Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

 

NGĂN CHẶN, ĐẨY LÙI NHỮNG LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI

TRÊN MẠNG XÃ HỘI


Trong thời gian gần đây các thế lực thù địch và một số phần tử cơ hội, chống đối đã sử dụng một số trang web và mạng xã hội để phát tán những thông tin có nội dung bôi xấu, vu khống, xuyên tạc sự thật, suy diễn, phê phán chế độ, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tạo dư luận xấu nhằm hạ thấp uy tín của một số tổ chức cũng như những cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. 

Như chúng ta đã thấy, sự phát triển của công nghệ thông tin là thành tựu của nhân loại và trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, mang lại những tiện ích nhiều mặt cho con người trên toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển xã hội trên nhiều lĩnh vực. Song, bên cạnh đó các thế lực thù địch đã lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để chống phá cách mạng nước ta. Nếu những người sử dụng internet không vững vàng trong nhận thức, thiếu nhãn quan chính trị đúng đắn, thiếu thông tin chính thống thì sẽ có những suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến sự mơ hồ, mất niềm tin...

Việt Nam hiện nay là một nước có số người dùng internet cao, với hơn 40 triệu người dùng Internet (chiếm trên 40% tổng dân số), nằm trong top 10 nước châu Á có tốc độ người dùng Internet tăng nhanh nhất, và đứng thứ 18 thế giới về số người dùng Internet. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ở Việt Nam, mạng xã hội được biết đến và sử dụng phổ biến nhất hiện nay là facebook với khoảng hơn 12 triệu người, cùng với nhiều mạng, diễn đàn xã hội khác. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng một cơ chế tự phòng vệ trước các thông tin không chính thức là điều cần thiết đối với mỗi người khi tiếp xúc với các thông tin đồn thổi. Phải bình tĩnh trước các thông tin chưa được kiểm chứng, tỉnh táo phân tích những thông tin mơ hồ, không có nguồn gốc, chính là liều thuốc quan trọng giúp người đọc không vô tình tự biến mình thành công cụ cho những âm mưu thâm độc mà tác hại của nó có thể ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của mỗi người và xã hội. Vậy phải làm gì để ngăn chặn, đẩy lùi luồng thông tin này? 

Để ngăn chặn, đẩy lùi các thông tin xấu, độc hại, các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp kịp thời cho người dân những kiến thức cần thiết, những thông tin định hướng để mọi người có thể tự sàng lọc, nắm bắt những thông tin chính thống, chính xác, đáng tin cậy, loại bỏ những thông tin lệch lạc gây nhiễu loạn, tác động xấu cho xã hội. Mặt khác, cần có cơ chế quản lý thông tin chặt chẽ không để kẻ địch lợi dụng, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với những trang web, blog có nội dung vi phạm pháp luật.

Để thực hiện và chuyển tải những nội dung thông tin định hướng cần đẩy mạnh công tác tư tưởng trong toàn xã hội trong đó, Báo chí là lực lượng nòng cốt đi đầu trong cuộc đấu tranh chống các luận điểm sai trái thù địch. Vì vậy, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng cần chủ động xây dựng các trang chuyên đề với các bài phân tích sâu sắc và thường xuyên để mọi người nhận thức vấn đề một cách đúng đắn, thấy rõ bản chất của vấn đề cũng như âm mưu và thủ đoạn hết sức thâm độc của các thế lực thù địch, góp phần tạo cho người đọc có đủ “sức đề kháng”, “tạo được hệ miễn dịch” nhằm ngăn ngừa, phòng tránh và không bị sa đà vào những thông tin sai trái, bất lợi, độc hại.

Mặt khác, cũng cần phải thấy rằng, đấu tranh với thông tin xuyên tạc, bịa đặt cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chứ không dừng lại ở trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí. Vì vậy, các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức cơ sở đảng cần tăng cường tổ chức sinh hoạt, sử dụng phương pháp tuyên truyền miệng - một kênh thông tin quan trọng - để thông tin kịp thời tình hình và định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, hội viên trong phạm vi tổ chức của mình nâng cao nhận thức chính trị đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; đồng thời tăng cường công tác quản lý đảng viên, hội viên, trong đó cần quản lý chặt chẽ về tư tưởng chính trị theo nhiệm vụ đã được quy định trong Điều lệ. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, khắc phục tâm lý tiểu nông, thích tò mò, thấy điều lạ muốn nghe và xem bằng được rồi bình luận, suy luận trên bàn nước hoặc bàn cờ…

HH.

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét