Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Giải phóng Thủ đô – mốc son trên chặng đường hành quân lịch sử của quân và dân Hà Nội

 Giải phóng Thủ đô – mốc son trên chặng đường hành quân lịch sử của quân và dân Hà Nội


Đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng Thủ đô 10-10-1954 (Ảnh tư liệu)

Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay trong đêm 19-12-1946, quân và dân Hà Nội đồng loạt nổ súng vào các vị trí đóng quân của thực dân Pháp trong Thành phố, chính thức mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập, tự do của quân và dân ta trên phạm vi cả nước. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sau 60 ngày đêm chiến đấu ngoan cường trong lòng Thủ đô Hà Nội, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Chỉ huy Chiến khu XI và được sự chi viện, tiếp tế của quân và dân ngoại thành, lực lượng vũ trang Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chặn đứng ý định của thực dân Pháp đánh chiếm và làm chủ Thành phố trong vòng 24 giờ, bước đầu đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng.

Đêm 17-12-1947, Trung đoàn Thủ đô đã tổ chức cuộc rút lui an toàn qua sông Hồng, sông Đuống trước sự bao vây gắt gao của địch, bảo toàn lực lượng để tiếp tục chiến đấu lâu dài. Tính từ thời điểm này, Thủ đô bị thực dân Pháp chiếm đóng, song quân và dân Hà Nội (những người ở lại) đã kiên cường bám trụ, tiến hành chiến tranh nhân dân trên toàn địa bàn Thành phố. Mặc dù, tương quan lực lượng hoàn toàn bất lợi cho ta, có lợi cho địch, nhưng với sự kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc “Lấy ít thắng nhiều, lấy yếu chống mạnh” của cha ông với niềm tin tất thắng vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, người Hà Nội đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh nuôi giấu cán bộ kháng chiến, phát triển lực lượng tự vệ ở nội thành, du kích ở ngoại thành, tiến hành tổng phá tề, trừng trị những tên Việt gian đầu sỏ làm tay sai cho địch, v.v. Thấu triệt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hà Nội là quả tim quân sự, chính trị và kinh tế của địch. Du kích Thủ đô và Vệ Quốc quân cần phải thường khuấy rối quả tim của địch cho đến ngày tổng phản công”1, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo quân và dân Thủ đô đẩy mạnh xây dựng cơ sở đảng, xây dựng lực lượng kháng chiến sâu rộng khắp cả trong nội và ngoại thành; từng bước củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh, sẵn sàng phối hợp với chiến trường toàn quốc Tổng phản công quân địch.

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, quân và dân Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh kết hợp đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự,… nhằm đánh địch ở ngay hậu cứ - nơi được xem là an toàn nhất của chúng. Các phong trào bãi khóa, bãi công, bãi thị, nhất là việc chống bắt lính đã diễn ra sôi nổi ở nhiều nơi và trong mọi tầng lớp nhân dân Hà Nội. Không dừng lại ở đó, để phối hợp với tiền tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, biệt động ta đã tổ chức tập kích sân bay Gia Lâm, phá hủy 18 máy bay, đốt một kho xăng, diệt 16 tên địch. Cuối tháng 04-1954, giữa lúc Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp đang bị vây hãm nguy ngập, lực lượng trông, giữ kho quân nhu của địch được giác ngộ cách mạng ở trong Thành phố đã bí mật phá kho dù - một phương tiện duy nhất để tiếp tế bằng máy bay cho quân địch ở Điện Biên Phủ, v.v.

Tin chiến thắng từ Điện Biên Phủ liên tiếp được báo về là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với quân và dân Thủ đô, tuy nhiên, đó chưa phải là thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Đảng bộ Hà Nội chủ trương: tiếp tục đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân, gắn liền phong trào đấu tranh đòi hòa bình với phong trào bảo vệ quyền lợi thiết thân của quần chúng. Thực hiện Chỉ thị vận động nhân dân trong vùng tạm chiếm đấu tranh mạnh mẽ chống chiến tranh xâm lược, ủng hộ lập trường của Phái đoàn ta tại Hội nghị Giơ-ne-vơ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quân và dân Hà Nội đã phát động phong trào đòi hòa bình, đòi Chính phủ Pháp phải thành thật thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh.

Ngày 20-7-1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ kết thúc, đồng nghĩa với việc thực dân Pháp phải rút hết quân khỏi Đông Dương. Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn còn nằm trong khu vực tập kết của quân đội Pháp trong 80 ngày. Lợi dụng thời gian này, quân Pháp ráo riết tổ chức các hoạt động phá hoại Thủ đô về mọi mặt. Trước tình hình mới, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã dựa vào dân, chủ trương lãnh đạo nhân dân Thủ đô đoàn kết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định, bảo vệ Thành phố, bảo vệ xí nghiệp, công sở, tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ quyền lợi của công nhân, viên chức, chống địch phá hoại; đồng thời, đẩy mạnh phát triển lực lượng cách mạng trong Thành phố, phối hợp với các lực lượng từ chiến khu trở về tiếp quản Thủ đô.

Trước sức mạnh đấu tranh của quân và dân Hà Nội, cuối tháng 9-1954, Bộ Chỉ huy quân chiếm đóng Pháp chấp nhận rút khỏi Thành phố đúng thời hạn. Ngày 08-10-1954, Ban Tiếp nhận Quân sự của ta triển khai ở 06 khu vực nội thành và huyện Gia Lâm, tiếp nhận bàn giao cơ quan và các vị trí quân sự. Bộ đội ta tiến vào Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy, Nhật Tân và bố trí canh gác cùng lính Pháp ở những vị trí cần thiết. Lực lượng tự vệ nhà máy cùng nhiều công nhân đến canh gác bảo vệ các nhà máy, xí nghiệp của mình. Trên các đường phố, cờ đỏ sao vàng, cổng chào và khẩu hiệu xuất hiện, hoan nghênh bộ đội và chính quyền cách mạng trở về Thủ đô. Địch rút đến đâu, ta tiếp quản đến đó. Đến 16 giờ ngày 09-10-1954, tốp lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên sang Gia Lâm.

Sáng ngày 10-10-1954, Đại đoàn 308, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô tiến vào nội thành Hà Nội. Từ sáng sớm nhân dân Thủ đô đã tưng bừng mang theo cờ, hoa, ảnh Bác Hồ ra khắp các ngả đường chào đón bộ đội hành quân vào tiếp quản Thủ đô. Đúng 08 giờ sáng, cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa (nay là Cung Thể thao Hà Nội, phố Quần Ngựa). Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, mang trên ngực huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”, trở về với thành phố quê hương - nơi sinh ra Trung đoàn. Đoàn đi qua Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang,… đến 09 giờ 45 phút tiến vào Cửa Đông. Khoảng 08 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam thuộc hai trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam Học xá (nay thuộc Trường Đại học bách khoa) đi qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh Hồ Gươm rồi vòng lại vào đóng ở khu vực Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân y 108) và khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa hữu nghị). Riêng Đoàn Chỉ huy tiếp quản, gồm: cơ giới, pháo binh do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, lúc 09 giờ 30 phút từ sân bay Bạch Mai đến Ngã Tư Vọng sang Ngã tư Trung Hiền rồi theo đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài, Đồng Xuân, vào Cửa Bắc. Vào lúc 15 giờ, còi Nhà hát Lớn thành phố nổi một hồi dài, mấy chục vạn nhân dân Hà Nội và các đơn vị quân đội trang nghiêm dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Sau Lễ chào cờ, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.

Trên chặng đường hành quân lịch sử từ ngày Toàn quốc kháng chiến đến Ngày trở về giải phóng Thủ đô, vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh, quân và dân Hà Nội đã lập nên mốc son chói lọi làm nức lòng quân và dân cả nước, để lại những bài học quý cho những chặng hành quân tiếp theo trên con đường độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”  mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Bài học về xác định rõ vai trò của Thủ đô trong tiến trình kháng chiến chống thực dân Pháp, xâm lược và mối quan hệ giữa Thủ đô với cả nước. Hà Nội là “trái tim” của cả nước, là địa bàn chiến lược quan trọng. Chọn Hà Nội là địa phương mở đầu Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ Hai là một quyết định đúng đắn, sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ. Quán triệt phương châm vừa kháng chiến, vừa kiến quốc của Đảng, trong quá trình kháng chiến, Hà Nội đã phát huy cao độ khả năng và tinh thần tự lực, tự cường, độc lập chiến đấu cao; đồng thời, luôn phối hợp với chiến trường cả nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Hà Nội vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, cùng cả nước vừa chiến đấu, vừa sản xuất, thực hành tiết kiệm, ủng hộ kháng chiến. Hiểu rõ sức mạnh của hậu phương luôn luôn chuyển hóa trong quá trình chiến tranh, với nhiệt tình cách mạng cao, nhân dân Hà Nội đã biết khai thác cơ sở vật chất hiện có để làm ra nhiều sản phẩm phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Bài học về chuẩn bị tốt mọi mặt khi thời cơ đến, thực hành tiếp quản thắng lợi, hoàn thành sự nghiệp giải phóng Thủ đô. Không phải đánh vào Hà Nội mà vẫn giải phóng Thủ đô một cách nguyên vẹn, đó là kết quả của sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Hồ Chủ tịch, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Việc tiếp quản Thủ đô, giải phóng hoàn toàn Hà Nội có một ý nghĩa hết sức trọng đại đối với sự nghiệp kháng chiến của nhân dân cả nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, Thành ủy Hà Nội đã chuẩn bị kế hoạch tiếp quản Thành phố hết sức tỷ mỷ và chu đáo. Ngày 17-9-1954, theo quyết định của Chính phủ, Ủy ban Quân chính Hà Nội được thành lập, bộ máy tiếp quản được tổ chức. Trung ương ban hành và phổ biến cho cán bộ tiếp quản các chỉ thị: “Bảo vệ thành phố mới được giải phóng” cùng “08 chính sách đối với thành phố mới được giải phóng” và “10 điều kỷ luật của bộ đội, nhân viên công tác khi vào thành phố mới được giải phóng”. Ủy ban Quân chính đã chuẩn bị một lực lượng quân - dân - chính đủ mạnh để phòng và khắc phục mọi hậu quả âm mưu phá hoại của địch gây ra. Để khắc phục những khó khăn, nhất là về đời sống vật chất của nhân dân trong những ngày mới giải phóng, Ủy ban Quân chính thống nhất ban hành chủ trương: ngoài nhiệm vụ chính là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thành phố, lực lượng vũ trang nhân dân Thủ đô cần tích cực tham gia mọi hoạt động giúp đỡ nhân dân dân, nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống, góp phần khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tăng cường mối đoàn kết quân dân - cá nước.

Kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô, quân và dân Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền Thành phố tiếp tục kế thừa và phát huy những kinh nghiệm quý có được trên những chặng đường đã qua, quyết tâm xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước - Thành phố vì hòa bình.

"ST"
_________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 647.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét