Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

Nhìn lại quá trình từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng đã dành không ít thời gian, công sức để xây dựng nên “chiếc lồng cơ chế” để “nhốt quyền lực”.

 

Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ này, tháng 11/2016, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.

Trong Nghị quyết này, Trung ương đã đưa ra 4 nhóm giải pháp, trong đó giải pháp rất quan trọng là “kiểm soát quyền lực, nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”.

Câu chuyện “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế” tiếp tục được Đảng đặt ra trong Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương ban hành ngày 19/5/2018 về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ".

Trong 4 mục tiêu cụ thể đến năm 2020 của Nghị quyết này, Trung ương đặt mục tiêu đầu tiên là thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết thành các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ.

Kế đến là hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên.

Nghị quyết 26 được xem là “xương sống” của “chiếc lồng” cơ chế về công tác cán bộ để từ đó từng bước hiện thực hóa việc “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”.

Từ đó đến nay, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu, xây dựng nhiều văn bản để trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành không ít quy định để “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”.

Đây cũng là những quy định nhằm xây dựng “một Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong đợi.

Ngày 25/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Trung ương yêu cầu Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện 8 nội dung; phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống 8 nhóm hành vi.


Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Bộ Chính trị nghiêm cấm 5 hành vi.

Bộ Chính trị nêu rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền và 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Cán bộ, đảng viên vi phạm các hành vi này ngoài bị xử lý theo quy định, còn bị áp dụng các biện pháp xử lý khác tương ứng với các mức kỷ luật.

Cụ thể, trường hợp bị khiển trách thì đưa ra khỏi quy hoạch ít nhất 18 tháng. Còn bị cảnh cáo thì xem xét cho thôi tham gia cấp ủy, thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm; đưa ra khỏi quy hoạch ít nhất 30 tháng.

Bị cách chức thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ ít nhất 60 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi quy hoạch mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Cả 3 trường hợp bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức đều không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

Với trường hợp bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.

Ngày 2/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Ngoài các tiêu chuẩn chung về chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; trình độ; năng lực và uy tín; sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm, Quy định 214 đưa ra tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh. Trong đó quy định rõ tiêu chuẩn các chức danh: Ủy viên Trung ương; Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Tổng Bí thư; Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. 

Ngoài ra còn có Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu, công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ mà trực tiếp là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy. 

Cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

Ban Chấp hành Trung ương cũng ban hành hướng dẫn 03 ngày 20/3/2020 về Một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng. Hướng dẫn nêu rõ, người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy của người mà mình đề cử. 

Sau đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tùy theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng. 

Từ tháng 10/2019 đến nay, Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức 5 lớp bồi dưỡng kiến thức mới dành cho hơn 200 cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét