Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

MÙA MƯA BÃO – MÙA NHỮNG CƠN ĐAU

Mùa mưa bão lại tràn về, những cơn mưa như trút nước cứ xối xả suốt ngày đêm. Và ở đâu đó trên mảnh đất nhỏ bé của đất nước mình đang oằn mình lên chống chọi với những cơn mưa ấy. Những cơn mưa ấy có thể sẽ lại làm nên một đợt lũ lớn để lại nhiều đau thương mất mát cho đồng bào miền Trung hay bất kỳ đâu trên trái đất.

Tháng 9-2009, cả Quảng Trị bị nhấn chìm trong biển nước. Hồi đó mưa to, lại thuộc vùng đất trũng nên nước dâng cao rất nhanh. Theo thông báo, sông Thạch Hãn có thời điểm nước dâng lên tận 9, 10m. Chưa nói đến tài sản, tính mạng của hàng nghìn người dân đang bị đe dọa. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy quân sự thị xã Quảng Trị đã huy động các phương tiện và lực lượng cán bộ lên đường ứng cứu nhân dân, quyết tâm hạn chế mọi tổn thất về tính mạng và tài sản của bà con. Trung tá Lê Văn Phượng – Trợ lý chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự thị xã Quảng Trị được phân về ứng cứu nhân dân thuộc thường 2, thị xã Quảng Trị cùng với hai đồng đội nữa. Vật lộn suốt cả đêm 29/9 đội của anh Phượng đã ứng cứu kịp thời cho 7 người dân ở xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).

Liệt sĩ Lê Văn Phượng

Trở về đơn vị khi đã hơn 7h sáng, anh cùng đồng đội đang ăn giở miếng lương khô lót dạ thì nghe còi báo động. Dù được ưu tiên nghỉ vì đã trực và làm việc suốt đêm nhưng anh vẫn xung phong lên đường ứng cứu nhân dân. Anh nhận nhiệm vụ trực và ứng cứu người nhân ở khu phố 1, 2, 3 và xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị). Thế nhưng, khi ca nô của anh và đồng đội vừa đến vùng nước chảy xiết ở chân cầu Thạch Hãn thì ca nô bị nước đẩy mắc vào chân cầu. Ngay lúc đó, anh Phượng và đồng đội đã nhảy xuống, tìm mọi cách buộc chặt dây nhằm giữ cho chiếc ca nô không bị lật.  Tuy nhiên, khi ca nô vừa ổn định được một lúc, các chiến sĩ cũng vừa bám được thành cầu thì sóng lớn kéo đến, ca nô có khả năng bị cuốn đi. Anh Phượng động viên các đồng đội, nhất quyết giữ ca nô cho đến phút chót. Anh còn nhảy xuống dòng nước, cố gắng giữ và đẩy chiếc ca nô đến nơi an toàn. Thế nhưng, dòng nước càng ngày càng chảy mạnh làm lật úp chiếc thuyền và cuốn trôi anh Phượng. Mọi người nhanh chóng huy động người tìm anh trong dòng nước lũ. Khi vớt được anh lên, trong túi áo anh vẫn còn một miếng lương khô ăn giở vào buổi sáng hôm ấy. Cả đơn vị nghẹn đắng.

Anh đi, bỏ lại mẹ già, vợ và 3 đứa con còn nhỏ dại. Một mình chị Hương – vợ anh cố  gượng dậy chèo chống căn nhà xập xệ và nuôi con ăn học. Những ngày đó, quê anh – vùng đất Thanh Chương cũng đang mùa mưa lũ, anh hẹn ngày về để cùng vợ con chạy lũ… vậy mà cuối cùng, anh đã mãi mãi không về nữa. Những năm sau đó, khi nhắc lại tên anh, khi đến nhà thăm chị Hương cùng các cháu, vô tình nhìn lại chiếc tủ đựng quân trang của anh, tim của chúng tôi vẫn còn nhói lên.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2017, toàn dân lại nhận tin 2 cán bộ ở Đồn biên phòng Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa bị lũ cuốn trôi khi đang trên đường đến hỗ trợ nhân dân phòng chống lũ lụt. Ngay khi nhận tin, hàng trăm cán bộ, nhân dân được huy động để tìm kiếm hai đồng chí.

Đó là ngày 10/10/2017, trên địa bàn xã Yên Khương, Lang Chánh, Thanh Hóa xảy ra mưa to, gió lớn. Nước lũ đang càng ngày càng lên cao, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân trên địa bàn xã. Đại úy Nguyễn Thành Chủng – Đội trưởng tổng hợp Đồn biên phòng Yên Khương cùng với Thượng tá Cao Đăng Cường – Chính trị viên Đồn Biên phòng Yên Khương trực tiếp điều khiển xe ô tô xuống vùng cơ sở kiểm tra, chỉ đạo bộ đội biên phòng trên địa bàn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân ứng phó với mưa lũ. Khi đã xong nhiệm vụ, hai đồng chí lái xe từ chốt biên phòng Bản Mè, xã yên Khương trở về Đồn Biên phòng Yên Khương. Tuy nhiên, đến đoạn đường tràn bản Bôn, chiếc xe chở 2 đồng chí bất ngờ bị nước lũ cuốn trôi. Ngay sau khi nhận được thông tin, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã nhanh chóng huy động mọi lực lượng để tiến hành việc tìm kiếm Thượng tá Cao Đăng Cường và Đại úy Nguyễn Thành Chủng.

Lễ Truy điệu 2 đồng chí

Sau một thời gian dài nỗ lực tìm kiếm trên phạm vi rộng nhưng các lực lượng chức năng mới chỉ tìm thấy thi thể của Thượng tá Cao Đăng Cường, còn Đại úy Nguyễn Thành Chủng vẫn chưa tìm thấy. Thời gian gần đây, một người dân đi làm trên địa bàn suối Bôn phát hiện những dấu tích của chiếc ô tô chở hai cán bộ Đồn Biên phòng Yên Khương bị mất tích năm đó. Nhận được thông tin, lực lượng chức năng đã dùng máy xúc lớn đưa chiếc ô tô ra khỏi vị trí bị vùi lấp với hi vọng có thể tìm thấy Đại úy Nguyễn Thành Chủng. Tuy nhiên, sau khi đã đưa chiếc ô tô ra khỏi vị trí bị vùi lấp, các lực lượng chức năng cũng mới chỉ tìm được một mảnh áo quân phục.

Ngoài các đồng chí ấy ra, còn rất rất nhiều đồng đội nữa đã hi sinh trên đường làm nhiệm vụ hỗ trợ và ứng cứu nhân dân trong việc khắc phục thiên tai, bão lũ. Đó là tình yêu, cũng là nỗi đau không chỉ của người thân họ mà còn là nỗi đau chung của đồng đội, của nhân dân cả nước. Những mất mát đau thương này là rất lớn nhưng cũng là rất nhỏ so với những mất mát do động đất sóng thần và cũng chỉ khi đứng trước những thảm họa của thiên tai gây ra, đứng trước những mất mát, chúng ta mới thực sự ý thức một cách sâu sắc những vấn đề về môi trường. Mẹ thiên nhiên đã vì cuộc sống của chúng ta mà cống hiến rất nhiều. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là chúng ta đã hiểu, đã biết cách trân trọng và nâng niu sự hi sinh lớn lao đó. Chúng ta đang ngày ngày khai thác, ngày ngày bòn rút cạn kiệt nguồn tài nguyên của thiên nhiên. Chúng ta mới chỉ có lấy đi mà bù đắp và tôn tạo thì hạn chế. Do vậy, những hệ quả khủng khiếp như bây giờ: lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất, động đất, sóng thần… chính là lời nhắc nhở, lời cảnh báo, sự răn đe khiêm khắc của mẹ thiên nhiên đối với con người. Vì vậy, hãy tỉnh ngộ, hãy ý thức thật sâu về vấn đề này. Hãy hành động vì chính cuộc sống của chúng ta. Người nhỏ làm việc nhỏ, cá nhân làm việc cá nhân, tập thể làm nhiệm vụ của tập thể. Hãy chung tay, cùng nhau bảo vệ môi trường, tân tạo lại trái đất, tân tạo lại thế giới xanh của chúng ta và tạo nên màu xanh của sự sống, màu xanh của hi vọng. Hãy hạn chế sử dụng bao bì, túi ni lông; không xả rác bừa bãi vào môi trường, ao hồ, cống rãnh; không khai thác một cách tàn bạo tài nguyên thiên nhiên ...; lên án mạnh mẽ, xử lý nghiêm khắc các nhà máy xả rác không qua xử lí…. Đồng thời, tích cực trồng và chăm sóc cây xanh, bảo vệ rừng, củng cố lại đê điều, đường sá … để hạn chế tối đa những rủi ro do thiên tai gây nên. Nếu không làm được những việc này đến một lúc nào đấy quả đất của chúng ta bị “rỗng ruột” thì hậu quả sẽ là VÔ CÙNG thảm khốc.

Nguyễn Quang Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét