Thiết nghĩ, trong thời đại 4.0 hiện nay, chẳng ai còn ngây thơ tới mức tin vào những luận điệu nêu trên. Bởi, hằng ngày, hằng giờ mọi người dân đều có thể đọc, truy cập hàng trăm ấn phẩm báo chí in hoặc điện tử từ Trung ương đến địa phương, cũng như các cấp, các ngành. Cái cớ của “xã hội dân sự” chính là tung hô những phần tử phản động chống lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dưới chiêu bài bất đồng chính kiến. Việc đánh tráo khái niệm giữa ý kiến phản biện được bảo lưu và các hoạt động chống phá đã được các thế lực thù địch khoét sâu lợi dụng. Họ ra sức kích động giới trí thức vào cuộc để vu cáo Đảng và Nhà nước ta đàn áp những người bất đồng chính kiến, kêu gọi phong trào đấu tranh thả “tù nhân lương tâm”. Khi thời cơ chín muồi, các thế lực thù địch sẽ hình thành tổ chức chính trị đối lập tại Việt Nam. Họ đã sử dụng bộ lý thuyết “xã hội dân sự” để chỉ trích, vu khống Đảng, Nhà nước ta, biến phản biện xã hội trở thành một quá trình không kiểm soát được, âm mưu trở thành một hoạt động dưới dạng câu lạc bộ vô chính phủ. Nếu chúng ta không tỉnh táo phát hiện và đấu tranh trực diện với luận điệu này, các tổ chức tiền thân của “xã hội dân sự” sẽ nhanh chóng tiến hành những hoạt động “diễn biến hòa bình” theo kiểu xét lại lịch sử, chỉ trích lịch sử cách mạng của Đảng và Nhà nước ta. Như thế, tư tưởng chính trị của đảng viên và nhân dân trở nên dao động, lòng tin vào sự nghiệp cách mạng sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Do đó, chúng ta phải hết sức cảnh giác, chủ động đấu tranh nhận rõ bản chất của tư tưởng phản động này, nhằm vô hiệu hóa quá trình can thiệp thô bạo từ bên ngoài với những luận điệu sai trái, nguy hiểm, khó dự báo.

Hai là, lợi dụng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta hiện nay để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Ở tất cả các quốc gia với bất kỳ thể chế chính trị nào, nếu không dẹp bỏ được nạn tham nhũng thì đều dẫn tới suy vong. Bài học từ lịch sử cho thấy, phòng, chống tham nhũng là quyết sách chiến lược mang ý nghĩa tồn vong của chế độ ta. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Và thực tế, từ sự cương quyết của Đảng ta trong việc xử lý các đại án tham nhũng, nhiều vị lãnh đạo, trong đó có không ít vị lãnh đạo cao cấp đã vướng vòng lao lý. Lòng tin của nhân dân với Đảng ngày một tăng cao; uy tín của chế độ chính trị được củng cố. Tuy nhiên, các thế lực thù địch cũng căn cứ vào đây để tăng cường xuyên tạc, chống phá. Chúng cho rằng, nếu một xã hội độc đảng cầm quyền thì sẽ thủ tiêu đấu tranh; Đảng, Nhà nước ta đang ở thế “lưỡng nan đối nghịch”, với hàm ý chống tham nhũng nhưng ngại thay đổi thể chế chính trị, v.v. Theo họ, “muốn chống tham nhũng thì phải thay đổi lại thiết chế và xã hội để làm sao cho dân chủ hơn”!

Tựu trung lại vẫn là những luận điệu “bình mới rượu cũ” với thủ đoạn thâm độc hơn. Các thế lực thù địch đang xoáy sâu vào các đại án tham nhũng để qua đó nói xấu, bôi nhọ danh dự của cán bộ, đảng viên, cũng như kích động dư luận lung lạc niềm tin vào sự phát triển của đất nước. Trước thềm đại hội Đảng, chúng tung tin đồn thổi nhiều đồng chí lãnh đạo các cấp với những nghi án tham nhũng, sân sau, v.v. Chúng ví von hành động bỉ ổi này như một mũi tên trúng hai con nhạn: (1). Làm suy giảm uy tín cá nhân lãnh đạo, gây mất đoàn kết nội bộ; (2). Làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, để cho người dân nhìn vào đâu cũng thấy tham nhũng. Từ những “đại án” tham nhũng, các thế lực thù địch chớp ngay cơ hội, tăng cường thông tin trên mạng xã hội, ra sức công kích hòng làm giảm sút uy tín của Đảng, lung lạc niềm tin của nhân dân đối với chế độ và hệ thống chính trị.