Trong bài viết cho báo Lao động gần đây, Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã đã cung cấp những bằng chứng khoa học chứng minh rằng, từ thế kỷ XVII đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất thực thi chủ quyền liên tục, hòa bình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và quá trình xác lập chủ quyền này được thể hiện rõ trên 4 nội dung sau đây:
Một là, chưa hề có nước nào như ở Việt Nam, chính sử, sách điển chế, sách địa lý ghi rõ việc xác lập chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Sách Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) do các sử thần thời Lê - Trịnh biên soạn theo lệnh của Trịnh Sâm năm 1775, có đoạn viết: “Tám người thuộc đội Hoàng Sa xã An Vĩnh huyện Bình Sơn phủ Quảng Ngãi đi thuyền nhỏ vào bãi Hoàng Sa giữa hải đảo tìm thấy hóa vật, bị gió dạt vào cửa sông Thanh Lan huyện Văn Xương phủ Lô Châu (nước Thanh)... Ngoài biển xã An Vĩnh có nhiều đảo lớn gồm hơn 130 đảo, cách nhau một ngày đi thuyền, hoặc vài canh giờ... Đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh xung vào đội ấy, cắt lượt nhau đi thuyền đến đảo mò tìm sản vật. Mỗi năm cứ tháng ba ra đi, mang lương ăn sáu tháng, đi thuyền ra biển ba ngày ba đêm mới đến đảo…”. Sang triều Nguyễn từ năm 1802 đến 1909, năm bắt đầu bị tranh chấp, có rất nhiều tài liệu chính sử, sách điển chế, sách địa lý minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa như Dư địa chí (1821) của Phan Huy Chú - nhà nghiên cứu bách khoa của Việt Nam đã viết cuốn này trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí. Chính Dư địa chí quyển 5, ở phần Quảng Nam, có nói đến phủ Tư Nghĩa. Hầu hết nội dung nói về phủ Tư Nghĩa là nói đến Hoàng Sa. Chứng tỏ Hoàng Sa rất quan yếu đối với phủ Tư Nghĩa hồi bấy giờ ....
Hai là, chưa hề có nước nào như ở Việt Nam, qua châu bản, văn bản chính quyền từ Trung ương đến địa phương ghi rõ việc xác lập và hành xử chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Tài liệu rất quý giá là châu bản triều Nguyễn (thế kỉ XIX), là các văn bản của triều đình nhà Nguyễn hiện đang được lưu trữ tại Kho lưu trữ Trung ương 1 ở Hà Nội. Ở đó người ta tìm thấy những bản tấu, phúc tấu của các đình thần các bộ như bộ Công, và các cơ quan khác hay những Dụ của các nhà vua về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn như việc vãng thám, đo đạc, vẽ hoạ đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc .… Chẳng hạn như Dụ ngày 18 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) trong Châu bản tập Minh Mạng số 54, trang 92 có đoạn viết: “Vua Minh Mạng ra chỉ dụ giao cho Bộ Công phạt cai đội Hoàng Sa Phạm Văn Nguyên 80 trượng vì tội trì hoãn thời gian công tác hay phạt 80 trượng giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiệm, Nguyễn Văn Hoằng chưa chu tất việc vẽ bản đồ Hoàng Sa. Trong khi đó lại thưởng dân binh đội Hoàng Sa Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh, mỗi người một quan tiền vì đã có công hướng dẫn hải trình của thủy quân đi Hoàng Sa” ....
Ba là, chưa hề có nước nào như ở Việt Nam, lại có nhiều tư liệu phương Tây từ thế kỷ XIX trở về trước ghi rõ việc xác lập và hành xử chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Ở đây có thể nêu ra một số tài liệu chính như: Nhật ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam. Hồi ức về Nam Kỳ (Le Mémoire sur Cochinchine) của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) viết vào các năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels. Thế giới, lịch sử và mô tả về tất cả các dân tộc cùng tôn giáo, cách cư xử và tập quán của họ (Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes) của Giám mục Taberd xuất bản năm 1833 cho rằng hoàng đế Gia Long chính thức khẳng định chủ quyền trên đảo Hoàng Sa năm 1816 .… Đó là chưa kể chính những tài liệu của Trung Quốc như các bản đồ cổ Trung Quốc do chính người Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước đều minh chứng Tây Sa và Nam Sa (tên gọi do Trung Quốc tự đặt ra để chỉ 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa) chưa hề thuộc về Trung Quốc. Tất cả các bản đồ cổ của Trung Quốc do người Trung Quốc vẽ không có bản đồ nào có ghi các quần đảo này. Tất cả các bản đồ ấy đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía Nam của Trung Quốc ....
Bốn là, chưa hề có nước nào như Việt Nam mà người phương Tây đã vẽ bản đồ xác định rất rõ “Paracel tức Hoàng Sa” và ghi chú Hoàng Sa thuộc xứ Đàng Trong của Vương quốc An Nam tức Việt Nam. Ngoài bản đồ An Nam đại quốc họa đồ của Giám mục Taberd, người ta còn thấy rất nhiều bản đồ do phương Tây vẽ từ thế kỷ XVIII, có ghi chú rõ Paracel thuộc Vương quốc An Nam hay Đàng Trong (Cochinchine). An Nam đại quốc họa đồ dài 80cm5 rộng 44cm của Giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định “Paracel seu Cát Vàng” (seu, trong tiếng La tinh có nghĩa “hoặc” hay “là”) Paracel hay là Cát Vàng tức Hoàng Sa, nằm trong cuốn từ điển Latinh - Annam ghi rõ ở tọa độ địa lý hiện nay và nằm trong vùng biển của Việt Nam ….
Tóm lại, từ thế kỷ XVII đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất thực thi chủ quyền một cách liên tục, hòa bình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc gần đây gia tăng các hoạt động lấp biển, xây đảo nhân tạo, quân sự hóa, tổ chức huấn luyện quân sự gọi là “thực chiến hóa”, nhất là việc đưa tàu Địa chất Hải dương 8 vào xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, đã và đang bị dư luận, công luận Việt Nam và các nước lên án mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin truyền thông, mạng internet cũng như tại các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế, khu vực./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét