Hiện nay, có một số người băn khoăn về nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa thuộc về những thành phần nào, hay nói cách khác là nhiệm vụ đó thuộc cơ quan, tổ chức, cá nhân nào.
Cần phải khẳng định rằng, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó lực lượng cán bộ, đảng viên là nòng cốt.
Những năm qua, căn cứ vào yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ cụ thể của cách mạng Việt Nam, vào Cương lĩnh của Đảng, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (tuyên truyền, bảo vệ và đấu tranh) được chú trọng và đẩy mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” (Nghị quyết 35- NQ/TW). Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài; không chỉ là công việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước mà là của cả hệ thống chính trị, đồng thời cũng là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên là lực lượng tiên phong. Để đấu tranh, bảo vệ thành công nền tảng tư tưởng của Đảng, trước hết phải bảo vệ vững chắc nội bộ. Nội bộ đoàn kết, không dao động, không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì thế lực thù địch dù có nhiều âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt đến mấy cũng khó bề làm lung lạc ý chí, niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Vì thế, việc đầu tiên là cần có biện pháp đấu tranh, khắc phục thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý không chỉ phai nhạt lý tưởng mà còn thiếu niềm tin vào con đường xã hội chủ nghĩa.
Quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mỗi cá nhân, tổ chức thường bắt đầu từ mất niềm tin, mất phương hướng, từ bỏ lý tưởng, mục tiêu cách mạng, tiến tới du nhập tư tưởng, lý luận phi mác-xít, sẵn sàng “trở cờ” phản bội, đưa đất nước đi theo hướng khác, con đường khác phi xã hội chủ nghĩa.
Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - bảo vệ linh hồn, mạch sống của Đảng, trận tuyến tuyên truyền/bảo vệ và đấu tranh theo Nghị quyết số 35-NQ/TW được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; trong đó, lực lượng cán bộ đảng viên các cấp là nòng cốt. Tại mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là người đứng đầu và với mỗi cán bộ, đảng viên, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải được quán triệt thường xuyên, trở thành công việc tự giác, chủ động, kịp thời, nhằm ngăn chặn và làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.
Mỗi đảng viên phải ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bởi vì danh dự và uy tín của Đảng không thể tách rời danh dự, uy tín của mỗi đảng viên. Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết khẳng định và tiếp tục cụ thể hóa: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Lực lượng cán bộ, đảng viên các cấp có vai trò quan trọng, kết hợp giữa nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ lâu dài để đi tiên phong trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Việc thực thi nhiệm vụ tuyên truyền, bảo vệ và đấu tranh của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị chính là nhằm tiếp tục làm cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...
Đồng thời, thông qua tuyên truyền, bảo vệ và đấu tranh để nhận diện đúng, kịp thời; để nâng cao khả năng tự phòng, chống của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của các thế lực thù địch, của các đối tượng phản động, cơ hội chính trị.
Trong thực thi nhiệm vụ tuyên truyền, bảo vệ và đấu tranh, một mặt phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về Internet, truyền thông, báo chí và mạng xã hội gắn liền với việc bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý các hoạt động trên không gian mạng để làm căn cứ cảnh báo, răn đe và xử lý các trường hợp vi phạm.
Thực tế cho thấy, “sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”, không chỉ gây bức xúc, mất lòng tin của nhân dân mà còn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Đặc biệt, một quan điểm chỉ đạo quan trọng được nêu trong Nghị quyết số 35-NQ/TW chính là việc các cơ quan chức năng, các lực lượng chức năng cần phải chú trọng sự gắn kết chặt chẽ giữa xây và chống trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Trong đó, xây là giải pháp tập trung vào bên trong, nội tại để chống đạt hiệu quả hơn; còn chống là sự hướng vào việc ngăn chặn những tác động tiêu cực từ bên ngoài, để không chỉ tiếp tục phát huy những giá trị và những ưu thế đã và đang có, mà còn từng bước ngăn chặn, làm thất bại mọi hoạt động làm phương hại đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ để xây được ổn định và vững chắc hơn, để kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Mục tiêu, lý tưởng cách mạng của chúng ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Để hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng cao đẹp ấy, các thế hệ cha ông ta đã không tiếc xương máu hy sinh để giành và giữ vững nền độc lập dân tộc, tạo cơ sở, tiền đề xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chúng ta được sống trong hòa bình, có cơ hội phát triển toàn diện, những thành tựu to lớn của đất nước hôm nay đã được viết bằng máu và nước mắt của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước, của lớp lớp cán bộ, đảng viên kiên trung với lối sống cao đẹp, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy, rèn luyện và nâng cao đạo đức cách mạng, tận trung với nước, tận hiếu với dân, làm mọi việc để góp phần cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc là lương tâm, bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ của thế hệ cán bộ, đảng viên hôm nay./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét