Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

Đề cao trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội

 

Trong những năm gần đây, số người tham gia mạng xã hội tại nước ta ngày càng nhiều, có thể nói: Internet và mạng xã hội ở Việt Nam đã trở thành công cụ vô cùng quen thuộc, là “một phần tất yếu” trong cuộc sống của người dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Hiện nay, ngoài các báo điện tử, các trang tin, thông qua mạng xã hội (Facebook, YouTube, Lotus, Viber, Zalo, Twitter, Instagram…), mọi người có thể tự do chia sẻ thông tin, hình ảnh, clip, bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân của mình về các vấn đề của đời sống xã hội. Ở một số địa phương đã có những cơ quan, tổ chức sử dụng mạng xã hội để làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính, giữ mối liên hệ với người dân, nắm bắt và giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân… Đặc biệt, khi đại dịch Covid19 bùng phát tại Việt Nam, việc sử dụng internet và mạng xã hội đã góp phần tích cực để thông tin tuyên truyền cách phòng, chống dịch bệnh; các chính sách của Đảng và Nhà nước; điều hành quản lý xã hội …

Tuy nhiên, lợi dụng những ưu việt mà internet và mạng xã hội đem lại, một số đối tượng sử dụng một vài trang mạng để đăng tải, chia sẻ thông tin, bài viết, video clip ảnh hưởng tiêu cực đến chuẩn mực, đạo đức xã hội; tung tin sai lệch, bịa đặt, xuyên tạc về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước với động cơ và mục đích cá nhân. Cá biệt còn có trường hợp thông qua mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo, một số người bán hàng online vì mục đích kinh tế đã cố tình tạo ra tin giả và lan truyền tin giả nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng vào trang mạng xã hội của mình.

Sự bùng phát của tin giả, tin xuyên tạc cũng một phần do chính những người tiếp cận thông tin, những người tham gia mạng xã hội. Do nhận thức hạn chế, thiếu kiến thức và kinh nghiệm cần thiết nên không ít người không biết thông tin mình tiếp cận là đúng hay sai, có cơ sở khoa học hay không, tác động, ảnh hưởng đến người khác, đến xã hội như thế nào nên đã đăng tải, chia sẻ, bình luận một cách tùy tiện, vô trách nhiệm… Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch, phản động tạo ra rất nhiều thông tin giả, thông tin xấu độc nhằm tuyên truyền xuyên tạc, kích động, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang trong dư luận, tạo sự bất ổn về an ninh trật tự để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Một số đối tượng mang danh “thực hiện quyền tự do ngôn luận” thông qua mạng xã hội để “bày tỏ quan điểm cá nhân” nhưng thực chất là tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và đã bị xử lý trước pháp luật. Sau mỗi trường hợp bị xử lý, các thế lực thù địch, phản động lại lu loa rằng “Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận”, “vi phạm tự do internet”… Cần khẳng định rõ rằng giọng điệu ấy không nhằm mục đích gì khác là bao che, dung túng, tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật và sâu xa là chống phá Việt Nam. 

Để nhận diện và đấu tranh có hiệu quả với vấn nạn tin giả, tin xấu độc, mỗi người dân khi tham gia cần phải nhận thức rõ những nguy hại do tin giả, tin xấu độc gây nên; khi tiếp cận các thông tin cần phải bình tĩnh, tỉnh táo để tìm hiểu sự thật của vấn đề, luôn đề cao trách nhiệm công dân để tránh bị lợi dụng tiếp tay cho kẻ xấu. Mặt khác, mỗi người dân cần tự giác tìm hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh Luật An ninh mạng, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử” và các quy định của Nhà nước nhằm vạch trần và đấu tranh không khoan nhượng với những tổ chức, cá nhân lợi dụng internet và mạng xã hội để vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích của đất nước và nhân dân ta./.

Ngọc Quý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét