Một số hoạt động can thiệp của các thế lực thù địch:
Hàng năm, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) có các báo cáo đánh giá, nhận định thiếu chính xác về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam và đề xuất Bộ Ngoại giao Mỹ có các hoạt động can thiệp. Cơ quan đặc biệt của Mỹ và một số nước EU đã bảo trợ, hậu thuẫn cho các trung tâm phản động lưu vong, tổ chức phi chính phủ (NGO) lợi dụng nhiều danh nghĩa, thủ đoạn khác nhau để thâm nhập, đẩy mạnh các hoạt động chống phá nước ta trên lĩnh vực tôn giáo; các tổ chức tôn giáo tại một số nước có đông lao động người Việt Nam (Hàn Quốc, Đài Loan, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Ả-rập Xê-út...) đẩy mạnh các hoạt động phát triển đạo trong cộng đồng người Việt và lợi dụng những khó khăn, sự kém hiểu biết của một bộ phận lao động Việt Nam, lôi kéo, mua chuộc, có nhiều hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta quyết liệt sau khi trở về nước.
Hoạt động chống phá của bọn phản động người Việt lưu vong:
- Được sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch, bọn phản động người Việt lưu vong tăng cường các hoạt động gây quỹ ở nước ngoài, tài trợ cho một số đối tượng tôn giáo cực đoan ở trong nước, triển khai các hoạt động chống phá chính quyền (năm 2016, chúng đã tổ chức quyên góp, tài trợ hàng trăm nghìn USD và đang tiếp tục huy động, chuyển về nước để ủng hộ các hoạt động chống phá của các linh mục thuộc giáo phận Vinh).
- Chúng đẩy mạnh hoạt động truyền thông (60 đài phát thanh tiếng Việt, gần 400 đầu báo và 90 nhà xuất bản, hàng ngàn website, blog… lập nhóm bí mật trên facebook để phân công thành viên trong và ngoài nước thu thập thông tin viết bài), nhằm xuyên tạc các vụ việc liên quan đến tôn giáo và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, như vụ Formosa ở Hà Tĩnh và một số vụ việc khác… để kích động người dân biểu tình, bạo loạn.
- Một số tổ chức phản động lưu vong tại Mỹ, Ca-na-đa, Đức, Pháp, Bỉ, Séc… đã đồng loạt tổ chức biểu tình vào các ngày cuối tuần tại trung tâm các thành phố lớn và trước trụ sở cơ quan đại diện Việt Nam, nhằm cổ vũ phong trào chống đối của các chức sắc và giáo dân cực đoan trong nước.
- Câu kết, móc nối, chỉ đạo, huấn luyện một số đối tượng trong nước tiến hành các hoạt động chống phá: Linh mục Nguyễn Văn Hùng (đảng Việt Tân - Đài Loan) đã chỉ đạo Linh mục Nguyễn Đình Thục (giáo xứ Song Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An) tổ chức cho giáo dân tuần hành, biểu tình phản đối Công ty Formosa (14/2/2017) và lồng ghép nội dung chống Đảng, Nhà nước ta. Đảng Việt Tân tại Mỹ chỉ đạo các đối tượng trong nước (Lê Văn Sơn, Trần Minh Nhật, Chu Mạnh Sơn) mua các thiết bị viễn thông để tường thuật trực tiếp diễn biến cuộc tuần hành trên đài SBTN “chân trời mới”… Trước đó, Linh mục Nguyễn Văn Hùng đã liên kết với Linh mục Nguyễn Đình Thục tổ chức “khóa huấn luyện lãnh đạo trẻ” (ngày 20 - 22/1/2017) tại giáo xứ Song Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An để huấn luyện kỹ năng tổ chức, lãnh đạo đám đông, cách thức viết bài, đưa tin, kinh nghiệm đối phó với cơ quan an ninh… cho một số đối tượng chống phá trong nước.
- Thúc đẩy hình thành các tổ chức “xã hội dân sự” trong Công giáo. Tìm cách thâu tóm các hội, nhóm “Thanh niên Công giáo”, “Club tương trợ”, “Người bạn của Nguyễn Quốc Quân”… Huấn luyện họ cách thức chuyển tải thông tin cho “đảng Việt Tân” và các tổ chức nhân quyền quốc tế.
- Lợi dụng các địa bàn giáp biên với nước ta để phát triển đạo “Tin lành Đêga” nhằm phát triển lực lượng và xây dựng đội ngũ cốt cán, từ đó chỉ đạo các “cơ sở ngầm” tại khu vực Tây Nguyên thu thập số liệu, hình ảnh để viết tin bài vu cáo chính quyền người Kinh “cướp đất, đàn áp người Thượng”.
Để nâng cao hơn nữa tính chủ động trong công tác đấu tranh phòng chống hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo của các thế lực thù địch, các cơ quan chức năng, cấp ủy các cấp thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ngừng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau giữa các tôn giáo, giữa người theo đạo và không theo đạo, chống tư tưởng kì thị, chia rẽ, cực đoan tôn giáo.
Hai là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và thực hiện tốt chính sách tôn giáo; tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho khu vực có đông đồng bào theo đạo; tranh thủ phát huy vai trò chức sắc, chức việc, người có uy tín trong các tôn giáo, tạo những hạt nhân quy tụ tín đồ sinh hoạt tôn giáo lành mạnh; cô lập, phân hóa, hạn chế ảnh hưởng của số chức sắc tôn giáo cực đoan.
Ba là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới đối với công cuộc xây dựng đất nước, những tiến bộ về dân chủ, nhân quyền trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta. Vạch trần âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo để chống phá nước ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét