Sau hơn một năm nỗ lực với các công trình khoa học được ghi nhận, mới đây, anh vinh dự trở thành tiến sĩ trẻ nhất trong tốp 10 nhà khoa học nhận Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2022.

Vượt khó vươn lên

Lương Văn Thiện sinh ra trong gia đình có bố mẹ làm nghề nông ở một vùng quê nghèo thuộc xã Yên Thành, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Ngày ấy cứ mỗi mùa vụ đến, bố mẹ lại đi cấy thuê để có tiền nuôi hai anh em Thiện ăn học. Cuộc sống nghèo khó khiến anh xác định chỉ có con đường học vấn mới có thể giúp bản thân thoát nghèo. Không có tiền học thêm, Thiện đi xin sách Toán nâng cao cũ tự học. Những lúc chăn bò ngoài đồng, cậu tranh thủ mang sách ra học, cứ vậy, cậu học trò lớp 6 đã làm hết bài tập Toán cho cả năm học tiếp theo. Từ một học sinh trường làng, Thiện thi đỗ Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình), liên tiếp giành được giải thưởng trong kỳ thi học sinh giỏi Toán quốc gia. Năm 2010, mặc dù được tuyển thẳng vào Trường Đại học Y Hà Nội nhưng anh đã gác lại và chọn thi vào Khoa Điện tử-Viễn thông của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Quyết định đó ban đầu không nhận được sự đồng ý của bố mẹ, nhưng rồi với quyết tâm theo đuổi đam mê kỹ thuật, Thiện đã đỗ vào lớp kỹ sư tài năng của trường khiến bố mẹ càng vững tin vào quyết định của con trai.

Được biết đến với những công trình nghiên cứu khoa học ngay từ trên ghế nhà trường nhưng thật bất ngờ, Thiện chỉ bắt đầu tập tành nghiên cứu vào gần năm cuối đại học (năm 2015), khi anh gặp Tiến sĩ Ngô Vũ Đức. Thầy Đức đã giao cho anh một bài toán rất khó, trong khi kiến thức nền cho chủ đề đó gần như chưa có. Nhờ mách nước từ thầy, anh đã tìm cách đặt mua bằng được cuốn “Digital Transmission of Information”-một cuốn sách hiếm và khó tìm với chi phí không rẻ so với kinh tế eo hẹp của một sinh viên. Thiện phải tìm đọc rất nhiều tài liệu, sách, báo bằng tiếng Anh để hiểu hơn về cái mình sẽ làm. Kết quả là anh trở thành một trong những sinh viên hiếm hoi có hai bài báo được chấp nhận tại hai hội nghị khoa học quốc tế uy tín là IEEE PIMRC và IEEE ATC 2015 tại Hồng Công (Trung Quốc). Nhờ công trình này, anh nhận học bổng tiến sĩ toàn phần tại Đại học Queen’s Belfast mà không cần qua bậc thạc sĩ. Tốt nghiệp tiến sĩ với nhiều công trình xuất sắc, anh làm việc tại một trong những nhóm nghiên cứu viễn thông lớn thuộc Đại học Southampton (Vương quốc Anh), do Giáo sư nổi tiếng Lajos Hanzo trực tiếp hướng dẫn. 

Khát khao về nước để cống hiến
Tiến sĩ Lương Văn Thiện (đứng giữa) nhận giải thưởng Quả cầu vàng. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Nghiên cứu có ích cho xã hội

5 năm sinh sống và làm việc trong môi trường nghiên cứu hàng đầu tại Vương quốc Anh với điều kiện nghiên cứu và mức lương tốt, thế nhưng bất ngờ vào tháng 5-2021, Lương Văn Thiện trở về nước với lý tưởng “để cống hiến”. Quyết định này đã khiến nhiều người quen biết Thiện hoài nghi, thậm chí có người cho rằng đó là quyết định có phần điên rồ. Thiện không muốn giải thích mà khẳng định quyết định của mình là đúng đắn, là có cơ sở qua các công trình nghiên cứu khoa học. “Trở về nước, mọi thứ đều khá lạ lẫm với tôi nhưng rồi tôi không mất quá nhiều thời gian để bắt kịp công việc giảng dạy cũng như thành lập nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Phenikaa (Trường Đại học Phenikaa tọa lạc tại  phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Trường  được xây dựng theo mô hình đại học trải nghiệm; 50% thời gian học tập của sinh viên được trải nghiệm thực tế thông qua các tình huống và bài tập liên ngành-PV). Khi quyết định về nước, tôi biết sẽ có rất nhiều khó khăn đang chờ phía trước. Nhưng tôi tin, ở đâu có ý chí, ở đó có con đường. Tôi luôn hy vọng có thể cống hiến một phần nhỏ nhoi cho sự phát triển của nước nhà”, Thiện khẳng định.

Sau gần hai năm thành lập nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Phenikaa, Tiến sĩ Lương Văn Thiện và cộng sự đã đạt được những thành tựu nhất định trong công nghệ viễn thông và trí tuệ nhân tạo (AI). Anh cùng các cộng sự tại Anh, Mỹ, Israel đã thiết kế và tối ưu máy thu phát cả sóng radio và sóng ánh sáng, sử dụng mạng nơ-ron học sâu, giúp tăng đáng kể tốc độ dữ liệu và giảm tỷ lệ lỗi so với các hệ thống 4G cũ. Đây đều là những công nghệ hứa hẹn cho mạng 5G và 6G trong tương lai, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thành phố thông minh, nhà máy thông minh, y tế thông minh và xe tự lái. Ngoài công nghệ viễn thông, anh còn phát triển thêm các giải pháp công nghệ hữu ích cho các doanh nghiệp và bệnh viện. Trong đó, “Giải pháp trí tuệ nhân tạo phát hiện bất thường trong tín hiệu chuỗi thời gian ADT” đã được chuyển giao cho Tổng công ty Viễn thông MobiFone, giúp phát hiện và khắc phục kịp thời những cell di động có chất lượng download/upload suy giảm bất thường, bảo đảm trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Trước khi giải pháp này ra đời, rất khó để các kỹ sư MobiFone giám sát bất thường cho một số lượng lớn hơn 30.000 cell di động trên toàn quốc, chưa kể đến việc tìm nguyên nhân để khắc phục cũng mất rất nhiều thời gian và công sức. Giải pháp ADT hiệu quả hơn nhờ giúp khai thác triệt để dữ liệu viễn thông, đồng thời giảm đáng kể áp lực lên đội ngũ kỹ sư. Gần đây, “Giải pháp trí tuệ nhân tạo phân tích dữ liệu hệ miễn dịch của người Việt” đã được bàn giao cho Trường Đại học VinUni và Bệnh viện VinMec, giúp lần đầu tiên xác định các hằng số miễn dịch cho người Việt, tìm ra những thông số xét nghiệm quan trọng giúp phát hiện người bị ung thư hay người bị nhiễm trùng toàn thân. Nhờ những thông số quan trọng này, các bác sĩ có thể nhanh chóng tìm được phương án điều trị tối ưu cho bệnh nhân ung thư, tránh việc tốn thời gian và nguồn lực xét nghiệm quá nhiều thông số không cần thiết.

 “Truyền lửa” cho sinh viên

Ngoài thành tích trong nghiên cứu, Lương Văn Thiện còn đạt nhiều thành tích trong giảng dạy. Các nhóm sinh viên do anh hướng dẫn đã đoạt 3 trong số 4 giải sinh viên nghiên cứu khoa học của Khoa Công nghệ thông tin, trong đó có một giải nhất duy nhất thuộc về một sinh viên năm thứ nhất. Có 3 sinh viên là tác giả chính của 3 bài báo được chấp nhận tại Hội nghị quốc tế APSIPA, tổ chức tại Chiang Mai (Thái Lan) đầu tháng 11-2022. Ngoài ra, anh còn hướng dẫn 7 nhóm sinh viên lọt vào bán kết và chung kết Cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp Phenikaa. Luôn cho rằng nghiên cứu khoa học là công việc không thể ngày một, ngày hai, đó là công việc cần tính siêng năng, cần cù, sự tìm tòi, sáng tạo, vì thế, Thiện luôn cố gắng “truyền lửa” cho sinh viên có tinh thần tự giác, độc lập nghiên cứu. “Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn cố gắng truyền đạt kiến thức đến sinh viên một cách dễ hiểu nhất. Muốn nghiên cứu khoa học đạt được kết quả thì phải có tinh thần vươn lên, dám dấn thân, dám chấp nhận khó khăn thử thách, hành động bất chấp nỗi sợ hãi”, anh nhấn mạnh.

Sắp tới, Thiện mong muốn phát triển AIoT Lab của mình thành một nhóm nghiên cứu mạnh, đồng thời cùng với các em sinh viên Trường Đại học Phenikaa tạo ra nhiều công trình khoa học tầm cỡ, tìm tòi những giải pháp công nghệ hữu ích, giúp giải quyết các vấn đề thực tế xã hội đặt ra mà trọng tâm là các công nghệ AI và IoT  (internet vạn vật). Xã hội phát triển thì công nghệ AI và IoT ngày càng phải được áp dụng rộng rãi trên các lĩnh vực. Nhận thức được điều này nên nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Thiện luôn cố gắng, quyết tâm có những giải pháp công nghệ mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho quá trình kinh doanh, sản xuất, đồng thời giá thành cũng phải càng rẻ hơn.

Cũng theo Tiến sĩ Lương Văn Thiện, việc nhận được giải thưởng Quả cầu vàng chỉ là bước khởi đầu cho hành trình gian khó phía trước. “Tất cả chỉ là bước đầu, chúng ta không thể thỏa mãn với những gì mình đang có. Tôi mong muốn giải thưởng này sẽ lan tỏa trong cộng đồng hơn nữa, để truyền cảm hứng, động lực cho các bạn trẻ. Tôi cũng mong muốn Nhà nước sẽ đề ra những bài toán lớn, cụ thể để thu hút nhiều nhà khoa học trẻ từ nước ngoài về nước cống hiến; có những chính sách giúp tôn vinh những cống hiến, đóng góp của họ để họ cảm thấy công việc mình làm là quan trọng và ý nghĩa”, anh nhấn mạnh.

Nhìn nhận về quá trình nghiên cứu của Tiến sĩ Lương Văn Thiện, PGS, TS Ngô Hồng Sơn, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phenikaa cho rằng, trong thời gian không phải quá dài nhưng Tiến sĩ Thiện và các cộng sự đã có những kết quả đáng ghi nhận. Những công trình này không chỉ chứa đựng kiến thức, tính ứng dụng cao mà còn mang cả khát khao, hoài bão đến cháy bỏng của tuổi trẻ, của tinh thần tận hiến cho Tổ quốc.

ĐĂNG KHOA

nguồn báo QĐND