Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2023

HỌC TẬP TÁC PHẨM: “MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM” CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG.

 

Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cuốn sách chuyên khảo, được tập hợp từ 29 bài viết, bài phát biểu tiêu biểu trong thời gian chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIII và sau đó, triển khai thực hiện Nghị quyết này, từ tháng 7-2018 đến tháng 12-2021. Trong đó, năm 2018, Tổng Bí thư công bố 3 bài; năm 2019 là 4 bài; năm 2020 là 9 bài; năm 2021 là 13 bài. Trong tác phẩm, Tổng Bí thư chủ yếu bàn về công tác xây dựng Đảng với 9 bài (gồm 5 bài về xây dựng Đảng và 4 bài về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII); về Chủ tịch Hồ Chí Minh: 3 bài; về chủ nghĩa xã hội: 2 bài; về Quân đội: 2 bài; về Văn hóa: 2 bài; về các nội dung khác, mỗi một lĩnh vực có một bài.
Tên bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư được công bố vào dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2022). Dựa vào bài viết này, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật sưu tầm, tập hợp thêm 28 bài viết tiêu biểu khác của Tổng Bí thư, xây dựng thành cuốn sách, lấy tiêu đề bài viết nêu trên để đặt tên cho cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Cuốn sách đã ra mắt và đến tay bạn đọc vào tháng 1-2022. Tính đến nay, cuốn sách đã được lưu hành và sử dụng tròn một năm, gây tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội ta và nhiều nước trên thế giới.
Nội dung bao trùm của cuốn sách được Tổng Bí thư tập trung luận giải bốn vấn đề cơ bản: 1. Chủ nghĩa xã hội là gì?; 2. Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa?; 3. Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam?; 4. Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì, đặt ra những vấn đề gì?.
Cuốn sách là một công trình khoa học có tầm lý luận rất cao, vì: a) Đã tổng kết thực tiễn cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam một cách sâu sắc, nhất là tổng kết thực tiễn - lý luận 35 đổi mới đất nước, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011); 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2011 - 2020; b) Tiếp tục khẳng định bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh giá trị và ý nghĩa của học thuyết này đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới kể từ sau sự kiện chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội với tư cách là một hệ thống lâm vào thoái trào. Có thể khẳng định đây là tác phẩm chuyên khảo về bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam, sau giai đoạn chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu sụp đổ; c) Tiếp tục khẳng định sự trung thành, kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; d) Phân tích, làm rõ mục tiêu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tác phẩm của Tổng Bí thư có giá trị, ý nghĩa sâu sắc đối với công tác nghiên cứu: (1) Tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. (2) Nâng cao nhận thức về các bài học kinh nghiệm, những quy luật và các vấn đề có tính quy luật được đúc kết, khái quát từ thực tiễn công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (3) Tiếp tục phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, phấn đấu thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. (4) Là tài liệu quan trọng cần cho công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân về tính tất yếu, mục tiêu, đặc trưng, bản chất, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. (5) Tạo sự đồng thuận, thống nhất về tư tưởng, nhận thức và hành động; là cơ sở để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân “chung sức đồng lòng”, phát huy mọi tiềm lực, nguồn lực, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bằng thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam và thế giới, Tổng Bí thư đã luận giải sâu sắc tính tất yếu khách quan của sự lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta.
Tổng Bí thư khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Bởi vì, chủ nghĩa xã hội với mục tiêu cao nhất là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện; là một chế độ xã hội mà con người được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc; không còn áp bức, bóc lột, bất công, một xã hội thực sự vì con người.
Tổng Bí thư khẳng định “mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta là phấn đấu xây dựng: i) “Một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người”; ii) “Sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội”; iii) “Một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn”; iv) “Sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai”; v) “Một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân”. Đây là mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, là định hướng để hiện thực hóa mục tiêu, con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, kiên định phấn đấu thực hiện.
Tổng Bí thư khẳng định bản chất chủ chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang xây dựng, hướng tới, đó là: “một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người”; “phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội”; “một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn”; “hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân”.
Tổng Bí thư đã phân tích, làm rõ quan điểm của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội với 8 đặc trưng cơ bản, đó là: “Một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. Tổng Bí thư khẳng định: Các đặc trưng ấy là nội dung của mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam.
Cùng với đó, Tổng Bí thư đã chỉ ra những nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội phải bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện, vững chắc trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Cụ thể:
Về kinh tế, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Về phát triển văn hóa, con người, xuất phát từ luận điểm nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Quân đội nhân dân, Quân đội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và được đặt dưới sự lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” của Đảng”. Đồng thời, chỉ ra các nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên đối với Quân đội.
Về vấn đề an ninh, Tổng Bí thư nhấn mạnh “giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống; tuyệt đối không chủ quan, lơ là; không để bị động, bất ngờ”.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị là nhiệm giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong cuốn sách của Tổng Bí thư, phản ánh vai trò, vị trí có ý nghĩa quyết định của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và công cuộc đổi mới nói riêng, cả về phương diện lý luận và thực tiễn; đặc biệt quan tâm đến công tác “xây dựng tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ”; “đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp”; “siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính”; kiên trì, kiên quyết “đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Những vấn đề trên được Tổng Bí thư đặt ra trong tác phẩm là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục tổng kết lý luận về đường lối đổi mới của Đảng ta; là tài liệu quý cần cho công tác giáo dục chính trị và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay./.
ST

1 nhận xét: