Một là, tôn trọng tự do, tín ngưỡng bảo đảm quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một khái
niệm dùng để chỉ quyền của con người được thực hiện các hành vi tôn
giáo, theo đuổi một tín ngưỡng của cá nhân một cách tự do, con người
được theo hoặc không theo một tín ngưỡng tôn giáo nào, những quyền tự
do đó phải nằm trong khuôn khổ pháp luật mà Nhà nước hiện hành quy
định.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền
được các quốc gia trên thế giới thừa nhận và bảo đảm. Điều 18 trong Tuyên
ngôn quốc tế Nhân quyền năm 1948 viết: “Ai cũng có quyền tự do tư
tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo, quyền này bao gồm cả quyền
tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn
giáo hay tín ngưỡng qua sự dạy, hành đạo, thờ phụng, nghi lễ, hoặc
riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng”[1]
Trong tác phẩm “Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo”,V.I.Lênin
viết “Bất kỳ ai cũng được hoàn toàn tự do theo tôn giáo mình thích hoặc không
thừa nhận một tôn giáo nào, nghĩa là được làm người vô thần, như bất cứ người
xã hội chủ nghĩa nào cũng thường là người vô thần. Mọi sự phân biệt quyền lợi
giữa những công dân có tín ngưỡng tôn giáo khác nhau đều hoàn toàn không thể
dung thứ được”.
Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là xuất phát
từ việc tôn trọng tự do tư tưởng - một trong những quyền cơ bản của công dân,
chính là tôn trọng niềm tin của tín đồ vào một loại hình tôn giáo nào đó mà họ
cần đến, vào một loại hình tín ngưỡng mà họ coi là nhu cầu không thể thiếu. Tôn
trọng quyền tự do tín ngưỡng cũng chính là tôn trọng quyền con người, thể hiện
bản chất ưu việt của chế độ XHCN.
Công dân
có tôn giáo hay không có tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, đều có quyền
lợi và nghĩa vụ như nhau. Cần phát huy những giá trị tích cực của tôn giáo,
nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của
công dân. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân là cơ sở để
đoàn kết các lực lượng quần chúng có tín ngưỡng và không có tín ngưỡng. Qua đó
để tiến hành vận động quần chúng các tôn giáo và hàng ngũ giáo sĩ, chức sắc tôn
giáo tham gia vào các hoạt động tiến bộ, yêu nước do Đảng lãnh đạo, tiến hành
các hoạt hoạt động tuyên truyền, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật, thế giới
quan duy vật khoa học quần chúng… Đồng thời đây là cơ sở để đấu tranh chống lại
các luận điệu vu cáo, các hoạt động lợi dụng tôn giáo chống Nhà nước XHCN.
Những mặt tiêu cực của tôn giáo phải bị
khắc phục và đẩy lùi, dần đến chỗ xoá bỏ hoàn toàn chúng.
Đây là một nguyên tắc nhưng cũng là yêu
cầu quan trọng nhất cần phải quán triệt trong công tác giải quyết vấn đề tôn
giáo của những người cộng sản. Chỉ có thế tư tưởng của chủ nghĩa
Mác - Lênin - tư tưởng khoa học chân chính, chủ đạo trong chủ nghĩa xã hội mới
có thể đi sâu vào quần chúng nhân dân, mới tạo được nền tảng cơ sở vững chắc
cho công cuộc xây dựng xã hội mới.
Trong Chống Đuy-rinh, Ăngghen đã cực lực
phê phán thái độ bài tôn giáo cực đoan của Đuy-rinh: "Trong xã hội tự
do, không thể có sự thờ cúng; bởi vì mỗi thành viên của xã hội đều khắc phục
được cái quan niệm ấu trĩ nguyên thuỷ cho rằng ở đằng sau thiên nhiên hay bên
trên thiên nhiên, có những đấng mà người ta có thể dùng những vật hy sinh hay
những lời cầu nguyện để tác động đến". "Vì thế, hệ thống xã hội
xã hội chủ nghĩa, được hiểu một cách đúng đắn, phải ... phế bỏ mọi trang bị của
sự mê hoặc tinh thần, và do đó, phế bỏ tất cả những yếu tố cơ bản của sự thờ
cúng"
Người cho rằng tôn giáo chỉ thực sự mất
đi khi xã hội đã được cải tạo hoàn toàn: việc nắm giữ cũng như việc sử dụng các
tư liệu sản xuất đã được lên kế hoạch, giúp xã hội tự giải phóng mình và giải
phóng mọi thành viên trong xã hội khỏi tình trạng nô dịch và áp bức bất công;
khi không còn mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên nữa, mà cả mưu sự và thành sự
đều từ con người mà ra cả... khi đó tôn giáo - sự phản ánh thế giới tự nhiên
một cách sai lạc trong bộ não con người, sẽ tự mất đi, bởi nó sẽ chẳng còn gì
để phản ánh nữa.
Hai là, phải tuyệt đối không được sử dụng
các biện pháp bạo lực để xoá bỏ tôn giáo.
Mác, Ăngghen đã nhận định rất đúng về
hậu quả của chính sách đàn áp tôn giáo theo chủ trương của Đuy-rinh: "giúp
cho tôn giáo đạt tới chỗ thực hiện tinh thần tử vì đạo và kéo dài thêm sự tồn
tại của nó";
V.I.Lênin: "Ăngghen đã coi lời
tuyên chiến ầm ĩ của họ (phái Blăng ky) với tôn giáo là dại dột. Tuyên chiến
như thế là phương pháp tốt nhất làm khích động thêm sự quan tâm của người
ta đối với tôn giáo, và làm cho tôn giáo đi đến chỗ tiêu vong thực sự một cách
khó khăn hơn"[2]
Vi phạm nguyên tắc này là cố tình đẩy xã
hội tới chỗ phân chia, đẩy những người theo đạo vào chỗ buộc phải chống lại
chính quyền nhân dân. Vi phạm nguyên tắc này cũng là đi ngược lại nền dân chủ
xã hội chủ nghĩa, vi phạm nghiêm trọng tới quyền thiết yếu nhất của con người:
quyền được tự do; và trong đó có quyền được tự do theo hay không theo một tôn
giáo. Chính quyền nhân dân nào vi phạm nguyên tắc này thì không còn là chính
quyền của nhân dân nữa, tổ chức đảng nào vi phạm nguyên tắc này thì không còn
là đảng cộng sản nữa. Bên cạnh đó, cần phải không ngừng phát huy những giá trị
tốt đẹp, tích cực của tín ngưỡng tôn giáo trong xã hội xã hội chủ nghĩa; cần
phải nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân.
Ba là, cần
không ngừng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, trong đó có cả mối liên hệ
giữa người theo đạo và những người không theo đạo.
Đó là yêu cầu hàng đầu để xây dựng đất
nước và xã hội, nhưng cũng là một cách thức quan trọng để những người theo đạo
hoà nhập vào với cuộc sống tích cực của xã hội, để họ dần nhận ra rằng cuộc
sống hiện tại là quan trọng nhất, để giúp họ chủ động tham gia vào các hoạt
động xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; chứ không phải luôn trong trạng thái
thụ động, tiêu cực vì chỉ quan tâm tới việc sống sao bây giờ cho mai sau đến
được với " nước Thiên Đường " hay " cõi Niết bàn ".
Bốn là, không ngừng thực hiện công tác
giáo dục tuyên truyền, giúp quần chúng nhân dân hiểu nắm được những lý luận
khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhận rõ những tư tưởng duy tâm là hoàn toàn
không có căn cứ.
Việc giáo dục chủ nghĩa vô thần khoa học
cũng như thế giới quan duy vật không chỉ đẩy lùi những sai lầm trong nhận thức của tư
duy tôn giáo, mà chủ yếu là góp phần nâng cao trình độ kiến thức cho toàn dân.
Năm là, phải kết hợp nâng cao đời sống
vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân theo đạo với nhiệm vụ đấu tranh,
phòng chống những thế lực phản động lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn
kết toàn dân, để tuyên truyền chống phá cách mạng. Cuộc đấu tranh này vừa phải
khẩn trương, kiên quyết vừa phải thận trọng và có sách lược đúng, nếu không sẽ
dễ dàng bị nhìn nhận là chính sách đàn áp tôn giáo.
Sáu là: Phân biệt rõ
hai mặt chính trị và tư tưởng trong vấn đề tôn giáo.
Khi xã hội đã xuất hiện giai cấp thì chính trị ít nhiều
đều in rõ trong các tôn giáo. Và từ đó hai mặt chính trị và tư tưởng thường thể
hiện và có một quan hệ với nhau trong vấn đề tôn giáo và bản thân mỗi tôn giáo.
+ Mặt chính trị phản ánh mối quan hệ, mâu thuẫn giữa cách
mạng với phản cách mạng, giữa tiến bộ với phản động, phán ánh mâu thuẫn đối
kháng về lợi ích kinh tế, chính trị giữa các giai cấp và mâu thuẫn giữa những
thế lực lợi dụng tôn giáo chống lại sự nghiệp cách mạng với lợi ích của nhân
dân lao động.
+ Mặt tư tưởng phản ánh sự khác nhau về niềm tin, mức độ
tin, phản ánh mâu thuẫn không mang tính đối kháng giữa những người có tín
ngưỡng và những người không có tín ngưỡng, tôn giáo cũng như những người có tín
ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
+ Phân biệt hai mặt chính trị và tư tưởng trong tôn giáo
thực chất là phân biệt tính chất khác nhau của hai loại mâu thuẫn luôn tồn tại
trong bản thân tôn giáo và trong vấn đề tôn giáo. Sự phân biệt này, trong thực
tế không đơn giản, trong đời sống xã hội, hiện tượng nhiều khi phản ánh sai lệch
bản chất, mà vấn đề chính trị và tư tưởng trong tôn giáo thường đan xen vào
nhau. Có những hoạt động liên quan đến tôn giáo, chúng ta không thể phân biệt
được đâu là mặt tư tưởng, đâu là mặt chính trị. Mặt khác, trong xã hội có đối
kháng giai cấp, vấn đề tôn giáo thường bị yếu tố chính trị chi phối rất sâu
sắc, nên khó nhận biết vấn đề chính trị hay tư tưởng thuần túy trong tôn giáo.
Việc phân biệt hai mặt này là cần thiết nhằm tránh khuynh hướng “tả” hoặc “hữu”
trong quá trình quản lý, ứng xử những vấn đề nảy sinh từ tín ngưỡng, tôn giáo.
Phân biệt hai mặt này để có chủ trương, phương pháp giải quyết đúng đắn, phù
hợp những vấn đề liên quan đến tôn giáo.
+ Xuất
phát từ lợi ích giai cấp, dân tộc và an ninh quốc gia, nhà nước XHCN phải
thường xuyên đấu tranh loại bỏ yếu tố chính trị phản động trong tôn giáo. Ngày
nay, các thế lực phản động đang lợi dụng tôn giáo để thực hiện chiến lược “diễn
biến hòa bình” nhằm xóa bỏ CNXH ở các nước XHCN còn lại. Điều đó nhắc nhở Đảng
của giai cấp công nhân cần nêu cao cảnh giác, giải quyết kịp thời, cương quyết
đối với những hoạt động lợi dụng tôn giáo chống CNXH, nhưng cũng phải hết sức
khách quan, chính xác, tránh nôn nóng, vội vàng, chủ quan, định kiến.
Bảy là, phải
giải quyết vấn đề tôn giáo trên lập trường quan điểm lịch sử, tức là phải nhìn
nhận vai trò, tác động của tôn giáo tới đời sống xã hội trong từng thời kỳ lịch
sử khác nhau là có thể rất khác nhau.
Tôn giáo không phải là một hiện tượng xã hội bất biến, mà
nó luôn vận động và biến đổi không ngừng tùy thuộc vào những điều kiện kinh tế
xã hội – lịch sử cụ thể. Mỗi tôn giáo đều có lịch sử hình thành, có quá trình
tồn tại và phát triển nhất định. Ở mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, vai trò, tác
động của từng tôn giáo đối với đối với xã hội không giống nhau. Quan điểm, thái
độ của các giáo hội, giáo sĩ, giáo dân về các lĩnh vực của đời sống xã hội luôn
có sự khác biệt. Vì vậy, cần phải có quan điểm lịch sử cụ thể khi xem xét, đánh
giá và ứng xử đối với những vấn đề có liên quan đến tôn giáo và đối với từng
tôn giáo cụ thể.
Bởi vậy mối quan hệ với tôn giáo cũng
cần phải rất linh hoạt và mềm dẻo: có những thời điểm phải biết đoàn kết các
tôn giáo để chống lại những kẻ thù chung của cả dân tộc; nhưng trong thời điểm
khác phải đẩy mạnh công cuộc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa vô thần khoa học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét