Trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều yếu tố tác động, ảnh hưởng
đến bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đáng chú ý là từ mặt
trái của cơ chế thị trường, tác động xấu từ các quan điểm sai trái, từ sự kích
động, lôi kéo, móc nối của các thế lực thù địch. Các thế lực thù địch, phản
động đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề
dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo và những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác
của ta để xuyên tạc, bóp méo tình hình; cổ xúy cho lối sống hưởng thụ, thực
dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa”. Đồng thời, chúng còn “cấu kết với các phần tử
cơ hội và bất mãn chính trị hoạt động ráo riết, chống phá cách mạng ngày càng
tinh vi, nguy hiểm hơn”. Đặc biệt, chúng tìm mọi phương kế tuyên truyền xuyên
tạc, phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; phủ nhận bản chất cách mạng,
khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; gieo rắc vào cán bộ,
đảng viên tư tưởng hoài nghi về mục tiêu lý tưởng, con đường đi lên xây dựng
chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Bài học đắt giá rút ra từ thực trạng như đã nêu trên là mọi cán
bộ, đảng viên dù đảm nhiệm công việc gì, trên cương vị nào, trọng trách gì cũng
phải thường xuyên nêu cao ý thức rèn luyện, tu dưỡng. Chỉ có thông qua tự rèn
luyện, tu dưỡng phấn đấu mỗi cán bộ, đảng viên mới không ngừng bồi đắp nâng cao
bản lĩnh chính trị, tăng cường “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” cho bản
thân trước mọi tác động tiêu cực từ bên ngoài. Để không thoái hóa, biến chất, không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh chính trị thật sự kiên định, vững vàng. Dưới
góc nhìn chính trị tư tưởng, sự vững vàng về bản lĩnh, ý chí, niềm tin có vai
trò rất quan trọng quyết định “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” của mỗi cán
bộ, đảng viên. Bản lĩnh chính trị vững vàng là một phẩm chất quyết định sự
sống còn và thành công của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như của toàn Đảng. Bản
lĩnh chính trị không phải tự nhiên mà có, không phải có được trong một sớm một
chiều, mà đó là sản phẩm của quá trình giáo dục, bồi dưỡng, học tập, nghiên
cứu, rèn luyện thường xuyên, kiên trì và bền bỉ. Những tác động xấu từ mặt trái
của xã hội, từ các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng
là không hề nhỏ. Hằng ngày, hằng giờ những tư tưởng, quan điểm sai trái, những
yếu tố tiêu cực len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, tác động đến mọi
đối tượng. Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến bản lĩnh chính trị đòi hỏi
mỗi cán bộ, đảng viên và toàn Đảng ta phải có những giải pháp đồng bộ, thống
nhất và quyết liệt.
Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu đó là phải coi trọng
đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng.
Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài nhằm củng cố và tăng cường bản lĩnh chính
trị trong Đảng, bồi đắp lý tưởng cách mạng, củng cố niềm tin khoa học, tạo sự
thống nhất cao cả về ý chí và hành động trong toàn Đảng để thực hiện các mục
tiêu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng giai đoạn. Quan trọng là vậy
nhưng trên thực tế thời gian qua không ít cấp ủy, cán bộ lãnh đạo các cấp nhận
thức chưa đúng, chưa thống nhất, nên chưa thấy hết trách nhiệm của
mình với công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Do đó, muốn đổi mới, nâng cao
chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng thì trước tiên phải đổi mới
nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của
công tác này. Trên cơ sở thống nhất nhận thức, mỗi tổ chức đảng và từng cán bộ,
đảng viên cần xác định đây là trách nhiệm chính trị của mình.
Mặt khác, việc tiến hành công tác giáo dục
chính trị tư tưởng, duy trì chế độ học tập, sinh hoạt chính trị ở không ít địa
phương, cơ sở lâu nay vẫn nặng về hình thức. Vấn đề đặt ra đối với mỗi tổ chức
Đảng hiện nay là phải đổi mới mạnh mẽ về phương pháp tiến hành công tác giáo
dục chính trị tư tưởng theo hướng phù hợp với từng đối tượng, phù hợp môi
trường, điều kiện công tác của cán bộ, đảng viên, có chiều sâu, khoa học và
hiệu quả thiết thực. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác tuyên
truyền phải tập trung làm cho mọi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo,
quản lý chủ chốt các cấp hiểu rõ bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác
- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong đường lối
lãnh đạo của Đảng ta.
Hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng
được thể hiện tập trung ở chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối,
chủ trương, nghị quyết của Đảng. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Đảng
phải tập trung cao độ vào xây dựng ý thức, niềm tin và cổ vũ, khích lệ ý chí,
quyết tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân để đưa nghị quyết của Đảng đi vào
cuộc sống. Hiệu quả thực hiện nghị quyết của Đảng trên thực tế đó chính là
thước đo bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn Đảng. Cơ sở
nền tảng cho sự vững vàng bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên là
sự kết hợp giữa trình độ lý
luận, trình độ chuyên môn nghiệp vụ với kinh nghiệm rút ra từ hoạt động thực
tiễn. Để có bản lĩnh chính trị thực sự vững vàng, từng cán bộ, đảng viên vừa
phải tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp
vụ, vừa phải lăn lộn vào phong trào hành động cách mạng để thử lửa, tôi luyện,
tu dưỡng, phấn đấu. Không chỉ có khả năng và “sức đề kháng” tốt, trên cơ sở bản
lĩnh chính trị vững vàng, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải chủ động, tích cực
tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần làm
thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời
kỳ mới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét