Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023

ĐẢNG, MÙA XUÂN VÀ VẬN NƯỚC


Với người dân Việt Nam, mùa xuân luôn thiêng liêng và ấm áp. Mùa xuân gắn với Tết Nguyên đán - Tết cổ truyền của dân tộc, mở đầu năm mới âm lịch. Mùa xuân là mùa cây cối đâm chồi, nảy lộc, nở hoa và là mùa của niềm tin, hy vọng.
Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, có rất nhiều sự kiện trọng đại xảy ra vào mùa xuân. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào mùa xuân (ngày 3-2-1930) đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường xây dựng và phát triển của dân tộc ta. Từ mùa xuân năm ấy, vận nước đã thay đổi. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, dân tộc Việt Nam tiếp tục tạo lập thêm nhiều mùa xuân huy hoàng, khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.
Có lẽ hiếm có dân tộc nào trên thế giới khi nói đến Đảng cầm quyền, người dân lại dùng hai chữ “Đảng ta”. Hai chữ đó thật thiêng liêng, tự hào, gắn sâu trong tâm thức của các thế hệ người Việt 93 năm qua. 93 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phấn đấu không ngừng, luôn xứng đáng là “người đày tớ, người lãnh đạo thật trung thành của nhân dân”, “là đạo đức, là văn minh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng ghi nhận.
Sau mùa xuân thành lập Đảng, đến mùa xuân năm 1931 là sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương vào ngày 26-3-1931, tiền thân của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngày nay. Đây là tổ chức chính trị - xã hội lớn nhất của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Mùa xuân năm 1941, Bác Hồ kính yêu trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước. Giữa một vùng núi non trùng điệp với muôn hoa đua sắc và lòng người rưng rưng, lắng đọng trong giờ phút Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên lên đất mẹ tại cột mốc 108 (Pác Bó - Cao Bằng) trong sắc hoa Xuân rực rỡ sau bao năm xa Tổ quốc đã trở thành cảm hứng vô tận cho sự ra đời bài thơ “Mùa Xuân năm 1941” của nhà thơ Tố Hữu: Ôi sáng Xuân nay, Xuân bốn mốt/Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/Bác về... im lặng. Con chim hót/Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...”.
Điện Biên Phủ - chiến dịch quyết chiến chiến lược của quân đội nhân dân Việt Nam, là đòn tiến công tiêu diệt lớn nhất, điển hình nhất của quân và dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, giáng đòn quyết định đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp được tổ chức vào mùa xuân năm 1954 (chiến dịch kéo dài từ ngày 13-3 đến ngày 7-5-1954).
Trận Ấp Bắc là trận chống càn điển hình của quân và dân miền Nam Việt Nam đánh bại lực lượng càn quét của ngụy quân Sài Gòn được cố vấn Mỹ chỉ huy, báo hiệu sự phá sản của chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ diễn ra vào mùa xuân năm 1963 (2-1-1963). 5 năm sau, vào dịp Tết Mậu Thân (năm 1968), quân dân miền Nam nhất tề tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở 64 thành phố, thị xã và nhiều vùng nông thôn rộng lớn, tiến công hàng loạt căn cứ quân sự, đánh trúng các sào huyệt, cơ quan đầu não quan trọng của quân Mỹ và quân Ngụy, là đòn quyết định giáng vào chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.
Mùa xuân năm 1973, sau nhiều thất bại thảm hại, Chính phủ Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt mọi hành động ném bom, bắn phá miền Bắc Việt Nam. Ngày 27-1-1973, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pari lập lại hòa bình tại Việt Nam.
Mùa xuân năm 1975, cả dân tộc Việt Nam bừng bừng khí thế cho cuộc tổng tiến công chiến lược. Mở đầu là chiến dịch Tây Nguyên (từ 4-3 đến 24-3-1975). Kết thúc là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26-4 đến 30-4-1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Có một sự trùng hợp khá lý thú của lịch sử, các kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng ta thường được tổ chức vào mùa xuân. Sau mỗi kỳ Đại hội, Đảng ta lại đem đến cho đất nước những mùa xuân ấm áp, sinh chồi nảy lộc. Đại hội lần thứ nhất của Đảng diễn ra vào mùa xuân năm 1935 tại Ma Cao, Trung Quốc. Gần đây nhất là Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào mùa xuân năm 2021.
Trong các sự kiện về Đảng ta, mùa xuân và vận nước của Việt Nam không thể không nhắc đến các sự kiện diễn ra trên mảnh đất cách mạng Tuyên Quang. Từ khi có Đảng, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang một lòng một dạ sắt son theo Đảng, xây dựng phong trào, phát triển, củng cố cơ sở cách mạng vững chắc; tiến hành thắng lợi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã, cấp châu đầu tiên trong cả nước. Khi tình hình thế giới biến động mau lẹ, có lợi cho cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đã chỉ thị phải chọn ngay một địa bàn để làm căn cứ lãnh đạo cách mạng cả nước. Tân Trào, Tuyên Quang, mảnh đất hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, có dân tốt, cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và nước ngoài, đã được chọn làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước.
Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng được tổ chức tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang vào mùa xuân năm 1951 (từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951). Đây là một trong những sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước trưởng thành mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng. Đảng từ bí mật trở lại hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển cách mạng.
Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, vào mùa xuân năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Tuyên Quang để lãnh đạo toàn dân kháng chiến kiến quốc. Ngày 2-4-1947, Người về đến làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Một lần nữa, Thủ đô Khu Giải phóng năm xưa đã trở thành Thủ đô Kháng chiến, là nơi ở, làm việc của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Sau 7 năm Bác Hồ rời Tuyên Quang về Hà Nội, vào mùa xuân năm 1961 (trong 2 ngày 19 và 20-3-1961), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vô cùng xúc động được đón Người về thăm. Bác đã đến thăm xóm Hợp Hòa 2, xã Lưỡng Vượng (thị xã Tuyên Quang), Trung đoàn 246, Nông trường Sông Lô, Trường Thiếu nhi vùng cao, Trường Sư phạm cấp I Bình Thuận, Trường Bổ túc văn hóa tỉnh, Trường Đảng tỉnh Tuyên Quang. Người đến dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ III; nói chuyện với nhân dân Tuyên Quang tại sân vận động thị xã; thăm và nói chuyện với nhân dân Tân Trào (Sơn Dương)…
Thực hiện lời căn dặn của Bác khi Người về thăm Tuyên Quang, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết thống nhất, phấn đấu không ngừng và đạt nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt trong năm 2022 vừa qua với sự tăng trưởng kinh tế cao, diện mạo từ đô thị tới nông thôn được đổi thay khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện.
Mùa xuân năm 2023 này là mùa xuân thứ 93 kể từ ngày Đảng ta ra đời và là mùa xuân thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Năm 2022 vừa khép lại với những thành tựu toàn diện của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, đối ngoại, an ninh quốc phòng, đặc biệt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, kinh tế đạt tăng trưởng ở mức cao nhất trong nhiều năm qua, vượt qua mọi dự báo lạc quan nhất, tạo đà cho hầu hết các lĩnh vực khác bứt phá… Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những thành công lớn, tạo bước chuyển mạnh mẽ. Không còn vùng cấm, không có ngoại lệ. Liên tục các cán bộ vi phạm, kể cả cán bộ cấp cao bị “đưa ra ánh sáng”, bị xử lý đúng người, đúng tội thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao. Qua đó, thể hiện nhất quán quan điểm “nói đi đôi với làm” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Dẫu vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, song kết quả của những nỗ lực trong năm vừa qua là tiền đề rất quan trọng cho vận nước vào năm 2023 này.
Với nhân dân, Đảng ta luôn là mùa xuân của dân tộc.
Đại tá, nhà báo ĐỖ PHÚ THỌ
Có thể là hình ảnh về 1 người, hoa và văn bản cho biết 'ởi tất cả sự khiêm tán, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ cÓ được cơ đồ, tiềm lực, vị thể và uy tín quôc tế như ngay nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả môt quả trình nỗ lực phẩn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta... TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG'

1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét