Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiến hành các bước chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII. Lợi dụng thời điểm diễn ra sự kiện quan trọng này, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, chống phá dưới nhiều hình thức, như “gửi thư”, “trao đổi”, “góp ý cho Đại hội XII”…
Họ cho rằng, Đại hội XIII là thời cơ để đổi
mới chính trị theo hình thức đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xây dựng nhà
nước dựa trên nền tảng “xã hội dân sự”. Thực chất, ẩn khuất đằng sau những góp
ý này là ý đồ xóa bỏ, lật đổ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt
Nam.
Hình thức “gửi thư”, “trao đổi”, “góp ý cho
Đại hội XII” như trên đã trở thành hoạt động mang tính “truyền thống” mỗi kỳ
Đại hội Đảng. Nếu thiếu nhận thức chính trị, chỉ nhìn qua những bản góp ý, trao
đổi được chuẩn bị khá dày dặn này (có bản dài đến 50 trang) sẽ khiến nhầm lẫn
“sự góp ý tâm huyết”. Song kỳ thực, vấn đề đã trở nên cũ rích từ nhiều kỳ đại
hội trước được diễn đạt lại với giọng điệu mới tinh vi, được che đậy bởi nghệ
thuật sử dụng ngôn từ trau chuốt mà “hoa ngôn xảo ngữ”.
Họ trình bày nhiều vấn đề, nhất là những vụ
việc gây rối mang màu sắc chính trị nơi này, nơi khác, một số người mệnh danh
là “dân chủ” được thể bới lại và tung hô lên “vấn đề đa đảng” hòng đánh lừa
hoặc lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin theo ý đồ chính trị của họ.
Điển hình trên các trang mạng, blog hải ngoại,
mạng xã hội đăng tải bản “Góp ý cho Đại hội XIII”, tác giả sau trình bày những
nội dung như “Đánh giá về tình hình mới”, quy kết Đảng “giác ngộ yếu kém yếu tố
dân tộc, dân chủ đã tạo ra nỗi đau về hòa hợp dân tộc”, dẫn đến “Sự thất bại
nghiêm trọng 43 năm xây dựng CNXH của Đảng Cộng sản Việt Nam trong phát huy sức
mạnh quốc gia”… đã giả bộ “khẩn thiết kiến nghị” rằng: Chừng nào ở Việt Nam chỉ
có độc tài, độc nhất một đảng lãnh đạo thì chừng đó không thể nói tới một nền
dân chủ chân chính được; ở Việt Nam muốn phát triển, muốn có dân chủ thực sự
thì phải hội nhập vào xu thế đa đảng, “xã hội dân sự” như nước ngoài.
Nhiều phần tử cơ hội chính trị “theo đóm ăn
tàn”, “tát nước theo mưa” bôi nhọ Đảng, phủ nhận vị trí, vai trò cầm quyền qua
cái gọi là “góp ý”, “trao đổi”. Hay trong “Trao đổi về Đại hội 13, Đảng Cộng
sản Việt Nam”, có vị giáo sư già phản Đảng xuyên tạc “Chủ nghĩa Mác - Lênin như
một cái mành che mắt, vì sự kiên trì Mác - Lênin như một cái chụp lên đầu,
trong chế độ độc đảng toàn trị Việt Nam thì làm gì có dân chủ, do đó không cần
đảng lãnh đạo”...
Các luận điệu dưới mác góp ý trên, kỳ thực là
mưu toan xóa bỏ vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy
định trong Điều 4 – Hiến pháp 2013.
Vấn đề đảng chính trị và dân chủ được tiếp cận
nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau. Với nghĩa chung nhất, phổ biến, dân chủ
là quyền lực thuộc về nhân dân. Còn đảng là tổ chức chính trị mang bản chất
giai cấp, là sự liên kết tự nguyện những người cùng chí hướng và cùng quyền
lợi.
Nói cho cùng, bản chất của đảng chính trị
chính là bản chất giai cấp. Trong xã hội có giai cấp, thậm chí nhiều giai cấp,
sự xuất hiện của một đảng hay nhiều đảng chính trị cũng là lẽ bình thường. Dù
dưới màu sắc chính trị hay xã hội, dân tộc hoặc tôn giáo, tên gọi có khác nhau,
nhưng đảng thực chất là đảng chính trị, đảng nào cũng đều hướng tới việc cầm
quyền, trong việc giành, giữ, thực thi quyền lực nhà nước.
Tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể, tương
quan lực lượng giữa các giai cấp, các bộ phận trong một giai cấp, mỗi nước có
thể có một đảng hoặc nhiều đảng. Trong thực tiễn, có thể là một đảng lãnh đạo,
hoặc nhiều đảng tranh giành quyền lãnh đạo xã hội theo chế độ nghị trường.
Không có một đảng lãnh đạo hoặc không lập được liên minh lãnh đạo giữa các đảng
thì tất yếu đất nước sẽ rơi vào tình trạng vô chính phủ và hỗn
loạn.
Dân chủ, dưới sự lãnh đạo của đảng chính trị
là dành cho số đông hoặc dành cho thiểu số. Lịch sử các hình thái dân chủ không
nằm ngoài điều đó. Dưới chủ nghĩa tư bản, dân chủ nằm trong tay giai cấp tư
sản, được tổ chức thành nhà nước tư sản và nhà nước đó bảo đảm quyền dân chủ
cho một số ít người là giai cấp tư sản nhằm chống lại đông đảo những người lao
động. Ở đó, dân chủ chân chính là thứ bị giai cấp tư sản lợi dụng, bị biến
thành thứ dân chủ nửa vời, không triệt để ở mọi cấp độ và tính chất, chỉ trong
tay bộ phận thiểu số là giai cấp tư sản chứ không phải quảng đại quần chúng
nhân dân lao động.
Họ nói, dân chủ là phải đa đảng. Nhưng thực tế
lại không như vậy. Chẳng hạn, ở một số nước tư bản như Hoa Kỳ - được mệnh danh
là “thiên đường tự do”, trong suốt hàng trăm năm qua kể từ khi ra đời, trong
bối cảnh nhiều đảng, nhưng thực chất chỉ có hai đảng lớn nhất của giai cấp tư
sản thay nhau cầm quyền. Tuy là hai đảng nhưng khó ai có thể tìm thấy sự khác
nhau về bản chất, về lập trường giai cấp và hệ tư tưởng giữa hai đảng đó, và
nếu có khác nhau thì chỉ ở tên gọi và một số chính sách nhất định mà thôi.
Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản với lịch sử hơn 100
năm, người đại diện và đấu tranh không mệt mỏi vì quyền lợi của hàng triệu công
nhân và những lý tưởng cao đẹp, có thời kỳ bị loại ra ngoài vòng pháp luật, các
đảng viên của đảng luôn bị đe dọa, bị khủng bố; luật pháp “khoanh tròn” hoạt động
của Đảng Cộng sản trong không gian chính trị nhỏ bé và ngột ngạt nên chẳng có
cơ may phát triển, còn nói gì đến cái gọi là dân chủ trong việc đấu tranh giành
vị trí cầm quyền?
Trong XHCN, dân chủ là quyền làm chủ đất nước,
xã hội và làm chủ bản thân mình một cách toàn vẹn. Nhà nước thuộc về nhân dân,
do nhân dân bầu ra một cách dân chủ, công khai và vì lợi ích của nhân dân.
Quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân lao động và được quyết định bởi chính
nhân dân. Nói cách khác, Nhà nước pháp quyền XHCN là công cụ trong tay nhân
dân, để nhân dân thực hiện quyền làm chủ một cách toàn diện và tự do, nhằm bảo
vệ quyền làm chủ của chính mình và độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn
lãnh thổ của Tổ quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền của dân tộc khác.
Bên cạnh đó thể chế chính trị, Nhà nước pháp
quyền đó cũng chống lại tất cả những gì xâm phạm tới và làm tổn hại tới quyền
dân chủ của nhân dân lao động. Do đó, dân chủ XHCN vừa là mục tiêu cao cả, vừa
là động lực căn bản và mạnh mẽ của sự phát triển xã hội và tiến bộ toàn diện
không ngừng của nhân dân, đất nước với phẩm giá con người được thừa nhận một
cách đầy đủ, tôn trọng và bảo vệ.
Lấy hiện trạng ngày nay xã hội còn những tồn
tại, những hạn chế, nhiều vấn đề mất dân chủ, điển hình là những vụ án mà cá
nhân lãnh đạo vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ để quy đó là
lỗi cơ chế, là lỗi hệ thống? Đó là sự quy kết hoàn toàn sai lệch. Không có bất
cứ xã hội nào tránh được những hạn chế khi thực hiện. Với Việt Nam, việc cải
tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới XHCN tất còn nhiều tồn tại chưa dễ gì gỡ bỏ,
và việc xảy ra những vấn đề mất dân chủ là biểu hiện của tồn tại xã hội mà
chúng ta đang đấu tranh, ngăn ngừa, đó không phải là bản chất của xã hội XHCN.
Như vậy, có thể thấy bằng giọng điệu tinh vi
để vu khống chế độ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo sẽ không có dân chủ, họ
cổ súy tư tưởng bài xích Đảng, từ đó thúc đẩy đa nguyên chính trị, đa đảng đối
lập, đòi thực hiện nhà nước “tam quyền phân lập”. Phương thức, thủ đoạn rất
nguy hiểm mà phần tử cơ hội chính trị, phản động sử dụng trong các “kiến nghị”,
“góp ý”, “trao đổi” là đề và gửi đến cơ quan cao nhất của Đảng, đến lãnh đạo
Đảng, Nhà nước, sau đó phát tán trên các trang mạng hải ngoại, blog phản động,
mạng xã hội. Người đọc cần phải tỉnh táo nhận diện, tránh bị cuốn vào trận địa
xảo trá của họ, dẫn tới tư tưởng hoài nghi, hoang mang, dao động, suy giảm niềm
tin với Đảng.
TS
Lê Thế Cương (Học viện Chính trị CAND)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét