Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo
Các vụ việc liên
quan đến những vấn đề nhạy cảm, như: Dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn
giáo... để tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống đối chính quyền; cổ
súy, bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật của các thế lực thù
địch không có gì mới nhưng vẫn hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, khi mà nhận
thức về pháp luật, sự am hiểu về quyền tự do dân chủ, nhân quyền và tự
do tôn giáo của một bộ phận nhân dân còn hạn chế và các thế lực thù địch
có sự móc nối với những phần tử bất mãn, cực đoan ở trong nước. Trong
số những đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam bị các cơ quan chức năng
bắt giữ, xử lý thời gian qua, có một số đối tượng là giáo dân mà một
trong số đó là Trần Thị Xuân, trú tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh
Hà Tĩnh, giáo dân thuộc Giáo xứ Cửa Sót - Hà Tĩnh. Lợi dụng việc các cơ
quan bảo vệ pháp luật bắt giữ đối tượng Trần Thị Xuân về hành vi "Hoạt
động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79, Bộ luật Hình sự,
một số phần tử phản động ở nước ngoài đã cấu kết tán phát tài liệu "Bắt
giữ giáo dân Trần Thị Xuân, an ninh Cộng sản Việt Nam đang tự hủy diệt
chế độ" có nội dung xuyên tạc tính chất vụ việc, phản đối chính quyền
nhân dân, cổ xúy cho những hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng này.
Chưa dừng ở đó, chúng còn vu cáo Việt Nam "đàn áp tôn giáo", vi phạm tự
do dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo. Chúng kêu gọi các tổ chức nhân
quyền quốc tế lên tiếng gây áp lực yêu cầu Việt Nam "trả tự do vô điều
kiện" cho Trần Thị Xuân và một số đối tượng.
Đồng bào theo tôn giáo trước hết phải là công dân của nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng như mọi công dân khác, đồng bào theo tôn
giáo phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thực hiện tốt trách nhiệm và
nghĩa vụ công dân. Không phải ngẫu nhiên mà trong Huấn từ và Sứ điệp
của Giáo hoàng Benedict XVI gửi Giáo hội Công giáo Việt lại viết: “Bằng
đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích,
anh chị em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người công giáo tốt cũng là
người công dân tốt”. Là công dân và cũng là giáo dân nhưng Trần Thị Xuân
đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Hành vi vi phạm pháp luật của công dân
Trần Thị Xuân là rất rõ ràng. Trần Thị Xuân là thành viên của cái gọi là
"Hội anh em dân chủ miền Trung". Ngày 3-4-2017, Trần Thị Xuân đã có
hành vi tham gia kích động giáo dân biểu tình chống chính quyền tại
huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Trước đó, vào tháng 5-2016, thông qua mạng xã
hội, Trần Thị Xuân làm quen với đối tượng Nguyễn Trung Trực, trú tại xã
Thạch Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) là trưởng ban điều hành của cái
gọi là "Chi hội anh em dân chủ miền Trung" (đối tượng này cũng đã bị cơ
quan chức năng tỉnh Quảng Bình bắt giữ để xử lý về hành vi "Hoạt động
nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79, Bộ luật Hình sự). Tháng
7-2016, Trần Thị Xuân được bầu làm phó ban điều hành "Chi hội anh em dân
chủ miền Trung" tham gia chỉ đạo chi hội với vai trò móc nối, tuyển
nhận các đối tượng tham gia vào chi hội, tổ chức các hoạt động chống phá
Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, tập trung phát triển lực lượng
tại địa bàn Hà Tĩnh. Từ đó đến khi bị bắt, Trần Thị Xuân đã tán phát,
chia sẻ nhiều bài viết, hình ảnh của các tổ chức, cá nhân phản động, cực
đoan có nội dung xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước; kêu gọi, kích động
người dân tụ tập biểu tình chống phá chính quyền nhân dân... Sự thật về
hành vi vi phạm pháp luật "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân"
của công dân Trần Thị Xuân là rất rõ ràng, mà hoàn toàn không phải như
những gì các thế lực thù địch, phản động tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo
trên một số trang mạng. Trước khi là một giáo dân, Trần Thị Xuân là một
công dân, do đó phải tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Việt
Nam. Trần Thị Xuân có hành vi vi phạm pháp luật và các cơ quan chức
năng của Việt Nam bắt giữ, xử lý đối tượng này là bắt giữ, xử lý đối với
một công dân vi phạm phát luật chứ không phải là đàn áp tôn giáo.
Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo Hiến pháp
và pháp luật. Các quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam đều tương
thích với Công ước quốc tế.
Điều 18, Công ước quốc tế
về các quyền dân sự và chính trị nêu rõ: “1. Mọi người đều có quyền tự
do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do có
hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, và tự do bày tỏ
tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người
khác, công khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như thờ cúng, cầu
nguyện, thực hành và truyền giảng. 2. Không ai bị ép buộc làm những điều
tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo hoặc tín ngưỡng
của họ. 3. Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị
giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an
ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ
các quyền và tự do cơ bản của người khác...”. Nhà nước Việt Nam nghiêm
cấm bất kỳ ai, nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng tôn giáo, núp bóng tôn
giáo để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ
chức xã hội, của các công dân. Ở Việt Nam không có chuyện phân biệt đối
xử giữa các tôn giáo. Mọi tôn giáo ở Việt Nam đều bình đẳng trước pháp
luật. Mọi trường hợp liên quan đến tôn giáo vi phạm pháp luật đều bị xử
lý nghiêm minh để giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội,
vì lợi ích chung của cộng đồng. Ở Việt Nam không có chuyện giáo dân bị
đàn áp, mà chỉ có công dân vi phạm pháp luật bị xử lý. Các cơ quan chức
năng bắt giữ, xử lý những công dân vi phạm pháp luật là việc làm bình
thường không chỉ ở Việt Nam mà ở mọi quốc gia trên thế giới. Nếu tổ
chức, cá nhân nào đó cố tình lợi dụng vụ việc các cơ quan bảo vệ pháp
luật Việt Nam bắt giữ, xử lý những công dân là giáo dân vi phạm pháp
luật để vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo là luận điệu xuyên tạc, bịa đặt
nhằm dụng ý xấu hòng kích động gây mất ổn định chính trị, chia rẽ khối
đại đoàn kết toàn dân... Luật pháp Việt Nam không cho phép tồn tại những
hành vi thấp hèn như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét