Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC LÀ VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA CHIẾN LƯỢC, QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM



Đại đoàn kết dân tộc theo Hồ Chí Minh là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, là tư tưởng cơ bản, nhất quán xuyên suốt trong tiến trình của cách mạng Việt Nam. Đó là chiến lược để tập hợp lực lượng có thể tập hợp được nhằm tạo ra sức mạnh to lớn của dân tộc trong cuộc đấu tranh với kẻ thù của dân tộc của giai cấp. Khi Nói chuyện tại Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên - Việt toàn quốc (10/1/1955), Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là thủ đoạn chính trị”[1].

Cách mạng là sự nghiếp rất nặng nề, là một công việc rất khó khăn “cách mệnh là phá cái cũ, đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”[2]. Nhưng không phải là không làm được. Muốn sự nghiệp cách mạng thành công thì phải có lực lượng, lực lượng đó phải đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù và xây dựng thành công xã hội mới.

Muốn có lực lượng thì phải đoàn kết, Đoàn kết là lực lượng. Do đó Người đã nêu ra những luận điểm có tính chân lý đó là: Đoàn kết làm ra sức mạnh; đoàn kết là sức mạnh; đoàn kết là thắng lợi; đoàn kết là sức mạnh của chúng ta; đoàn kết là then chốt của thành công...

Đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân: Muốn có nhiều lực lượng cho cách mạng thì phải có khái niệm dân, nhân dân rộng rãi phù hợp với thực tiễn và truyền thống của dân tộc Việt Nam. Dân, nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là một tập hợp rộng lớn là Nhân dân, Quốc dân, Đồng bào; là Người trong một nước; là con Lạc cháu Hồng... Không phân biệt già trẻ trai gái, dân tộc, tôn giáo, giàu hay nghèo... Đã là con Lạc cháu Hồng ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc. Yêu nước là điểm hội tụ của Nhân dân. Dù đó là thân hào, người trong hoàng tộc, quốc thích, trí thức, tư sản, tiểu tư sản dân tộc, là địa chủ...Dù họ ở trong giai cấp, tầng lớp nào nhưng có lòng yêu nước thương nòi. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân họ tán thành đánh đổ đế quốc tay sai giành độc lập dân tộc. Trong xây dựng đất nước, tán thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, nhân dân no ấm tự do hạnh phúc thì đó là DânNhân dân, là thành viên của khối đại đoàn kết dân tộc. Điều này thể hiện quan điểm đoàn kết của Hồ Chí Minh rất rộng rãi, ngay cả với những người lầm đường lạc lối đã biết hối cải thì phải đoàn kết với họ. Trong Thư gửi đồng bào Nam bộ (1/6/1946), Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều hợp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lầm lối, lạc đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ”[3].

Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và từ yêu cầu thực tiễn của cách mạng. Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ quan điểm nhằm phát huy sức mạnh của Đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay như sau:

Quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, Đại hội VI của Đảng đã nêu lên bốn bài học kinh nghiệm lớn, trong đó, bài học thứ nhất là: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”[4]. Trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ và kinh tế tri thức có vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất, Đảng ta nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò của các giai tầng trong xã hội, nhất là của tầng lớp trí thức. Lần đầu tiên, trong Cương lĩnh năm 1991, Đảng ta nêu lên khái niệm mới về khối liên minh công - nông - trí làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại hội VIII khẳng định: “Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu hôm nay”[5]. Từ tư duy mới về vai trò của nhân dân, về vấn đề dân tộc trong thời kỳ mới, Đảng ta xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[6].

Hiện nay, thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình”, các thế lực thù địch dùng nhiều thủ đoạn thâm độc tác động vào đồng bào các dân tộc thiểu số. Lợi dụng trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp kém, lợi dụng các mối quan hệ dân tộc qua lại biên giới, các thế lực thù địch lôi kéo, mua chuộc, lừa gạt, gây chia rẽ, gây mất ổn định trong vùng đồng bào dân tộc, ngày càng trở nên nguy hiểm. Bọn hoạt động chống đối đã dùng vật chất để tác động, mua chuộc, lôi kéo; lợi dụng truyền đạo trái phép để tập hợp quần chúng; lôi kéo các phần tử bất mãn, tạo mối liên kết bên trong và bên ngoài. Chúng còn tuyên truyền, xuyên tạc những vấn đề về lịch sử; những vấn đề về đại đoàn kết của Hồ Chí Minh, tạo hố ngăn cách, chia rẽ rất thâm độc giữa đồng bào các dân tộc với đồng bào Kinh…

Chúng ta cần nhận thức rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù, từ đó nêu cao cảnh giác sẵn sàng làm thất bại âm mưu chiến lược Diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.

 

 



[1] HCM: Toàn tập, Nxb CTQG, H 2011, tập. 7, tr. 438.

[2] HCM: Toàn tập, Nxb CTQG, H 2011, tập. 2, tr. 263.

[3] HCM: Toàn tập, Nxb CTQG, H 2011, tập. 4, tr. 246.

[4] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội. 1987, tr.29.

[5]. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. CTQG, H. 1996, tr.73.

[6] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, H. 2016, tr.158.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét