Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

Một thị trường “ngầm” rất nguy hiểm


Vụ việc Công an TP Hải Phòng vừa phá đường dây mua bán trái phép hoá đơn GTGT do Ngô Văn Phát cầm đầu cho thấy “mảng tối” của kinh tế đằng sau sự hào nhoáng của những người mang mác “đại gia”, “doanh nhân lớn” không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, bóp méo môi trường kinh doanh, mua bán hoá đơn trái phép còn được cho là để hợp thức hoá tiền bôi trơn, hối lộ và để rửa tiền…

Nếu như trước đây công chúng trầm trồ, ngưỡng mộ những tòa biệt thự nguy nga tựa lâu đài của đại gia này bao nhiêu thì khi vỡ lở việc buôn bán hoá đơn, người ta lại ngán ngẩm bấy nhiêu, chép miệng: “Tưởng thế nào!”.

Vụ việc lần này chúng ta không phải bình luận về một trường hợp đại gia “ngã ngựa”, hay vị đại gia “khét tiếng” trong lĩnh vực nào đó sa lưới pháp luật có thể sẽ khiến dư luận hiếu kỳ, mà là đằng sau câu chuyện này hé lộ một “thị trường” mua bán hoá đơn rầm rộ làm méo mó nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Nhìn lại những vụ án mua bán hoá đơn trái phép bị triệt phá ít năm trở lại đây chúng ta dễ hiểu “hấp lực” của những chiêu trò này, trong đó có cả những trường hợp… khó ngờ, và chỉ đọc con số thôi cũng đã choáng váng, “xây xẩm mặt mày”. Theo đó, số lợi mà các đối tượng thu về không hề nhỏ.

Chẳng hạn năm 2018 dư luận cũng từng xôn xao về đường dây mua bán hoá đơn hàng nghìn tỷ đồng đầy tinh vi do “Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt” Nguyễn Thị Nhung cầm đầu. Vỏ bọc “doanh nhân thành đạt” này thật khiến ta ngỡ ngàng bởi sự xảo quyệt trong “tài” kiếm tiền của họ.

Hay như trong năm 2015, một nữ doanh nhân khác là Nguyễn Thị Thảo Quyên - Tổng giám đốc Công ty Năng Lượng Xanh và Chủ tịch HĐQT Công ty Xăng dầu Năng Lượng Xanh cũng bị phát hiện đã cùng đồng phạm xuất 3.966 hoá đơn GTGT mặt hàng xăng dầu D.O và F.O cho 101 doanh nghiệp với trị giá ghi trên hoá đơn hơn 5.000 tỷ đồng. Còn trên địa bàn Hải Phòng, trong thời gian ngắn trở lại đây, cơ quan công an thành phố này đã triệt phá 3 vụ mua bán trái phép hoá đơn GTGT với giá trị khoảng 8.000 tỷ đồng.

Thị trường mua bán hoá đơn trái phép nở rộ, hậu quả nhãn tiền đương nhiên là gây nên thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước nhưng nguy hiểm còn bóp méo môi trường kinh doanh, tạo nên bất công lớn các các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Phương thức mua bán hoá đơn trái phép này còn được cho là để hợp thức hoá tiền bôi trơn, hối lộ, và để rửa tiền… Thế nên, loại hình phạm tội này cần phải bị xử lý triệt để và nghiêm khắc thì mới có tác dụng răn đe cũng như phòng ngừa được các hậu hoạ khôn lường khác.

Trong bối cảnh việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trở nên đơn giản hơn thì công tác giám sát hoạt động “hậu thành lập” càng cần phải sát sao và chặt chẽ hơn nữa, không thể vì nó mà méo mó thị trường, giảm uy tín với cộng đồng.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét