Âm mưu "phi chính trị hóa lực lượng vũ trang" là một trong những trọng tâm chống Đảng, Nhà nước và hướng lái, chuyển hóa cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch.
Càng đến gần thời điểm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại càng gia tăng các hoạt động tuyên truyền chống phá, thực hiện âm mưu "Diễn biến hòa bình" trên nhiều lĩnh vực.
Một trong những thủ đoạn tuy không mới nhưng rất thâm độc, đó là chiêu bài đòi "phi chính trị hóa lực lượng vũ trang". Bằng nhiều hình thức ngày càng tinh vi, dã tâm của chúng là nhằm phủ định vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Lực lượng lượng vũ trang, làm cho lực lượng vũ trang không còn là công cụ bạo lực sắc bén, không còn là lực lượng chính trị tin cậy của Đảng và Nhà nước ta.
Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận, lại càng không thể bóp méo, đó là: Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam ra đời, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành từ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng là nhân tố quyết định sự trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của các lực lượng vũ trang. Và những chiến công, truyền thống anh hùng rất vẻ vang trong gần 80 năm qua là minh chứng rõ nét nhất, thuyết phục nhất cho điều tất yếu khách quan này
.
Sự lãnh đạo của Đảng làm nên sức mạnh của lực lượng vũ trang
Năm 1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời. Trước đó, khi giao nhiệm vụ thành lập đội quân chủ lực đầu tiên, Bác Hồ đã dặn đại tướng Võ Nguyên Giáp phải có chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo.
Đoạn trích Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
Bấy giờ số lượng đội viên tuy ít và chi bộ lúc đó cũng chỉ có 4 người đã họp bàn phương án cho trận đánh đầu tiên là đồn Phai Khắt và Nà Ngần. Việc tổ chức chi bộ đảng lúc đó đã cho thấy tầm nhìn của người sáng lập Đảng về việc cần thiết phải có sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng đối với Quân đội.
Những ai đi qua đời binh nghiệp khi đứng dưới quốc kỳ đều thuộc lòng 10 lời thề danh dự của quân nhân mà trước tiên là thề hy sinh vì Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Sự rèn giũa của Đảng đã tôi luyện nên những người lính can trường và nhân văn, những quân nhân "chân trần chí thép".
Đường lối của Đảng dẫn đường, hòa quyện với khát vọng sục sôi giành độc lập dân tộc và hòa bình của nhân dân tạo thành một thứ sức mạnh cho một quân đội đủ sức chiến thắng những đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới. Kể cả khi đối phương đặt toàn bộ vào sức mạnh hủy diệt của B52 với những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh thế giới nhưng có một thứ không thể đổ sập. Đó là CON NGƯỜI.
Nhân tố chính trị - tinh thần được phát huy đã trở thành cội nguồn sức mạnh của Quân đội, bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng đối mặt với khó khăn, gian khổ, không ngại hy sinh, quyết chiến, quyết thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Còn với lực lượng công an, ngay từ khi mới thành lập đã lập công đầu, đập tan âm mưu chống phá của "thù trong, giặc ngoài", bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng non trẻ.
Sức mạnh và an ninh của chế độ nằm ở chính sức mạnh và uy tín của lực lượng vũ trang. Thế nên với vai trò là hai cánh tay của Đảng, của Chính phủ Quân đội và Công an trong bất cứ tình huống nào và ở bất cứ đâu phải luôn đi tiên phong bảo vệ sinh mệnh của Đảng, bảo vệ chế độ và bảo vệ hạnh phúc của Nhân dân. Đó là sứ mệnh cao cả bất biến của lực lượng vũ trang.
Mục tiêu "phi chính trị hóa lực lượng vũ trang" của các thế lực thù địch
Từ khi thành lập đến nay, lực lượng vũ trang luôn một lòng, một dạ trung thành với Ðảng, Nhà nước, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong mọi tình huống. Điều này đã được lịch sử ghi nhận!
Thế nhưng, những kẻ phản động, thù địch vẫn tìm mọi cách công kích, phủ nhận nguyên tắc "Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt" đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, nhằm làm cho 2 lực lượng quan trọng này mất phương hướng chính trị, xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu và bị vô hiệu hóa. Chúng lập luận rằng, quân đội, công an phải "trung lập", "đứng ngoài chính trị", "không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái nào". Chúng coi đây là một trong những trọng tâm chống Đảng, Nhà nước và hướng lái, chuyển hóa cách mạng Việt Nam.
Những âm mưu, thủ đoạn trên càng đặc biệt nguy hiểm khi những kẻ này triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là internet, các trang mạng xã hội, blog cá nhân... để tán phát, truyền bá quan điểm sai trái, thù địch. Chưa kể, lại được một số hãng truyền thông phương Tây, như VOA, BBC, RFA, RFI... cùng những phần tử thâm thù cách mạng, cơ hội chính trị, những người cả tin, thiếu tỉnh táo đi tung hô, cổ xúy.
Những quan điểm sai trái, thù địch phát tán trên Internet
Để thực hiện mục tiêu "phi chính trị hóa lực lượng vũ trang", các thế lực thù địch phản động tập trung phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; đỏi bỏ Điều 4 trong Hiến pháp. Chúng tung những luận điêu như: chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời, lạc hậu không còn đúng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Rồi xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, bóp méo đường lối, quan điểm của Đảng về quân sự, quốc phòng, an ninh, . Sự nguy hiểm của những luận điệu này không chỉ là nó được ẩn giấu dưới những vỏ bọc mỹ miều như là những nghiên cứu, luận giải nhưng hết sức phản phản khoa học rồi tán phát trên không gian mạng.
Các thế lực thù địch còn tiến hành nhiều chiêu trò nhằm suy diễn, quy kết Quân đội, Công an Việt Nam không vì dân, xuyên tạc bản chất của quân đội nhân dân, công an nhân dân. Một số tờ báo nước ngoài như BBC, RFI, VOA, RFA… với cái nhìn thiếu thiện chí, thường xuyên xuyên tạc tình hình Việt Nam đã đăng nhiều bài, tổ chức các "Bàn tròn" tranh luận, phê phán về việc chính quyền đưa Quân đội, Công an giải quyết một số vụ việc gây rối trật tự công cộng. Họ còn ngụy biện rằng "không cần phân biệt chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản, không cần chính trị, chỉ cần tiền, cần vũ khí, do đó quân đội, công an không cần đặt dưới sự Đảng".
“Việc đòi phi chính trị hóa quân đội và công an là bước đầu tiên để tiến tới đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là xóa bỏ điều 4 Hiến pháp".
PGS. TS, Thiếu tướng LÊ VĂN CƯƠNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an
Một thủ đoạn nữa trong âm mưu "phi chính trị hóa lực lượng vũ trang" là các thế lực thù địch tập trung phá hoại các nguyên tắc tổ chức cơ bản, xóa bỏ công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội và Công an. Chúng cho rằng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, lấy lợi nhuận làm mục đích, lấy vật chất làm đòn bẩy tinh thần, nên công tác đảng, công tác chính trị không còn phát huy tác dụng. Trong khi, đây là vấn đề nòng cốt để giữ vững và định hướng nền tảng tư tưởng chính trị trong quân đội, công an.
Không chỉ tấn công về tư tưởng, lý luận, những kẻ phản động, thù địch còn viện dẫn những hiện tượng cá biệt, đơn lẻ để đánh giá, xuyên tạc bản chất, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, Công an. Ví dụ, khi có một cán bộ cấp tướng bị kỷ luật Đảng vì mắc sai phạm, chúng đã nghĩ ra không ít "luận cứ", rồi quy chụp cho rằng những sai phạm đó xuất phát từ chính bản chất, truyền thống và đặc thù hoạt động quân sự; cho nên, quân đội không thể sửa chữa sai phạm, khuyết điểm; không thể lấy lại được danh dự, uy tín... Rồi cố tình bóp méo, suy diễn rằng nội bộ quân đội, công an đang có vấn đề, biểu hiện mất đoàn kết.
Không những vậy, lợi dụng sự bất mãn của một số cán bộ quân đội, công an bị suy thoái, biến chất qua các bài viết, phát ngôn của những người này trên mạng xã hội, chúng đã tuyên truyền xuyên tạc nói xấu Đảng, hòng làm cho quân đội, công an mất uy tín trong nhân dân, hạ thấp vị thế của quân đội, công an trong xã hội... Chúng ta không lạ lẫm gì cái trò "phá rối", "chọc gậy bánh xe" của những kẻ tự cho mình là người có "trách nhiệm" với dân, với nước.
"Phi chính trị hóa lực lượng vũ trang" sẽ dẫn đến điều gì?
Ngày 19/8/1991, để bảo vệ chế độ CNXH cũng như sự toàn vẹn của Liên Xô trước nguy cơ sụp đổ, một số những người cộng sản trung kiên, cứng rắn trong Đảng Cộng sản Liên Xô bấy giờ đã quyết định tiến hành một cuộc chính biến.
Quân đội và cơ quan an ninh của Liên Xô đã được huy động để thực thi nhiệm vụ này. Những chiếc xe tăng cũng đã tiến vào Moscow. Nhưng đúng vào thời khắc quyết định, những tính toán đã không diễn ra theo kế hoạch.
3 ngày sau khi chính biến thất bại, Gorbachov trở về Moscow. Quân đội bấy giờ cũng không có bất cứ hành động nào.
Những đoàn xe tăng kéo dài nhưng không biết hành động theo lệnh của ai, bảo vệ cái gì và chiến đấu chống lại ai
Ngày 23/8/1991, Bộ trưởng Quốc phòng tuyên bố rời khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô và ra lệnh mọi quân nhân phải trả thẻ đảng.
Một ngày sau (24/8), Gorbachov tuyên bố giải tán Đảng cộng sản Liên Xô.
Vậy chuyện gì đã xảy ra với quân đội Liên Xô suốt nhiều năm trước chính biến tháng 8/1991?
Từ năm 1985, cái gọi là cải tổ, cách mạng thực chất là phá bỏ nền tảng tư tưởng cộng sản của Đảng cộng sản Liên Xô do Gorbachov đứng đầu đã làm suy yếu quân đội và KGB về mặt chính trị.
Ngày 12/3/1990, Đại hội đại biểu nhân dân thông qua nội dung xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô (Điều 6, Hiến pháp), chấp nhận đa nguyên, đa đảng, từng bước xóa bỏ cơ chế Đảng lãnh đạo đối với lực lượng vũ trang.
Ngày 20/7/1991, Tổng thống Liên bang Nga B.Yeltsin ban bố sắc lệnh "phi đảng hóa", cấm các chính đảng hoạt động trong cơ quan nhà nước, bao gồm cả lực lượng vũ trang.
“Khi nền tảng tư tưởng của một đảng lãnh đạo quân đội sụp đổ thì nền tảng tư tưởng, hệ thống chính trị của quân đội cũng sẽ sụp đổ theo".
Đại tá LÊ THẾ MẪU, chuyên gia phân tích chính trị, quân sự
Hơn 7 thập kỷ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên xô, Quân đội Liên Xô không ngừng vững mạnh, một quân đội mang bản chất giai cấp công nhân, hùng mạnh nhất thế giới, một đội quân từng giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, cứu nhân loại thoát khỏi nạn diệt chủng của chủ nghĩa phát xít nhưng đã hoàn toàn thất thủ trước âm mưu "phi chính trị hóa" của kẻ thù, để rồi không thể bảo vệ được nhà nước Xô Viết - Chính thể sinh ra mình.
Đó là biến cố ở Liên Xô cách đây gần 30 năm. Khi lực lượng vũ trang bị phi chính trị hóa, bị vô hiệu hóa thì có thể làm sụp đổ cả một chế độ, làm tan rã một quốc gia hùng mạnh.
Biến cố này giúp cho chúng ta thấy được những bài học sâu sắc! Nếu âm mưu thâm độc trên được các thế lực thù địch, phản động thực hiện thành công ở Việt Nam, thì hậu quả sẽ vô cùng khôn lường, đòi hỏi chúng ta phải đề cao cảnh giác, chủ động đấu tranh.
Lực lượng vũ trang phải làm gì để xứng đáng với trọng trách của mình trong thời điểm hiện nay?
Ngay từ những ngày đầu lập nước, Công an nhân dân đã là lực lượng được trao nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Bác và bảo vệ chính quyền non trẻ.
75 năm qua, công an nhân dân tiếp tục thể hiện vai trò là là lực lượng vũ trang sắc bén của Đảng, Nhà nước, là lực lượng nòng cốt trong đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội; đấu tranh làm vô hiệu quá các âm mưu phá hoại, khủng bố, bóc gỡ các cơ sở nội địa của phản động lưu vong, giữ trọn sự bình yên để đất nước phát triển.
Nhắc đến lực lượng Công an nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người chiến sĩ công an luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, chấp nhận hi sinh, gian khổ, tận tụy hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ tổ quốc và phục vụ nhân dân. Chỉ biết "Còn Đảng là còn mình", luôn coi danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất.
Và tại hầu hết các cuộc làm việc với Lãnh đạo Bộ Công an, hay Bộ Quốc phòng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang luôn khẳng định tầm quan trọng của lực lượng vũ trang đối với Đảng, chế độ, với đất nước và nhân dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
"Quân đội và công an là 2 lực lượng thanh kiếm và lá chắn, 2 cánh của một con chim, bảo vệ giữ gìn nền hòa bình ổn định để phát triển đất nước".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Ít ai nghĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam mà tiền thân là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân từ khi mới được thành lập, chỉ với 34 chiến sĩ, cùng 34 khẩu súng các loại, và không hề có vũ khí hạng nặng, ngày nay, đã trở thành một đội quân lớn mạnh, đủ các quân binh chủng, được trang thiết bị nhiều vũ khí, khí tài hiện đại.
Nhưng yếu tố quan trọng làm nên sức mạnh quân sự của Việt Nam, chắc chắn không chỉ phụ thuộc vào vũ khí, trang thiết bị.
10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam đã gắn bó với các cán bộ, chiến sĩ như máu thịt trong suốt 75 năm qua.
Đó là danh dự của người chiến sĩ trong đội quân cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta sáng lập. Bất cứ ai, khi bước vào quân ngũ đều phải thuộc từng chữ, từng câu để mỗi buổi sáng đọc vang lời thề. Và 10 lời thề đó, sẽ theo suốt cuộc đời người lính, dù bất cứ ở đâu, từ Hà Nội trái tim của Tổ quốc đến quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa xa xôi, khi đứng dưới lá cờ thiêng liêng, từ trái tim mình, người chiến sĩ đều xin thề với những lời sắt son trước dân tộc, trước Đảng, trước nhân dân.
Thời điểm hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu mới rất nặng nề và khó khăn. Đòi hỏi trong bất cứ tình huống nào, lực lượng QĐND và CAND cũng phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia; trật tự, an toàn xã hội.
Trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và Công an càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực sự là những lực lượng vũ trang trọng yếu tuyệt đối tin cậy của Đảng.
"Công an và quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau".
Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1959
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét