Ấn tượng mạnh với thông điệp của Tổng bí thư, Chủ tịch nước
Nguyễn Phú Trọng gửi tới Đại hội đồng LHQ
Ngày 24/9/2020, Tổng bí thư, Chủ
tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu gửi tới Hội nghị thảo
luận chung cấp cao khóa 75 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra từ ngày 22
tới 29-9 tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ. Bài phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch
nước là thông điệp gây ấn tượng mạnh, khẳng định rõ ràng chủ trương, đường lối
đối ngoại của Việt Nam.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong
bài phát biểu, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng cơ chế
đa phương toàn cầu và khu vực phải được tôn trọng và phát huy, do đó, Liên
Hiệp Quốc phải thực sự là tổ chức gắn kết, mà ở đó mỗi thành viên, không phân
biệt lớn nhỏ hay giàu nghèo, được đóng góp tiếng nói về những vấn đề cùng quan
tâm. Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng cho rằng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và
những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế cần phải được đề cao và thúc đẩy
như những chuẩn mực hành xử của cả các nước lớn và nhỏ trong quan hệ quốc tế.
Các nước cần cam kết và chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy phát
triển bền vững, bao trùm và nhân văn, chẳng hạn đại dịch COVID-19 vừa qua gây ra
nhiều xáo trộn trên toàn thế giới chính là lời cảnh tỉnh sâu sắc.
Trong thông điệp gửi tới hội nghị,
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ ngay từ những ngày đầu lập
nước cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư tới
các nhà lãnh đạo sáng lập LHQ bày tỏ ý nguyện của Việt Nam tham gia Liên Hiệp
Quốc. "Mặc dù phải tới năm 1977, nguyện vọng đó mới thành hiện thực, song
chính cuộc đấu tranh bền bỉ của Việt Nam giành và bảo vệ độc lập dân tộc, chủ
quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước là những đóng góp cụ thể cho sự nghiệp đấu
tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới, cũng là những mục
tiêu cao cả mà LHQ hướng tới", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú
Trọng cảm ơn sự ủng hộ rộng rãi của các nước, bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam.
Bài phát biểu nhận định, Việt Nam
từ một nước nghèo, bị tàn phá bởi chiến tranh và chịu bao vây cấm vận, sau 35
năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước đang phát triển có thu
nhập trung bình và đang nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu trở thành nước phát
triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Trong cuộc chiến chống dịch
COVID-19 hiện nay, dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam đã đạt được một số kết quả
tích cực, quan trọng. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết Việt
Nam đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với nhiều nước.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn
Phú Trọng cũng nhắc tới vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên
Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 của Việt Nam, cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục thúc
đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp
Quốc; tăng cường hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực, đặc biệt là ASEAN. Đồng
thời ông khẳng định trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cùng các
nước thành viên đang hết sức nỗ lực để xây dựng một khu vực hòa bình, hữu nghị
và hợp tác. "Chúng tôi khẳng định cam kết cùng các nước trong và ngoài khu
vực duy trì, thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở
Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về
Luật biển (UNCLOS) 1982; tuân thủ các nguyên tắc kiềm chế, tránh các hành động
đơn phương làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp và khác biệt bằng các
biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp
lý", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Có thể nói, bài phát biểu của Tổng
bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thể hiện thông điệp ở cấp cao nhất của
Đảng và Nhà nước ta về chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thế
kỷ 21, đó là: Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ,
rộng mở, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế theo phương
châm "Việt nam muốn là bạn và là đối tác tin cậy của các nước trong cộng
đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển". Việt Nam tiếp
tục tạo môi trường và điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh
tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế
giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Việt Nam sẽ chủ
động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội
lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã
hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, phát huy bản
sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái.
(Nguồn tham
khảo: https://tuoitre.vn/).
TĐC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét