Đợt lũ lụt xảy ra ở Miền Trung thời gian qua gợi nên một bức tranh muôn mầu. Bên cạnh cảnh tang thương do thiên tai hoành hành là nhưng hành động Vì dân của các cấp chính quyền, lực lượng vũ trang, và đặc biệt là phong trào thiện nguyện vì miền Trung ruột thịt của đồng bào cả nước.
Có thể nói hoạt động thiện nguyện giúp đỡ đồng bào miền Trung đã và đang diễn ra hết sức phong phú. Khác với mọi năm, năm nay trong các phần quà cứu trợ, người dân cả nước còn chuyển sang chuẩn bị các phần cơm và luộc bánh chưng, bánh tét mang đi cứu trợ. Tính sơ, cả nước chắc phải có vài trăm ngàn chiếc bánh đã được chuyển đến người dân khi họ gặp nạn.
Tuy nhiên, do lo lắng cho đồng bào vùng lũ cần gấp hàng cứu trợ nên đã có hàng ngàn chiếc bánh luộc gấp, chuyển lên xe mang đi ngay khi còn nóng, lại xếp chồng chất trong không gian bịt kín của thùng xe, vận chuyển xa, cùng với thời tiết ẩm và nắng nóng đã làm bánh bị thiu chua, mốc meo khi còn chưa đến tay người nhận. Nguyên nhân khác, cũng do việc gói bánh gấp gáp nên rất nhiều người dân hô hào xúm lại gói nhưng không mấy người biết việc, vì vậy bánh gói không chặt tay, khi luộc nước vào làm nhão, lại không kịp để nguội, ép khô mà đã vội mang đi nên chóng hỏng.
Bên cạnh đó trong những ngày cứutrợ, một số tài khoản Facebook đã kể về việc mang hàng cứu trợ đến nơi nhưng không thể vào được vùng lũ nơi người dân đang cần cứu đói, vì một số người hét giá thuê thuyền từ 2 triệu đến 5 triệu đồng/lần. Sốt ruột vì lo cho tình trạng của người dân và thực phẩm trên xe, một số đoàn cứu trợ đành phải chấp nhận thuê thuyền với giá "trên trời". Một số người khác bực tức đến nỗi bảo thà ném hết hàng cứu trợ xuống sông chứ không để họ ăn chặn như vậy. Một số khác nữa quay xe tìm những nơi đường sá có thể vào được để tặng hết số hàng trên xe. Cũng có một số người sau khi cả ngày vật vã tìm thuyền thì tình cờ gặp được người dân sở tại giúp đỡ đưa hàng vào cứu trợ. Hoặc các câu lạc bộ xuồng hơi, ca nô từ nhiều nơi đến chủ động cứu trợ.
Việc cùng một lúc có quá nhiều đoàn cứu trợ đổ xô đến vùng lũ lụt mà không liên hệ với chính quyền địa phương đã khiến tình hình địa bàn rối ren. Nhiều đoàn xe cứu trợ xếp hàng dài trên quốc lộ gần như cùng lúc, không có thuyền bè để vào vùng lụt, không có người hướng dẫn, thậm chí không định được địa điểm và danh sách tặng quà. Vì thế nhiều đoàn đậu xe tại chỗ, gặp ai phát nấy. Lại có những đoàn cứu trợ mang theo cơm hộp hay bánh chưng nên phải tranh thủ phát thật nhanh kẻo hư hỏng. Cuối cùng, những gia đình sống ven quốc lộ có khi nhận được hàng chục lượt quà cứu trợ, trong khi những vùng sâu trong vùng lũ có khi cả 5 ngày không nhận được lần nào. Sau một tuần, đến nay các nhóm cứu trợ lương thực và thực phẩm ăn liền đã xảy ra dư thừa, nói đúng hơn là chỗ quá thừa, chỗ vẫn thiếu. Cũng do không liên lạc với chính quyền, hoạt động tự phát nên rủi ro trên đường cũng xảy ra. Có những nhóm đi cứu trợ bị lật thuyền, gặp tai nạn, phải kêu gọi cứu trợ của lực lượng chức năng với bề bộn công việc.
Có những người không tìm được thuyền đưa hàng vào vùng lụt đã trách chính quyền vô trách nhiệm! Điều này thật phi lý bởi anh có liên hệ đâu mà chính quyền "tiếp đón". Hơn nữa, chính quyền và các lực lượng cứu hộ cứu nạn của địa phương có phải ba đầu, sáu tay đâu. Họ phải thực hiện các nhiệm vụ được phân công, cao nhất là bảo vệ tính mạng người dân. Với hàng nghìn nhóm và cá nhân thiện nguyện tự phát thì địa phương cũng không thể đủ lực lượng, phương tiện để đáo ứng yêu cầu. Do vậy, muốn cho hoạt động thiện nguyện đạt hiệu quả cần phải tổ chức chặt chẽ hơn, đặc biệt các nhóm và cá nhân đi làm thiện nguyện phải liên hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại để phối hơp cứu trợ người dân sao cho có hiệu quả.
Trong một diễn biến khác, cuộc tranh cãi quanh chuyện cứu trợ của ca sĩ Thủy Tiên với số tiền kỷ lục hơn 150 tỷ đồng đang diễn ra chủ yếu theo 2 hướng, nên giao cho Mặt trận Tổ quốc hay cứ để ca sĩ Thủy Tiên tự thực hiện. Đa số ủng hộ việc Thủy Tiên tiếp tục tự mình phát hết số tiền đến tận tay người dân. Nhưng ở hướng ngược lại, có những người dự báo Thủy Tiên sẽ trở thành nạn nhân của chính cô, do việc không thể chi minh bạch khoản tiền quá lớn kể trên, và sẽ bị chính những người từng góp tiền lôi ra "phản dame", khiến cô mất hết uy tín. Có những người so sánh với câu chuyện cứu trợ của MC Phan Anh cách đây vài năm, khuyên cô nên lập quỹ theo pháp luật và thuê người kiểm toán. Có người khăng khăng ai cũng có máu tham, cho nên khi nắm trong tay số tiền hơn 6 triệu đô này thì sẽ dễ nổi ham muốn… vân vân và mây mây.
Nói chung, tình hình cãi nhau của người Việt mình vẫn không bao giờ vơi cạn, không cần mục đích, chỉ cần có lý do thì trăm hoa đua nở, phong phú, mãnh liệt, đa dạng, vô cùng sôi nổi. Trong tranh cãi thì chín người mười ý, Mặt trận Tổ quốc không được, một mình cô Thủy Tiên cũng không ổn. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn là người thầy vĩ đại nhất. Và thực tiễn cho thấy mô hình kết hợp chặt chẽ giữa các tổ chức chính thức của Nhà nước và các nhóm, cá nhân tự phát là hợp lý nhất. Bởi mục đích cuối cùng của Nhà nước hay những nhà hảo tâm là giúp đỡ người dân bị thiệt hại sau lũ. Nếu được quản lý chặt chẽ, thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng thì các nguồn tài trợ, ủng hộ, giúp đỡ đó sẽ phát huy tốt nhất nguồn lực xã hội để vực dậy miền Trung./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét