Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

SỰ TỈNH TÁO LÀ VÔ CÙNG CẦN THIẾT!

 Chiều 14/9/2020, tuyên án các bị cáo vụ Đồng Tâm, Hội đồng xét xử đưa ra nhận định, đây là vụ án hình sự nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Vụ xét xử sự việc này đang bị một số thế lực phản động gây nhiễu loạn thông tin trên mạng internet, chúng lồng vào đó rất nhiều thông tin thất thiệt, giả mạo nhằm gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội, mà đích của chúng là: chỉ trích, miệt thị chính quyền, đả phá chế độ.

Để nhìn nhận rõ bản chất, để hiểu đúng và hành động đúng vụ việc tại Đồng Tâm, Hà Nội thì lúc này đây, sự tỉnh táo là vô cùng cần thiết. Nếu chúng ta để mình rơi tự do trong mớ thông tin rối ren đó, rất có thể tự mình đánh gục chính mình, hoang mang không phân định phải trái rồi trở thành con rối để kẻ xấu tiêu khiển, lợi dụng mà không hay biết.  

Chúng ta cần xác định rõ ràng các vấn đề sau:

Thứ nhất, bản chất vấn đề đất đai ở Đồng Tâm: Trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều bài viết quy chụp “chính quyền cướp đất của dân”, cho rằng người dân bị lấy đất canh tác vô cớ, kiện cáo không được giải quyết, từ đó họ bị… đẩy đến đường cùng! Đây là kiểu thông tin đánh lận bản chất, sai lệch hoàn toàn. Ở mọi quốc gia, đất đai dành cho lợi ích quốc gia, cho quốc phòng, an ninh là ưu tiên số một. Mọi dự án đất đai đều phải đặt lợi ích này lên trên và người dân, các tổ chức có nghĩa vụ phải chấp hành khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Thanh tra Chính phủ khẳng định, theo quy định của pháp luật về đất đai, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP. Hà Nội giao cho các đơn vị quân đội quản lý, sử dụng vào mục đích quốc phòng. 

Các hồ sơ, giấy tờ hiện có chứng minh rõ hiện trạng đất quốc phòng, không có sự mập mờ, khuất tất nào. Hiện trạng đất sân bay Miếu Môn không có thay đổi, không chuyển dịch mốc giới theo đo đạc của cơ quan chuyên môn, không có việc tăng hay giảm diện tích đất sân bay Miếu Môn và xã Đồng Tâm.

Thứ hai, việc giải quyết khiếu kiện của người dân và những tồn tại đặt ra. Nhiều thông tin nói rằng, chính quyền đã không chọn giải pháp đối thoại, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của dân mà lại “đối đầu”, từ đó chỉ trích cách hành xử của chính quyền, của công an. Đây là kiểu suy diễn, bỏ qua thực tế. Chúng ta thấy rằng, vụ việc tại Đồng Tâm, đơn từ khiếu kiện cũng như các bức xúc đã diễn ra nhiều năm nay. Chính quyền từ huyện, thành phố đến Trung ương đã vào cuộc giải quyết, trong đó có rất nhiều cuộc thanh tra của Hà Nội, rồi Thanh tra Chính phủ.

 Sau việc người dân Đồng Tâm bắt, giam giữ trái phép cán bộ và Công an vào năm 2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội trực tiếp xuống đối thoại và cho thanh tra toàn diện. Khi người dân không đồng ý với kết luận thanh tra của Hà Nội thì Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc, làm rõ tất cả các vấn đề có liên quan. Thanh tra Chính phủ kết luận, theo quy định của pháp luật về đất đai, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP. Hà Nội giao cho các đơn vị quân đội quản lý, sử dụng vào mục đích quốc phòng.

Tháng 8 và tháng 11-2019, Thanh tra Chính phủ và thành phố Hà Nội lần lượt có các cuộc họp để thông tin, đối thoại với nhiều người dân xã Đồng Tâm và các xã tiếp giáp với sân bay Miếu Môn. Cùng với đó, nhiều ban ngành Trung ương và Hà Nội cũng vào cuộc, đối thoại, giải thích và các biện pháp ổn định địa bàn. Như vậy, không thể nói chính quyền “phớt lờ đối thoại” hay không giải quyết khiếu kiện của người dân.  

 Đối với việc giải phóng mặt bằng một số hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng, Thanh tra TP Hà Nội đã kết luận những sai phạm trong việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 14 hộ dân. Đồng thời, những cán bộ để xảy ra sai phạm cũng đã bị xử lý. Cụ thể, Bí thư xã Đồng Tâm bị khai trừ Đảng, 3 lãnh đạo khác bị cảnh cáo và một bị khiển trách. Điều đó cho thấy, không có việc bao che cho cán bộ sai phạm như một số thông tin. Việc đưa ra những câu từ như “cướp đất của dân”, “chèn ép”… là luận điệu mang tính xảo trá, kích động.  

Thứ ba, cần phân biệt rõ ranh giới giữa kiến nghị của người dân với hành vi lợi dụng, cố tình phạm tội.

 Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm, chỉ vì động cơ vụ lợi thấp hèn, kiếm những đồng tiền nhơ bẩn mà chà đạp lên pháp lý, đạo lý, biến mình thành con rối trong tay kẻ địch để phản dân, hại nước. Do đó, chúng ta không thể gọi từ nhân dân Đồng Tâm nói chung mà phải tách biệt nhân dân với những kẻ phạm tội, gây tội ác. Mượn cớ đòi đất để gây sức ép với chính quyền, rồi thực hiện các hành vi phạm tội, đặc biệt là gây trọng tội giết người là hành vi đặc biệt nguy hiểm. Không thể bao biện, không thể ngụy trang dưới hình thức đòi đất, khiếu kiện để gây tội ác như vậy. Nhẫn tâm ra tay với cán bộ, với công an, cái đó phải thấy rõ để lên án và nghiêm trị trước luật pháp.

Thứ tư, về việc trấn áp của lực lượng Công an. Chúng ta thấy rằng, trong các biện pháp Công an thì trấn áp là biện pháp cuối cùng, khi không còn biện pháp nào khác. Mấy năm nay, các cơ quan chức năng đã tìm mọi cách để giải quyết, để đối thoại nhưng những đối tượng chống đối bất chấp, bỏ ngoài tai, cố tình phá hoại. Kỷ cương luật pháp phải được giữ nghiêm, không thể vì những đòi hỏi vô lý mà tạo ra những việc làm như “rào làng”, bắt giữ cán bộ, tra tấn...

Việc cơ quan Công an áp dụng biện pháp khống chế, bắt giữ các đối tượng phạm tội là biện pháp tuân theo tố tụng hình sự nhằm điều tra, làm rõ vụ án, xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật. Do đó, không thể nói “công an đàn áp dân” mà phải thấy rõ yêu cầu tấn công, trấn áp tội phạm, không thể đánh lận khái niệm dân nói chung với những kẻ phạm tội, gây trọng tội; không thể để các đối tượng nhởn nhơ, chống phá, gây tội ác mà không áp dụng biện pháp mạnh theo luật định.  

Thứ năm, tình cảm tiếc thương, chia sẻ trước những tổn thất về con người  khi 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát đã hy sinh. Những cán bộ, chiến sĩ công an thực thi công vụ, trấn áp tội phạm, đối mặt hiểm nguy nhưng họ đã không nề hà, không quản ngại hy sinh, dấn thân thực thi nhiệm vụ để bảo vệ trị an, bảo vệ luật pháp. Chúng ta thấy rõ tính chất hung hãn, mất nhân tính, giết hại cán bộ của những đối tượng chống đối, các đối tượng phải trả giá cho hành vi tội ác của mình và dư luận cần nhận diện rõ điều đó để lên án, không thể ngụy biện với bất cứ lý do gì.  

Thứ sáu, cần cách nhìn đúng đắn về sở hữu đất đai. Vụ việc ở Đồng Tâm cũng như các vụ phức tạp về đất đai hiện nay, chúng ta cần cách nhìn toàn diện, tránh bị giật dây, cuốn theo sự suy diễn sai lệch, trái với tính chất sở hữu đất đai. Hiến pháp nước ta quy định, đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước là người đại diện chủ sở hữu đất đai trên toàn lãnh thổ.

 Khi nói về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là đề cập đến một hệ thống quy chế chung trong quan hệ đất đai mà toàn dân là chủ thể, nhưng “toàn dân” không thể đứng ra thực hiện quyền năng cụ thể (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt...) mà nhà nước thực hiện quyền năng này. Những tồn tại, mâu thuẫn, tranh chấp đất đai phần lớn do quá trình quản lý và sử dụng đất đai, đặc biệt do chế độ công hữu hóa đất đai trước đây, từ đất tập thể hợp tác xã đất đai được giao về cho các hộ dân nhiều hơn để sản xuất. Quá trình lịch sử đó để lại những khó khăn trong việc phân bổ lại, tái cơ cấu các chính sách sở hữu và sử dụng đất đai tại Việt Nam. 

Vụ việc ở Đồng Tâm một lần nữa cho thấy ý đồ, hành vi của những con rối dưới tay các thế lực xấu tìm cách lợi dụng kích động người dân gia tăng sức ép, chống đối Nhà nước, tác động vào tâm lý gây bất ổn xã hội. Bởi vậy, sự tỉnh táo nhận diện và hành động đúng trong vấn đề này là hết sức cần thiết. Và một thực tế không thể không thừa nhận rằng, vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm vừa qua đã để lại nhiều bài học, nhất là trong công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng nông thôn và việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, việc giải quyết dứt điểm từ sớm những mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân, không để các đối tượng có điều kiện lợi dụng kích động chống phá.

THẢO LAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét