Quá nửa nhiệm kỳ đã đi qua, chúng ta cần tiếp tiệp quán triệt thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên” trong thời kỳ mới được Đại hội XII của Đảng và Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định: Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc là “nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên” của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và nhân dân ta, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt.
Đây là quan điểm nhất quán của Đảng ta và Quân ủy Trung ương, thể hiện rõ qua hơn 30 năm đổi mới, trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quân sự, quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm này tạo cơ sở quan trọng cho các ban, bộ, ngành, địa phương và toàn dân, toàn quân ta xác định và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc theo vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.
Trong khi khẳng định củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, Đảng ta đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng, phát triển bền vững đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; sớm đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; trong đó, phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.
Đảng ta xác định: Đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, nhưng không coi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc là thứ yếu; đồng thời xác định củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, nhưng không có nghĩa không tập trung cho nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, xây dựng đất nước mà càng phải nỗ lực tập trung xây dựng đất nước mạnh lên về mọi mặt, coi đó là phương thức hữu hiệu để bảo vệ Tổ quốc. Đây là quan điểm lý luận cơ bản, quy định toàn bộ nội dung của các quan điểm khác về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Mục tiêu “trọng yếu, thường xuyên” bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là toàn diện, bảo vệ cả phương diện tự nhiên-lịch sử và phương diện chính trị-xã hội trong một chỉnh thể thống nhất. Để thực hiện tốt mục tiêu trọng yếu, thường xuyên của quốc phòng, an ninh, Đảng ta chỉ rõ, cần phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp CNH, HĐH, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Như vậy, mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được Đảng ta xem xét một cách toàn diện, tổng thể trong mối quan hệ mật thiết với sức mạnh, lực lượng và phương thức bảo vệ Tổ quốc, đồng thời gắn bó khăng khít với nhiệm vụ xây dựng đất nước với một số điểm mới mang tầm tư tưởng, lý luận sâu sắc. Đó là nhấn mạnh bảo vệ độc lập, chủ quyền và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nhấn mạnh sự kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đảng ta xác định đó là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII.
Nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cũng chính là bảo vệ Đảng, Nhà nước, là bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; cũng chính là bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc Việt Nam.
Trong bối cảnh mới, yêu cầu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định càng đặt ra cấp thiết. Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với các nước, với các tổ chức, thiết chế kinh tế, thương mại thế giới, khu vực mà nước ta tham gia sẽ không hiệu quả, thậm chí mất tác dụng, nếu không duy trì tốt, không giữ được môi trường hòa bình, ổn định. Đó là việc giữ vững đường lối phát triển, bảo đảm sự thống nhất, nhất quán của các chủ trương, chính sách; không có xáo trộn, biến động về chính trị, đặc biệt là trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường chính trị. Đặc biệt, cần chú trọng giữ vững hòa bình, ổn định và an ninh trên những địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo.
Đảng ta cũng đặt động lực, sức mạnh trong mục tiêu trọng yếu, thường xuyên của quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc XHCN là phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tư duy mới của Đảng ta chỉ rõ, trong tình hình mới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc phải bảo đảm được lợi ích quốc gia-dân tộc khi nước ta tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các nước trên thế giới hợp tác với Việt Nam.
Tại Đại hội XII, lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội, Đảng ta đưa vấn đề động lực, sức mạnh vào mục tiêu trọng yếu, thường xuyên của quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm cơ bản này là sự kế thừa, phát triển quan điểm về sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, có sự phát triển mới, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại hội XII cũng nhấn mạnh: Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Mối quan hệ biện chứng đó nằm trong tổng thể thống nhất và gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến-đây là một trong các nội dung trọng yếu, thường xuyên của quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Điểm chú ý trong kế sách giữ nước là Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh đến việc chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến.
Sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên thì nhiệm vụ quốc phòng, an ninh phải nhằm tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Mai Năm Mới (ST)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét