Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Phòng, chống tham nhũng không phải “nhằm loại bỏ các đối thủ, phe nhóm đối lập"!

Thật ngạc nhiên khi đọc một số tin, bài trên mạng tập trung công kích, xuyên tạc tình hình chính trị nội bộ trước Đại hội Đảng lần thứ XIII, như: Đưa ra các thông tin sai sự thật xoáy sâu vào các vụ án tham nhũng, nguỵ tạo thông tin, bằng chứng và hình ảnh về công việc, đời sống cá nhân với tính chất bịa đặt, nhằm hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước; vu cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước sử dụng công cuộc phòng, chống tham nhũng nhằm loại bỏ các đối thủ, phe nhóm đối lập; rêu rao các thông tin sai, không chính thống về phương án nhân sự Đại hội Đảng XIII. Về các thông tin xuyên tạc, vu khống các cá nhân lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì trước mỗi kỳ Đại hội gần đây đều có và các luận điệu ấy cũng không có gì mới. Ở đây tôi chỉ xin bàn đến nội dung: Phòng, chống tham nhũng có phải để “nhằm loại bỏ các đối thủ, phe nhóm đối lập" hay không?
Trước hết, cần nói rõ ở Việt Nam không theo chế độ đa đảng nên trong Đảng không có chuyện “đối lập” như ở nhiều nước khác. Do một Đảng cầm quyền, lãnh đạo nên tính thống nhất là cực kì quan trọng. Tất cả những vấn đề liên quan đến nhân sự đều được bàn bạc trong tập thể và do tập thể quyết định theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng theo đa số. Tất nhiên, khi bàn bạc trong tập thể có thể có những kiến còn khác nhau nhưng khi đã thống nhất thì thành quyết định của tập thể, thậm chí có quyền bảo lưu ý kiến!
Về phòng, chống tham nhũng thì đây không phải là vấn đề riêng của nước ta mà của các nước trên thế giới. Nói rộng ra là bất kỳ ở các quốc gia dù theo chế độ chính trị nào cũng phải quyết vấn đề này. Ở các nước theo chế độ tư bản thì lại càng thấy rõ vì nhiều nước Tổng thống, Thủ tướng cũng phải hầu toà với tội danh tham nhũng.
Thực tiễn xây dựng chính đảng Mác - xít đã chứng minh, đảng cầm quyền lãnh đạo đất nước nếu không thực hiện tốt đạo đức cách mạng, không làm tốt nhiệm vụ chống tha hoá, hủ bại, suy thoái đạo đức, lối sống thì càng ngày sẽ càng trở nên khó khăn, gian nan hơn. Muốn kiên định, kiên quyết xây dựng Đảng trong vững mạnh thì càng phải nâng cao năng lực chống tha hoá, biến chất trong cán bộ, đảng viên. Do vậy, cán bộ, đảng viên có chức, có quyền luôn đứng trước những cám dỗ, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo phải cảnh giác, tự răn mình như “đi trên băng mỏng”, như “đứng dưới vực sâu” mới có thể vượt qua sự trói buộc của công danh, lợi lộc, để không hành động vì quyền lực, không bị ham muốn dụ dỗ, mãi mãi không bao giờ vị vật chất đánh bại. Nhưng trên thực tế, cũng có một số cán bộ, đảng viên đã bị “hơi lạnh của đồng tiền truyền qua người” nên bị sự cám dỗ của vật chất đánh bại. Nhiều trường hợp vi phạm đã phải xử lý theo pháp luật. Song, việc, phòng chống tham nhũng không phải để loại bỏ các đối thủ, phe nhóm đối lập như các bài viết trên mạng nói. Đơn giản là cán bộ, đảng viên có chức quyền vi phạm tham nhũng thì phải xử lý hình sự theo Luật chống tham nhũng của Quốc hội đã ban hành. Vì khi đã vi phạm pháp luật thì không thể được giới thiệu tham gia cấp uỷ các cấp của Đại hội.
Thực tế, công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam được tiến hành mạnh mẽ và có hiệu quả rõ rệt, đem lại niềm tin của nhân dân với Đảng và nhà nước. Hơn nữa, nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì công cuộc phòng, chống tham nhũng không chỉ là công việc của mấy người mà đã trở thành phong trào của toàn dân. Do vậy, cuộc đấu tranh chống tham nhũng không phải để nhằm đối thủ, phe phái đối lập như tác giả trên mạng viết vì thực chất trong các tổ chức Đảng ở Việt Nam không hề tồn tại cái gọi là “phái đối lập”! Hiện nay, bên cạnh công cuộc chống tham nhũng đang được tiến hành “không ngừng nghỉ” thì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng được tiến hành mạnh mẽ từ Trung ương xuống cơ sở để nâng cao sức chiến đấu của Đảng cầm quyền. Cho nên càng gần đến Đại hội Đảng lần thứ XIII thì công tác chống tham nhũng càng được chú trọng để loại ra khỏi bộ máy những phần tử thoái hoá, biến chất, trục lợi không vì sự nghiệp chung của đất nước và dân tộc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét