Cơ sở để người dân tin tưởng, yêu quý Tổng Bí thư,
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chính là ở lời nói và việc làm của ông luôn song
hành với nhau.
Thời điểm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc
hội khóa XIV tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021, dư luận đều hồ
hởi với niềm tin Đảng, Nhà nước đã chọn được một người xứng đáng. Trên cương vị
Tổng Bí thư lãnh đạo Đảng, dẫn dắt đất nước trong suốt 2 nhiệm kỳ Đại hội XI,
XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo được những dấu ấn mạnh mẽ. Một con người
gần gũi, giản dị nhưng ẩn chứa bên trong là một sự mạnh mẽ, quyết liệt.
“Lý giải” cho sự
hồ hởi ấy, Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng, sự lựa chọn của Quốc hội đã đi đúng
hướng với tâm lý của nhân dân, muốn xu hướng tập trung quyền lực vào một con
người đáng tin tưởng.
“Quay lại giai đoạn 20 năm vừa
qua, đặc biệt trong 10 năm gần đây, đất nước đã có những lúc “chao đảo” bởi
những sai lầm trong công tác cán bộ, dẫn tới một bộ phận quan chức “tự diễn
biến, tự chuyển hóa”. Thế nên khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm
giao thêm trọng trách Chủ tịch nước, quyền lực được tập trung, ông đã lãnh đạo
đất nước theo con đường ông lựa chọn, cũng là con đường lòng dân mong đợi, “coi
chống tham nhũng như chống giặc ngoại xâm. Chính vì thế, người dân, trong đó có
cả tôi, ủng hộ”, Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.
Nhà văn cho rằng, cơ sở để
người dân tin tưởng, yêu quý Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chính
là ở lời nói và việc làm luôn song hành với nhau.
Có thể nói, sau
Đại hội XII của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có công tác phòng
chống tham nhũng, đã thu được những thành quả ngoạn mục, thậm chí không quá khi
nói “ngoài sức tưởng tượng”.
Trong bối cảnh đó, Tổng Bí thư
như vị Tổng tư lệnh phát động và trực tiếp chỉ đạo đã đưa công cuộc xây dựng,
chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng trở thành “phong trào, thành một xu
thế”. Với quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là
ai”; “Lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”; “Kỷ luật một vài người để
cứu muôn người”; “Kiên quyết, nghiêm minh với cả lãnh đạo cao cấp của Đảng”…
tham nhũng được ngăn chặn, từng bước được đẩy lùi, để lại dấu ấn tích cực.
Người đứng đầu Đảng còn quyết liệt tuyên bố “Ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì
dẹp sang một bên cho người khác làm”.
Kết quả là nhiều vụ án kinh tế,
tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng liên tục được phát hiện, điều
tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên và
nhân dân đồng tình ủng hộ. Việc xét xử các vụ án về tham nhũng không hề mang
tính chất mùa vụ, thời điểm hay phong trào mà diễn ra một cách bài bản, theo
một kế hoạch được tính toán từng bước, chặt chẽ, thận trọng và rất cương quyết.
Những dẫn chứng trên, theo Nhà
văn Nguyễn Văn Thọ, giúp chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng vào người đứng đầu
Đảng, Nhà nước. Ông không nói nhiều, cũng không hứa hẹn hay tuyên bố thật
nhiều, nhưng những quyết định kỷ luật, những bản án của tòa đã minh chứng tất
cả.
Không chỉ quyết liệt, mạnh mẽ
trong điều hành, người ta thấy ẩn chứa trong con người Tổng Bí thư, Chủ tịch
nước một thái độ nhân văn. Ở góc nhìn của một nhà văn, ông Nguyễn Văn Thọ cho
rằng, tính nhân văn cao cả nhất ở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đó là trên cương
vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông đã đặt ra mục tiêu chấn chỉnh công tác cán bộ,
xây dựng chỉnh đốn Đảng, diệt trừ tham nhũng và tiến hành thực hiện mục tiêu ấy
một cách quyết liệt, mạnh mẽ chính là mang quyền lợi cho dân tộc, đất nước, cho
nhân dân.
Hình mẫu cán bộ như thế đáng để
đưa ra làm tiêu chí lựa chọn cán bộ trong những giai đoạn sắp tới của đất nước.
“Ông ấy đã có một quá trình phấn đấu, đi lên trong sạch. Nhìn rộng ra, một cán
bộ tốt, trước hết phải cho thấy sự trong sạch trong đời sống cá nhân”, ông Thọ
chia sẻ.
Cùng làm việc với cô cháu họ của Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nên nhà thơ Trần Đăng Khoa phần nào kiểm chứng rõ
hơn về sự liêm khiết trong đời sống của Tổng Bí thư. “Cô ấy chỉ làm ở một vị
trí bình thường, hàng ngày cũng đi làm bằng xe máy cà tàng như số đông mọi người.
Cô ấy cũng là người có năng lực, có tài, những thể hiện mà tôi đặc biệt cảm nhận
ở cô ấy là sự gương mẫu. Điều đó cũng khiến tôi có lòng tin ở một cán bộ như Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng”, nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ.
Không chỉ có câu
chuyện đó, lòng tin của nhà thơ với với người đứng đầu Đảng, Nhà nước còn được
vun đắp thêm qua nhiều câu chuyện khác. Đó là câu chuyện của người bạn vong
niên của ông, nhà thơ Vũ Quần Phương, khi nhà thơ cùng con cháu đi lễ chùa đầu
năm. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến người dân đi lễ,
không chỉ cầu nguyện cho bản thân, gia đình mà nhiều người còn xin trời phật
phù hộ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có thật nhiều sức khỏe để
làm tiếp, làm mạnh những công việc mà người dân đang chờ đợi.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa lý giải,
thực tế cho thấy đã có những cán bộ cấp thấp thôi nhưng đưa được cả vợ con, anh
em, họ hàng vào những vị trí lãnh đạo trong cơ quan chính quyền từ trên tỉnh
xuống đến huyện, xã. Và ông tin rằng, trong tình hình xã hội phức tạp hiện nay,
khi đạo đức con người, đạo đức cán bộ bị tha hóa, chỉ có những người với bàn
tay sạch, tấm lòng sạch mới có đủ dũng khí để dọn sạch tàn dư của những thói hư
tật xấu đã len lỏi vào một bộ phận cán bộ.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho
rằng, sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bây giờ là Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng, cùng những cộng sự của ông, chúng ta có thêm những nhà
lãnh đạo thật sự được dân quý, dân tin. Không phải ngẫu nhiên Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước được người dân cầu trời phật phù hộ như vậy. Bởi quả thực ông đã sống
thật, làm thật và làm tốt phận sự của một công bộc.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa quả
quyết rằng chọn người làm cán bộ nhất quyết phải là người trong sạch, không
dính đến tham nhũng thì mới nói được và làm được. Những người không chạy quyền
chạy chức để lên sẽ loại bỏ những cán bộ chạy để lên. Có rất nhiều người tài
vẫn đang ở lẫn trong dân. Với một cái tâm trong sáng, Đảng nhất định sẽ tìm ra
và sử dụng họ. Những người chạy quyền chạy chức, đút lót để lên sẽ rất nguy
hiểm. Khi họ lên được bằng đồng tiền, khi có quyền có chức họ sẽ phải vơ vét để
thu lại số tiền đã bỏ ra. Họ biến chức tước thành món hàng kinh doanh. Kinh
doanh quyền lực hiện vẫn còn, nếu không kịp thời ngăn chặn đấy sẽ là một thảm
họa của đất nước.
Thời điểm này, có 2 việc quan
trọng nhất mà người dân trông chờ ở Đảng, Nhà nước và cá nhân Tổng Bí thư đó là
chống giặc nội xâm và ngoại xâm để giữ yên đất nước. Chống giặc ngoại xâm phải
cốt giữ yên được chủ quyền biển đảo của đất nước ngoài biển Đông; giữ yên biên
giới cả phía Bắc lẫn phía Nam. Chống giặc nội xâm cốt phải dọn cho sạch nạn tham
nhũng đã tới mức báo động.
Từng có thời gian
dài được làm việc bên cạnh ông Nguyễn Phú Trọng ở Tạp chí Cộng sản, đồng thời
cũng đã chứng kiến người đứng đầu Đảng, Nhà nước trải qua nhiều cương vị, môi
trường công tác khác nhau, nhà báo Nhị Lê cảm nhận ở vị trí Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước là một con người khoan dung, chan hòa, dung dị, thậm chí mộc mạc.
Nhưng ẩn chứa bên trong sự chan hòa, dung dị ấy là một tầm nhìn viễn kiến, một
sự kiên định không gì lay chuyển, và đặc biệt ở ông còn dung chứa sự quyền biến
linh hoạt.
“Tôi nghĩ, bấy nhiêu thôi cũng
hình dung thấy đó là sự dồn tụ kết tinh những phẩm giá của con người Việt Nam
ta, cũng là phẩm giá của dân tộc, trực tiếp là phẩm giá của Đảng, của Nhà nước
ta. Với tôi, ông là cốt cách Việt Nam trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế
hiện nay”, nhà báo Nhị Lê chia sẻ.
Ông Nguyễn Bá
Đang, một đảng viên, cựu chiến binh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ, với tư
cách một đảng viên, ông muốn tiếp tục bầu cho ông Nguyễn Phú Trọng và những
người cũng có nhân thân trong sạch như người đứng đầu Đảng, Nhà nước.
Vị đảng viên già chia sẻ, tuy
không theo dõi được đầy đủ các hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn
Phú Trọng, nhưng ở những giai đoạn “nước sôi lửa bỏng”, với tư cách một đảng
viên, ông gần như không bỏ qua bất cứ vấn đề nào Tổng Bí thư nêu ra và thấy ông
đều đã làm, thậm chí những việc làm ấy đã phần nào xóa đi những băn khoăn, lo
ngại của đảng viên, quần chúng. Tác phong làm việc ấy thực sự rất cần thiết với
những người được chọn làm đại biểu của dân, người lãnh đạo đất nước.
“Tôi mong Tổng Bí thư, Chủ tịch
nước của chúng ta có sức khỏe dồi dào để tiếp tục duy trì ngọn lửa cách mạng.
Đó là chọn được nhiều người trung thành với đất nước, biết đặt quyền lợi của
dân tộc, của nhân dân lên trên hết; Đó là loại bỏ những “con sâu mọt” đang làm
hại cho nhân dân, đất nước, dân tộc này”.
Không thể kể hết những tấm lòng
trân quý của các tầng lớp nhân dân dành cho Người đứng đầu Đảng và Nhà nước.
Mỗi cuộc tiếp xúc cử tri của ông ở Hà Nội là một lần cảm động khi những đảng
viên lão thành mong Tổng Bí thư, Chủ tịch nước giữ gìn sức khỏe để tiếp tục là
chỗ dựa niềm tin cho nhân dân.
Tình cảm của nhân dân dành cho
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dung dị, tự nhiên như lẽ đời, giống như nhân dân đã
dành cho các nhà lãnh đạo tiền bối./.
Nguồn: VOV
Nguồn: VOV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét