Không chỉ là người có uy tín trong cộng đồng, bà Thoa còn lưu giữ nghề bốc thuốc Nam gia truyền, giúp cứu sống không ít người qua cơn hiểm nghèo và cùng cộng đồng xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. 

Nối nghề thuốc Nam, chăm làm việc thiện

Khi giới thiệu về tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng cao tỉnh Yên Bái, đồng chí Nguyễn Thượng Phi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đông Cuông dẫn chúng tôi xuống thôn Gốc Quân, nơi có 100% hộ dân là đồng bào DTTS sinh sống.

Đi trên con đường trải bê tông quanh co dẫn về bản, đồng chí Nguyễn Thượng Phi chia sẻ, nói đến già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng DTTS, lâu nay người ta thường nghĩ đó là công việc của những cụ ông. Nhưng ở xã vùng cao hẻo lánh Đông Cuông lại có một người phụ nữ vượt qua định kiến của bản làng để đảm nhận trách nhiệm nặng nề này.

Bà không chỉ là người am hiểu phong tục, tập quán; trực tiếp tham gia truyền đạt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào mà còn là nhân tố tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân từ bỏ những hủ tục mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống văn hóa mới, giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng bản làng vùng cao giàu đẹp, văn minh.

“Bà tiên” của bản nghèo
Bà Hà Thị Thoa phát triển và bảo tồn những bài thuốc hay, những cây thuốc quý. 

Chúng tôi băng qua dòng suối xanh mát và hướng về phía sườn núi, nơi có ngôi nhà sàn nằm thấp thoáng dưới tán cây. Ngay trước sân nhà là những chiếc nia lớn phơi thuốc xếp thành hàng dài ngay ngắn. Mùi thuốc Nam bay theo gió ngan ngát một khoảng vườn. Chủ nhân của những vị thuốc gia truyền này là người phụ nữ dân tộc Mường, bà Hà Thị Thoa.

Dẫn chúng tôi ra khu vườn ngắt từng loại lá cây, bà Thoa giới thiệu công dụng của từng vị thuốc quý. Gần 70 tuổi, bà có hơn 40 năm trong nghề bốc thuốc Nam gia truyền của dân tộc, trong đó có bài thuốc chữa rắn cắn. Từ những phương thuốc quý này, bà Thoa không nhớ mình đã cứu sống bao nhiêu người qua cơn hiểm nghèo. Trong lòng người dân Đông Cuông, bà Thoa luôn là người “mế” chu đáo, ân cần, sẵn sàng đi khắp các cánh rừng gần xa, tìm bằng được cây thuốc quý về trồng để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Trồng thuốc, thái thuốc, phơi thuốc rồi chia đơn thành nhiều thang nhỏ gói lại cẩn thận, bà Thoa dẫn chúng tôi đi ngược lên núi, đến một căn nhà nhỏ xiêu vẹo. Đẩy cánh cổng khép hờ, bên hiên là một cậu bé gầy gò, xanh xao đang ngồi dựa lưng bên bậu cửa.

Thấy bà Thoa, mắt cậu bé đang cụp xuống bỗng sáng bừng, reo vui. Nhẹ nhàng, gần gũi như người thân trong gia đình, bà Thoa ân cần ngồi xuống nói chuyện, rồi vén tay áo của cậu bé bắt mạch. Mở những gói thuốc nhỏ mang theo, bà Thoa tận tình hướng dẫn cậu bé cách rửa thuốc, đo lượng nước và cách sắc thuốc.

Ngồi lân la hỏi chuyện, cuối cùng cậu bệnh nhân nhỏ tuổi là Lương Văn Hiếu cũng bớt rụt rè, kể: "Bố cháu mất sớm, mẹ cháu từ sáng đến tối đều phải đi rừng, làm nương để nuôi hai anh em cháu ăn học. Thời gian này, cháu bị bệnh, mẹ thì thường xuyên vắng nhà, chỉ có bà Thoa hằng ngày đến mang thuốc, chăm sóc cháu tận tình. Cháu yêu quý bà Thoa như người bà của mình”.

Bà Thoa kể thêm, những năm trước, việc đốt nương làm rẫy, chặt phá rừng diễn ra nhiều, dẫn đến không ít cây thuốc quý ở rừng sâu dần cạn kiệt. Để lưu giữ những cây thuốc quý, bà tìm cách mang về trồng, vừa là cây mẫu cho con cháu biết, vừa là thuốc cho bệnh nhân dùng. Nghĩ người ta mắc bệnh cũng như mình mắc, bà Thoa không quản đường xa vất vả đến với người già yếu, các gia đình nghèo, đưa thuốc cho mọi người.

Bà tìm hiểu mô hình Chi hội Đông y và tham mưu cho xã thành lập rồi cùng mọi người trong hội sưu tầm cây thuốc quý, những bài thuốc hay, thành lập các nhóm đến tận nhà chữa bệnh cho dân bản. Với vai trò là Chi hội trưởng Hội Đông y xã Đông Cuông và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Đông y tỉnh Yên Bái, bà đã có nhiều đóng góp tích cực, truyền đạt kinh nghiệm tới các hội viên để cùng phát triển nền y học dân tộc nước nhà.

Xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh

Không chỉ là Chi hội trưởng Hội Đông y xã Đông Cuông, bà Hà Thị Thoa còn được dân bản tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Gốc Quân. Bà tiếp tục là đầu tàu trong tuyên truyền đồng bào xóa bỏ hủ tục mê tín dị đoan, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Con đường bê tông dẫn từ đường chính của xã về bản chỉ dài gần 400m nhưng lại là bước tiến lớn trong việc thay đổi nhận thức của dân bản khi họ không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà tự nguyện bỏ tiền của, công sức ra làm đường, kéo điện thắp sáng bản làng, xây dựng nếp sống mới.

Đó là thành quả sau một thời gian dài bà Thoa tích cực tham mưu cho chi bộ, chính quyền thôn và chủ động đi từng ngõ, gõ từng nhà, nói chuyện với từng người dân để bàn bạc, thuyết phục. Đồng chí Cẩm Ngọc Tuyến, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Gốc Quân cho biết, thấy đường sá đi lại gặp rất nhiều khó khăn, đồng chí Thoa đã bàn bạc với cấp ủy, chi bộ, Ban Công tác mặt trận thôn xây dựng kế hoạch, vận động nhân dân làm một việc hiếm có trên địa bàn huyện Văn Yên.

Đó là vừa vận động nhân dân hiến đất, vừa đóng góp toàn bộ tiền của, công sức để kiên cố hóa đường thôn bản, kéo điện thắp sáng, trồng hoa hai bên đường. Giờ đây, đường được mở rộng, giao thông đi lại thuận tiện, bà con dân bản rất vui và càng thêm tin tưởng vào chi bộ, chính quyền và người có uy tín trong thôn hơn.

Người dân trong thôn còn tích cực vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhà cửa, di dời chuồng trại gia súc, gia cầm ra xa nhà. Hằng tuần cùng nhau dọn cỏ, trồng hoa làm đẹp từng tuyến đường, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi.

Góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc

Thôn Gốc Quân có 155 hộ, trong đó có tới 87% là người dân tộc Tày Khao sinh sống. Việc giữ gìn bản sắc dân tộc, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cha ông để lại luôn được chính quyền, nhân dân địa phương quan tâm hàng đầu. Bản thân bà Hà Thị Thoa đã bỏ công nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm những nét đẹp văn hóa của cả người Mường và người Tày Khao lâu nay bị mai một, từ đó khôi phục và truyền dạy lại cho người dân trong thôn. Một trong số đó là tục múa thờ mẫu Đệ nhị Thượng ngàn của người Tày Khao.

Chị Hoàng Thị Hương Giang tâm sự, dân tộc Tày Khao có tục thờ mẫu Đệ nhị Thượng ngàn. Qua nhiều năm, điệu múa xòe Tày bị mai một dần. "Cô Thoa vừa nhiệt tình truyền dạy điệu múa xòe cổ, vừa giải thích tỉ mỉ những giá trị văn hóa ẩn chứa trong đó nên tôi càng học lại càng yêu thích và thêm trân quý những giá trị văn hóa của dân tộc mình", chị Hoàng Thị Hương Giang chia sẻ. Với bà Thoa, một bản làng có nhiều dân tộc cùng sinh sống cũng là cơ hội để bà tìm hiểu và bảo tồn thêm nhiều giá trị văn hóa các dân tộc khác nhau.

Bà chia sẻ: “Là người dân tộc Mường, khi được nhận nhiệm vụ là Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi ở một bản đa số là người dân tộc Tày, tôi đã đi khắp các bản gần xa, gặp gỡ những cao niên trong bản, hỏi họ về từng nét đẹp trong văn hóa dân tộc Tày, rồi cẩn thận ghi chép lại. Soi chiếu vào thực tế thấy một số thứ đã bị mai một, kể cả phong tục, tập quán, cả tiếng nói và các lễ hội. Tôi đã mày mò học để khôi phục dần, sau đó tập hợp các cô, chị em trong bản để truyền dạy".

Bà Thoa ước tính, đến nay, đã có khoảng 80% phong tục, tập quán và lời ăn tiếng nói, câu hát, câu ví, giặm của dân tộc Tày và Mường ở Đông Cuông được phục hồi. Với những đóng góp âm thầm đó, bà Hà Thị Thoa đang thể hiện vai trò của người cao tuổi trong việc giữ hồn cho dân tộc.

Lúc chia tay, đồng chí Nguyễn Thượng Phi hồ hởi khoe với chúng tôi, thường xuyên có các chi hội đến đây tham quan mô hình Chi hội Người cao tuổi thôn Gốc Quân, đặc biệt là tấm gương điển hình Hà Thị Thoa, qua đó vừa nhân rộng gương điển hình tiên tiến trên địa bàn xã, vừa động viên, khích lệ nhân dân, lan tỏa phong trào xây dựng nông thôn mới đến những địa bàn vùng cao còn nhiều khó khăn. 

Bài và ảnh: KIM HUỆ

nguồn báo QĐND