Trong 24-48 giờ tới, siêu bão Goni mạnh cấp 17 (200-220km/h), giật trên cấp 17 sẽ tiến vào Biển Đông. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13h ngày 31-10, vị trí tâm siêu bão Goni ở cách miền trung Philippines khoảng 360km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/h), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 13h ngày 1-11, vị trí tâm bão ở trên khu vực miền trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/h), giật cấp 17.
Từ 2-11, bão ở ngoài khơi Việt Nam
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông. Đến 13h ngày 2-11, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/h), giật cấp 13.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 13h ngày 3-11, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/h), giật cấp 12.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km.
Tư thế sẵn sàng ứng phó, rà soát các khu dân cư
Để ứng phó với siêu bão Goni có thể đi vào Biển Đông và các tỉnh miền Trung Việt Nam, chiều nay 31-10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn đề nghị các bộ, ngành, các tỉnh tiếp tục thực hiện công điện chỉ đạo của Thủ tướng về việc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng ổn định đời sống người dân, kịp thời triển khai các biện pháp khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn công trình xung yếu.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.
Tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét