Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950: 70 năm vẹn nguyên giá trị lịch sử
Chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, khai thông biên giới, mở đường giao lưu với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Phương châm tác chiến của chiến dịch là “đánh điểm, diệt viện, lấy tiêu diệt địch ngoài công sự là chính”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát trận đánh mở màn của bộ đội ở Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới (1950). |
Quyết tâm giành thắng lợi cho chiến dịch lớn
Sau Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947, lực lượng kháng chiến của ta phát triển về mọi mặt; chiến tranh du kích được đẩy mạnh ở vùng sau lưng địch; lực lượng vũ trang ba thứ quân hình thành tương đối hoàn chỉnh, đặc biệt là bộ đội chủ lực phát triển nhanh, phương thức tác chiến phát triển từ đánh du kích lên đánh tập trung, với nhiều chiến dịch quy mô nhỏ trên chiến trường. Thời điểm này, được Mỹ giúp sức, thực dân Pháp ráo riết thực hiện Kế hoạch Rơ-ve, tập trung lực lượng mở rộng chiếm đóng vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ; ra sức phong tỏa biên giới nhằm ngăn chặn sự chi viện của cách mạng Trung Quốc cho cách mạng Việt Nam; bao vây, cô lập căn cứ địa Việt Bắc.
Trước tình hình đó, để đẩy mạnh kháng chiến tiến lên một bước mới, tháng 6/1950, Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch lớn đánh địch trên tuyến biên giới Việt - Trung với mục đích: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng một phần biên giới, mở đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Cân nhắc giữa hai hướng Tây Bắc và Đông Bắc, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định tiến công địch, giải phóng biên giới ở hướng Cao Bằng - Lạng Sơn.
Thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao, ngày 07/7/1950, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch giải phóng vùng biên giới Đông Bắc tại khu vực Cao Bằng - Lạng Sơn, lấy mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong II, tiến công phòng tuyến của địch trên Đường số 4, tập trung vào khu vực Cao Bằng - Thất Khê.
Với quyết tâm giành thắng lợi cho chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược quan trọng này, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp nghiên cứu tình hình, phê chuẩn kế hoạch tác chiến, chỉ đạo các ngành ở Trung ương và địa phương đem hết sức mình phục vụ tiền tuyến và thực hiện sự phối hợp chiến trường trên toàn quốc để bảo đảm cho chiến dịch toàn thắng. Liên khu Việt Bắc là địa phương chính động viên sức người, sức của phục vụ chiến dịch. Để bảo đảm chắc thắng, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định sử dụng nhiều đơn vị mạnh tham gia chiến dịch. Với tổng số lực lượng tương đương hai đại đoàn, Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 đã vượt tất cả các chiến dịch trước đây về quy mô sử dụng lực lượng.
Hạ tuần tháng 8/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên đường ra mặt trận cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Sáng sớm ngày 16/9/1950, ta bắt đầu nổ súng đánh cụm cứ điểm Đông Khê mở màn chiến dịch. Mặc dù địch chống cự hết sức quyết liệt và tình huống chiến đấu diễn ra rất gay go, phức tạp, song bộ đội ta vẫn dũng cảm chiến đấu, tổ chức nhiều đợt xung phong, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ. Sau 54 giờ chiến đấu, sáng ngày 18/9, bộ đội ta chiếm toàn bộ cụm cứ điểm Đông Khê. Chiến thắng oanh liệt của trận mở màn ở Đông Khê đã cổ vũ khí thế giết giặc lập công trên khắp các mặt trận và đặc biệt quan trọng là tạo thế rất thuận lợi cho sự phát triển tiếp theo của toàn bộ chiến dịch.
Sau thất bại Đông Khê, Tổng chỉ huy Pháp ở Đông Dương vội vàng thực hiện kế hoạch rút quân khỏi thị xã Cao Bằng theo đường số 4, nhằm tránh nguy cơ bị tiêu diệt. Theo kế hoạch này, binh đoàn Lơ Pa-giơ ở Thất Khê (gồm 4 tiểu đoàn, do Trung tá Lơ Pa-giơ chỉ huy), có nhiệm vụ hành quân tiến lên chiếm lại Đông Khê để đón binh đoàn Sác-tông (gồm 3 tiểu đoàn do Trung tá Sác-tông chỉ huy) từ Cao Bằng rút về. Ngoài ra, Bộ chỉ huy quân Pháp còn mở cuộc hành quân Phô-cơ đánh lên vùng tự do Thái Nguyên, nhằm thu hút chủ lực của ta, giải tỏa cho hướng biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn. Nhờ phán đoán từ trước và đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó, ta vẫn tập trung lực lượng tại biên giới, kiên quyết tiến hành kế hoạch chiến dịch như đã xác định.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt địch ở Đông Khê, Bộ Chỉ huy chiến dịch tập trung gần như toàn bộ lực lượng để đánh quân địch đi tiếp viện, lấy đó là đòn đánh then chốt quyết định giành toàn thắng. Từ ngày 01 đến ngày 05/10 đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt ở khu vực phía nam và tây Đông Khê. Lơ Pa-giơ chẳng những không thực hiện được ý định chiếm Đông Khê mà còn bị ta tiêu diệt một bộ phận, cuối cùng phải chạy dồn vào khu núi đá Cốc Xá, nơi có địa hình hiểm trở, dựa vào đó cố thủ và lấy đó làm địa điểm đón quân Sác-tông. Từ chiều ngày 05 đến sáng ngày 07/10, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, 4 tiểu đoàn của ta đã liên tục công kích địch ở Cốc Xá, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên địch. Lơ Pa-giơ cùng ban tham mưu và một bộ phận tàn quân chạy thoát, nhưng đến chiều hôm sau (08/10) toàn bộ bị bắt gọn.
Ngày 08/10, một tiểu đoàn do Đờ-la Bôm chỉ huy từ Thất Khê tiến lên định ứng cứu cho Lơ Pa giơ và Sác-tông cũng bị ta đánh tan. Địch liên tiếp rút chạy khỏi Na Sầm, Đồng Đăng, thị xã Lạng Sơn, Lạng Giang, Lộc Bình, Đình Lập, An Châu. Bộ đội ta tiếp tục tổ chức truy kích địch, nhưng do sức đã giảm sút, thời tiết diễn biến không thuận lợi nên chỉ đánh được vài trận nhỏ, tiêu hao thêm một số binh lực địch. Ngày 14/10/1950, Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 kết thúc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950. |
Một bước nhảy vọt của Quân đội ta về nghệ thuật chiến dịch
Với chiến thắng của Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, đây là lần đầu tiên sau bốn năm kháng chiến ta mở một chiến dịch tiến công lớn, đánh vào tuyến phòng thủ mạnh của địch, nhằm thực hiện những mục tiêu chiến lược quan trọng. Đồng thời, mở ra một bước ngoặt chuyển cuộc kháng chiến của ta từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn. Làm phá sản kế hoạch quân sự chính trị của thực dân Pháp, gây nên thất bại chưa từng có trong chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tính đến thời điểm lúc bấy giờ.
Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950 cũng đánh dấu một bước tiến nhảy vọt của Quân đội ta về nghệ thuật chiến dịch. Lần đầu tiên ta mở một chiến dịch quy mô lớn, đánh tập trung chính quy, hiệp đồng binh chủng với lực lượng gần ba vạn cán bộ, chiến sĩ, huy động hàng vạn dân công, tiến công vào một hệ thống phòng ngự mạnh của địch trên tuyến dài hàng trăm ki-lô-mét, đánh liên tục cả tháng. Qua đó, chứng tỏ trình độ chỉ huy và trình độ chiến thuật, kỹ thuật của bộ đội ta có bước trưởng thành vượt bậc; trở thành nguồn động viên to lớn đối với quân và dân ta.
Với thắng lợi vừa giành được, quân và dân ta càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào sức mạnh của chính mình và càng hăng hái quyết tâm đẩy mạnh kháng chiến. Sau Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950, quân và dân ta tiếp tục giữ vững quyền chủ động, phát huy thế tiến công chiến lược trong những năm 1951 - 1953; tiến tới giành thắng lợi liên tiếp trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc thực dân pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới cũng đã chứng minh tính đúng đắn của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra ngay từ đầu cuộc kháng chiến. Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 (16/9/1950 - 16/9/2020) là dịp để chúng ta cùng ôn lại một dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, qua đó khơi dậy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cả dân tộc, đặc biệt trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng./.
ST Báo ĐCS VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét