Điều 4, Hiến pháp năm 2013 đã xác định, Đảng Cộng sản Việt Nam “lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”. Thế nhưng, các thế lực thù địch tìm mọi cách ra sức phê phán, bác bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì thế, làm rõ bản chất khoa học, cách mạng để không thể xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề vừa cơ bản lâu dài, vừa cấp thiết hiện nay.
Thực tiễn đã chứng tỏ, bất cứ một đảng chính trị nào cũng phải có hệ tư tưởng dẫn dắt, nếu không đảng đó chỉ là tổ chức ô hợp. Điều này đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”1. Do vậy, từ Đường cách mệnh do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và Luận cương chính trị do Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 thông qua cho đến nay, Đảng ta đều khẳng định chủ nghĩa Mác – Lê-nin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của mình.
Chính vì bản chất khoa học và cách mạng, nên chủ nghĩa Mác – Lê-nin ngay từ khi ra đời cho đến nay luôn bị các thế lực thù địch điên cuồng chống phá. Bất chấp điều đó, những người có lương tri trên thế giới vẫn khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Thật vậy, tuần báo Giải phóng (tiếng nói của hàng vạn chiến sĩ cách mạng các nước Mỹ - Latinh, trụ sở tại Thụy Điển), ngày 07-7-1995 cho rằng, “chủ nghĩa Mác được phân tích một cách khoa học và cơ bản vẫn là lý luận xã hội có hiệu lực trước tình hình thế giới hiện nay” và rằng, “chủ nghĩa xã hội là câu trả lời duy nhất có giá trị để giải quyết những vấn đề của xã hội hiện tại trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản”2. Đại hội Mác quốc tế họp ở Pa-ri (Pháp) từ ngày 27 đến ngày 30-9-1995, nhân kỷ niệm 100 năm chủ nghĩa Mác3, với 500 đại biểu của gần 100 viện nghiên cứu, tạp chí mác-xít và 30 trường đại học từ 22 nước trên thế giới đến dự đã đánh giá: “tư tưởng của Mác vẫn giữ nguyên tầm quan trọng của nó trong thế giới đương đại… gương mặt của Mác vẫn là biểu tượng phủ nhận trật tự đang thống trị”4. Theo thăm dò của tờ Tạp chí Spiegel (Đức), với hơn 50% số người dân Đức cho rằng, “sự phê phán của C. Mác đối với chủ nghĩa tư bản ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị”; hơn 56% cho rằng, “chủ nghĩa xã hội là một tư tưởng hay nhưng thực hành tồi”; giới trẻ còn tỏ sự đồng tình cao hơn nữa với C. Mác. Nhà tỷ phú đầu cơ chứng khoán G. Sô-rốt đã viết: “C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã cho một phân tích rất tốt về hệ thống tư bản từ cách đây 150 năm”. Chính tờ The New Yorker (Mỹ) cho rằng, các nhà kinh tế học hiện đại trong quá trình giải quyết các vấn đề đặt ra, đang “bước theo dấu chân của C. Mác mà họ không biết”. Bởi theo Tạp chí Newsweek (Mỹ), C. Mác “đã mổ xẻ cái hệ thống trục lợi này tốt hơn ai hết... như thể C. Mác đã đội mồ đứng dậy!”.
Thực tế đã chứng minh, chính chủ nghĩa tư bản dù ở phương Đông hay phương Tây cũng đã và đang vận dụng chủ nghĩa Mác – Lê-nin nhằm điều chỉnh, thích nghi để tồn tại, làm cho nó giảm bớt các khuyết tật, khiến cho một số người ngộ nhận rằng, chủ nghĩa tư bản là “hình mẫu” các nước cần “noi theo”. Nhưng không, những gì C. Mác phân tích về chủ nghĩa tư bản vẫn còn nguyên giá trị. Điều đó được chứng tỏ qua kết quả bình chọn nhà tư tưởng thiên niên kỷ thứ hai của Trường Đại học Cambrit (Anh) công bố năm 1999. Theo đó, C. Mác đứng đầu, đứng thứ hai là A. Anhxtanh - các nhà khoa học lớn của nhân loại. Trường Đại học Tổng hợp Yale (một trường đại học danh tiếng của Mỹ), năm 2011 đã lựa chọn xuất bản cuốn sách Tại sao Mác đúng? của Tery Eagleton (giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Lancaste, Vương quốc Anh) đã gây nhiều chú ý của công luận. Tác giả cuốn sách không chấp nhận định kiến cho rằng: “chủ nghĩa Mác đã chết và không cần phải nhắc đến nữa”, nên đã lựa chọn 10 vấn đề phổ biến nhất mà người ta phê phán C. Mác để phân tích, lý giải, đưa ra những minh chứng phản bác. Ngay trong Lời nói đầu cuốn sách, tác giả đã khẳng định: “Chủ nghĩa Mác, từ bao lâu nay vẫn là sự phê phán phong phú nhất về mặt lý luận, không khoan nhượng nhất về mặt chính trị đối với hệ thống tư bản chủ nghĩa…”. Điều đó một lần nữa khẳng định vai trò không thể phủ nhận của C. Mác đối với nhân loại.
Một số người cho rằng, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chứng tỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã lỗi thời, nên Đảng Cộng sản Việt Nam không thể cứ kiên định với lý thuyết lạc hậu (!). Xin nhắc lại kết quả thăm dò của Tạp chí Spiegel (Đức) với hơn 56% số người được hỏi đã cho rằng “chủ nghĩa xã hội là một tư tưởng hay nhưng thực hành tồi”. Như vậy, người ta đã không phủ nhận lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, mà phê phán những người áp dụng lý luận ấy một cách máy móc, giáo điều. Vì thế, dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Mặc dù vậy, nhưng không thể phủ nhận thành tựu của chủ nghĩa cộng sản Xô-viết. A. Dinôviép (người tự nhận không phải môn đệ của chủ nghĩa Mác – Lê-nin) từng chống nhà nước Xô-viết và phải ngồi tù thời còn Liên Xô, sau sống lưu vong ở Mỹ, trước sự sụp đổ của Liên Xô đã cho rằng: “Những thành tựu thời đại chủ nghĩa cộng sản Xô-viết do V.I. Lê-nin mở đầu đã thấm vào máu thịt của loài người… Nhờ có cuộc cách mạng vô sản và tất cả những gì gắn với cuộc cách mạng đó mà nhân loại đã được cứu thoát khỏi sự thụt lùi đáng sợ nhất, thoát khỏi sự suy tàn, thoái hóa”.
Ở nước ta, cho đến nay, chưa có ai đi nhiều, học hỏi, tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa nhân loại như Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Với khả năng thiên bẩm và sự trải nghiệm của bản thân, Người đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”. Vì thế, Hồ Chí Minh không ngừng nghiên cứu, vận dụng, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của Người đã trở thành tài sản tinh thần quý báu của Đảng và của dân tộc. Vì vậy, từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta đã có sự bổ sung, khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động,…”. Đại hội IX của Đảng làm rõ nội hàm: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”. Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước và Hồ Chí Minh là hiện thân trọn vẹn nhất cho sự kết hợp đó, là tiêu biểu sáng ngời cho sự kết hợp giai cấp và dân tộc, dân tộc và quốc tế, độc lập dân tộc và CNXH.
Thực tiễn cho thấy, do kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đề ra đường lối lãnh đạo đúng đắn, đưa cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chúng ta đã đánh thắng hai đế quốc sừng sỏ là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và giành những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, đưa vị thế của Việt Nam ngày một nâng cao trên trường quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mọi đường lối, chính sách đều hướng tới phục vụ con người, bảo đảm quyền con người ngày một tốt hơn. Vì thế, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nổi bật trong bảo đảm quyền con người, trong đó có việc thông qua Hiến pháp năm 2013 (dành hẳn Chương 2 đề cập về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân). Nhiều năm liền, Việt Nam duy trì được mức độ tăng trưởng kinh tế cao (trên 6%), làm cho thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, năm 2018 đạt 2.590 USD, đứng đầu nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp. Trong đó, thu nhập của hộ nghèo tăng từ 15% đến 20% giai đoạn 2014 - 2018; cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước còn 5,35% (giảm 1,35% so với cuối năm 2017); tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 7,69% năm 2017. Về bình đẳng giới, tỷ lệ phụ nữ làm chủ cơ sở kinh doanh chiếm 31,6%, tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 đạt 26,72%, cao hơn bình quân của thế giới (23,6%). Việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị cũng đạt nhiều thành tựu, trong đó có bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do báo chí, tự do internet; năm 2018, có 64/97 triệu người sử dụng internet (65,98%), 58/97 triệu tài khoản facebook (59,79%), v.v. Ðời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phát triển phong phú với hơn 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo và hàng trăm lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra hằng năm. Vì thế, báo chí thế giới có nhiều đánh giá tích cực về Việt Nam, như: “Điều kỳ diệu Việt Nam”, “Việt Nam - ngôi sao đang nổi trên bản đồ kinh tế thế giới”, “Việt Nam - điểm sáng kinh tế thế giới”,… được coi là “tấm gương với nhiều nước đang phát triển trên thế giới”. Đánh giá về nguyên nhân để Việt Nam đạt thành tựu to lớn đó, các chuyên gia, học giả quốc tế đều thống nhất khẳng định: sự ổn định về chính trị là nhân tố quan trọng để Việt Nam thu hút giới kinh doanh, đầu tư trên thế giới. Điều đó chỉ có được dưới sự lãnh đạo của Đảng được dẫn dắt bởi chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những thành công trong phòng chống đại dịch COVID19 của Việt nam chúng ta đã được thế giới công nhận, khâm phục.
Từ luận giải trên cho thấy, bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò của hệ tư tưởng này đối với cách mạng Việt Nam. Điều đó đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển những nguyên lý lý luận ấy, làm cho nó mãi mãi xanh tươi và khẳng định tính đúng đắn trong thực tiễn.VNĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét