đạo điều hành, không chịu
lắng nghe những lời đóng góp chân tình, thẳng thắn của cán bộ, nhân viên cấp
dưới và ý kiến phản biện tích cực của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và bỏ
ngoài tai sự giám sát của dư luận xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét