Ngày
12/7/2016, Tòa trọng tài quốc tế thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật
biển (UNCLOS) đã ra phán quyết cho vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Tòa kết luận rằng các
quyền và nghĩa vụ của các thành viên UNCLOS (trong vụ này là Philippines và
Trung Quốc) đều được điều chỉnh bằng Công ước và vì vậy mọi yêu sách biển không
phù hợp với Công ước đều bị bác bỏ, trong đó yêu sách biển của Trung Quốc dựa
trên đường 9 đoạn hoàn toàn bị bác bỏ.
Sau phán quyết trên, Trung Quốc đã thực hiện chính sách 3 không
(không chấp nhận thẩm quyền của Tòa, không công nhận phán quyết và không thi
hành phán quyết), áp dụng mọi biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng của phán quyết:
Từ đe dọa, vận động các nước không ra tuyên bố ủng hộ tới mở cuộc chiến pháp lý
bác bỏ các luận điểm của phán quyết qua các tuyên bố ngoại giao và nghiên cứu
hơn 500 trang của Hội luật quốc tế Trung Quốc. Quan chức ngoại giao Trung
Quốc còn gọi phán quyết là tờ giấy - “just a piece of paper” được vứt
vào thùng rác của lịch sử. Đồng thời, Bắc Kinh sử dụng chiến lược cây gậy và củ
cà rốt trong quan hệ với các nước trong khu vực, song song thực hiện sáng kiến
Một vành đai Một con đường và các công cụ kinh tế là các hành động đe nẹt, cưỡng
chế.
Từ thời điểm phán quyết có hiệu lực đến nay, Trung Quốc đã có nhiều
hoạt động ngang ngược, gây bất ổn tình hình trên khu vực Biển Đông. Điển hình
là vụ ngăn cản hoạt động dầu khí của Việt Nam tại lô 136/03 khu vực Tư Chính tháng 7/2017 và vụ bao vây cắt đường tiếp tế cho
quân đồn trú trên đảo Thị Tứ đang do Philippines kiểm soát tháng 8/2017. Trung
Quốc vẫn tiếp tục tăng cường các hoạt động trên đảo nhân tạo xây dựng trái
phép, tiếp tục áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá, và các hoạt động khác nhằm đơn
phương thay đổi hiện trạng của Biển Đông. Năm 2019, tàu Trung Quốc bỏ mặc
22 ngư dân Philippines bị đâm chìm trên biển, tàu Hải dương địa chất 8 xâm nhập
vào lô 06.01 gây áp lực với Việt Nam. Năm 2020, Trung Quốc còn sử dụng thường
xuyên sức mạnh áp chế, với tần suất cao hơn và phạm vi bao trùm toàn bộ các
vùng biển trong phạm vi đường 9 đoạn. Tàu cá Việt Nam bị đâm chìm, tàu
Philippines bị tàu Trung Quốc khóa mục tiêu, Indonesia phát hiện tàu Trung Quốc
quanh biển Natura, West Capella bị quấy nhiễu trong vùng thềm lục địa Malaysia.
Một số tập đoàn nước ngoài ngừng hợp đồng thăm dò, thẩm lượng dầu khí do
có bóng dáng của sự đe nẹt từ Trung Quốc. Cao điểm là việc Trung Quốc
ngang ngược tuyên bố thiết lập 2 quận hành chính Nam Sa và Tây Sa trong tháng
4/2020. Đó là chưa kể hoạt động đặt tên các thực thể chìm trên thềm lục địa Việt
Nam, lập các trạm nghiên cứu khoa học trên các đảo nhân tạo, đưa chiến đấu cơ
ra Trường Sa, Hoàng Sa,
tăng tập trận tại Biển Đông, duy trì cấm đánh bắt cá và tuyên bố cấm các hoạt động
đáy biển theo chiến dịch Biển Xanh (Blue Sea Code) khởi động tháng
4/2020.
Phản ứng của Trung Quốc có thể nói là rất “cùn” khi bất chấp luật
pháp quốc tế. Mặc dù vậy, các phán quyết của Tòa án và trọng tài quốc tế đã có
tác động rất lớn đến nhận thức và hành xử của các nước có quyền lợi trực tiếp
liên quan đến Biển Đông, làm sáng tỏ những câu hỏi đặc thù và vì vậy có một sức
thuyết phục pháp lý đáng kể. Phán quyết là chất xúc tác cho Malaysia đệ trình
thềm lục địa mở rộng về phía Bắc tháng 12/2019 khi các thực thể ở Trường Sa được
cho là không có thềm lục địa riêng để chồng lấn lên thềm lục địa mở rộng này.
Hành động của Malaysia là dịp để các nước làm sáng tỏ lập trường của mình về Biển
Đông sau phán quyết. Công hàm Philippines gửi Trung Quốc ngày 6/3/2020 lần
đầu tiên khẳng định các kết luận của phán quyết tại diễn đàn Liên hợp quốc. Công
hàm ngày 30/3/2020 của Việt Nam khẳng định UNCLOS là cơ sở pháp lý duy nhất,
quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt
Nam và Trung Quốc. Indonesia, gửi 2 công hàm ngày 26/5/2020 và
12/6/2020, ủng hộ phán quyết trọng tài Biển Đông năm 2016 rằng không
một thực thể biển nào trong quần đảo Trường Sa được có vùng đặc quyền kinh tế
và thềm lục địa và bản đồ đường 9 đoạn rõ ràng thiếu cơ sở luật quốc
tế, hoàn toàn ngược lại với Công ước Luật biển 1982. Mỹ cũng tham gia vào
cuộc chiến này với công thư ngày 1/6/2020 và tuyên bố của Ngoại trưởng Mike
Pompeo ngày 14/7/2020 về chính sách của Mỹ ở Biển Đông với lập trường nhất
quán, trung lập trong vấn đề chủ quyền nhưng lên án mọi yêu sách biển phi pháp,
không phù hợp với luật biển quốc tế. Tiếp theo là một loạt sự ủng hộ từ
các nước khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, EU... đều đòi hỏi thực thi phán
quyết để bảo đảm quyền tự do biển cả. Hội nghị cấp cao ASEAN36 ngày 26/6/2020
khẳng định UNCLOS là cơ sở để xác định các danh nghĩa biển, quyền chủ quyền,
quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp trên các vùng biển và UNCLOS xác định
khung pháp lý cho việc tiến hành tất cả các hoạt động đại dương và biển.
Những gì thực tế lịch sử 4 năm qua sau phán quyết Biển Đông cho thấy
sự ủng hộ ngày càng nhiều của cộng đồng quốc tế theo đúng chuẩn mực luật pháp
quốc tế, Công ước Luật biển 1982, và có thể thấy rõ, Trung Quốc đang rất đơn độc
với lập luận quyền lịch sử và đòi hỏi các thực thể đi ngược lại các quy định của
luật quốc tế, bao gồm UNCLOS.
Không chỉ chính phủ mà người dân trên khắp thế giới, nhất là người
dân Trung Quốc cần được biết đến phán quyết, đến các kết luận “không thể
đàm phán” của phán quyết. Mọi mưu toan đặt luật lệ riêng đứng trên các quy định
của UNCLOS đều không thể chống lại bánh xe của lịch sử.
(Nguồn tham khảo: Tổng hợp từ các bài viết của Đại sứ Nguyễn Hồng Thao Phó Chủ tịch thứ 2 Ủy ban luật pháp quốc tế Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2017-2021 đăng trên báo điện tử https://vietnamnet.vn).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét